dutule.com (ngày 24 tháng 6-2014): Tôi không biết “Kẻ đa tình” là thi phẩm đầu tay hay thứ bao nhiêu của “tay chơi” Trần Từ Duy, ở Saigon.
Là một người nổi tiếng thành công trong lãnh vực thương mại, nhưng “Kẻ đa tình” Trần Từ Duy cũng nổi tiếng hào phóng (có chọn lọc) trong giao tình với bằng hữu, anh em bốn bể. Ông cũng được mô tả là người “thành công” ở cả lãnh vực “tình trường” nữa…
Không có nhiều cơ hội tiếp xúc với họ Trần, nhưng tôi nghĩ, ngay những bằng hữu thân thiết nhất với Trần Từ Duy, cũng khó có thể có vẽ được một chân dung “chung cuộc” về Trần.
Trần Từ Duy không chỉ là một người làm thơ (đã hẳn). Ông cũng không phải là một thương gia, hiểu theo nghĩa thông tục. Với tôi, Trần là tổng hợp của những mâu thuẫn nội cũng như ngoại tại. Cách khác, trong Trần Từ Duy có nhiều hơn một bản ngã. Mà, con người “gai nhọn, nanh vuốt” trong ông, lại là con người lớn hơn cả - - Nhất là đối với những người lần đầu tiếp xúc với Trần.
Hình ảnh phổ cập nhất về tác giả “Kẻ đa tình” theo ghi nhận của nhiều người, là hình ảnh bậm trợn, ồn ào, náo động. Chính cách sống “ngửa bài” đặc thù này, khiến nhiều người không dấu sự ngần ngại đến gần Trần. Nhưng, cũng chính cách sống “ngửa bài” khiến đôi người (tôi nhấn mạnh, ít thôi) lại nhìn Trần như một người dám sống ngay đuột tới trần trụi.
Riêng tôi, đôi lần ngồi với Trần, cái hình ảnh Trần xếp những vỏ chai rượu bé xíu, loại sample trên mặt bàn, như một lộ trình bất tận; hay nó như những đốm lửa tâm cảm, liu điu không điểm dừng…Cho tôi cảm nhận, cô đơn là bi kịch lớn của tác giả “Kẻ đa tình”. Đó là những lúc Trần im lặng, đắm, đắm thả cái nhìn hiu quạnh của mình tới chân trời vô định.
Đó là lúc, vẫn theo tôi, Trần không phân biệt được đâu là thân / tâm. Đâu là hình / tướng. Sự sống bay theo hơi men. Trong khi nỗi chết treo lửng những quyến rũ, mời gọi.
Đó cũng là lúc, Trần nói với tôi về quan niệm “sống chậm” của mình.
Tôi thích lắm, quan niệm “sống chậm” của Trần Từ Duy.
Điều tôi không rõ, quan niệm này, Trần có từ bao giờ? Lúc nào? Nhưng nhiều phần theo tôi, nó ở thời điểm sau khi “Kẻ đa tình” ra đời.
Với thi phẩm “Kẻ đa tình”, tôi chỉ thấy một Trần Từ Duy sống vội. Hối hả. Hấp tấp. Tựa như chỉ cần chậm một phút, trễ một giờ thôi, nhân gian sẽ không còn. Thế giới sẽ vụt tắt.
Đó là những bài thơ cho tôi thấy, Trần hối hả ném mình như những mũi giáo mù, nháng lửa lao về phía trước. Sự hối hả, nồng nhiệt tới độ, tôi cảm tưởng như đó là thời gian họ Trần, không thấy chính mình - - Dù hình hay bóng. Hay chính tấm lòng, trái tim quá đỗi thiết tha với đời, với người đã là khối, biển sương mù kín kẽ mọi ngả đường?
Tiếc thay, tôi nghĩ, khó ai có thể trả lời câu hỏi này, luôn cả Trần Từ Duy.
Nhưng khi họ Trần đọc cho tôi nghe một số thơ thiền tính của ông, lần thứ nhất, buổi tối ngắn, ở ngôi nhà Nguyễn Đình Thuần; lần thứ hai trong phòng riêng, một nhà hàng, nhiều ngày, trước khi ông nói về quan niệm “sống chậm” của mình thì, với tôi, đó lại là một bất ngờ lớn.
Cái thích thú của kẻ bất ngờ thấy được một chân dung khác, của bằng hữu. Nơi hành lang căn mobile – home của Nguyễn Đình Thuần, trước khi chia tay, tôi bảo Trần Từ Duy rằng, tôi thích lắm, mấy bài thơ thiền tính ấy.
Hôm nay, sau nhiều năm, tháng tôi vẫn còn nguyên cảm xúc vừa kể, mặc dù, một số bằng hữu của tôi, có thể không đồng ý!
Tôi tôn trọng nhận định của số bằng hữu này. Họ có lý do để không cảm, nhập được những bài thơ thiền-tính của Trần Từ Duy.
Riêng tôi, tôi càng thích thú hơn nữa, khi thấy những bài thiền-tính của Trần Từ Duy, chính là mặt rạng ngời, cụ thể nhất quan niệm “sống chậm” của họ Trần. Bởi vì không phải ai cũng có thể “sống chậm” trong một thế giới, ngày càng được lượng giá trên khả năng “sống vội”. Xóa sạch mọi hình / bóng.
Du Tử Lê
(Calif. June. 2014)