Trước khi gặp Phạm Thanh Chương khoảng cuối năm 1972 đầu 1973, tôi đã đọc một số truyện ngắn của anh trên tạp chí Văn. Người xưa nói “văn tức người” rất đúng trong trường hợp Phạm Thanh Chương: Văn anh nhẹ nhàng, trong sáng, đầy ắp tình yêu quê hương. Và tình người bàng bạc trong truyện của anh. Ấn tượng ban đầu về Phạm Thanh Chương với tôi là anh bạn nhà văn người nho nhã, chừng mực. Lại thêm khuôn mặt bầu bĩnh, trắng trẻo, má lúm đồng tiền. Chương nói chuyện từ tốn, đôi mắt chớp chớp, có phần e lệ. Khác hẳn người bạn thân cùng cơ quan và hàng xóm của Chương là nhạc sĩ Nguyễn Tùng da ngăm đen, râu ria rậm rạp, tướng tá bặm trợn, ăn to nói lớn. Nhưng cả hai người đều hiền lành, tốt bụng. Tôi quen Chương và Tùng qua người bạn chung: họa sĩ Lê Vĩnh Ngọc - “chuyên gia” vẽ bìa cho tuần báo Tuổi Ngọc. Phạm Thanh Chương thỉnh thoảng cũng gửi bài cho Tuổi Ngọc. Thơ văn anh trong sáng, đầy ắp tình quê tình người, dĩ nhiên Tuổi Ngọc dang tay chào đón.
Phạm Thanh Chương sống rất mực thước, không nhậu nhẹt bê tha như tôi nên chúng tôi tuy ở gần nhưng cũng ít gặp nhau. Chỉ thỉnh thoảng gặp nhau cà phê sáng nói chuyện văn chương. Tuy vậy, Chương và tôi hình như có duyên với nhau. Thời gian trốn lính cuối năm 1973, tôi thuê apartment cạnh rạp Khải Hoàn, ngay bùng binh Võ Tánh - Cống Quỳnh - Phạm Ngũ Lão, ở chung với người bạn họa sĩ trình bày báo Hòa Bình là để tiện đi bộ qua tòa soạn Tuổi Ngọc ở cách đó mấy trăm mét. Phạm Thanh Chương bấy giờ còn độc thân nên ở ngay cơ quan đại bản doanh của Lực lượng Xây dựng Nông thôn nằm trong thành Ô Ma, đường Cống Quỳnh, cách chỗ tôi thuê ở vài trăm mét. Có hôm tôi về khuya, anh bạn họa sĩ ở chung nói, tao nghe tối nay cảnh sát đi xét nhà, mày cẩn thận. Thế là tôi bèn qua chỗ Chương ngủ ké. Đi trốn cảnh sát mà vào chỗ Chương là một cơ quan lúc nào cũng có lính gác! Cả “nhà thơ giang hồ” Vũ Hữu Định - một tay trốn lính siêu đẳng có hôm cũng ghé Chương ăn ké và ngủ nhờ. Khi trốn lính thì khá an toàn, nhưng đến lúc Vũ Hữu Định kiếm đâu cái mối làm giấy hoãn dịch giả cho tôi thì “tiền mất tật mang”- mất một khoản tiền lớn vay mượn, lại bị cảnh sát bắt vì tội xài giấy giả! Và cuộc đời tôi đã chuyển hẳn sang một hướng khác khi phải mặc áo nhà binh.
Sau 30 tháng Tư 1975, có một thời gian ngắn tôi đi bán sách cũ ở hành lang thương xá Eden, gặp lại Phạm Thanh Chương cũng bán sách cũ trên vỉa hè Lê Lợi, trước nhà sách Khai Trí. Ít lâu sau tôi chuyển sang bán thuốc tây, nhưng Chương và Tùng vẫn tiếp tục bán sách cũ. Năm 1983, Nguyễn Tùng mất trong một tai nạn giao thông lúc vừa tròn 36 tuổi. Tôi rất buồn. Nhưng tôi biết Phạm Thanh Chương còn buồn và hụt hẫng hơn khi mất đi một người bạn thân thiết, làm việc chung và ở gần nhau trong nhiều năm! Tuy rất quý nhau và sống cùng thành phố nhưng cả nhiều năm chúng tôi không gặp nhau. Một phần vì công việc mưu sinh của chúng tôi trái ngoe và trái đường. Kể cả khi tôi buông không còn kinh doanh nhà thuốc và trở lại cầm bút viết bài cộng tác với một số báo chí, thì cũng chỉ thỉnh thoảng mới gặp nhau.
Mải đến năm 1990, khi tôi hợp tác với Nhà xuất bản Trẻ tổ chức thực hiện và chủ biên tập san Tuổi Hồng, tôi mới gặp lại Phạm Thanh Chương đang ngồi thường trực tập san Áo Trắng - cùng Nhà xuất bản Trẻ, do nhà văn Đoàn Thạch Biền - cũng là bạn thân từ trước 1975 làm chủ biên! Tôi nghĩ, Áo Trắng có được một người thường trực mẫu mực như Phạm Thanh Chương thì chủ biên Đoàn Thạch Biền quá khỏe. Ông “nhà văn của tuổi mới lớn” chỉ lo tổ chức bài vở, mọi việc khác đã có Chương bao sân! Anh giữ vai trò Trưởng ban Công tác Bạn đọc kiêm trị sự và hình như cả trợ lý thư ký tòa soạn...Mặc dù Áo Trắng chỉ ra mỗi tháng một kỳ, do neo người nên công việc của Chương khá bận rộn, nhưng lúc nào cũng thấy Chương vui vẻ hòa đồng với mọi người. Trong Nhà xuất bản Trẻ, từ Giám đốc Lê Hoàng tới các biên tập viên, nhân viên phát hành đều tỏ vẻ rất quý trọng Chương. Nhất là các cây bút trẻ cộng tác với Áo Trắng rất phấn khởi khi tiếp xúc với ông nhà văn dễ thương dễ mến này.
Khi tôi làm báo Thanh Niên, khoảng cuối năm 1994 hay đầu năm 1995, Tổng thư ký Nguyễn Khắc Nhượng hỏi tôi có bạn viết nào chữ nghĩa nghiêm túc và nhất là không nhậu, giới thiệu để anh mời về Thanh Niên coi giúp mảng morasse, hiện lỗi nhiều quá. Tôi nghĩ ngay tới Phạm Thanh Chương. Tôi đến gặp Chương và nói ý của anh Nhượng. Phạm Thanh Chương nói, anh rất muốn về Thanh Niên, vừa lo morasse vừa có đất có thể viết nhiều mảng đề tài - nhất là viết về văn hóa văn nghệ, lại làm chung với bạn cố tri là tôi! Đặc biệt tòa soạn Thanh Niên chỉ cách nhà Chương vài trăm mét, đi làm quá khỏe! Nhưng rồi Chương ngần ngừ nói, tuy rất thích về Thanh Niên nhưng anh không thể bỏ Áo Trắng đã gắn kết bao năm. Nhất là tình nghĩa của Chương với Đoàn Thạch Biền nên không thể rời đi! Sau khi Chương từ chối, tôi giới thiệu một bạn làm thơ cũng cùng tuổi Chương là Nguyễn Viện về Thanh Niên. Viện từng cộng tác thân thiết với tôi ở Tuổi Hồng. Viện đạt tiêu chí của Nhượng: Chữ nghĩa đầy mình, tính tình nghiêm túc, nhất là không nhậu! Sau khi về Thanh Niên, Nguyễn Viện phát huy sự nghiệp báo chí và văn chương khá nhanh…
Gần ba năm gắn bó tâm huyết với Tuổi Hồng và Nhà xuất bản Trẻ trước khi về báo Thanh Niên là thời gian tôi thường gặp gỡ, trò chuyện với Phạm Thanh Chương. Và thú thật bấy giờ tôi mới đọc thơ Chương. Mười lăm năm sau 1975 như một khoảng lặng, Phạm Thanh Chương bắt đầu viết lại. Nhưng anh ít viết truyện mà chuyển sang làm thơ nhiều hơn. Thơ Phạm Thanh Chương xuất hiện đều đặn trên Áo Trắng và thỉnh thoảng trên Tuổi Hồng. Tôi thích những bài thơ tình nhẹ nhàng, như tính cách của anh. Như bài “Lặng lẽ”: “Ta khép nép bên đời nghe em đến / Thoáng hương quen buồn quá thoảng qua lòng / Trên tóc em sầu ta còn đọng lại / Ánh mắt nào xa ngút nỗi hoài mong…/ Con đường cũ nhưng người về đã khác / Hương tóc em ngày ấy lẫn gió ngàn / Ta nhặt hết nỗi buồn còn lãng đãng / Sao bên lòng hương ấy vẫn chưa tan?…” Nhưng tôi thích nhất những bài thơ Phạm Thanh Chương viết về Mẹ, về quê nhà. Rất chân tình và sâu lắng. Như bài “Mẹ với quê nhà” : “Rồi mai về quê cũ / Nghe nắng trên hàng cau /Thoang thoảng mùi hương bưởi / Nhè nhẹ ở vườn sau …/ Mẹ ngồi bên ngưỡng cửa / Chờ ta đã bao năm / Ngày ta về mưa đã…/ Rơi quanh chỗ mẹ nằm”! Hình ảnh người mẹ già ở quê nhà đơn sơ mà lắng đọng. “Mưa đã… rơi quanh chỗ mẹ nằm” là câu thơ bất ngờ gây xúc động, bồi hồi trong lòng người đọc. Tôi rưng rưng khi đọc câu thơ này.
Sau khi Chương nghỉ Áo Trắng, bạn thường viết tản văn post lên Facebook những suy tưởng về văn chương, học thuật, về những tình thân cũ, về thế thái nhân tình…, rồi bạn gom lại in thành sách để tặng thân hữu cùng những độc giả yêu quý anh và lưu giữ những kỷ niệm của một thời. Tôi khá bất ngờ khi đọc những bài viết sau tuổi bảy mươi của Phạm Thanh Chương: Ý tưởng sâu lắng, thâm trầm nhưng nhẹ nhàng, tinh tế. Nhất là anh chịu khó trích dẫn nhiều thơ văn xưa. Cảo thơm lần giở...Chứng tỏ Phạm Thanh Chương vẫn tiếp tục đọc và suy gẫm nhiều và viết rất chắc tay. Đặc biệt phong cách viết của Phạm Thanh Chương rất mới, đầy tính sáng tạo dù anh viết những đề tài không mới. Và Phạm Thanh Chương vẫn sống chừng mực như xưa nay, sinh hoạt rất điều độ nên mong rằng bạn ta sẽ tiếp tục sống khỏe, viết hay.
P.C.S
Gửi ý kiến của bạn