"Người Có Lúc" là tiểu thuyết thứ 2 của Bùi Minh Vũ, được viết bằng tiếng Việt, dày khoảng 104 trang, Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2018.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là Thành, tuổi trung niên, sống với vợ trong nhà trọ cùng đứa con gái học phổ thông cơ sở. Cuộc sống của anh còn nhiều khó khăn, thu nhập bằng đồng lương, nhưng Thành chưa hề nghĩ đến kinh doanh, không có cơ hội để bàn chuyện kiếm tiền. Anh là một người thầy liêm chính, ở gần sếp nhưng không hề nịnh nọt, chạy chọt, hoặc dùng mọi thủ đoạn để có vị trí cao hơn. Đối lập với anh là người bạn tên Lê, cùng cơ quan, thi rớt đại học, học tại chức, sống khôn khéo, hối lộ cả tiền tài và tư tưởng nên được sếp tin dùng. Thành biết, nhưng nghĩ đó là chuyện ngoài trời đất nên không bận tâm. Vợ Thành có dáng hình thon thả, dễ nhìn nên được sếp để ý và họ trở thành tình nhân của nhau. Có tiếng đồn về cuộc tình không mấy hay ho này, nhưng Thành không bao giờ nghĩ rằng điều đã và đang diễn ra là có thật, bởi anh tin vợ và sếp là người đàng hoàng.
Đến một ngày, Thành nhận quyết định cử đi học thạc sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh, anh mới nhận ra và tự hỏi, tại sao ta được cử đi học, học để làm gì, trong khi cuộc sống còn nhiệu việc phải làm nhưng đồng lương thì quá bèo bọt; vậy nên, đi học về có cải thiện gì chăng?
Ở thành phố, Thành tìm một phòng trọ, nghiệt nỗi là bà chủ góa ở với đứa con gái đang học phổ thông cơ sở đem lòng yêu thương anh, nhưng chàng không hứng thú, vẫn giữ khoảng cách để có thời gian học, dạy kèm tiếng Anh và đi xe thồ kiếm thêm tiền gửi về Buôn Ma Thuột phụ giúp vợ con.
Trong lớp học, Thành được tiến cử làm lớp trưởng, do vậy mọi việc diễn ra trong lớp anh biết, nhưng không bàn đến, lại chán ngán cảnh thầy Lượng dạy không tận tâm, chỉ lo quan hệ gái trai với học viên trong lớp đến nỗi bị bắt tại nhà nghỉ giữa thanh thiên bạch nhật. Duyên là học viên, trong ban cán sự lớp, bỏ bê việc học, lo buôn bán hàng online. Thành nghe những điều trông thấy mà đau đáu nhưng đành chấp nhận những nghịch lí của cuộc sống muôn quý ngàn yêu. Đau hơn nữa, buồn nhiều hơn là lần anh về thăm vợ, thấy vợ đóng cửa phòng, đi đâu đó trong đêm, sáng ra, nàng uống cà phê với sếp, anh bắt gặp nhưng cố tình lánh mặt vì đó cũng chỉ là chuyện đất trời. Tưởng đâu nỗi đau tâm can dừng lại, nhưng buốt lạnh hơn, thất vọng nhiều hơn, khi Thành nghe tin động trời là sếp bị bắt tại nhà nghỉ Thiên Chí với cô bé công vụ mới vào cơ quan chưa đầy 30 ngày công tác. Anh bàng hoàng, choáng váng vì thần tượng “kép” của mình tự đốn hạ, để rồi, bỗng chốc Lê, người bạn cùng cơ quan lên thay vị trí của sếp. Anh nghĩ số phận mình đã được định đoạt, biết rồi đây Lê có dùng mình không, nên anh muốn viết sách hơn là làm luận văn, và từ đó anh bắt đầu viết tiểu thuyết.
Thông điệp chính của tiểu thuyết là vạch ra sự tha hóa về nhân cách thông qua các hình tượng nhân vật cụ thể: người đứng đầu trong cơ quan, nhân viên công vụ, viên thầy giáo trên bục giảng, học viên thạc sĩ, người vợ, ... Chính từ các mối quan hệ này đã cho người đọc thấy đạo đức trong thời đại chúng ta đang sống có những xuống cấp đáng lo. Bên cạnh sự tha hóa của hàng loạt nhân vật, người đọc vẫn nhận ra những con người hiền hòa như Thành, như bà chủ nhỏ góa chồng tận tụy với công việc kinh doanh, và những đứa học trò ngoan như Thu, Vy suốt ngày chăm lo việc học tập...
Không gian nghệ thuật được mô tả trong tiểu thuyết là thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu. Bút pháp lãng mạn, tả thực mới, có chút huyền ảo, phảng phất màu sắc hậu hiện đại làm cho cuốn sách thi vị. Biểu tượng gió xuất hiện xuyên suốt như một hình tượng huyền nhiệm, góp phần giải mã những oan ức, nhân văn hóa nỗi đau dai dẳng của Thành, và giấc mơ tái diễn mở ra những hiểu biết còn chông chênh, khó đoán định.
"Người Có Lúc" như một trò chơi liên văn bản, tác giả cùng độc giả dắt tay nhau đi chơi trong tiểu thuyết, bàn về tiểu thuyết. Vấn đề tác phẩm đặt ra không gì khác hơn là “gợi” để độc giả nghĩ và viết tiếp những gì tác giả trăn trở, suy tư về cuộc đời này...