“Mừng ơi!” là một truyện ngắn giản dị nhưng đã khuấy đảo và làm mất đi sự bình lặng của tâm hồn người đọc. Đọc truyện mấy ai mà bình tâm được. Chính tôi cũng thế. Truyện đã hút tôi về phía nó bởi giọng kể nhẹ nhàng, nhịp kể chậm rãi mà sâu đằm của tác giả.
Truyện kể về nhân vật Mừng, một bệnh nhân tâm thần nhưng nghe như lời tâm tình, như lời giãi bày tâm tư của người kể chuyện. Và qua giọng điệu trần thuật ấy, tôi cảm như mình cũng đang trầm tư trước những số phận con người đang diễu qua trước mắt, bắt mình phải day dứt nghĩ suy. Và từ đấy, trong tôi cũng đã dậy lên một xúc cảm thấm thía trước những tâm hồn đẹp, tâm hồn luôn mở về phía đời phía người, những tâm hồn rất bao dung, một sự bao dung thầm lặng nhưng trong ngần và cao cả.
Trước hết, truyện đã làm tôi xúc động trước số phận của người mẹ, của người kể chuyện - một bác sĩ điều trị bệnh tâm thần, và nhất là số phận của Mừng. Từ một người được gọi là tỉnh, một giảng viên đại học đã trở thành một người điên. Cái điên của Mừng phải chăng có nguyên nhân từ một ảo thanh vọng lại: “Em thương anh, em yêu anh” hay từ một sự so sánh giữa quá khứ với thực tại, giữa cuộc đời rộng lớn với không gian bệnh viện tâm thần nhỏ bé, giữa con người được gọi là tỉnh với những người bị gọi là điên: “Vào đây xung quanh em đều là bệnh nhân tâm thần vậy mà em thấy dễ chịu hơn hồi còn đi dạy học”.
Có gì bấp bênh, mất thăng bằng trong thế giới tinh thần của Mừng? Phải chăng do trời đày ải Mừng trong cái ngục tù số phận của ông, hay những con người ngoài xã hội “hồi còn đi dạy học” giam hãm con người ấy trong cõi “điên tam đảo tứ” hay là tự thân Mừng đã có mầm bệnh? Dẫu thế nào đi nữa thì đó vẫn là phận rủi, phận đau. Một điều đáng nói, sao Mừng lại rạch ròi: “Em điên, điên thật nhưng em không khùng”. Điên và khùng khác nhau chỗ nào mà Mừng không muốn mình bị xếp loại “khùng”. Điên là bệnh lý tâm thần / Khùng là bực tức có mức phản ứng thất thường, thô phàm… Xem ra Mừng thấu suốt chính mình từ cái nhìn phản tỉnh: về mình, về bệnh lý của mình khi được trở lại với đời thường. Mừng chỉ “lang thang từ Bắc vào Nam” và cũng chỉ “vừa tha thẩn vừa khoái chí cười tủm tỉm” khi nghe vọng lại một âm thanh ảo vỗ về đầy tha thiết: “Em thương anh, em yêu anh...”. Mừng không phá phách, không gây hại cho ai. Mừng như thế là không giống với những người tâm thần phân liệt khác và cũng chẳng cùng khuôn với những người hoàn toàn không có bệnh lý tâm thần, nhưng không kiềm chế được tham sân si, để rồi gây hại cho người khác, cho xã hội, cho hôm nay và cả ngày sau.
Đọc truyện tôi cảm giác như mình đang được hít thở một không khí đầy chất thơ, chất thơ tỏa ra từ giọng điệu của truyện, của tâm hồn Mừng, của người mẹ và người kể chuyện. Ở Mừng là chất thơ tình nghĩa. “Xa họ em rất buồn, em biết rồi chẳng bao giờ quay lại đây nữa. Người ở tù lâu xa tù còn nhớ huống gì em”. Lại một so sánh chí lý đã nói lên được đời sống tâm hồn của Mừng - một tâm hồn biết nhớ những cái đáng quý, biết yêu những gì đáng nâng niu, biết gìn giữ quá khứ để sống, dù với Mừng tương lai hình thù ra sao hoàn toàn không rõ một tí nào. Và chất thơ trong tâm hồn Mừng, đấy là chất thơ “thâm trầm và thơ mộng”. Ở người mẹ là chất thơ tỏa lan từ tình mẫu tử bao la. Sáu năm: đứa con trai độc nhất bặt tin, là sáu năm lao đao tìm kiếm. Để rồi khi gặp lại con “Bà khóc hoài, khóc mãi, nghẹn ngào đến nỗi không cất được thành lời”. Có gì trong câu văn miêu tả ấy mà ám gợi người đọc về tấm lòng người mẹ đến thế! Và không biết ai đó đọc dòng văn này: “Trong cánh tay người mẹ, Mừng bước đi chầm chậm...” - trong cánh tay người mẹ, những đứa con bao giờ cũng bình an - như tôi nghĩ hay không ?
Xúc động nhất và bắt tôi nghĩ suy nhất vẫn là thế giới tâm hồn của người kể chuyện - một tâm hồn tràn đầy chất thơ. Người kể chuyện là một bác sĩ điều trị bệnh tâm thần đã từng có ý nghĩ “bỏ nghề đi làm việc khác”. Họ là những người trí thức có trọng trách thiêng liêng cứu người, chữa lành những khiếm khuyết về thể xác và tinh thần. Chính những người thầy thuốc - những nhà nhân đạo hành động - đã lấy hành động để làm sáng tỏa lời thề Hippocrates, Hải Thượng Lãn Ông - Y đức của ngành Y. Chính họ đã đem lại sự cân bằng cho xã hội, sự phát triển đời sống và hạnh phúc được sống, được làm việc cho biết bao người. Thế mà, họ cũng như những nhà giáo - những người thực hiện chiến lược con người - đang bị “nợ cơm áo” v.v… dày vò. Như thế, nếu vị bác sĩ kia có “ý nghĩ” bỏ nghề thì đâu có gì đáng trách. Đã từng có thời giáo viên bỏ nghề hàng loạt. Đói quá thì làm sao mà dạy đây. Xã hội không tạo điều kiện cho họ bảo đảm cuộc sống vật chất để sống “toàn tâm, toàn ý, toàn hồn” với nghề, thì họ đi tìm một cơ hội khác là lẽ thường.
Cũng may, đối với bác sĩ ấy, chuyện bỏ nghề chỉ là ý nghĩ: “Đã bao năm trôi qua, đã bao lần tôi muốn bỏ nghề đi làm việc khác mà sao tôi vẫn ở đây?”. Một câu hỏi đầy day dứt, một lời tự vấn, thể hiện sự sâu thẳm của tình yêu người, yêu nghề. Phải chăng chính người kể chuyện đã tìm được câu trả lời: “Dường như có một sợi dây vô hình, một tình yêu xanh thẳm níu giữ chân mình...”.
“Một tình yêu xanh thẳm” là cái gốc của tâm hồn và sự sống, mới thấy tại sao đời dành hai chữ đẹp nhất cho người thầy thuốc chân chính: LƯƠNG Y.
Chất thơ không chỉ toát lên từ “một tình yêu xanh thẳm” khi người kể chuyện “ở lại” với nghề, mà còn biểu hiện qua giọng kể đầy thương yêu bệnh nhân: “Tôi tiễn hai mẹ con anh lên đường”, “Tôi biết anh đang đi về phía ấy... quê anh...”; qua cách xưng hô với bệnh nhân thân tình “anh”. Chất thơ lóng lánh trong những giọt nước mắt của Mừng “ thấm ướt chiếc áo blouse, tan trong lòng tôi nồng ấm...” và “trong mắt mình ngấn lệ” khi nhân vật tôi nhớ lại cái ngày xa xưa chia tay với Mừng.
Viết đến đây, tôi bỗng giật mình. Không biết người kể chuyện có phải là hóa thân của tác giả không ? Và tôi tự nhủ: Sao lại không. Biết đâu, đó chính là Đại như tôi đã biết ngoài đời thực, một con người sống giản dị…
Nhưng mà thôi…
Hãy để cho truyện cứ gây cho người đọc cảm giác như thật. Thậm chí rất thật, thật hơn người thật, việc thật ngoài đời. Có như vậy truyện mới đứng hoài trong lòng người đọc.
Đấy là “Mừng ơi!”, một truyện ngắn giàu tính hiện thực và cũng dào dạt chất thơ, một chất thơ sâu đằm.
Hoàng Dục
_____________
(*)Trong tập "Gió từ bàn tay
mở" của tác giả Lê Đình
Đại – Nhà Văn Học - 2011.
Ý kiến bạn đọc
01 Tháng Ba 20168:00 SA
an vinh
Khách
Lương Y Như Từ Mẫu!