Anh Việt Thu – bản thân ba chữ trong nghệ danh người nhạc sĩ đã có độ đẹp nhất định. Đọc lên nghe thăng bằng, có độ vững vàng, chưa kể độ ấm, độ vang. Đó là nét đẹp ngoại hình của nghệ danh. Ngoài ra, nghệ danh này còn có nét đẹp đầm ấm khác về tính huyết thống khi chúng ta được biết người em út của nhạc sĩ có tên là Việt Thu. Ông là anh cả trong nhà, cho nên lựa chọn nghệ danh là Anh (của) Việt Thu hòng luôn tự nhắc nhở trách nhiệm chỗ dựa của người huynh trưởng đối với bào đệ của mình.
Nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang. Được biết, ông là con cầu tự. Ông sinh 1939, lấy khai sinh tại Cái Bè. Tiền Giang. Cũng như nhạc sĩ Đặng Thế Phong (tác giả Giọt mưa thu, Con thuyền không bến), nhạc sĩ Anh Việt Thu thuộc tuýp người tài hoa nhưng yểu mệnh. Ông mất năm 36 tuổi. Cá nhân tôi được dịp trao đổi với một nhà nghiên cứu về sinh năng của con người về vấn đề tài hoa, yểu mệnh này. Có một lý giải mang màu sắc tâm linh rằng, một cá nhân càng phát tiết tài hoa mạnh mẽ, sớm sủa bao nhiêu, sinh năng càng tuôn trào cũng có nghĩa phần dương thọ của họ bị giảm sút tương đương. Nghe không hoàn toàn thuyết phục. Nhưng đó âu cũng là một góc nhìn cho thấy những luyến tiếc lớn lao của người đời đối với những cá nhân tài hoa bạc mệnh.
Có một thực tế khó chối cãi khi ngắm nghía kho tàng âm nhạc để lại của Anh Việt Thu, bài hát được bội số của triệu người đa phần là tầng lớp bình dân hát lên trong mấy mươi năm qua mà không (biết, quan tâm) tác giả là ai chính là bài hát
Người ngoài phố:
“Người đi đi ngoài phố, chừng bỡ ngỡ bơ vơ
Người đi đi ngoài phố, mấy dấu chân lạc loài
Hình bóng cũ người xa xưa
Còn đâu, còn đâu? Tình duyên đã lỡ làng.
Thôi chia tay nhau từ đây, nghe nước mắt vây quanh.
Biết lỡ yêu đương, sẽ đau thương suốt cả một đời.
Nhưng mấy khi tình đầu, kết thành duyên mong ước
Mấy khi tình đầu, kết tròn mộng đâu em”
(Trích ca khúc Người ngoài phố - Nhạc và lời: Anh Việt Thu)
Những người thất nghiệp đi lang thang trên đường hát nó, những chú xe ôm ế khách hát nó, một chị bán cá khô trong sạp chợ lấy cái quạt nan đuổi những con ruồi đi, vừa đuổi vừa hát nó, những anh chàng trẻ trung non nớt mới thất tình lần đầu hát nó. Giai điệu, lời hát dễ nhớ, dễ thuộc và chứa đựng không gì ngoài một nỗi bơ vơ bát ngát.
Nhắc đến bài hát này đầu tiên, phần là nó vô cùng phổ biến, phần là để bày tỏ sự đáng tiếc trong văn hóa cầm bút của giới nhận định, phê bình khi một vài người cầm bút tò mò đã có chỗ chưa tế nhị khi đặt bút kể lại hoàn cảnh ra đời bài hát Người ngoài phố công khai giai đoạn nhạc sĩ Anh Việt Thu nghèo khổ, rượu chè nhiều, vừa phải chuộc vợ con (đang ở khách sạn không có tiền trả), vừa phải mua quà tặng tình nhân (cô này sắp về quê). Tâm trạng ảo não, thất thế và hoang mang bất định đó ở nhạc sĩ Anh Việt Thu dẫu có thật đi nữa, thì cũng là một câu chuyện riêng tư đáng được tôn trọng của chính người nghệ sĩ, nhất thiết không phải là miếng thịt ngon để mổ xẻ mua vui. Đây cũng là một thí dụ điển hình làm cho bản thân tôi rất không ủng hộ việc giới phê bình, báo chí dành quá nhiều thời gian để tìm hiểu đời tư của một ai đó có tiếng tăm và hả hê khoe lên trang viết hơn là dành thời gian trầm tư với cái đẹp của tác phẩm họ.
Huống chi, nhạc sĩ Anh Việt Thu không chỉ có Người ngoài phố. Có thể nói dõng dạc rằng âm nhạc của Anh Việt Thu hoàn toàn không phải được điển hình bởi những ảo não, hoang mang, bơ vơ trong ca khúc Người ngoài phố.
Tôi muốn nhắc đến chất trữ tình trong trạng thái trầm tĩnh, âm nhạc vững chãi trong chuyển động, dào dạt, âm vang, trang trọng mà nhạc sĩ Anh Việt Thu đã trình bày trong rất nhiều ca khúc. Đó mới là hình ảnh Anh Việt Thu – nhạc sĩ thực thụ có nhiều đóng góp có giá trị cho nghệ thuật. Nói ngay, ông có một ca khúc đã được phân ngạch vào hàng sống dài với thời gian là bài hát Hai vì sao lạc.
“Người về, đường đi kết gió trăng sao
Người đi có biết chăng trong chiều nay bơ vơ
Nghe lá thu vàng rơi bâng khuâng
Bước chân ai về chừng thời gian ngừng trôi
Như quên đêm khuya để gió sương thêu thùa thầm làm ướt áo vai gầy
Người về chiều mưa hay nắng
Sao để khói lam chiều như se trùng màu không gian
Người về dòng sông thương nhớ
để bến vắng con đò buồn mong người người hay chăng?
Người là vì sao nhỏ bé
Ta mãi ước cho lòng là bầu trời xanh xanh...”
(Trích ca khúc Hai vì sao lạc - Nhạc và lời: Anh Việt Thu)
Dòng xanh trôi khắp bầu trời để nhớ vì sao đêm trước trong Hai vì sao lạc. Nét tinh tế trong sử dụng tiết tấu chậm, thoảng buồn bâng khuâng trong nền nhạc và tính cổ điển trong cách đặt lời hát (lá vàng, mưa, nắng, vì sao, gió, sương) tạo cho ca khúc dẫu nội dung mang màu chia biệt (nhưng lại toát lên vẻ đẹp sang trọng, nền nã. Đây mới thực là tinh kết của quá trình tạo tác nghiêm túc, tinh thần ổn định, một trong những nghệ phẩm cộp dấu Anh Việt Thu chính – hiệu – tinh – anh.
Trong 36 mùa xuân dương thế, nhạc sĩ Anh Việt Thu đã để lại một mùa xuân có em, một mùa xuân rất đẹp. Cũng không phải là một mùa xuân xập xình trống lân, tiếng pháo mà là một mùa xuân trữ tình, đằm và thắm biết bao.
“Nếu chiều nay lỡ hẹn không về,
Thì xuân năm nay sẽ buồn,
Sẽ buồn hơn mấy cội mai già,
Và mùa xuân quên mặc áo mới,
Hẹn hò xa xưa còn nguyên tất cả,
Dành cho em tình yêu rất lạ,
Dù sao anh cũng về, mộng xuân đã chín đỏ,
Bàn tay nâng niu hoa cúc,
Bàn tay hiu hắt giọt lệ đầy,
Em có nghe trời vào xuân chưa,
Bên sông từng giọt nắng hạ, .
Chợt lưa thưa và mùa xuân đó,
Có em thì xuân rất đẹp…”
(Trích ca khúc Mùa xuân đó có em - Nhạc và lời: Anh Việt Thu)
Trong thể thức nhạc phổ thơ, cũng rất thiếu sót nếu không nhắc đến hai bản được xem là nổi trội và có niên thọ chắc chắn dài ít nhất gấp mười lần của người làm nhạc. Đó là hai bản nhạc Nhớ nhau hoài và Gió về miền xuôi mà nhạc sĩ Anh Việt Thu đã phổ thơ của nhà thơ Thiên Hà.
Đọc tên ca khúc có lẽ không quen, nhưng bạn cứ hát lên bài Nhớ nhau hoài thì tôi chắc chắn rằng bác hàng xóm cũng sẽ nhớ mà hát theo, hát nối. Độ lan tỏa của ca khúc Anh Việt Thu đúng là thật lớn so với bút danh của ông.
“Em ở nơi nào, có còn mùa Xuân không em?
Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở, thì thầm.
Nắng ở trên đầu, nắng trong lòng phố,
Gió ở trên non, gió cuốn mây về.
Sao anh vẫn ngồi mà nghe cô đơn,
mà nghe nức nở trong hồn,
và thương đôi mắt nhỏ em buồn.
Vì mình yêu nhau, vì mình thương nhau nên mới giận hờn,
Vì mình xa nhau, nên nhớ nhớ nhau hoài…”
(Trích ca khúc Nhớ nhau hoài - Nhạc: Anh Việt Thu – Thơ: Thiên Hà)
Gió về miền xuôi thì sẽ phải được ghi nhận là một thành công cộng hưởng vô cùng đẹp của thơ và nhạc. Trong trường hợp này, có thể nói, nhạc nâng thơ bay rất cao. Sự da diết và ngọt ngào trong giai điệu đậm nét dân nhạc hòa với lời thơ đan xen nhau tạo thành không chỉ một đợt gió mà cả một bầu khí quyển mát lành. Người nghe có thể nép vào bóng gió, thậm chí nằm ngủ giữa bóng gió trập trùng.
“Anh đưa em cuối nẻo cuối đường
Gió đầu non gió lọt đầu ghềnh (gió lộng đầu gành)
Đường em đi đường nở hoa khắp luống cày…
Gió, gió về là về miền xuôi
Anh đưa em nước lớn nước ròng
Để em qua sông qua suối thăm chồng
Gió về miền xuôi qua bốn vịnh năm vòi
Đò vẫn đưa, đưa ngược xuôi..”
(Trích ca khúc Gió về miền xuôi - Nhạc: Anh Việt Thu – Thơ: Thiên Hà)
Tuổi trần gian hạn kỳ rất ngắn, nhưng nhạc sĩ Anh Việt Thu đã cho thấy những đóng góp không nhỏ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Rất có thể một vài lựa chọn riêng đáng được tôn trọng trong đời tư của một nghệ sĩ (ham thích rong chơi, rượu trà…) đã là một nguyên nhân chính khiến ông bạo bệnh và phải dừng cuộc sáng tạo nghệ thuật thật sớm. Tuy nhiên, với tất cả những gì để lại, thật hạnh phúc cho người thưởng thức như chúng tôi gọi ông là một vì sao tỏa sáng, vượt lên đêm dài. Dù đó có là một vì sao lạc, luôn luôn dường như lạc mất một vì sao khác đi nữa. /.