Bàng Bá Lân (17/12/1912-20/10/1988) tên thật là Nguyễn Xuân Lân, là nhà thơ, nhà giáo, và là nhà nhiếp ảnh Việt Nam. Ông người làng Đôn Thư (tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), nhưng sinh ra ở phố Tân Minh, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Năm 1916-1918, ông theo cha mẹ lên sống ở Vôi rồi ở Kép thuộc tỉnh Bắc Giang. Năm 1920-1928, ông sống với bà nội ở Đôn Thư, sau đó lại về Kép, học trường tiểu học Pháp-Việt ở Phủ Lý, phủ Lạng Thương và đỗ bằng tiểu học Pháp-Việt ở Đáp Cầu. Năm 1929-1933, ông vào học trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi), đỗ bằng thành chung. Vì thi tú tài mấy lần không đỗ, năm 1934 ông về Kép vui thú điền viên, làm thơ, chụp ảnh và xuất bản tập thơ đầu tiên “Tiếng thông reo”.
Trước 1945 ông có: Tiếng thông reo (1934), Xưa (in chung với nữ sĩ Anh Thơ, 1941), Tiếng sáo diều (1939-1945).
Vào Sài Gòn, ông dạy học và cộng tác với nhiều nhật báo, tuần san, bán nguyệt san và xuất bản thêm: Để hiểu thơ (1956), Thơ Bàng Bá Lân (1957), Tiếng võng đưa (1957). Năm 1969, xuất bản các tập truyện: “Người vợ câm”, “Vực xoáy”, “Gàn bát sách” (phiếm luận) và tập thơ “Vào thu”. Ông cũng cho in hai quyển sách “Kỷ niệm văn”, thi sĩ hiện đại cùng một số sách Giáo khoa Việt văn cho nhiều cấp lớp. Ông còn đứng làm chủ bút tập san “Bông lúa” vào thập niên 1950 ở Sài Gòn. Từ 1977 đến 1984, Bàng Bá Lân viết thêm “Kỷ niệm văn”, “Thi sĩ hiện đại” quyển 3, hồi ký “Trọn đời cho thơ” (bản thảo đã thất lạc). Ngoài ra, ông còn viết truyện ký danh nhân “Anh em Lumière”, ông tổ nhiếp ảnh, viết sách bình khảo, dịch truyện, dịch thơ v.v…
Chưa Bao Giờ Thương Thế
Đời ta bao lần dại,Chỉ vì nhiều tự áị
Đòi hỏi nơi người tình
Một lòng yêu băng trinh.
Em yêu ta đã rõ,
Còn thử thách hoài hoài.
Năm với năm là mười,
Vẫn chưa cho là đủ!
Hơn một chút là giận,
Chưa chi đã vội hờn.
Để làm em đau buồn,
Không tiếc lời cay đắng...
Em cắn răng chịu đựng
Phản ứng thiệt dịu dàng.
Được thể, ta lại càng
Làm em thêm đau khổ!
Em được gì kia chứ?
Mà phải chịu đau buồn.
Ta được gì kia chứ?
Mà làm em đau thương.
Đêm nay em chợt ghé,
Em mở lòng cho xem:
Ôi thương em, thương em!
Chưa bao giờ thương thế!