Để ngăn ngừa đụng độ giữa gia đình tôi và Hãn, tôi xin phép bác sĩ cho về nhà sớm, dù tiền nhà thương và thuốc men không phải lo, vì người đàn ông đi xe hơi chẳng may bị liên lụy đã nhận thanh toán. Phải dùng chữ chẳng may bởi vì chính tôi mới là người gây ra tai nạn chứ không phải ông ta.
Về nhà, chưa biết rồi chuyện tôi sẽ ra sao, khi sự băng huyết là một chứng cớ hiển nhiên không thể chối cãi về việc đi lại giữa tôi và Hãn.
Đây là cái cớ để anh Hữu và anh Long làm lớn chuyện. Tuy nhiên, tôi đã dự bị cho mình cách giải quyết. Tôi sẽ đánh đổi sinh mạng của tôi cho sự yên lành của Hãn. Và tôi đã nói thẳng điều đó với mẹ tôi trước khi về nhà. Bà hứa sẽ không có chuyện đó. Nhưng bà nói:
- Sau lần này, nếu con tiếp tục liên lạc với Hãn, con đừng trách mẹ. Mẹ chỉ có một mình con mà thôi. Mẹ có thể bỏ tất cả các anh các chị con để chọn con, theo con. Nhưng mẹ không bao giờ cho con tiến tới với Hãn. Con không thể làm việc thất đức đó được. Người ta đã…
Mẹ tôi bỏ lửng câu nói. Nhưng tôi hiểu bà muốn nói gì. Và tôi bảo.
- Mẹ tưởng con muốn Hãn bỏ vợ bỏ con sao? Chính con, con cũng không chấp nhận việc đó. Ngay cả khi Hãn có ý định.
Bà thở dài.
-Thôi. Chuyện đâu còn đó. Để về đến nhà cho con khỏe hẳn lại rồi hẵng hay.
Đúng như lời cam kết của mẹ tôi. Hiên cho biết Hãn vẫn bình thường, không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra cho chàng. Lam thăm tôi đều đặn mấy ngày đầu, sau bặt luôn.
Những ngày nằm nhà, nhìn sự lo lắng và săn sóc của mẹ, đôi khi tôi hối hận về ý nghĩ cuồng điên đã có trong óc. Trạng thái tinh thần tôi từ cực này sang cực khác. Riết rồi tôi cũng chẳng hiểu tôi ra sao. Thời gian này, Phước đến thăm tôi nhiều hơn. Hình như Bác Cả đã chính thức đánh tiếng và mẹ tôi cũng đã định ngày làm đám hỏi. Tôi biết được điều này, không phải mẹ tôi mà qua Hiên. Hiên nghe nói, hỏi lại tôi:
- Bộ chị quyết định rồi sao?
Tôi ngơ ngác.
- Chuyện gì?
- Chuyện chị và anh Phước.
- Ai nói với Hiên? Bao giờ?
- Bác nói. Chính bác bảo em là hai bên cùng chọn xong ngày đám hỏi rồi. Bởi vậy em mới nghĩ là chị đã quyết định.
Tôi choáng váng. Thế này thì không xong rồi. Tôi nghĩ. Hèn gì mấy ngày qua, tôi thấy như cả nhà có vẻ bận rộn hẳn lên. Anh Long, anh Hữu đi tới đi lui. Chị Long lăng xăng cả ngày. Tôi lại đinh ninh mọi người tất bật, lui tới vì tai nạn xảy ra cho tôi. Tôi bảo Hiên:
- Chị nhờ Hiên việc này nha.
Hiên gật đầu:
- Gặp anh Hãn phải không?
- Không. Chị cho Hiên địa chỉ nhà anh Phước. Hiên tới ngay, nếu không gặp Hiên nhắn giùm là lại nhà chị, chị có chuyện muốn nói.
Hiên ngần ngại:
- Sao chị không viết vài chữ. Chị viết miếng giấy em cầm đi có phải là tiện hơn không?
Con nhỏ thật thơ ngây, thật thà. Nó đâu biết tôi không muốn để lại bút tích cho ai, nhất là người đó lại là đàn ông. Từ ngày yêu Hãn, tôi đã tự coi mình là một người con gái có chồng. Người con gái có chồng không thể lúc nào cũng hạ bút viết giấy cho một người đàn ông khác, trừ những trường hợp bất khả kháng. Hơn nữa, lỡ sau này Phước đưa giấy đó cho mẹ tôi hay Phước thêm một hai chữ gì đó vào miếng giấy tôi gửi thì sao? Ai biết trước người đàn ông sẽ làm những gì một khi họ muốn hại một người đàn bà. Có thể sự dè dặt của tôi có phần nào quá đáng. Nhưng quá đáng như vậy tốt hơn là bừa bãi. Tôi không giải thích với Hiên mà chỉ bảo:
- Hiên đi ngay giúp chị. Giấy tờ lôi thôi. Lỡ anh ta lại đi đâu mất phiền thêm.
Phước hớn hở đến tôi sau khi Hiên đi chừng tiếng đồng hồ, Mẹ tôi đi vắng. Chỉ có bố ở nhà. Nhìn vẻ hớn hở của Phước, tôi thấy tội nghiệp cho anh ta và đồng thời cũng chỉ muốn nhổ nước bọt vào mặt.
Phước định kéo ghế ngồi gần giường tôi. Tôi liền nhỏm người dậy, ra dấu mời anh ta ra salon.
- Anh chờ cho tôi chút xíu.
Phước quay lưng, tôi chải sơ mái tóc, vuốt lại quần áo và đi ra cùng với một ly nước trà.
- Mời anh sơi nước.
Phước xoa xoa hai bàn tay. Cười bằng tất cả khuôn mặt trơ trẽn.
Bố hỏi lớn:
- Ai đó con?
- Dạ thưa bác con đây ạ. Con là Phước đây ạ. Phước nhanh nhẩu lên tiếng.
Tôi giải thích.
- Bố tôi lòa rồi nên chẳng trông thấy gì cả.
- Anh biết. Anh biết. Ba bị lâu rồi mà.
Lạm dụng sự quen biết trong gia đình và thân với anh Long, Phước xưng anh với tôi thản nhiên.
Tôi nói.
- Chị Quyến mới về. Chị Quyến có gửi lời thăm anh.
Nhắc tới chị Quyến, tôi muốn Phước nhớ lại là anh đã từng đi hỏi chị Quyến và nếu chị Quyến đồng ý thì anh ta đã là anh rể của tôi. Thành thử, việc để anh xưng anh với tôi là chuyện tự nhiên chứ không phải vì tôi chịu anh đâu. Dĩ nhiên Phước không hiểu điều ấy. Anh vẫn như con lừa tự bịt mắt phóng những vó tự tin một cách tội nghiệp.
- Thế à. Chắc mai mối thế nào rồi cũng gặp chị Quyến. Ngày… ngày đó bận mấy thì chị Quyến cũng phải về chứ Phiến nhỉ?
Tôi cười, trong óc chợt nẩy ý nghĩ đùa dai cho bỏ ghét. Tôi đáp.
- Vâng, chị Quyến về luôn ấy mà. Gì chứ nếu là ngày vui của anh hay của tôi thì thế nào chị ấy chẳng về. Chị ấy có nói rồi. Chết ngay chị ấy cũng về nữa.
Sự thực chị Quyến chẳng nói gì cả, bởi vì từ ngày bị tai nạn tôi chưa hề gặp mặt chị Quyến.
Phước khựng người. Anh ta hơi ngỡ ngàng một chút. Xong, anh cười ngay, giọng bông đùa.
- A. Cô này học triết thành ra nói năng có vẻ khác người lắm. Ấy, chính anh, lại hay thích người nào phải hơi khác người một chút. Như Phiến chẳng hạn. Giống nhau như in cũng chán.
Tôi vờ không hiểu.
- Tôi nói vậy có gì là khác thường đâu mà anh Phước lại cho là khác người kia? Tôi tưởng câu nói của tôi rõ ràng và mạnh lạc lắm đấy chứ?
Tôi nói và nhìn thẳng vào mặt Phước. Có lẽ bây giờ anh ta mới biết tôi không đùa. Tôi không hề đóng vai nhõng nhẽo ẩm ương kiểu mấy cô gặp ý trung nhân ra cái điều ta đây chữ nghĩa và thơ ngây.
Phước lúng túng:
- Anh… anh muốn nói là ngày đám hỏi của…
Tôi cướp lời Phước:
- Của anh hay của tôi?
Phước chới với. Anh như một kẻ vừa được vớt lên từ dưới sông.
- Thì của… của chúng ta chứ còn của ai nữa.
Tôi cười nhạt:
- Không. Của riêng anh mà thôi.
Phước giơ tay trong khoảng không.
Tôi thấy hành hạ như vậy cũng đã tạm đủ, tôi lập nghiêm:
- Anh ngạc nhiên quá phải không? Và không đợi Phước trả lời, tôi tiếp luôn. Rồi anh sẽ hết ngạc nhiên. Chúng ta sẽ nói về chuyện đó. Bây giờ tôi chỉ muốn hỏi anh một câu thôi.
Phước gật đầu:
- Phiến cứ nói.
- Anh có đồng ý với tôi rằng người đàn bà chỉ có thể mang tên một ngưiời đàn ông. Và chỉ một người đàn ông mà thôi không? Hay nói khác đi, anh có nghĩ rằng người đàn bà có thể nào cùng một lúc mang hai tên người đàn ông khác nhau? Trừ trường hợp chồng họ đã chết và vì lý do nào đó họ phải đi lấy chồng khác.
- Tất nhiên, Tất nhiên. Làm sao cùng một lúc người đàn bà lại có thể mang hai tên người đàn ông được.
- Anh cũng nghĩ vậy? Tôi hỏi lại.
Phước khẳng định.
- Chắc chắn thế.
Tôi mỉm cười xúi xuống nhìn mấy ngón chân mình móng dài lú ra khỏi dép. Tôi ngước lên, vẻ mặt chờ đợi nôn nóng của Phước khiến tôi lại nổi tính hiểm độc. Tôi nói.
- Anh sơi nước đi. Chết thật. Mải nói chuyện không mời nước anh.
- Được. Được mà. Mặc anh.
Tuy trả lời vậy nhưng Phước vẫn cầm tách nước lên. Anh nhấp một ngụm nhỏ và đặt xuống.
Bây giờ tôi mới chậm rãi:
- Tôi là người đàn bà đã mang và hiện còn mang một tên người đàn ông khác. Đó là lý do tôi không thể nói ngày của chúng ta mà là ngày của anh hay của tôi. Hơn nữa, tôi không hề hay biết nào cái ngày của anh.
Mặt Phước chuyển màu tái nhợt trước khi dần dần đỏ tía.
Tôi phải khỏa lấp ngượng ngùng cho anh ta.
- Tôi thành thật xin lỗi và rất ân hận là đã không thể làm anh vừa lòng. Cũng giống như chị Quyến tôi trước đây.
Lẽ ra phần chót của câu nói trên phải là “tôi không thể hiểu bố anh và anh nghĩ gì khi mà trước đây, anh hỏi chị rồi nay lại tôi”.