NGUYỄN ĐẠT THỊNH - Thiếu tá Phạm Huấn

17 Tháng Mười 20172:29 CH(Xem: 10721)
NGUYỄN ĐẠT THỊNH - Thiếu tá Phạm Huấn

Tôi sống rất gần và rất lâu với Phạm Huấn; sống trong quân ngũ, sống trên chiến trường, trên trường văn trận bút, và cả trên bờ biển Hawaii thơ mộng nữa. Tôi có thể viết về Huấn như nhắc nhở đến một người bạn thân, nhưng tôi chọn góc cạnh quân ngũ để viết về anh.

Đó là góc cạnh tôi biết anh rõ nhất, và, theo quan điểm của tôi, đó cũng là góc cạnh đẹp nhất của anh.

Trong hệ thống quân sự, Huấn là sĩ quan phụ tá giúp tôi thực hiện việc biên tập hai tờ báo của quân đội, tờ Tiền Phong, dành cho sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, dành cho binh sĩ.

Tôi là chủ bút và Huấn giúp tôi trong mọi địa hạt biên tập, nhưng trên thực tế cả hai chúng tôi là 2 phóng viên chiến trường. Thời gian chúng tôi có mặt ngoài tiền tuyến, bên các đơn vị đụng trận với địch, nhiều hơn thời gian chúng tôi ngồi ở văn phòng.

Đa số những bài phóng sự mô tả các trận giao tranh, chúng tôi viết trên những chuyến bay C47, C119, hay C130 chuyên chở thương binh về hậu cứ hay đưa thi hài tử sĩ về nguyên quán.

“Chúng mình thấy nhiều người chết trận hơn đa số anh em quân nhân khác,” Huấn thường nói với tôi.

Điều này cũng dễ hiểu: Mỗi đơn vị trưởng chỉ nhìn thấy số tử sĩ của đơn vị mình và số tử thi của địch bị sát hại trước hàng rào phòng thủ hay trong trận giao tranh với đơn vị.

Huấn và tôi thấy nhiều trận giao tranh của nhiều đơn vị, mà trận Lam Sơn 719 là một.

Lam Sơn 719 là một trong những trận giao tranh lớn mà hai anh em chúng tôi có nhiều kỷ niệm. Đây là trận quân ta hành quân sang Hạ Lào.

Huấn theo cánh quân của Sư Đoàn 1 Bộ Binh tiến trên đường số 9 để vào Tchepone, căn cứ chỉ huy tiếp vận của địch; tôi theo cánh quân của Sư Đoàn Nhảy Dù xuất phát từ Khe Sanh.

Lam Sơn 719 là cuộc hành quân đầu tiên do QLVNCH hoàn toàn thực hiện, từ thảo hoạch chiến thuật tới yểm trợ hành quân, từ kế hoạch “khóa vòi nước” Bắc Việt không cho chúng đưa quân vào tăng viện cho bọn Việt Cộng trong Nam, tới mục tiêu cắt đứt hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, đặt các toán biệt kích mai phục, ngăn cấm không cho địch sử dụng con đường tiếp vận quan trọng này nữa.

Nhưng vì LS 719 là cuộc hành quân độc lập đầu tiên của QLVNCH không phối hợp với Mỹ nữa nên anh đồng minh khổng lồ của chúng ta cũng giả ngơ để chúng ta tự lực cánh sinh, với những phương tiện trợ chiến và tiếp vận bằng không lực còn rất yếu kém của chúng ta.

PhamHuan
Thiếu Tá Phạm Huấn tại Hà Nội, trong đợt giao trả tù binh giữa hai phía Hoa Kỳ và Bắc Việt, vào Tháng Hai năm 1973.



Từ Saigon ra, chúng tôi đáp tại phi trường Phú Bài. Trong lúc các tiểu đoàn trưởng tổng trừ bị kiểm điểm quân số, vũ khí và trang cụ của đơn vị, Huấn lại tìm tôi.

“Anh nghe đài Hà Nội chưa?” Huấn hỏi tôi, rồi mở cái máy thu thanh nhỏ anh vừa mượn của một quân nhân nhảy dù cho tôi nghe: Hà Nội đang chỉ trích VNCH đem quân sang “xâm chiếm” Vương Quốc Ai Lao.

Chúng tôi lo lắng, vì địa điểm hành quân là một yếu tố mật, chính chúng tôi và các tiểu đoàn trưởng tham dự hành quân cũng vẫn chưa được thông báo, mà Hà Nội đã biết rồi. Bí mật đã bị tiết lộ.

Nhưng ai bật mí? Chúng tôi không biết; nhưng chắc chắn từ trung tướng Dư Quốc Đống tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù trở xuống không một quân nhân nào phản trắc, hoặc có hoàn cảnh và điều kiện để làm công việc thông đồng với địch, phản quốc.

Chỉ có bộ Tổng Tham Mưu, Dinh Độc Lập, và Tòa Đại Sứ Mỹ có điều kiện để thông báo cho địch.

Không biết nguồn gốc phản phúc, nhưng chúng tôi biết chắc chắn một điều: Địch đã biết trước, và biết rõ hơn chúng tôi biết về cuộc hành quân chúng tôi đang tham dự, đã bố trí, và các đơn vị QLVNCH sẽ phải trả một giá rất đắt.

Điều chúng tôi lo sợ trở thành sự thật; đồi 31, căn cứ Hồng Hà 2, quốc lộ 9 trở thành những trận địa pháo Việt Cộng chờ sẵn.

Trời Hạ Lào xấu, nhiều trần mây chạm đỉnh đồi, không quân Việt Nam chỉ có khả năng trợ chiến trực tiếp: Tấn công vào những mục tiêu nhìn thấy được bằng mắt thường, nhưng không có dụng cụ đánh đêm, mà cũng chưa được huấn luyện để yểm trợ tác chiến bằng phi cụ, nên gần như không giúp đỡ gì được cho người bạn bộ binh bên dưới đang lọt vào phục kích và trận địa pháo của địch.

Không yểm Hoa Kỳ = 0

Tình thế nguy hiểm thấy rõ, tôi chia công việc với Huấn: Anh ở lại theo dõi Hạ Lào, tôi trở về Saigon hy vọng tìm một lối thoát, giúp tái lập không yểm Hoa Kỳ.

Lối thoát là nghị sĩ Trần Văn Hương, người đã nhiều lần yểm trợ chúng tôi trong những chương trình giúp đỡ cô nhi quả phụ.

Không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào để giúp người lính tác chiến, nhà ái quốc trọng tuổi Trần Văn Hương đứng ra triệu tập một cuộc họp báo, tố cáo thái độ không trợ chiến của không quân Hoa Kỳ.

Ngay ngày hôm sau không yểm được tái lập. Huấn vào Tchepone với Trung Đoàn 1 Bộ Binh, chứng kiến tổn thất khiếp đảm của những đơn vị tham chiến và trở về Saigon với kế hoạch “Đại Hội Nhạc Trẻ Sân Hoa Lư.”

Anh gởi thơ mời những người lính trẻ Hoa Kỳ thích đàn hát tham dự chương trình nhạc sống ngoài trời, bán vé lấy tiền để giúp cô nhi, quả phụ Hạ Lào.

Số tiền thâu được gần 3 triệu bạc trong thời điểm lương sĩ quan trung cấp của chúng tôi chỉ trên dưới $40,000. Huấn trao số tiền này cho bộ tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù.

TUẦN BÁO DIỀU HÂU là tờ báo thứ ba chúng tôi làm trong cùng một lúc. Hai tờ báo chính thức của quân đội chúng tôi phụ trách không giúp chúng tôi nêu lên những vấn đề thiết thực của quân đội, và không nói lên tiếng nói uất nghẹn của người lính VNCH.

Một thí dụ: Chúng tôi không thể tố cáo trên mặt tờ báo chính thức của quân đội tình trạng người lính không được mua đủ khẩu phần quân tiếp vụ của họ, vì nhiều lon dầu ăn, lon paté gan của quân tiếp vụ bị nhẩy dù ra khỏi kho, và đem bầy bán trên lề đường Saigon. Chúng tôi lại càng không thể đề cập đến nhiều hành động tham nhũng của hàng tướng lãnh Việt Nam.

Huấn bàn với tôi việc xuất bản tờ tuần báo Diều Hâu như tiếng nói trung thực của người lính.

Hai anh em rốc túi được trên $100,000, và đó là số vốn đầu tư mua được cho chúng tôi nhiều phút tranh đấu hào hứng đến đứng tim.

Chúng tôi giúp anh em quân nhân giải quyết nhiều bất công thông thường, nhưng lại đứng khựng trước một vụ tham nhũng khổng lồ, lạm dụng quá đáng và vô cùng quy mô: Vụ quỹ Tương Trợ Tiết Kiệm (TTTK).

Quỹ TTTK trực tiếp trừ lương mỗi người lính $100 mỗi tháng, một triệu lính $100 triệu; mỗi năm 1 tỷ 2.

Lương tháng của chúng tôi khoảng $40,000-400 tờ giấy trăm. Số tiền mang chất tiền lính, tính liền, nên có thiếu một tờ cũng không để ý lắm, nó chỉ bằng một quarter bây giờ.

Nhưng 4 năm sau, khi số tiền tiết kiệm lên đến 5 tỉ bạc, thì nó đủ lớn để làm tối mắt nhiều viên chức chính phủ và tướng lãnh quân đội. Họ lập Kỹ Thương Ngân Hàng, tài trợ cho hai giới kỹ nghệ gia và thương gia trong công việc doanh thương, họ mua hãng RMK của Mỹ để làm xa lộ, làm đường sá, họ mua công ty Cogido để làm giấy in sách báo, họ dự trù khui giếng dầu Hồng Hà 2 ngoài thềm lục địa Việt Nam, và làm nhiều dự án vô cùng lớn lao khác nữa.

“Tiền tiết kiệm của lính, mà mọi người xúm lại sử dụng vung vít quá,” Huấn bảo tôi. Anh viết bài đặt vấn đề quản trị và trách nhiệm về tài sản tiết kiệm của lính.

Trung tướng Đồng Văn Khuyên, một viên chức trong hội đồng quản trị quỹ TTTK, viết bài trả lời chúng tôi.

Ông hỏi chúng tôi những việc làm xa lộ, khui giếng dầu, sản xuất giấy để in sách báo không phải là phục vụ cho nền kinh tế quốc gia hay sao.

Chúng tôi đăng nguyên văn thơ và chân dung ông lên báo, rồi viết trả lời ông là tất cả những việc quỹ TTTK làm đều đúng, trừ một điều: Sử dụng số tiền tiết kiệm của chúng tôi.

Chúng tôi là trái chủ của trương mục TTTK này, và chúng tôi, người lính VNCH, phải có ưu tiên vay mượn trước mọi người khác.

Vay mượn để làm gì? Chúng tôi vạch rõ tình trạng mỗi người lính, với số lương còm cõi, phải đài thọ việc nuôi dưỡng một đại gia đình gồm 5, 7 người thân nhân đến tá túc trong trại gia binh, chung sống với gia đình người lính, vì tình trạng thiếu an ninh tại nông thôn.

Do đó số nhân lực thặng dư, cần việc làm trong trại gia binh rất nhiều, và sẽ trở thành đắc dụng nếu quân đội có kế hoạch sử dụng họ và sử dụng số tiền tiết kiệm của những người lính thân nhân họ, cho lính vay lại số tiền tiết kiệm.

Huấn và tôi lấy Sư Đoàn 18 ra làm điển hình để cụ thể thảo luận với hội đồng quản trị quỹ TTTK trên mặt báo Diều Hâu. Sư Đoàn đóng tại Long Khánh vùng đất đỏ mầu mỡ rất tốt cho việc làm rẫy trồng đậu nành.

Nếu sư đoàn tổ chức hợp tác xã dầu ăn, mua máy cày về cầy mướn cho những người lính thành viên hợp tác xã, và cho họ mượn vốn mua hột đậu nành giống, mua phân, mua máy bơm nước để khai thác một hai mẫu đậu nành cấp cho họ thì hợp tác xã đã sử dụng hai phần ba số bà con lính sống thất nghiệp trong trại gia binh, và với tối thiểu 5,000 thành viên, trong số 10,000 quân nhân của sư đoàn, mỗi mùa hợp tác xã đã có thể mua lại hoa mầu của 10,000 mẫu đậu nành, số lượng có thể ép thành hàng chục triệu lít dầu ăn.

Lúc đó khẩu phần quân tiếp vụ của binh sĩ là mỗi gia đình được mua 2 lít dầu mỗi tháng. Hợp tác xã sư đoàn 18 không những có khả năng hủy bỏ giới hạn mua dầu ăn, mà còn có khả năng cung cấp thêm cho thị trường bên ngoài.

Máy ép dầu? Kỹ sư dầu ăn? Mua dụng cụ và mướn người ngoại quốc nếu chúng ta chưa có đủ chuyên viên.

Chúng tôi chọn thêm hai sư đoàn 5 và 25 để thảo luận về việc sản xuất một nhu yếu phẩm khác: Đường. Hai sư đoàn này đóng ở Củ Chi và Đức Hòa, vùng trồng mía.

Chúng tôi cũng đề nghị sử dụng nhân công thân nhân binh sĩ, sử dụng vốn trong quỹ TTTK để tạo ra hợp tác xã sản xuất đường.

Hội đồng quản trị quỹ TTTK đang thảo luận với tuần báo Diều Hâu thì bên trong nội bộ của hội đồng tiết lộ ra nhiều tài liệu tố giác tham nhũng trong việc điều hành quỹ.

Cuộc thảo luận về nguyên tắc sử dụng đứng đắn đồng tiền tiết kiệm của người lính biến thành cuộc điều tra của Phủ Phó Tổng Thống đặc trách bài trừ tham nhũng.

Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ, tổng trưởng quốc phòng và chủ tịch quỹ TTTK bị cất chức, và quỹ bị giải tán.

Mỗi người lính chúng tôi được lãnh lại 60 tờ giấy trăm, một số tiền khác cũng mang tính chất tiền lính để bị tính liền trong một bữa ăn cuối tuần.

Trong cuộc đấu tranh này tôi nhận ra được bản tính vô cùng can đảm của Huấn trong nhiều đụng chạm với những quân nhân cao cấp và nhiều quyền hạn.

Tôi ca ngợi Huấn, anh chỉ cười dễ dãi, rồi huyệch hoạc bảo tôi, “mó dế ngựa, tôi cũng teo lắm.”

Kỷ niệm buồn thấm thía giữa Huấn và tôi, mà cả hai chúng tôi cùng không dám nhắc lại là ly rượu chúng tôi uống trong một buổi chiều sơn cước.

Sáng hôm đó tôi theo trung đoàn 45 từ đèo Hàm Rồng về Ban Mê Thuột chứng kiến cảnh Đại tá Quang đưa quân về tiếp cứu trung tá Ân đang tử thủ tại phi trường Phụng Dực.

Tôi chứng kiến sức chiến đấu can trường và dũng mãnh của người lính bộ binh chống với đoàn chiến xa của Việt Cộng.

Chiều hôm đó tôi trở về Pleiku; Huấn đón tôi tại sân trực thăng Quân Đoàn 2. Anh không còn là một phóng viên như tôi nữa, mà đã trở thành sĩ quan báo chí của Quân Đoàn.

Anh không chở tôi vào bộ Tư Lệnh để tiếp tục làm việc với những tin tức cuối cùng của Phòng Nhì và Trung Tâm Hành Quân, mà cũng không đưa tôi về cư xá sĩ quan cho tôi nghỉ ngơi trước bữa cơm chiều, mà lái xe thẳng ra phố.

Chúng tôi vào một tiệm cơm Tây của Pleiku do một cập vợ chồng Tây thật làm chủ. Huấn gọi hai ly rượu mạnh. Ông Tây già bưng rượu và một dĩa thịt nguội nhỏ ra bảo chúng tôi, “amuse gueule,” (món vui miệng).

Thường khi chúng tôi cũng xổ tiếng Tây ra đấu với ông, nhưng lần này Huấn chỉ “merci” một tiếng rồi cụng ly với tôi.

Nhìn gương mặt lầm lì của Huấn tôi hỏi, “tình hình tệ lắm hả?”

“Lát Thiếu Tướng Phú sẽ nói chuyện với anh,” Huấn nói.

Nửa đêm hôm đó quân đội VNCH bỏ cao nguyên, với nhiều uẩn khúc Huấn, tôi và nhiều người khác đã viết lại.

Cuộc triệt thoái này đưa người Miền Nam đến chỗ mất nước.

Tôi gặp lại Huấn tại San Jose, làm chủ một tiệm cơm Tây lớn hơn nhà hàng chúng tôi ăn lần chót tại Pleiku, và chị Hà, bà xã Huấn, nướng steak cũng ngon hơn ông Tây già Pleiku. Huấn rót cho tôi một ly Cordon Bleu, thứ rượu chúng tôi uống tại Pleiku chiều cuối cùng. Tôi uống cạn, không nhìn Huấn.

Huấn ra đi ngày 29, tháng Mười, 2005. Tôi đến thăm Huấn nhiều lần trong những ngày anh dưỡng bệnh và chứng kiến sự chăm sóc chan chứa yêu thương của chị Hà bên giường bệnh.

Với tư cách một quân nhân, tôi ngả nón kính phục những nỗ lực tối đa của anh trên đường phục vụ tổ quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Ba 202411:34 SA(Xem: 65)
Thái Thanh hát bên Phật Di Đà những lời kinh trong suốt, vô ngôn.
14 Tháng Ba 20245:55 CH(Xem: 194)
Hôm nay là ngày mở cửa mả của anh (31/01 (2024) mà em vẫn chưa thực sự tin là anh đã đi xa.
29 Tháng Hai 20248:09 SA(Xem: 211)
Thơ Phan Xuân Sinh không có những mộng mơ vì đời không cho anh có thời giờ mộng mơ. Anh rất thực tế nên thơ của anh rất đời, rất hào sảng.
18 Tháng Hai 20244:13 CH(Xem: 441)
Ngược lại Mai Thảo chưa ghét bỏ ai bao giờ. Anh chửi, như một thói quen, một cách mắng yêu, chỉ trong bàn nhậu.
08 Tháng Hai 202410:14 SA(Xem: 456)
Rất nhiều nhạc sĩ tài danh đều bắt đầu bằng tự học, không qua trường lớp đào tạo, và Phạm Đình Chương cũng không ngoại lệ.
25 Tháng Giêng 20249:11 SA(Xem: 303)
Tôi thả những cánh hoa nghệ thuật bay theo chiều gió, chẳng biết có cánh nào rơi vào bàn tay thân ái của kẻ sĩ?
11 Tháng Giêng 20249:16 SA(Xem: 417)
Có lẽ tôi hiểu ra “ga Suối Vằn” ở đâu rồi./ Đó không chỉ là một địa danh hư cấu, mà chính xác hơn: một địa chỉ để tìm đến văn chương.
28 Tháng Mười Hai 202310:56 SA(Xem: 395)
Người ta thường gọi Dương Bích Liên là họa sĩ của Hà Nội.
21 Tháng Mười Hai 20231:37 CH(Xem: 377)
Chàng vẽ đẹp, tranh chàng mượt mà, màu sắc êm dịu, đường nét mềm mại, ánh sáng mạnh, bố cục lạ.
14 Tháng Mười Hai 20231:29 CH(Xem: 541)
Trong tất cả các bài thơ của Cung Trầm Tưởng mà tôi biết và từng đọc, tôi thích nhất là bài Kiếp Sau của ông.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16821)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12053)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18835)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9032)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8133)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 455)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 826)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1023)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22341)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13907)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19091)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7783)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8698)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8398)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10943)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30592)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20746)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25372)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22816)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21617)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19675)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17968)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19154)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16829)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16020)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24374)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31814)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34846)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,