TRẦN ĐÔNG PHONG, TRẦN TAM TIỆP TỪ TRẦN,
Trước khi chia tay năm 2009 vốn đã có qúa nhiều thiên tai và…nhân tai, nhưng “bà mẹ thiên nhiên” dường cảm thấy như vậy vẫn chưa đủ “ấn tượng” hay chưa đủ “hoành tráng” nên mấy ngày vừa qua, cả nước Mỹ đắm chìm trong mưa, bão. Bên cạnh những cú “hồi mã thương” nhà cửa thất bát, homeless rét mướt; thời tiết còn đành hanh gửi cho giới làm văn nghệ hai tin buồn cuối năm. Đó là tin nhà biên khảo Trần Đông Phong từ trần tại nam Cali; và, nhà báo Đạo Cù / Trần Tam Tiệp, từ trần ở Paris.
Sau đây là bản tin chúng tôi lấy xuống từ nhật báo Người Việt, ở các số đề ngày 25 và 29 tháng 12-09, như sau:
Nhà biên khảo Trần Đông Phong qua đời
Friday, December 25, 2009
LITTLE SAIGON (NV) - Nhà biên khảo Trần Đông Phong, một tên tuổi quen biết của giới văn học hải ngoại và từng cộng tác với báo Người Việt, đột ngột qua đời chiều 24 tháng 12 năm 2009 tại Westminster, hưởng thọ 73 tuổi.
Ông tên thật là Trần Đức Thắng, quê quán tại Quảng Trị, sinh năm 1937 tại Thanh Hoá, học tiểu học tại Quảng Trị và Pellerin Huế.
Trần Đông Phong là giáo sư trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ từ năm 1958 cho đến tháng 6-1963, trước khi bị động viên vào khoá 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
Ra trường Thủ Đức tháng 6-1964, Trần Đông Phong được đưa về làm Giảng Viên tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội và sau đó biệt phái về làm việc cho tổ chức “Liên Minh Á Châu Chống Cộng” do bác sĩ Phan Huy Quát làm Chủ Tịch.
Trong thời gian này (1969-1975), Trần Đông Phong là Chủ bút Nguyệt San Anh Ngữ “Free Front”, cũng từ năm 1971, ông là chuyên viên về Liên Lạc Quốc Tế của Liên Hiệp Nghị Sĩ Á Châu (Asian Parliamentarian’s Union) và Đặc Phái viên của Hãng Thông Tấn Central News Agency (CNA) Đài Loan cho đến khi miền Nam thất thủ.
Trần Đông Phong đã cộng tác với các báo sống, Việt Nam Nhật Báo, Diễn Đàn Tìm Hiểu Dân Chủ (trong nước trước 1975) và Người Việt, Thời Luận, Nguyệt San Thế Kỷ 21, Văn Hoá, Việt Học (hải ngoại).
Những bài biên khảo của ông gần đây trên báo chí hải ngoaị đã chứng tỏ ông là người biên tập đứng đắn, có trách nhiệm và những tài liệu ông đã sưu tập, tra cứu, phần lớn mới lạ, chưa được trình bày trên báo chí việt Nam, và mang một giá trị lịch sử cao.
Năm 2006, cuốn “Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng” của Trần Đông Phong (Nam Việt xuất bản) được xem như một best-seller nhưng chưa được tái bản, cũng như cuốn “Kẻ Sĩ Cuối Cùng” chưa kịp ấn hành trước khi ông qua đời. Trần Đông Phong cũng đã để lại nhiều bản thảo biên khảo trên trang nhà Vietnam Exodus và nhiều tài liệu biên khảo công phu khác chưa ra mắt bạn đọc.
Gần đây ông được mời vào Ban Giáo sư của Hội Việt Học và đã thuyết trình tại Hội về hai đề tài: “Cuộc Gặp Gỡ Đầu Tiên Giữa Hoa Kỳ Và Việt Nam: Thomas Jefferson và Hoàng Tử Cảnh” và “Vua Hàm Nghi: một nhà ái quốc, một nghệ sĩ tài hoa”. (ĐQAT)
Nhà Báo Trần Tam TiệpTừ Trần Tại Paris
PARIS (VB)- Nhà báo gốc không quân VNCH Trần Tam Tiệp không còn nữa. Antoine Tramond Trần Tam Tiệp đã tạ thế vào lúc 18 giờ ngày 23 tháng 12 năm 2009, tại Clinique Geoffory Saint Hilaire, 59 rue geoffroy Saint Hilaire, 75005 Paris, hưởng thọ 81 tuổi. Tang lễ sẽ được cử hành ngày 5 tháng 1, 2010 tại nghĩa trang Pere Lachaise, 75018 Paris.
Trần Tam Tiệp Antoine Tramond sinh ngày 11-11 -1928, tốt nghiệp khoá 2 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tu nghiệp sĩ quan phi hành tại Pháp, là một sĩ quan được quí trọng của Không Quân VNCH. Trước 1975, với cấp bậc Trung Tá và bút hiệu Đạo Cù, ông là một trong những chủ biên tậïp san Lý Tưởng của Không Quân và là người viết quen thuộc của báo giới Việt Nam.
Sau Tháng Tư 1975, Trần Tam Tiệp cùng với một số nhà văn định cư tại Pháp như Minh Đức Hoài Trinh, Nguyên Sa Trần Bích Lan, Trần Thanh Hiệp... nhanh chóng thành lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, liên lạc cộng tác và được Văn Bút Quốc Tế chính thức nhìn nhận, liên tục cho tới ngày nay.
Trần Tam Tiệp được Chủ Tịch Văn Bút Thế Giới thời ấy là Thomas Von Vegesack đặc biệt quí trọng, vì những cống hiến không mệt mỏi của ông trong việc kêu gọi quốc tế tranh đấu bảo vệ các nhà văn miền Nam bị cộng sản bắt giam không xét xử.
Chính là nhờ sự vận động bền bỉ của Trần Tam Tiệp, tổ chức "The International PEN Writers in Prison Committee (WiPC) đã dành cho các nhà văn, nhà báo Việt Nam bị CS cầm tù nhiều trợ giúp ý nghĩa hoặc can thiệp bảo trợ.
Ông Đỗ Việt, cựu Trung Tá Giám Đốc Truyền Hình Việt Nam, bạn thân của nhà báo Trần Tam Tiệp tại Paris cho hay sinh thời ông Tiệp sống rất cần kiệm, vừa dạy học ban ngày, vừa làm gác dan ban đêm, nuôi con ăn học thành tài và thường bỏ tiền túi giúp đỡ bè bạn. Ông Việt nói, "Ít ai biết là chính Trần Tam Tiệp là người từng lặng lẽ chuyển tiền về đắp mộ cho anh em cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu."
Năm 1994, trong một tai nạn, Trần Tam Tiệp bị chấn thương não, sau đó, sức khoẻ suy yếu dần. Nhiều năm qua ông phải di chuyển trong nhà bằng xe lăn. Hội Không quân VN tại Pháp và bằng hữu khắp nơi khi ghé Paris thường thăm viếng ông. Trần Tam Tiệp ra đi môt ngày trước đêm Giáng Sinh, để lại nhiều tiếc thương sâu sắc. /.
Trang nhà dutule.com và bằng hữu khắp nơi trân trọng chia buồn cùng tang quyến và, cầu nguyện hương hồn nhà biên khảo Trần Đông Phong, nhà báo Trần Tam Tiệp sớm về nơi vĩnh hằng.
HHT
(Dec. 29-09)