Các con cúa Nhà Thơ Vũ Hữu Định, bên mộ bố
Địa danh hay nơi chốn thường chiếm giữ một vị trí đáng kể trong thi ca Việt Nam. Thí dụ như “Thăng Long thành hoài cổ” của bà Huyện Thanh Quan, hay “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng. Hoặc gần hơn nữa là “Còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định, vân vân…
Nhiều người cho rằng, nếu không kể những áng văn chương cổ mà chúng ta phải học, đọc thì số người biết đến “Đôi mắt người Sơn Tây” sẽ không nhiều lắm, nếu nó không được soạn thành ca khúc bởi nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cũng vậy, số người yêu “Còn chút gì để nhớ” của nhà thơ Vũ Hữu Định sẽ giảm nhiều, nếu không có phần nhạc của Phạm Duy.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên căn bản những bài thơ được các nhạc sĩ tìm tới, chọn để soạn thành ca khúc, tự thân đã vốn có những đặc điểm mà các bài thơ khác không có.
Hơn thế nữa, khi bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của cố thi sĩ Vũ Hữu Đinh vỏn vẹn chỉ có 4 khổ mà ông đã vẽ được bằng ngôn ngữ “chân dung” rất riêng của Pleiku, một thành phố cao nguyên miền Nam.
Nói theo cách của nhà thơ Du Tử Lê thì Vũ Hữu Định (và Phạm Duy) đã đội vương miện cho thành phố Pleiku
CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ
phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồi biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên
VŨ HỮU ĐỊNH