Hơn 10 năm trước đây, tháng 2 năm 2003, chúng tôi hân hạnh được mời viết lời tựa cho thi phẩm “Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập” của nhà thơ Tỳ Kheo Thích Tín Nghĩa.
Thi phẩm ý nghĩa này, đã được Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại tái bản.
Ngay trang đầu của bản in lần thứ hai, nơi “Đôi Lời Bộc Bạch”, Hòa thượng Thích Tín Nghĩa đã bộc bạch cụ thể cái tâm thiền-thi rất mực thi sĩ, và đức khiêm cung của tác giả, một đời theo chân Đức Phật:
“…Thuở nhỏ đi học, rất thích thơ và thuộc nhiều thơ của những bậc cổ đức cũng như những những bài thơ mới về sau này của các thi hào: Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Vũ Hoàng Chương, Du Tử Lê và nhiều lắm, không nhớ hết. Tuy nhiên thích nhất là loại thơ Đường luật, Tứ tuyệt, Ngũ ngôn và loại thơ mới tám chữ.
“Khi học thơ ở nhà trường, các thầy văn chương cũng hay ra đề cho học sinh, thì tôi cũng thuộc loại khá của lớp. Gần trọn cuộc đời tu niệm trong chốn thiền môn, chịu ảnh hưởng nhiều về những bài Thi kệ, những bài Thiền kệ của chư Tổ và Thiền sư.
“Khi còn ở quê nhà, tôi có làm một tập thơ, viết tay rất cẩn trọng, nhưng chưa có dịp xuất hiện thì tết Mậu thân nó thành tro bụi với tủ sách một thể. Rồi hoàn cảnh chiến tranh triền miên, đưa đẩy làm thân nổi trôi đó đây nơi hải ngoại. Cái may mắn là mỗi lần đi thuyết giảng Phật pháp đó đây ở Hoa Kỳ, Canada và Âu châu, khi trà đàm, tôi có trình làng với chư Tăng một vài bài Thi kệ, được chư Tôn Đức khích lệ và khuyến tấn nên tiếp tục, đặc biệt là cố Hòa thượng Thích Đức Niệm, khuyến tấn nhiều nhất; đồng thời, quý ngài nói: “Thầy Tín Nghĩa làm sao gom lại những bài thơ của các vị tiền bối trong môn phái để có một tập thơ của Trúc Lâm Thiền Phái, mặc dù, thơ của Thầy chiếm hết tác phẩm”.
“Với sự khuyến khích nhiệt tình ấy, nên tôi cố gắng mỗi khi thấy cõi lòng thanh thoát, tức cảnh viết vài chữ để dành theo những thể điệu đã được học từ nhỏ, tuy không hay ho gì mấy, nhưng đây cũng là một kỷ niệm nho nhỏ rất quý giá đối với cá nhân tôi. Hơn hai mươi năm, mỗi khi làm một ít, góp nhặt lại mới có được tập thơ nầy với tựa đề Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập.
“Tập thơ nầy, phần đầu là những bài của Tổ Khai sơn Trúc Lâm Đại Thánh Tự - Cố đô Huế và một số của các ngài vai vế Sư phụ, Sư thúc… Trong tập thơ nầy, tôi không sắp theo thứ tự về năm tháng mà sắp theo vần mẫu tự ABC.
“Hôm nay, nhân duyên vừa đủ cho những gì mà tôi có được, tôi xin được trình làng và mong được hướng dẫn. Các bậc thi hào cao minh nhận thấy những gì trong tập nầy không được hoàn chỉnh, cũng xin hoan hỉ thương tình chỉ giáo để trong tương lai, nếu được thì sẽ phong phú hơn…”
Mặc dù đạo vị của tác giả thi phẩm “Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập” thuộc hàng cao trọng, nhưng “lời bộc bạch” cho thấy, tác giả không vương một chút ngã mạn nào.
Theo tôi, nỗ lực thu nhỏ hay diệt ngã, vốn là một ngọn núi ngất cao mà, rất nhiều bậc tu hành khó thể vượt qua. Tôi cũng có cảm tưởng, môt vài quý chư Tôn Đức càng cao dầy đạo vị, dường như càng khó vượt trên chấp ngã…
Vì thế, nhân đây, tôi xin được bày tỏ lòng kính trọng Tỳ kheo / Hòa thượng Thích Trí Nghĩa. Và, sau đây, cũng xin trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết cách đây đã hơn 10 năm của chúng tôi:
*
“Hồi chuông (và,) Mùi Hương Tịnh Độ, Trong Thơ Của Một Nhà Tu Mang Tên Tín Nghĩa.
“Càng lớn tuổi, tôi càng sinh lòng cảm phục, ngưỡng mộ các tu sĩ – những người chọn lựa tận hiến cuộc đời mình, cho đạo pháp.
“Lòng cảm phục, ngưỡng mộ nơi tôi, càng lớn lao hơn, một khi, tôi được biết, đó là những tu sĩ, lên đường, bước vào nẻo đạo, khi còn rất trẻ - - Ở độ tuổi niên thiếu, thanh niên.
“Lòng cảm phục, ngưỡng mộ nơi tôi, càng lớn lao hơn nữa, một khi, tôi được biết, đó là những tu sĩ, chẳng những đi hết (hoặc sắp hết), lộ trình đạo pháp (mà), còn vượt biên cương giáo lý đạo pháp; để dung chấp chân lý những đạo pháp, khác.
“Tôi muốn gọi các tu sĩ đó, là những Hành-Giả-Tình-Thương-Nhân-
“Đứng ở vị trí tầm thường, ngã mạn một cách rồ dại, tối ám của mình, hôm nay, tôi không thể không bày tỏ lòng cảm phục, ngưỡng mộ của tôi, về Thượng Tọa Tín Nghĩa (*) - - Vị tu sĩ đã tận hiến cuộc đời mình cho đạo pháp - - Kẻ lên đường bước vào nẻo Đạo, giữa độ tuổi thiếu niên, xanh ngát…
“Nhìn từ góc độ sân, sĩ của một tâm đặc, cứng chấp thủ của mình, hôm nay, tôi không thể không bày tỏ lòng cảm phục, ngưỡng mộ của tôi, về Thượng Tọa Tín Nghĩa - - Vị tu sĩ chẳng những đang bước những bước cuối trên lộ trình đạo pháp (mà,) ông còn cho thấy, ông đã bước qua khỏi những vạch phấn phân biệt, đố kỵ giữa giáo lý tôn giáo này, với giáo lý tôn giáo khác.
“Sau những tiếp xúc trực tiếp với Thượng Tọa Tín Nghĩa, cá
nhân tôi muốn gọi ông (trong một hiếm hoi) những Hành-Giả-Tình-Thương-Nhân-
“Tôi nhớ, đã đọc đâu đó, lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng, nếu con không đem lợi lạc được đến cho kẻ khác, thì, hãy cố rán đừng gây đau khổ, thiệt hại cho kẻ ấy.
“Sự trực nhớ này, càng khiến tôi, hôm nay, không thể không bày tỏ lòng cảm phục, ngưỡng mộ Thượng Tọa Tín Nghĩa - - Bởi vì trong ghi nhận của tôi - - Với thân, tâm một tu sĩ, ông chẳng những đã mang lợi lạc đến cho mọi người - - (Mà,) ông còn cho chúng ta những vần thơ - - Kết quả của những lao tác tinh thần trong phạm trù văn chương - - Như mặt khác của những hồi chuông (và,) mùi hương tịnh độ.
“Là kẻ tầm thường với tất cả sân, si, ngã mạn một cách rồ dại, tối ám, tôi vẫn thấy, tôi yêu biết bao, những câu thơ của tu sĩ / thi sĩ Tín Nghĩa, như:
“Thân
này là giả huyễn
“Cõi
đời cũng tạm thôi
“Chuốt
trau rồi cũng bỏ
“Trang
điểm cũng tan đời.”
Hoặc:
“Bạn
nói vừa đủ nghe
“Để
mọi người theo về
“Trong
phút giây tỉnh thức,
“Và
thoát khỏi bờ mê.”
Hoặc nữa:
“Chân
bước nhẹ vào chùa
“Đừng
nói chuyện hơn thua
“Thân
và tâm an trú
“Trong
chánh niệm Phật thừa.”
*
“Tôi tin, tôi sẽ mãi nhớ những câu thơ vừa trích dẫn của Thượng Tọa /Thi Sĩ Tín Nghĩa.
“Bằng vào sự mãi nhớ kia, tôi tin, nếu thân, tâm tôi, có những chuyển đổi nào đó, (thì,) cũng do nơi những câu thơ kể trên; và những câu thơ, như vậy.
Du Tử Lê,
(Calif. Feb. 2003)
_____________
(*) Bài này được viết năm 2003, khi Hòa Thượng Tín Nghĩa còn là Thượng Tọa.