Tô Thùy Yên, một trong những tiếng thơ lớn, của 20 năm văn chương miền Nam

21 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 34786)
Tô Thùy Yên, một trong những tiếng thơ lớn, của 20 năm văn chương miền Nam

ttyen-content-content


Tô Thùy Yên, theo tôi, là một trong những nhà thơ của 20 năm văn học miền Nam, có ảnh hưởng rộng, lớn. Cái ảnh hưởng rộng, lớn ông có được, không phải vì ông cùng với Thanh Tâm Tuyền là hai “mũi nhọn xung kích” thổi bùng ngọn lửa thơ tự do ở miền Nam, như một số người ngộ nhận.

Sự thực, cùng với Thanh Tâm Tuyền, những người tận hiến tâm huyết mình, cho mục đích xiển dương thơ tự do ở miền Nam (giới hạn trong phạm vi tạp chí Sáng Tạo,) là Quách Thoại, Trần Dạ Từ, Trần Lê Nguyễn, Đỗ Quý Toàn, Ngọc Dũng, Người Sông Thương (bút hiệu của Nguyễn Sĩ Tế)… chứ không phải là Tô Thùy Yên. Những bài thơ của ông, được yêu thích nhất, cũng không phải là những bài thơ Tự Do mà, lại là thơ vần, điệu. Hoặc những bài ông dung hoà được đặc tính của thơ tự do và thơ cũ (như một số tác giả cùng thời khác đã thành công. Điển hình, như cố thi sĩ Nguyên Sa.)

Duyệt lại hành trình thi ca Tô Thùy Yên, 20 năm văn chương miền Nam, căn cứ trên mấy chục số tạp chí Sáng Tạo, từ bộ cũ đến bộ mới; bên cạnh những bài thơ tự do, Tô Thùy Yên còn có nhiều, khá nhiều, những bài thơ có vần, điệu. Đôi khi vần, điệu của ông, nơi những bài thơ ấy, còn chặt chẽ hơn cả những thi sĩ thời tiền chiến nữa. Trong thể loại này, Tô Thùy Yên trội, bật nhất là thể thơ 7 chữ.

Bài thơ đầu tiên (?) của Tô Thùy Yên được giới thiệu trên Sáng Tạo, gây tiếng vang lớn và, dư âm của nó, kéo dài nhiều năm sau, là “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” viết tháng 4 năm 1956. Một bài thơ 7 chữ.

Bài thơ này có tất cả 15 câu, toàn vần “au.” Rất chặt chẽ. Bài thơ đó, nguyên văn như sau:

“Trên cánh đồng hoang thuần một mầu
“Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
“Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
“Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
“Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
“Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
“Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
“Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
"Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
“Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
“Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
“Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
“Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
“Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
“Chấm giữa nền nhung một vết nâu.” (1)

Tôi nghĩ, có thể vì tính liên tục của cuộc rượt, đuổi giữa con ngựa và, chuyến tàu, nên tác giả đã cố tình không phân đoạn bài thơ của mình (?)

Nếu phân đoạn bài thơ trên với 4 câu cho mỗi khổ thơ, chúng ta sẽ có tất cả 4 khổ, mà khổ thơ chót, chỉ có 3 câu (Như thể đánh dấu sự bỏ cuộc, gục ngã bất ngờ, phút chót của con ngựa?!.)

Dựa trên việc phân đoạn, để sự tìm hiểu bài thơ dễ dàng hơn; ghi nhận đầu tiên của tôi là, Tô Thùy Yên đã dùng âm “trắc” cho chữ cuối cùng của câu thứ hai - - Nhưng không phải để hiệp vần “trắc” với chữ cuối cùng của câu thứ thư - - Mà, nó chỉ là sự chuyển đổi vị trí. Bởi vì, ông vẫn cho hiệp vần “bằng” của các chữ cuối, ở những câu thứ nhất với các câu thứ ba và, thứ tư.

Nói về thơ 7 chữ, cũng như nói về thơ lục bát, những người có kinh nghiệm với cuộc chơi “chọn vần, lựa chữ,” đều hiểu rằng, ngoài luật định hiệp vần, còn có luật định về nhịp điệu riêng của thể thơ này nữa.

Nhìn lại những nhà thơ tiền chiến, từng được mô tả là thành công với thể thơ 7 chữ, tôi nghĩ, chúng ta có thể nhắc tới Huy Cận, với bài “Tràng giang.”

Khổ thơ thứ nhất của bài “Tràng giang,” nguyên văn như sau:

“Sóng gợn tràng giang/ buồn điệp điệp,
“Con thuyền xuôi mái/ nước song song.
“Thuyền về nước lại,/ sầu trăm ngả;
“Củi một cành khô/ lạc mấy dòng.” (2)

Tôi dùng dấu gạch chéo/ slash để phân nhịp cho mỗi câu thơ. Kết quả, tất cả 4 câu thơ này, đều có nhịp 4/3.

Bước qua một bài thơ 7 chữ khác, cũng của Huy Cận, ta thấy, chúng cũng có chung một nhịp 4/3 như thế. Như bài “Vạn lý tình.” Cũng đoạn thứ nhất:

“Người ở bên trời,/ ta ở đây;
“chờ mong phương nọ,/ ngóng phương nầy.
“Tương tư đôi chốn/ tình ngàn dặm,
“Vạn lý sầu lên/ núi tiếp mây.” (3)

Nhịp 4/3 cũng là nhịp của hầu hết những bài thơ 7 chữ của Lưu Trọng Lư. Tôi xin chọn bài 7 chữ của ông, quen thuộc nhất với chúng ta. Bài “Nắng mới”:


“Mỗi lần nắng mới/ hắt bên song,
“Xao xác gà trưa/ gáy não nùng;
“Lòng rượi buồn theo/ thời dĩ vãng,
“Chập chờn sống lại  những ngày không.” (4)

Ngay Xuân Diệu (người được coi là luôn có những đổi mới đáng kể về hình thức, cũng như tu từ,) cũng dùng nhịp 4/3 cho thơ 7 chữ của ông:


“Tôi nhớ Rimbaud/ với Verlaine
“Hai chàng thi sĩ/ choáng hơi men
“Say thơ xa lạ,/ mê tình bạn,
“Khinh rẻ khuôn mòn,/ bỏ lối quen.”
(Trích Tình trai.) (5)

Nhưng Tô Thùy Yên đã cho thơ 7 chữ của ông một nhịp, điệu khác.

Trừ 2 câu đầu, và câu số 10, với nhịp 4/3 - - Tất cả những câu còn lại của bài “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu,” đều ở nhịp 3/4 ở những câu số 3, 4. Nhịp 3/2/2, ở những câu số 5, 9, 11, 13. Hoặc nhịp 2/5, ở những câu số 6, 14. Thậm chí ông còn cho câu số 12 của ông, một nhịp lạ hơn nữa. Đó là nhịp 2/1/4: “Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.”

Tuy nhiên, bài thơ không chỉ tạo được sự chú ý chỉ bởi nhịp đi mới mẻ của nó!

Sâu xa hơn, theo tôi, lại là những gì nằm sâu, sau phần hình thức này.

Tôi nghĩ, hình ảnh con ngựa rượt, đuổi chuyến tàu, với phông nền là những cánh đồng nối nhau, hút mắt; là một bức tranh sống động vẽ bằng…ngôn ngữ. Sức sống động mạnh mẽ tới độ, chúng cho ta cảm tưởng tác giả đã chụp được một bức ảnh thời gian… Bằng tài năng đặc biệt của mình.

Lại nữa, sự đuối sức, đầu hàng, từ giã cuộc đua của con ngựa, vẫn theo tôi, là một ẩn dụ, nhắc nhở rằng: Ý chí, sức mạnh của con người, dù kiên quyết, lớn lao tới đâu, cũng vẫn bị lưỡi dao hữu hạn, đời người, chém đứt!.!

Nói cách khác, bất lực trước, sau, vẫn là thuộc tính của con người, khi con người phải đối diện với chiều dài thời gian. Vô tận.

Đọc lại bài thơ, một lần nữa, về phương diện nhịp, điệu, tôi chợt có cảm nhận rằng, khi Tô Thùy Yên chọn cho bài 7 chữ này của ông, những nhịp đi gập ghềnh, có dễ ông cũng muốn cho người đọc liên tưởng tới những hơi thở không đều của chuyến tàu, con ngựa trong cuộc rượt. Một cuộc rượt, đuổi với tốc độ “tàu chạy mau mà qua rất lâu,” hay “tàu chạy mau, tàu chạy rất mau”… dẫn tới kết quả là những hơi thở “hào hển” hoặc, “cúi đầu”…

Mọi ẩn dụ, liên tưởng mà, bài thơ đem được, đến cho người đọc, theo tôi là những chiếc chìa khoá quý giá, để độc giả được quyền thênh thang bay bổng, phiêu hốt trong đất, trời rất tư, riêng, của bài thơ ấy - - Dù cho (cũng dễ hiểu thôi,) nếu những cảm nhận của độc giả, thường…xa lạ, không ăn nhằm, chẳng liên hệ gì, tới tình, ý (mơ hồ?) của tác giả, khi sáng tác!.

Nhưng, điều đó, cũng chỉ có thể xẩy đến cho những bài thơ hay, đi ra từ những tài thơ lớn. Mà, “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu,” là một thí dụ cụ thể vậy.

Một nét đặc thù khác trong thơ Tô Thùy Yên là chủ tâm sử dụng khá nhiều ngôn ngữ Nam…rặc. Chủ tâm này rất đáng kể; nếu người đọc nhớ lại rằng, đó là những câu thơ được viết trong khoảng thời gian 1956 tới 1975, trên một diễn đàn cổ suý văn chương… mới. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều ngôn ngữ đặc biệt kia, trong Tô Thùy Yên Thơ Tuyển (TTY/TT) in năm 1995, tại Hoa Kỳ. Như trong bài “Anh hùng tận,” ông viết:

“Dựng súng trường, cởi nón sắt
“Đơn vị dừng quân trọn buổi chiều.
“Trọn buổi chiều, ta nhậu nhẹt,
Mồi chẳng bao nhiêu, rượu rất nhiều.

(…)

Thiệt tình, tên bạn ta không nhớ
“Nhưng mà trông mặt thấy quen quen.”
(…)

“Tiếng hò mời dzô, dzô tở mở,
“Muỗi thuỷ triều chừng cũng giạt ra…”

(Trích TTY/TT.)

Hay một số chữ trong bài “Mòn gót chân sương nắng tháng năm”:

“Vụt đuốc đi thầm đến mãn kiếp,
Lèm bèm ú ớ chuyện nhân gian,”

(…)

“Sáng ngày, đời giật mình ngơ ngác,
“Mường tượng đôi ba chuyện bắt quàng.”

(…)

“Ta lại trồi lên dương thế rộn,
“Ngày ngày ra bãi vắng vời trông…”

Hoặc:

“Ra đi như nước ao lền đặc
(Trong bài “Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai,” TTY/TT.)

“Thế giới làm sàm điếc lác nặng”
(Trong bài “Bất tận nỗi đời hung hãn đó,” TTY/TT.”

Như đã nói, 7 chữ là đường kiếm lấp lánh nhất, trong cõi thơ Tô Thùy Yên, 20 năm, miền Nam. (Ngay bài thơ nổi tiếng “Ta về” Tô Thùy Yên viết tháng 7 năm 1985, hơn mười năm sau thời điểm vừa kể, cũng là thơ 7 chữ.)

Căn cứ vào tập TTY/ TT, do chính tác giả xuất bản, tính riêng số thơ sáng tác trước tháng 4 năm 1975 của ông, có tất cả 21 bài; thì hết 14 bài viết theo thể 7 chữ. Bảy bài còn lại, dành cho tất cả những thể thơ khác.

Hầu hết thơ 7 chữ của Tô Thùy Yên đều đậm tính “khẩu khí!” Rõ hơn, ông mượn loại thơ này, để bày tỏ tâm sự mình trước thế sự. Cái tâm sự kẻ sĩ ngao ngán, bất mãn trước thời cuộc và, kiếp người. Khi viết loại này, các thi sĩ thường chọn thể loại “Hành.”

Chỉ có thể loại này, mới giúp tác giả hiển lộ tính cảm-thán của mình. Đồng thời, nó cũng dễ gợi, khêu trong tâm hồn người đọc, cái phong vị hoài cổ.

Chính vì thế mà, khi chọn thể loại “Hành,” ngoài yếu tố thơ 7 chữ, các tác giả thường xưng “ta với ngươi,” hoặc “ta với người.” Dường như các thi sĩ không bao giờ dùng nhân xưng đại danh tự “tôi!” Có dễ vì nó không thích hợp với phong cách ngang tàng, chán chường, bất cần đời mà, dạng thơ này, cung ứng.


Nói về những bài “Hành” nổi tiếng từ thời tiền chiến, người ta thường nghĩ Thâm Tâm (6) với “Tống biệt hành;” và Nguyễn Bính (7) với “Hành phương nam.”

“Tống biệt hành” của Thâm Tâm ngắn hơn “Hành phương nam” của Nguyễn Bính. Nhưng bù lại, bài “hành” của Thâm Tâm không dùng một điển tích nào, trong khi Nguyễn Bính thì có.

Bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm có những câu như:

“Đưa người ta chỉ đưa người ấy
“Một giã gia đình, một dửng dưng...
“- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
“Chí nhớn chưa về, bàn tay không,
“Thì không bao giờ nói trở lại!
“Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.”

(…)

“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
“Chị thà coi như là hạt bụi,
“Em thà coi như hơi rượu say.”
(Trích “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân; nhà Văn Học Hà Nội, 1988.)

Và bài “Hành phương nam’ của Nguyễn Bính, có những câu như:

“Ngươi ơi buồn lắm mà không khóc
“Mà vẫn cười qua chén rượu này
“Vẫn dám ăn tiêu cho đến hết
“Ngày mai ra sao rồi sẽ hay.
“Ngày mai, có nghĩa gì đâu nhỉ?
“Cốt nhất cười vui trọn tối nay.
“Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
“Mắt đỏ lên rồi, cứ chết ngay.
(…)

“Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
“Đã dấy phong yên khắp bốn trời
“Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
“Uống say mà gọi thế nhân ơi!
“Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
“Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
“Dằn chén hất cao đầu cỏ dại
“Hát rằng phương Nam ta với ngươi
“Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề! Ngươi ơi!...”
Nguyễn Bính, Đa kao 1943.
(Theo dactrung.com)

Qua tới Tô Thùy Yên, tất cả những chữ “ngươi,” được thay thế bằng “bạn”:

“Tới đây toàn những tay hào sĩ
“Sống chết không làm thắt ruột gan.
“Cũng không ai nhắc gì thân thế
“Có vợ con mà như độc thân.
“Bạn hỏi thăm ta cho có lệ”

(…)

“Người thuở trước tìm vàng khẩn đất
“Tiêu xác thân, để lại oan hồn
Ngày nay, ta bạn đến đây nữa
“Đất thì không khẩn, vàng không tìm…
“Bạn nhủ ta: đừng hỏi khó
“Uống mất ngon vì chuyện loạn tâm…”
(TTY/TT.)

Đôi khi, nhân vật thứ hai trong những bài “Hành” của Tô Thùy Yên, là kẻ vắng mặt. Kẻ “vắng mặt” ở đây, khi là thiên, địa; lúc là lẽ tử, sinh:


“Nên ta phó mặc cho trời đất
“Trời đất vô ngôn lại bất nhân.
“Nên ta lẳng lặng đi đi khuất
“Trong lãng quên xanh hút thời gian.

(…)

“Trăng, bạn hiền xưa giờ tái ngộ
“Ta thức đêm nay chơi với trăng,
“Nghĩ tội thương sau này, mãi mãi
“Quanh mồ ta, trăng phải lang thang.”

Hay:

“Những người thuở trước bây giờ lạc
“Trong dã sử nào như bóng mây,
“Trong trí nhớ nào như giọng hát.
“Hỡi ôi, trời đất lạnh tình thay!”
(TTY/TT.)

Có lần, “nhân vật vắng mặt” kia, được ông mệnh danh là “Hiu Quạnh lớn”:

“Mùa đông Bắc, gió miên man thổi
“Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
“Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
“Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ…”
(TTY/TT.)

Ai làm ngơ? Thiên, địa; lẽ tử, sinh hay, tự thân cuộc đời đã vốn là một lãng quên, lớn?

Về phương diện ngữ pháp, tôi nghĩ, trước Tô Thùy Yên (vẫn với thể thơ 7 chữ,) ít tác giả có những câu thơ như:

“Mưa lâu, trời mốc buồn hôi xưa.
“Con đường đáo nhậm xa như nhớ…”
(Trong “Qua sông,” TTY/TT.)

Hay:

“Đôi bàn tay vỗ nháng âm thanh.

(…)

“Cỏ cây lưu gió khóc mơ màng…

(…)

“Gió thổi chai người đứng lặng thinh.”
(Trong “Mòn gót chân sương nắng tháng năm,” TTY/TT.)

Hoặc:

“Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy,
“Chân trời rách đỏ vết thương dài.

(…)
“Còn lại chăng chút u hoài mốc.

(…)

“Ngọn cây, ô! đã giát hoàng hôn.
(Trong “Hề, ta trở lại căn nhà cỏ,” TTY/TT.)

Tô Thuỳ Yên cũng như nhiều tác giả khác, từ đông qua tây, thường đối diện với những câu hỏi lớn mang tính siêu hình. Khi đề cập tới những vấn đề này, ông cho thấy sự dứt khoát đi tới một cách quyết liệt, không khoan nhượng. Ông không chỉ đặt vấn đề về ý nghĩa rốt ráo của thân phận con người; như con người được sinh ra từ đâu? Để làm gì? Rồi, sau khi chết, con người sẽ đi về đâu? Hay sự thực cuối cùng, thảm hại thay, tất cả cũng chỉ là hư không:


“Con chim nhào chết khô trên cửa,
“Cửa đóng tự ngàn năm bặt âm,
“Như đạo bùa thiêng yểm cổ mộ.
“Sao người khai giải chưa về thăm?”
(Trong “Goá phụ,” TTY/TT.)

Hay:

“Ta thấy mặt tinh cầu xếp nếp
“Như lằn nhăn tuổi tác hư không…”

(Trong “Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai,” TTY/TT.)

Với thơ Tô Thùy Yên, tôi không biết có một tương quan hữu cơ nào chăng, giữa con người, sự chết và, Thượng đế:


“Vì bom đạn bất dung,
“Thi thể chẳng ai thâu,
“Nào có chi đáng kể…”
(Trong chiều trên phá tam Giang,” TTY/TT.)

Hay:

“Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
“Thắp trắng thời gian mái tóc em.”
(Trong Goá phụ, TTY/TT.)

Hoặc:

“Ta bằng lòng phận que diêm tắt,
“Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông.
(Trong “Tưởng tượng ta về nơi bản trạch,” TTY/TT.)

Chưa kể, ông luôn cho người đọc như tôi, cảm nhận, với ông, chiến tranh cũng là một thứ thuộc tính của nhân loại, kiếp người:

“Tiếp tế khó - đôi lần phải lục
“Trên người bạn gục đạn mươi viên.
“Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc
“Trong vết thương người bạn nín rên.
“Người chết mấy ngày chưa lấy xác,
“Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh…”
(Trong “Qua sông,” TTY/TT.)

Hoặc:

“Cỏ cây sống chết không ta than.
“Em khóc hoài chi lẽ diệt sinh?”
(Trong “Goá phụ,” TTY/TT.)

Phải chăng, Tô Thùy Yên chọn lựa sự có mặt của mình, như một đối đầu sống, mái trước Thượng đế; dù có thể ông những hiểu rằng, cách gì, con người, cuối cùng cũng chỉ là một thứ con tin, trong vòng tay gai độc của định mệnh. Ông viết:

“Có đọc thuộc thánh thư,
“Linh hồn tôi vẫn vậy.
“Tôi vẫn không thể lạy
“Dù đứng trước hư vô.

(…)

“Đầu tôi cứng và trơn,
“Thượng đế làm sao ngự?”
(Trong “Thân phận của thi sĩ,” TTY/TT.)

Dù đứng ở góc độ nhân sinh, chủ quan nào, chấp nhận hay, ruồng rẫy tiếng thơ Tô Thùy Yên (8), tôi vẫn trân trọng kính mời quý độc giả, cùng tôi đọc lại bài “Trường sa hành,” của ông - - Mà, theo tôi, là một trong dăm bài Hành hay nhất, của văn học, nghệ thuật miền Nam, 20 năm:


Trường Sa Hành

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ.

Đảo hoang vắng cả hồn ma quỷ.
Thảo mộc thời nguyên thuỷ lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên.

Bốn trăm hải lý nhớ không tới.
Ta khóc cười như tự bạo hành,
Dập giận vác khòm lưng nhẫn nhục,
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh.

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế.
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi.
Dăm cây bật gốc chờ tan xác,
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng,
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển.
Vầng khói chim đen thảng thốt quần.
Kinh động đất trời như cháy đảo.
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

Ta ngồi bên đống lửa man rợ,
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ,
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya,
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.

Ta nói với từng tinh tú một,
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng.
Bãi lân tinh thức, âm u sáng.
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng.

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng.
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc.
Con chim động giấc gào cô đơn.

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa.
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên.

Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp,
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh,
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.

San hô mọc tủa thêm cành nhánh.
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai.
Thời gian kết đá mốc u tịch,
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.
3-1974.
(Theo TTY/TT.)

__________

Chú thích:

(1)Trích “Tô Thùy Yên/ Thơ Tuyển.” Tác giả xuất bản, 1995, Hoa Kỳ. Tr. 13.

(2,) (3,) (4,) (5): Nhà xuất bản Đồng Nai, tủ sách thơ Việt Nam.

(6) Nhà thơ Thâm Tâm tên thật Nguyễn Tuấn Trình. Ông sinh ngày 12 tháng 5 năm 1917, tỉnh Hải Dương; mất ngày 18 tháng 8 năm 1950 ở gần Việt Bắc.

(7) Nhà thơ Nguyễn Bính, tên thật Nguyễn Trọng Bính. Ông sinh năm 1918 tại Vụ Bản, tỉnh Nam Định; mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 ở nhà một người bạn, thuộc tỉnh Hà Nam.

(8) Tên thật Đinh Thành Tiên, Tô Thùy Yên sinh ngày 20 tháng 10 năm 1938 tại Gia Định. Ông có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950,) trước khi xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo. Sau 30-4-1975, ông bị nhà cầm quyền CS cầm tù 3 lần; tổng cộng gần 13 năm. Cùng gia đình, Tô Thùy Yên hiện cư ngụ tại thành phố Houston, Texas. (Cập nhật: Ông qua đời ngày 21 Tháng Năm, 2019 tại Texas, hưởng thọ 80 tuổi)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Tám 202412:00 SA(Xem: 20824)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
22 Tháng Tám 202412:00 SA(Xem: 15780)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
29 Tháng Năm 202412:00 SA(Xem: 17446)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
24 Tháng Tư 202412:00 SA(Xem: 10131)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
29 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 18577)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
14 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 13555)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
12 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 20251)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
06 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 10353)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
02 Tháng Tám 202312:00 SA(Xem: 9753)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
27 Tháng Tư 20239:42 SA(Xem: 6453)
Nói cách khác, theo tôi, Vĩnh Quyền nhà văn đã vượt trên chính mình. Điều không dễ với khá nhiều người cầm bút, còn lại.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20820)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15777)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17444)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10129)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18575)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4986)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1739)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2224)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2133)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23446)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19958)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8761)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9772)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9201)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12166)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31686)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21479)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26468)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23908)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22701)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20811)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18903)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20050)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17648)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16761)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25726)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33053)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35557)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,