Tôi là người hồi nào giờ, vẫn có xu hướng nghiêng về nhu cầu đổi mới, cách tân văn chương, từ một chữ, một câu (hình thức), tới nỗ lực diễn tả mới qua những hình thái liên tưởng (nội dung) chưa từng có…
Nhưng với tôi, mọi đổi mới, cách tân văn chương (dù ở dạng hình thức hay nội dung), người khởi xướng, kẻ khai phá phải giải thích được lý do? Tại sao ông / bà ta lại làm như vậy? Với mục đích gì?
Nếu không giải thích được một cách hợp lý thì, cái gọi là “cách tân” chỉ là một “nỗ lực” đánh lận con đen của những người cầm bút thiếu tự trọng, thiếu tài năng, chủ trương đốt giai đoạn, để gây sự chú ý, tạo tên tuổi (giả) trong dư luận. Với tôi, bất cứ ai, ở trường hợp này, cũng tương tự như việc làm của một vài cá nhân, thường đem một số tên tuổi đã thành danh lên mặt báo, trang mạng để chê bai, rủa xả, hầu tự đánh bóng tên tuổi mình.
Vì thế, tôi luôn chú ý và cảm phục những cây bút đã thành danh, đã có một vị trí nhất định nào đó, trong lãnh vực văn chương mà, còn bận tâm, thao thức đi tìm một khoảng trời sáng tạo khác, cho dòng chảy của VHNT đất nước.
Đó là trường hợp của nhà thơ Trần Quang Quý - - Người mà tài năng đã sớm được khẳng định với nhiều giải thưởng thi ca đáng kể, đạt được trong 3 thập niên qua.
Trong lời “Mở” vào thi phẩm “Namkau” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ấn hành năm 2016, họ Trần viết:
“Vào năm 2010, bắt đầu từ những bản nháp ghi chép, những bài thơ dài còn dang dở, thích câu thích ý mà chưa hoàn thiện được, tôi thử sửa thành những bài thơ ngắn, nhưng không muốn giống tứ tuyệt đã quá quen, đặc biệt là cấu trúc, niêm luật vần điệu khắt khe, cũng như nguồn gốc xuất sứ của nó. Như có sự xui khiến nào đó, một cách ngẫu nhiên, tôi sửa thành những bài thơ năm câu và bỗng thấy nó ‘sáng ra’, bài thơ được nhất, theo cảm xúc, ý tưởng và chiêm nghiệm của mình.
“Có thể tạo ra một hình thức, thể thơ năm câu được không (tôi cũng chưa biết nơi nào đó đã có chưa)? Cho đến năm 2015, sau khi hoàn thành bản thảo tập thơ mới Ga sáng và một tập thơ dài nữa (chưa đặt tên) tôi bắt đầu trở lại mạch thơ năm câu với cảm xúc mạnh mẽ và liên tục trong hình thức thơ này.
“Thể thơ cũng được gợi ý từ quan niệm phương Đông về Ngũ hành và số 5, số sinh. Nhưng trước tiên nó khác với những hình thức thơ ngắn khác đã có từ lâu đời như thơ Đường (Thất ngôn bát cú, Ngũ ngôn bát cú, Thất ngôn tứ tuyệt) từ thế kỷ 7 của Trung Quốc, thơ Haiku từ thế kỷ 17 của Nhật, với 3 câu, 17 âm tiết (5+7+5) và có yếu tố Thiền… Tóm lại, mỗi bài thơ có năm câu, câu thơ được tự do dài ngắn, tùy cảm hứng của người viết và cấu trúc phù hợp của từng bài. Nó không quá ngắn để ‘vón cục’, thiếu đất cho những rung động được ngân lên. Cũng không quá dài để phù hợp với tốc độ xã hội công nghiệp và công nghệ phát triển, thời gian và các mối quan tâm bị chi phối bởi đa phức thông tin và giải trí đương đại. Và, nó hợp với khí thơ chiêm nghiệm, triết lý, diễn ngôn mà tôi thường quan tâm lâu nay.
“Rất may, khi công bố thơ năm câu trên báo chí, trên mạng xã hội, nhiều bạn bè đồng nghiệp, các nhà thơ và bạn đọc cổ vũ, như một nguồn năng lượng mới thúc đẩy cách tiếp cận, hướng đi của mình.
“Có thể tạm cấu trúc bài thơ theo hai phần. Với câu thơ tự do, Phần 1 có 3 câu, tương ứng với Trình diễn. Phần 2 có 2 câu, tương ứng với Kết & Nghiệm. Ví dụ:
RỤNG
Có một chiếc răng rụng
tôi vẫn để trong ví mỗi ngày
một mảnh đời đã tuột ra khỏi gốc số phận
Mỗi lần mở ví ra tôi thấy
chiếc răng vẫn đang nhai ký ức
31/2/2015
Cũng có thể làm với lục bát, nhưng lục bát là các cặp câu nên Phần 1 để 4 câu (2 cặp câu). Phần 2 chỉ 1 câu kết (ở câu 6 - lục), vì kết ở câu 6 nên cái kết có độ “hẫng”, thường gợi mở… có thể tạo ra một hiệu năng thú vị, nếu thành công. Ví dụ:
BƯỚC YÊU
Đã từng đi nát con đường
gỗ hương long mộng chân giường đứng ngây
Đã từng hẹn tuột vỏ cây
gió ghen vần vũ đám mây tụt quần
Đã yêu yêu cạn mùa xuân…
.
Sau đó, sáng kiến về một hình thức mới cho thơ Việt, của Trần Quang Quý, đã được một số tác giả, học giả uy tín - - trong số đó có nhà thơ nổi tiếng, Nguyễn Trọng Tạo góp ý, khuyến khích. Cũng chính họ Nguyễn đề nghị Trần Quang Quý rằng, nên dùng cụm từ “namkau”:
“Cuối năm ngoái, tôi được nhà thơ Trần Quang Quý cho đọc một chùm thơ năm câu. Những bài thơ tự do được ấn định / bắt buộc khổ trên ba câu, khổ dưới hai câu. Vẫn là giọng thơ se thắt và bật sáng chữ nghĩa của Quý, nhưng bài thơ thì nén lại cho đến chữ cuối cùng để bất ngờ làm hiện ra tứ thơ ám ảnh. Tôi nghĩ trong thơ nội, thơ ngoại cổ kim thì số câu của một bài thơ nhiều ít đều đã có cả, nhưng thơ năm câu thì chưa trở thành một hình thức ổn định. Và tôi cổ vũ Quý nên tiếp tục làm thơ năm câu nhằm gây một ấn tượng riêng, biết đâu, một tập thơ năm câu sẽ tạo ra một hình thức thơ mới có sức thuyết phục cả người đọc và người viết thơ.
“Gần một năm sau, Trần Quang Quý đã viết được trên 100 bài thơ năm câu. ‘Có cả bài hay lẫn bài vừa’. Và Quý đã chọn lựa, bỏ bớt ‘bài vừa’ để làm nên tập thơ này.
“Đọc thơ năm câu của Trần Quang Quý, người đọc hẳn bất ngờ đi từ thú vị này đến thú vị khác. Khi thì gặp bài thơ được kết theo lối ‘chân đế’ nâng bổng cả ý tứ lên tầm khái quát mới lạ.
CẢM THỨC
Mùa thu giặt những đám mây trắng
phơi lang thang bầu trời
vắt ngang gió một lườn sông sóng sánh
Trong rón rén bình minh chợt nhú
ban mai vừa cởi cúc mùa thu
BUỘC
Hoa nở
ngỡ môi em còn thơm đầy vườn
hoàng hôn khép ráng chiều xa ấy
Gió gọi em mùa đi biền biệt
vườn buộc anh cả một đời hương.
“Khi thì gặp những câu chữ lung linh bổng trầm ném vào tâm hồn rát bỏng:
- chiếc răng vẫn đang nhai ký ức
- cỏ mềm nằm duỗi xuân
- gió lật chiều không bóc nhớ khỏi anh
- âm thanh lõm theo con đường có vết chân em
…..
“Từ những triết lý đời sống đến triết lý tình yêu đều vỡ ra những cung bậc sẻ chia. Khi đằm thắm, lúc chua cay. Khi mãnh liệt nồng nàn, lúc buồn tênh hụt hẫng… Những cung bậc tâm hồn của một người nhiều suy tư nghiền ngẫm, lại cũng nhiều mơ mộng thiệt hơn. Có ẩn ức và có hồn nhiên. Có đời và có đạo… Âu cũng là thiên chức của một hồn thơ đã qua thời “ngũ thập tri thiên mệnh”.
“Nếu thơ năm câu của Trần Quang Quý được chấp nhận rộng rãi thì nó sẽ được ghi nhận như một hình thức mới. Khi nó được gọi là hình thức mới thì thơ năm câu như là một thuật ngữ văn học. Vì thế mà tôi muốn gọi thơ năm câu của Trần Quang Quý bằng ‘thuật ngữ’ namkau. Vâng, namkau, viết theo kiểu tiếng Anh thì ai cũng đọc được. Là tôi hy vọng thế.
“Tuy nhiên, việc sáng tạo và việc chấp nhận cái mới cái lạ không chỉ phụ thuộc vào nhà sáng tạo, mà còn phụ thuộc vào cả người thưởng thức. Người ta nói nhiều về việc “nâng cao dân trí” nhưng lại rất ít chú ý đến việc “nâng cao dân trí thơ”. Thưởng thức nghệ thuật tự nhiên và thưởng thức nghệ thuật bằng tri thức nghệ thuật là rất khác nhau. Dân trí nhạc của ta chưa đạt tới trình độ nghe nhạc giao hưởng, trong lúc dân trí Âu châu đã tiếp cận được nhạc giao hưởng hiện đại. Với thơ cũng vậy thôi. Rất nhiều trường phái đã ra đời, tồn tại và không tồn tại là cả một vấn đề lớn mà các nhà nghiên cứu nhiều khi bất lực. Lúc đó người ta phải gửi gắm vào sự phán xét của Ông già Thời Gian mà thôi.
Với tập thơ namkau của Trần Quang Quý, tôi hy vọng trước hết, sẽ mang đến cho bạn đọc và cả bạn viết một niềm đam mê sáng tạo đầy trăn trở về đời, về thơ và về ý thức không an bài với những gì đã có…”
.
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định không thể chính xác hơn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong bài giới thiệu thi phẩm “namkau” của Trần Quang Quý, khi ông viết:
“Rất nhiều trường phái (văn chương) đã ra đời, tồn tại và không tồn tại là cả một vấn đề lớn mà các nhà nghiên cứu nhiều khi bất lực. Lúc đó người ta phải gửi gắm vào sự phán xét của Ông già Thời Gian mà thôi.”
Nhưng, theo tôi, dù người khai sáng trường phái thơ namkau có phải chờ đợi “sự phán xét của Ông già Thời Gian” bao lâu nữa thì, chí ít hôm nay, qua thi phẩm “namkau”, Trần Quang Quý, cũng đã để lại được cho cõi-giới thơ Việt Nam, hôm nay, những câu thơ chúng ta hiếm thấy trước đây, nếu không muốn nói là chưa từng có.
Tôi thấy, cũng nên nói thêm (nhấn mạnh) rằng, lịch sử thi ca mấy nghìn năm của đất nước Việt, cũng đã cho chúng rất nhiều những câu thơ hay. Nhưng trong số đó, cũng có không ít, những câu thơ như đẹp tình cờ hiện ra trong bài thơ, như một chấp vá bất ngờ, xa lạ. Tôi muốn nói tới sự thiếu tương quan hữu cơ với toàn thể bài thơ.
Ở Trần Quang Quý, với những bài thơ có trong tập “namkau” thì, không biết có phải cha đẻ của trường phái thơ namkau quy định rằng hai câu chót của bài thơ phải “tương ứng với Kết & Nghiệm” hay không (?) Mà tôi luôn thấy tính tương quan máu-thịt giữa những câu thơ ở khổ thơ thứ nhất 3 câu; và khổ thơ thứ 2, 2 câu.
Để cụ thể, tôi xin dùng lại bài “Rụng” của Trần Quang Quý, làm thí dụ:
“Có một chiếc răng rụng
Tôi vẫn để trong ví mỗi ngày
Một mảnh đời đã tuột ra khỏi gốc số phận
“Mỗi lần mở ví ra tôi thấy
Chiếc răng vẫn đang nhai ký ức”
Ở đây, tôi không thấy cần thiết phải nói thêm một lời nào về hai câu thơ: “Mỗi lần mở ví ra tôi thấy / Chiếc răng vẫn đang nhai ký ức” - - khi họ Trần dùng động từ “nhai” như một thuộc từ của danh từ “răng”, thì đó là một thành tựu chữ, nghĩa rất đẹp trong thi phẩm “namkau” vậy - - Điều tôi muốn nhấn mạnh qua thí dụ trên là tính tương tác bất khả tán lạc, bất khả chia ly của hình ảnh, những con chữ có nơi tác giả này mà thôi.
Tôi cũng gặp được hạnh phúc trên, nhiều lần, ở những bài thơ khác nữa của Tần Quang Quý. Như:
- “Trong rón rén bình minh chợt nhú / ban mai vừa cởi cúc mùa thu” (Trích “Cảm thức”)
- “Gió gọi em mùa đi biền biệt / vườn buộc anh cả một đời hương” (Trích “Buộc”)
- “Đi qua những ngày cơ nhỡ / anh vẫn còn giáp hạt mắt em” (Trích “Tháng ba quê”)
- “Bí quyết ư, giản dị / cả vạn năm tu rễ ở bùn” (Trích “Sen”).
Vân vân…
.
Lập lại, ngay cả khi nỗ lực cách tân thơ Việt, với hình thức thơ “namkau” của Trần Quang Quý, không có được mối “lương duyên” tốt đẹp với “Ông già Thời Gian” thì, tôi vẫn cho rằng, họ Trần đã đổi mới, đã cách tân được thơ của chính ông, hôm nay, như một đóng góp hữu ích cho thơ của chúng ta rồi, vậy..
Tôi không thấy cần phải ngỏ lời cám ơn Trần Quang Qúy. Khi tất cả tấm lòng liên-tài của tôi, đã hiển lộ qua từng con chữ, trong bài viết ngắn này - - Mà, chỉ xin cầu chúc Trần thi sĩ có thêm nhiều nữa, những câu thơ chói lọi liên tưởng mới mẻ, từ bệ phóng “namkau” của mình.
Du Tử Lê
(California, May 2017)