Từ Vương Kim Vân tới Lê Giang Trần: Bập bùng những hơi thở buồn!

05 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 8776)
Từ Vương Kim Vân tới Lê Giang Trần: Bập bùng những hơi thở buồn!

 

Với tôi, Lê Giang Trần như một “Công Tử Bạc Liêu” lỡ thời, thất thổ. Giữa khi Trần chưa kịp biểu diễn những đường gươm hoa mỹ của một tay chơi tỉnh lẻ về thủ đô, dưới những ngọn đèn màu Saigon thì, lịch sử sang trang. Đổi đời. Sóng biển Đông quăng, ném Trần ra trại đảo. Từ những chao chát nắng, mưa rát mặt ở hoang đảo, bản năng sinh tồn thiết lập cho Trần bảng chỉ dẫn mới. Bảng chỉ dẫn như một cuộc lột xác cay nghiệt, để sống còn. Những kinh nghiệm quá khứ thủ đắc được từ những năm tháng “tay chơi” bất kể ngày đêm, đã bị thực tế lóc sạch, thả đáy biển sâu. Những mưu sinh thoát hiểm mới, làm thành một thân thế khác cho Trần- - Trước khi trại đảo tiễn Trần vào đất liền. Vùng đất mới.

legiangtran
Nhà thơ Lê Giang Trần (Hình: Triết Trần)

Từ những năm tháng Houston, thủ vai người bảo trì, sửa chữa, quản lý mấy chục căn hộ của một chung cư, cũ kỹ…tới những năm tháng di chuyển về Los Angeles theo tiếng gọi khẩn thiết của người cha, trong vai trò của quản lý một tiệm buôn bán thực phẩm Á đông nhỏ của gia đình… “Công tử Bạc Liêu” nửa đời, nửa đoạn kia, như một chiếc lá nổi, chìm theo dòng sống, trăm dòng, nghìn bến. Và, hồi chuông nghiệt ngã cuối cùng đã gióng giả gọi đích danh Lê Giang Trần, khi Trần ngã xuống trong một tai nặng khuân vác nặng: Cụp xương sống.

Từ giã mọi toan tính, mơ ước…dù chấp chới, nhỏ nhoi. “Tay chơi Bạc Liêu” một thời trở thành chuyên viên chuyển âm phim bộ, khi phong trào phim bộ Hồng Kông “lên ngôi” trong cộng cộng đồng Việt tỵ nạn, quê người. Nhưng, rồi một lần nữa, định mệnh vẫn chưa chịu buông tha Trần. Định mệnh (đúng hơn bệnh hoạn và sự xuống thang của phim bộ Hồng Kông) lại nhận đầu Trần vào khó khăn mới: Đối mặt thực tế cay nghiệt cơm, áo đời thường!

Cho tới một buổi tối, tôi nhớ, thời gian đó, khoảng giữa thập niên 1980, Dì Từ Hạnh, một người bạn của chúng tôi, đem Lê Giang Trần về địa chỉ 1029 Ranchero Way, Garden Grove, căn nhà nhỏ, giáp tuyến với thành phố Santa Ana - - Địa chỉ tiếp nhận khá nhiều những mảnh đời lưu đầy, cần một nơi nương náu, ấm áp cho những ngày tháng đầu, tỵ nạn.

Đó cũng là thời gian, Võ Thạnh Đông mới… “ra riêng” dựng bảng tuần báo “Nghệ Sĩ” – Việt Dzũng theo tiếng gọi của Lê Văn Hào, trở lại Houston, khai trương “Nhà in Thế Giới”.

Trước đó, Trần Duy Đức cũng đã dẫn Đặng Thanh Phong, một cựu KQ, chuyên viên cơ khí, thất nghiệp về nhập bọn với đám làm báo còn lại của chúng tôi là Lê Dũng, Kim Ngân, Nguyễn Ngọc Oánh, Cao Đông Khánh, Đỗ Vẫn Trọn…

Trần Duy Đức lãnh nhiệm vụ hướng dẫn “Công tử Bạc Liêu” lỡ thời, thất thổ, những công việc liên quan tới nghề làm báo thời đó là cắt, dán, trình bày (đôi khi còn phải bỏ dấu tay nữa…)

Tôi nhớ, cuối tuần, mùa hè, khi báo đã được bỏ in, trên bậc cấp bước vào vườn sau, bên cạnh vòi nước tưới cây mà, phía trước là cây chanh sai trái, xa hơn, cuối sân, cây avocado cổ thụ cho bóng mát quanh năm… Lê Giang Trần ngồi, ôm guitar hát những bài hát cũ. Những bài hát đã hòa tan trong máu của Trần. Nó hiện diện tự nhiên, mặc nhiên, như hơi thở, quá buồn!

Những buổi tối thanh bình như vậy, tôi nhớ, Trần hát rất nhiều ca khúc quen thuộc. Có hai bài dường như không một lần “tự biên tự diễn” nào, Trần không hát - - Đó là “Ngăn Cách” của Y Vân và “Bài không tên số 2” của Vũ Thành An.

Tôi cũng nhớ, khi tiếng guitar bập bùng của Trần vẳng đưa trong không gian yên tĩnh của đêm Garden Grove, con đường nhỏ Ranchero Way, tiếng hát Trần cũng bập bùng những kỷ niệm rói tươi, thì dù ngày mai, có phải dạy sớm đem báo tới các thành phố rất xa như Canoga Park, Ventura, Los Angeles… Đặng Thanh Phong vẫn chồm dạy khỏi chiếc bàn ăn lớn, cuối phòng khách, để nghe Trần hát. Số anh em khác, trừ phi không có mặt, ai cũng bước lại gần, tìm một chỗ ngồi thích hợp, để được nghe rõ hơn, tiếng “bập bùng” đi ra từ lồng ngực tay chơi nửa đời, nửa đoạn này!

Khi Trần hát:
“Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài gắn bó đôi lời .Ta quen nhau một ngày, thương nhau trọn đời, giữ cho lâu dàị Khi chia tay lần đầu, duyên chưa đậm mầu cũng đã say nhiều - Một thời gian quen biết, tình ta tha thiết muôn phần.
“Nhưng không ai nào ngờ, duyên đang mặn mà bỗng đã chia lìa. Đêm chia ly lạnh lùng, đưa tay một lần, đến mai không còn. Đêm nay không còn dài, xin cho vài lời, chớ trách nhau hoài. Lời từ ly êm ái, để đâu không nói đêm naỵ (…) 
“Mây sao quên hạn kỳ? Cho trăng buồn vì nhớ mãi câu thề. Mây đem mưa trở lại, mưa hay nhiều lời, khiến trăng mỉm cười…”

Nhất là khi tới đoạn coda:

“Không! Trăm không ngàn lần, không ai giận hờn nếu đã hay rằng: ''Lòng người như chiếc lá, nằm trong cơn gió vô tình.'' (Wikipeadia-Mở)

Trần cao giọng lập đi lập lại ca từ “Không. Trăm không ngàn lần…” – Với tinh thần dứt khoát không giận hờn, không oán trách… Nhưng chúng tôi, những người nghe lại cảm nhận được một điều gì ngược lại. Nó thê thiết, nó đau đớn, chua xót hơn chính ý tứ mà những ca từ kia nhắm tới!!!

Cũng vậy, khi Lê Giang Trần bước qua “Bài không tên số hai”:

“…Kỷ niệm xưa đã chết, cơn mê đã chiều -, Tình yêu đã hết, xót xa đã nhiều Đời thôi sẽ còn mai sau -
Thôi em đừng xót thương - Rồi ngày tháng phai đi - Thôi cuộc tình đó tan rồi- Không còn gì nữa, tiếc mà chi…” (Nđd)

(Thì) tôi thực sự không biết Trần muốn nhắn gửi những lời ân tình đó cho người con gái ở bên kia biển Đông? Hay cho chính…Trần, trong hoàn cảnh lưu đầy này?.
Tôi cũng không biết, qua tất cả những ca khúc Trần hát, cuối tuần, đêm hè, ở 1029 Ranchero Way, thì Bạc Liêu, những ngày nước lớn, Bạc Liêu với Chợ Lồng nổi tiếng, và sắc màu ánh đèn Saigon – Chợ Lớn… phì nhiêu, có chiếm một vị trí đặc biệt nào trong bập bùng hơi thở dĩ vãng của Trần? Hay tất cả đã sớm trở thành một phần máu huyết, một phần muộn phiền bất ly thân trong đời sống tinh thần người trẻ tuổi này?
Thời gian đó, như tôi biết, cũng là thời gian những bài thơ tình đầu đời Lê Giang Trần được viết xuống - - Trước khi chúng được gom lại, do bằng hữu khuyến khích, để thành thi phẩm “Saigon ở phố lưu vong”, xuất bản năm 1991.
Gần đây, tình cờ một bạn đọc, gởi lại tôi bài viết ngắn, tôi viết thay cho lời tựa mở vào “Saigon ở phố lưu vong” - - Đọc lại bài viết ngắn của mình, sau hơn 20 năm, tôi còn thấy ngậm ngùi cho Trần, cho những kẻ thủy chung với kỷ niệm, gắn bó với nơi chốn:

“…Trong ký ức tôi, mãi tới đầu năm 1985, mới có ba chữ Lê Giang Trần.
“Trong gặp gỡ đầu, Từ Hạnh giới thiệu cho tôi một người đàn ông cùng làm nghề chuyển âm với Từ Hạnh trong khu chợ Viễn Đông ở đường 17 - - Tên Vương Kim Vân.
“Trong ký ức tôi, là căn phòng làm việc nép dưới những tàng cây avocado, đường Ranchero way. Trên chiếc ghế bố kê sát vách tường, tôi được đọc những bài thơ đầu tiên của Vương Kim Vân, ký Lê Giang Trần.
“Trong cái thế giới nhỏ bé, có những trái avocado rụng khô trong đêm. Lê Giang Trần ca cải lương, ca tân nhạc và viết văn nữa. Đời sống như thơ của anh, đơn giản, hiền lành.
“Tự nào giờ, tôi vẫn cho thi ca là tiếng nói đầu tiên và cuối cùng, tinh khôi nhất của một trái tim, tinh ròng không có chỗnhững làm dáng màu mè, trí thức. Tinh ròng hay, sần sùi, thô, nháp, là đặc tính đáng ghi nhận nhất của cõi thơ Lê Giang Trần.
“Tự nào giờ, tôi vẫn nghĩ, sân chơi tinh ròng thi ca, chỉ dành riêng cho những tấm lòng chung thủy mở ra với trời đất, với thiên nhiên, với bằng hữu. Kẻ làm thơ không có một tấm lòng thủy chung, thì, căn bản, y chỉ là một tay xài bạc giả. Cái bóng bẩy, hào nhoáng của nghệ thuật chỉ là một lớp sơn che dấu cốt lõi mục, rã.
“Tự nào giờ, tôi vẫn cho những kẻ thiết tha, gắn bó với nơi chốn, với cảnh đời y đã đi qua, chính là kẻ thủy chung ở với ta vậy.
“Lê Giang Trần chính là người ở với kỷ niệm, ở với nơi chốn. Cõi thơ của anh, đầy những cánh chim về núi. Cõi thơ của anh, bay trên những dậm trường khuất lấp, chân mây…
“Và, bạn còn muốn đòi hỏi gì khác hơn, những dậm trường tan nát trong thơ người mang tên Lê Giang Trần này?
“Du Tử Lê
“tháng 2-1991”.
.
Có dễ vì Lê Giang Trần tin rằng không ai đòi hỏi nơi Trần một điều gì khác hơn nữa, cho nên, phải mất 22 năm sau, Lê Giang Trần mới hiến tặng cho những người yêu thơ mình, thi phẩm thứ hai, tựa đề “Trạm người quá bước” - - Tập thơ ra đời cũng do thiện duyên của bằng hữu bốn phương ấp ủ và, nuôi nấng giùm anh.
“Trạm người quá bước” theo tôi, là một thể nghiệm thi ca mới mẻ, bước tới những chân trời lồng lộng bâng khuâng. cật vấn bản thể… Vì thế (?), nhà thơ Phan Tấn Hải, trong một bài đăng tải trên nhật báo Việt Báo, đã viết:
“Thơ của Lê Giang Trần là một trận gió ‘thơ mộng mãnh liệt’ − khi bạn mở trang sách ra, sẽ thấy những dòng chữ được nhà thơ ném lên trời, và rồi biến thành những trận gió lạnh buốt làm cho chàng run rẩy đối mặt với cuộc đời thơ mộng.
 
“Lê Giang Trần, trong phần Kết, cũng đã tự trình bày về thi tập này:
 
" ‘Những bài thơ này chuyên chở đời sống của những người đã sống một cách ‘thơ mộng’ mãnh liệt mà nhờ tình cờ hay tình thân tôi được biết. 'Chính cái chất thơ mộng hay mãnh liệt ấy gây xúc động cho tôi viết xuống một mảng đời. Nhất là cuộc sống đau đáu ấy lại là đời sống tị nạn lưu vong'.(trang 153)
 
“Thơ của Lê Giang Trần đa dạng, ngôn ngữ có nơi đùa cợt như khi gặp lại bằng hữu sau nhiều năm xa cách, có nơi bùi ngùi khi nhớ bạn đã bước qua cõi bên kia, có nơi tha thiết với mùi hương của tình nhân chợt nhớ lại... 
 
“Sống với những thơ mộng mãnh liệt, nghĩa là trực diện về tính cô đơn của cuộc đời, là thấy rõ những hư vỡ và bất toàn của đời, và cũng là nếm trải vô thường khi từng người tình biến mất − những ý nghĩa này lại nổi bật khi Lê Giang Trần đưa vào thơ thỉnh thoảng những dòng Kinh Phật.
 
“Và ngay cả khi Lê Giang Trần phải chấp nhận tính vô thường của cuộc đời, trong thơ vẫn ẩn tàng những nét khó hiểu của đau đớn. 
 
“Trong bài ‘Nhớ nhà rừng mai,’ Lê Giang Trần làm khi nhớ tới thi sĩ Phạm Công Thiện, chúng ta nhìn thấy những hình ảnh của thơ Thiền, như trăng sáng, rừng im, lạnh tỏa, rừng mai... và cả những bùi ngùi thương nhớ, trích:
 
“...rằm tháng giêng mất ngủ
trăng sáng trắng trên đầu
rừng im sương lạnh tỏa
lòng cạn như hồ sâu.
.
“lại lui về thị tứ
xuân nhớ nhà rừng mai
thương bạn bè quá cố
buồn bâng quơ tương lai.
..(tr. 23)
 
“Trong chương ‘Vào Thơ’, Lê Giang Trần nóí về duyên khởi của thi tập:
 
"...Khi chạm đến cái giới hạn của trí tuệ mới nhìn ra cái mông mênh của tri thức, như lời đức Phật dạy về hiểu biết bằng thí dụ nắm lá trong tay. Cho nên, dù tạm gọi là nghiệp dĩ thơ, sẽ có lúc thi nhân dừng lại vì năng lực chỉ đến đấy. Người nào luôn là kẻ lên đường sống từng giây phút mới lạ sinh động bất ngờ, người đó mới có thể có được sự mới mẻ đầy ân sủng, yêu đời tươi thắm trong tư tưởng. 
 
“Những bài thơ trong tuyển tập Trạm Người Quá Bước này là một số may mắn còn lưu giữ từ năm 1992 được gom lại và xuất hiện trong một ấn bản in năm 2013, do nhiều thân hữu góp tặng ấn phí và tuần báo Sống nhận phát hành. Từ nay đời sống của những bài thơ này tùy thuộc vào độc giả, ngoài tầm tay của tác giả.
 
“Mai kia mốt nọ nếu tôi có vài bài thơ thất thểu lang thang, mong được xem như là vết chân của người quá bước ngang qua vườn thơ". (Trang 8)
 
Có phải thi sĩ Lê Giang Trần đã ‘bước ngang qua vườn thơ’ như vừa nói? Hay cõi này thực ra chỉ là một cõi đầy đau đớn của người lưu vong? (...)”
(Phan Tấn Hải / Việt Báo). 
 
Trước khi khép lại bài viết này, tôi muốn mượn vài cảm nhận đã được nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ làm cho sắc xuống, khi ông viết về thi phẩm “Trạm người quá bước” của Lê Giang Trần:
“…55 bài thơ, bàng bạc những hồi ức, kỷ niệm với những chiêm nghiệm sâu lắng, đầy tính nhân văn về quê hương, tình người, tình bạn. Chữ thơ giản dị, mộc mạc, nhưng đã tạo được âm vang rất rộng, rất sâu. Chữ vẫy gọi chữ, âm vẫy gọi âm, dội vào tâm thức người đọc những liên tưởng, những hình ảnh, những ý tứ rung động đến nao lòng.
“55 bài thơ, bàng bạc những vết cứa trầm luân về phận người, phận mình sau 33 năm lưu vong, biệt xứ. Những chữ thơ kể chuyện trầm trầm, lời tình tự thoáng nét bi tâm nhưng không ai oán, khổ lụy. Người thơ ắt hẳn đã trải qua một chặng đường tu tập khá dài về tâm linh để bật ra một cách hồn nhiên, tự nhiên như hơi thở: Thơ này không phải là thơ/là anh gửi đến giấc mơ của mình/thơ này không phải là tình/là trong tim bất thình lình nói ra…Một quan niệm về thơ rất tự tại, rất thi sĩ!
“55 bài thơ, bàng bạc những tâm tình hoài vọng. Kể phận mình để nhớ đến phận người, mệnh nước. Xác thân ở xứ người nhưng tâm hồn vẫn lang thang bay về với ngọn cỏ, bóng cây, cành hoa, cụm khói, áng mây quê nhà. Cuộc đời nghiệt ngã, nổi trôi đã thăng hoa rồi kết tụ thành thơ. Thơ đã trở thành hơi thở của người thơ, gắn bó, đồng hành với người thơ trên nẻo đường thiên lý”. (Nguyễn Lương Vỵ).

Du Tử Lê
(Garden Grove, May 2015)
.
 Hai bài thơ tiêu biểu của Lê Giang Trần
.

Một đời mưa trôi


Chiều nay mưa vào tối
chim bay theo lá rời
mưa và hoa rụng rơi
có gì như tình khơi.
 
Chiều xưa mưa hoàng hôn
tóc ai thơm ngang đường
vàng lên khung trời muộn
dáng người xa còn vương.
 
Chiều hôm nao tạnh mưa
khúc đường quanh nhà nhỏ
như dòng sông sông nằm co
một tôi trên bến đò.
 
Nhà kia gần nhà thờ
vào thu vàng cúc nở
chiều mưa chuông ngân nga
buồn lan nỗi nhớ nhà.
 
Chiều đi ngả tối về
gió cuồng bay trên lộ
trời chuyển mưa như thế
làm sao em đi lễ?
 
Màn chiều lất phất mưa
xóm nhà quanh lối nhỏ
ngó về dãy phố xa
cách người vẫn cách xa.
 
Chiều mưa hoài mưa mãi
khoác áo đi tìm ai
đi luồn trong mưa bay
đi tìm chút men say.
 
Nhà đây người đâu thấy
lá vàng tiễn ai bay
hay rời theo bóng ấy
để trời mưa ngất ngây?
 
Một đời tôi mưa trôi
một đời hoa lạc lối
bước về con phố tối
trăng lạnh ngập hồn tôi.
(LGT, trích tập thơ "Sài Gòn ở phố lưu vong”, XB 1991)
 


Bến xe đò

Vào ra cái bến xe đò
Có hôm xe chở đời ta đến mình
Có hôm đổ xuống thình lình
Dưới con dốc khuất những tình tội xưa
Có ngày đợi chuyến xe thưa
Ngồi trong quán vắng giận mưa trách trời
Có khi bè bạn xa xôi
Về thăm gió bụi còn mùi phương xa.
 
Bến nào cũng lắm xót xa
Kẻ ăn xin sống ngả ba góc đường
Có cô xuống bến hỏi đường
Dung nhan ủ dột nét buồn man man
Có chàng bị túi than van
Đời trăm vạn nẻo đường thang thênh dài
Có em mặt ngọc mày ngài
Ngác ngơ lơ kéo bác tài xế vây
 
Có người phiêu dạt về đây
Rượu giang hồ uống cho say lên đường
Có đêm khuya khách má hường
Lượn qua lượn lại trên đường ngớt mưa
Có ngày bến vắng xe thưa
Trẻ em cao ốc buổi trưa thả diều
 
Bến xe nhộn nhịp sáng chiều
Kẻ lên người xuống lúc nhiều lúc vơi
Bến đi, dậy tiếng thúc còi
Bến về, ran tiếng nói cười gọi nhau
Bến đời, xuân đã rời lâu
Chuyến xe chung cuộc khi nao khởi hành?
 (LGT, trích tập thơ "trạm người quá bước”, XB 2013)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Ba 202012:00 SA(Xem: 11365)
họ không chỉ là những viên gạch lót đường mà họ còn là những con én lẻ loi, tin rằng trong hoàn cảnh nào thì, mùa xuân rồi cũng sẽ tới.
28 Tháng Giêng 202012:00 SA(Xem: 21625)
Với tiêu chí tự đặt cho mình: “Nhạc phải cho hay, lời phải cho đẹp và ý nghĩa;” Từ Công Phụng đã đem đến cho giới thưởng ngoạn những tình khúc sang cả, mượt mà từ nhạc tới lời.
10 Tháng Giêng 202012:00 SA(Xem: 34852)
Mặc dù, mỗi chúng ta, hằng ngày, bất cứ lúc nào, ở đâu, cũng có thể gọi được, tự làm lấy cho mình một ly cà phê sữa đá. Chỉ riêng Anh thì không. Chẳng bao giờ, chẳng bao giờ, nữa!
01 Tháng Giêng 202012:00 SA(Xem: 12281)
Mùa xuân đồng nghĩa với sự hồi sinh của tất cả mọi đọt, mầm. Từ đó, tin yêu, hy vọng lấp lánh khắp cùng trời đất.
30 Tháng Mười Hai 201912:00 SA(Xem: 18036)
Dù bây giờ, Việt Dzũng không còn nữa, nhưng những đóng góp, những đầu tư của Việt Dzũng cho tự do, nhân bản và tình người, sẽ mãi còn là những ngọn lửa ở được với mai sau.
04 Tháng Mười Hai 20191:55 CH(Xem: 11637)
Cách gì, cậu Trúc, Thứ Sáu tới đây, cả bà T., Orchid, và tớ cũng sẽ đi… “thăm” cậu; trước khi tớ sẽ gặp lại cậu, như ngày nào hẹn nhau ở Canada… cậu còn nhớ chứ?
02 Tháng Mười Hai 20191:03 CH(Xem: 5636)
Sáng Tạo đã thành công trong việc đổi mới thơ. Nhưng đã thất bại trong việc đổi mới thơ cho mọi người,
28 Tháng Mười Một 201912:00 SA(Xem: 11515)
Bị thôi thúc bởi ngọn lửa bập-bùng-náo- nức của T., cuối cùng, tôi cũng đã thực hiện được chuyến viếng thăm người họa sĩ nổi tiếng một thời của văn học, nghệ thuật miền nam
19 Tháng Mười Một 201912:00 SA(Xem: 20423)
Nguyên Sa đã chết! (Như Mai Thảo đã chết!) Dù, chính tôi theo chân những người thân yêu của anh, theo chân bạn hữu tiễn, đưa anh tới nơi an nghỉ cuối cùng.
02 Tháng Mười Một 201912:00 SA(Xem: 10737)
Tôi tự thấy mình thật thiếu sót, khi chỉ tìm đến vào cõi nhạc Trần Dạ Từ / Lê Hà Vĩnh, cách đây vài năm…
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 8852)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 17188)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12388)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19125)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9295)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 700)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1075)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1242)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22543)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14081)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19227)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7938)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8864)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8538)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11111)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30769)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20844)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25560)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22944)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21784)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19837)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18086)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19297)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16956)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16139)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24551)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32011)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34955)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,