Tôi không biết khi sáng tác một loạt “Lục Bát 3 Câu,” có phải Nguyễn Tôn Nhan muốn cho thấy, thuộc tính của con người là cô đơn? Bất toàn? (Và,) dang dở?

Tuy nhiên, đọc thơ ông, không cần tinh ý, người đọc cũng cảm nhận được những lênh đênh, bất trắc rất gần gũi với phận riêng, mỗi mình:
“một là vượt cửa tử sinh
hai là trụ được một mình ở đây
ba là không vơi không đầy.”
Là một học giả uyên thâm về văn học Trung Quốc, họ Nguyễn cũng cho thấy, ông thấm nhuần tính vô thường của vạn vật. Tựa, vô thường là chiếc bóng song sinh cùng con người ông:
“cõi này là để rong chơi
mai kia cõi ấy dịu dàng lặng câm
rỗng rang chẳng một vọng âm.”
Đứng trước hư vô và, sự hữu hạn của đời người, họ Nguyễn đã đạt tới cõi giới thản nhiên. Bình lặng. Những thản nhiên, bình lặng nơi tâm thức thi sĩ, đã đem đến cho thơ ông, nhiều nụ cười. Tự phúng thích:
“ăn xin một chút mơ mòng
em keo kiệt bỏ anh trong đói nghèo
lui về cốc núi ngủ queo.”
.
Mặc dù thi sĩ chủ trương “Lục Bát 3 Câu,” nhưng tôi vẫn thấy, chỉ cần ráp lại tất cả những bài ba câu họ Nguyễn đã viết xuống, lập tức, chúng ta sẽ có một bài lục bát dài. Một lục bát rất Nguyễn Tôn Nhan!
Lục bát Nguyễn Tôn Nhan như dòng sông ra biển lớn…
Du Tử Lê,
(Calif. Jan 17-2013)
Gửi ý kiến của bạn