Văn nghệ sĩ và “sân chơi” xuất bản của miền Nam, 20 năm.

18 Tháng Hai 202312:00 SA(Xem: 20404)
Văn nghệ sĩ và “sân chơi” xuất bản của miền Nam, 20 năm.

Nói tới sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam, 20 năm mà, không đề cập tới lãnh vực xuất bản, theo tôi là một thiếu sót lớn.

Lãnh vực này, có nhiều điều để nói. Nhưng trong bài viết này, tôi chỉ muốn nhắc tới một khía cạnh mà thôi. Đó là sự kiện rất nhiều văn nghệ sĩ đã bước vào sân chơi xuất bản, với những bảng hiệu riêng; do chính họ làm chủ - - Chủ yếu để in tác phẩm của chính họ và, một số bằng hữu.

Những tựa sách ra đời từ các nhà xuất bản “tự phát” này, do đó, không chú trọng lắm tới nhu cầu hay thị hiếu quần chúng. Vì thế, thị trưởng xuất bản sách ở miền Nam, trong những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, rộ nở với những đóng góp phong phú, nhiều mầu sắc; khả dĩ bù khuyết được những thiếu sót, bất cập của thị trường sách miền Nam.

Nếu không kể những nhà xuất bản chuyên nghiệp như nhà Sống Mới, Khai Trí, Đồng Nai, Nguyễn Đình Vượng, hay Lá Bối, An Tiêm, Nam Sơn, Trí Đăng…thì, những nhà xuất bản được điều hành bởi các nhà văn, nhà thơ cũng đã tạo được ít, nhiều tiếng. Điển hình như nhà Trình Bày, của Thế Nguyên; nhà Đại Ngã của Nguyên Vũ; nhà Hành Trình, của Nguyễn Văn Trung; nhà Thái Độ của Thế Uyên v.v…

Lý do đưa tới tình trạng “tự phát” tới “lạm phát” nhà xuất bản do các nhà văn, nhà thơ, hay những cá nhân yêu sách tự điều hành cơ sở của mình vì:

Thời Đệ Nhị Cộng Hoà miền Nam, chế độ kiểm duyệt phải nói là rất dễ dãi. Muốn xuất bản một cuốn sách bất cứ loại nào, bạn chỉ cần nộp cho bộ Thông Tin, phòng Kiểm Duyệt 2 bản thảo. Họ sẽ hẹn bạn trung bình từ 3 tới 4 tuần, trở lại, lấy giấy phép.

Phòng kiểm duyệt này không bắt bạn phải điền đơn, khai báo “lý lịch trích ngang” nào hết. Bạn cũng không phải đóng bất cứ một lệ phí nào, dù rất nhỏ. Họ cũng không bận tâm, tra vấn về tên tuổi, địa chỉ nhà xuất bản.

Do đó, bạn không cần phải núp bóng một cơ quan, một tổ chức, hiệp hội nào của chính quyền; như tình trạng hiện nay, ở Việt Nam.

Sách in xong, trên nguyên tắc, bạn phải nộp bản tại phòng kiểm duyệt. Nếu lười biếng, bạn cũng có thể lơ đi, cứ việc cho phát hành sách khắp nơi mà, không một “cán bộ,” một ông “công an văn hoá tư tưởng” nào bắt bạn phải “làm việc,” phải “giải trình”…

Sở thuế cũng không hề “hỏi thăm” bạn, dù trên thực tế, một số nhà xuất bản “tự phát” của văn nghệ sĩ cũng gặt hái thành công về mặt tài chánh.

Về nguồn gốc của các nhà xuất bản loại “tự biên tự diễn” vừa kể, thường “xuất phát” từ hai điểm gốc sau đây:

Thứ nhất: Các tạp chí dù lớn hay bé, ở tỉnh hay tại Saigòn, sau một thời gian hoạt động, thường trưng thêm bảng hiệu nhà xuất bản cùng tên với tờ báo.

Thí dụ, tạp chí Đại Học Huế, có thêm nhà xuất bản Đại Học. Tờ Ý Thức, phát xuất từ miền Trung (sau này, toà soạn được ghi là theo… “chân người viết,”) có nhà xuất bản Ý Thức. Những tạp chí ở Saigòn, như Sáng Tạo, Văn Nghệ, Bách Khoa, Văn, Văn Học… đương nhiên, có thêm một nhà xuất bản cùng tên.

Những tuần báo và nhật báo, một số cũng lập thêm nhà xuất bản riêng cho mình. Như nhà xuất bản Sống, của nhật báo Sống, do cố nhà văn Chu Tử điều hành. Nhà xuất bản Tiếng Chuông, thuộc báo Tiếng Chuông. Nhà xuất bản Tuổi Ngọc, thuộc tuần báo Tuổi Ngọc, do cố nhà văn Duyên Anh điều khiển; nhà xuất bản Tiểu Thuyết Thứ Tư, thuộc tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Tư của ông Nguyễn Đức Nhuận; nhà xuất bản Thời Nay, của tờ Thời Nay, v.v…

Ngay như tờ sáng Tạo, dù đình bản đã lâu, nhưng nhà xuất bản Sáng Tạo, do nhà văn Doãn Quốc Sỹ điều hành, chủ yếu in sách của họ Doãn, vẫn hoạt động tới ngày 30 tháng 4 – 1975.

Thứ nhì: Điểm “xuất phát” thứ hai của các nhà xuất bản “tự phát” này do nhu cầu cá nhân của một số văn nghệ sĩ. Thí dụ, nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, của học giả Nguyễn Hiến Lê; nhà xuất bản Thương Yêu của cặp vợ chồng thi sĩ Nhã ca/ Trần Dạ Từ; nhà Ca Dao của nhà thơ Hoài Khanh; nhà Thời Mới, của nhà văn Võ Phiến; nhà Kẻ Sĩ của nhà thơ Tô Thuỳ Yên; nhà xuất bản Hoàng Đông Phương của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng; nhà Kinh thi của dịch giả, giáo sư Hoàng Như An/ Nguyễn Tự Cường; và rất nhiều văn nghệ sĩ khác…

Điểm qua đường lối hay thành tích của một số nhà xuất bản “tự phát,” chúng ta có thể kể tới nhà Trình Bày của tác giả “Hồi chuông tắt lửa.”

Nhà Trình Bày, như tôi từng đề cập, có chủ trương, đường lối rất dứt khoát. Họ chọn sách để dịch, in, trên những tiêu chuẩn như: Nội dung phải mang tính “dấn thân,” chống chiến tranh; lên án mọi tệ trạng xã hội, luôn cả lãnh vực tôn giáo.

Bởi thế, nhà Trình Bày cũng là nhà xuất bản phổ biến những tác phẩm “khó nuốt” của các cây bút như Lê Văn Hảo, Dân tộc học; Nguyễn Khắc Ngữ, Mẫu hệ Chàm; Đinh Phụng Tiến, tiểu thuyết “Hòn bi”… Hay những tác phẩm mà các nhà xuất bản khác ngần ngại vì tính “nhậy cảm” của nó. Như cuốn “Vài ngày làm việc tại chung sự vụ” của cố thi sĩ Nguyên Sa.

Nhà xuất bản Đại Ngã, chủ yếu in tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Vũ. Nhưng Đại Ngã cũng là nhà xuất bản in tác phẩm đầu tay cho nhà văn Phan Nhật Nam, cuốn “Dọc đường số một.”

Khi đó, Phan Nhật Nam còn là một tên tuổi xa lạ với đám đông. Trước khi bút ký vừa kể ra đời, người đọc cũng không thấy một bài viết nào của ông xuất hiện trên mặt báo. Đại Ngã cũng là nhà xuất bản duy nhất, tính tới ngày tháng 4 -1975, in thơ cho cố thi sĩ Mai Trung Tĩnh - - Một việc làm hoàn toàn bất vụ lợi. Đại Ngã cũng in nhiều tác phẩm của những tác giả chưa nổi tiếng.

Những nhà xuất bản do văn nghệ sĩ cầm đầu, hoạt động ở tầm mức nhỏ hơn Trình Bày hay Đại Ngã, có thể kể tới nhà Kinh Thi, do dịch giả Hoàng Như An, tức Giáo sư Như Hạnh/ Nguyễn Tự Cường chủ trương.

Kinh Thi là nhà xuất bản đầu tiên, có công giới thiệu hàng loạt tác phẩm của nhà văn Đức, Erich Maria Remarque qua tiếng Việt. Trong số đó có cuốn tiểu thuyết chống chiến tranh, nổi tiếng khắp thế giới, nhan đề: “All Quiet on the Western Front/ Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh.” (1)

Kinh Thi cũng là nhà xuất bản chuyể dịch sang Việt ngữ bộ “Thiền Luận’ của Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966.)

Cũng từ nhà xuất bản này, độc giả còn được đọc những bộ sách có tính cách tài liệu lịch sử liên quan tới thế chiến Thứ Hai, mà, những trận đánh nổi tiếng, hoặc những nhân vật kiệt hiệt của thời gian này, được giới thiệu chi tiết. Một số nhân vật tên tuổi của Do Thái, thời đó, cũng được gửi tới bạn đọc người Việt.

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, sau khi nổi tiếng với tiểu thuyết “Vòng tay học trò,” cũng cho ra đời một số sáng tác khác của bà. Những tiểu thuyết thể hiện nỗ lực làm mới chính mình của bà, vì e ngại các nhà xuất bản có thể không muốn in, thì, bà cũng đã tự in lấy, dưới bảng hiệu nhà xuất bản Hoàng Phương Đông.

Nhà thơ Tô Thuỳ Yên, khi thành lập nhà xuất bản Kẻ Sĩ, chủ yếu để in tiểu thuyết của Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, cũng được mô tả là rất thành công với tuyển tập nhạc nhan đề “Những Tình khúc tiền chiến một thời vang bóng.”

Tuyển tập nhạc vừa kể, đã được in lại ở hải ngoại. Nhưng không biết nhà thơ Tô Thuỳ Yên có được ai hỏi han, xin phép?!!!

Nhắc tới nhà xuất bản Kinh Thi của Hoàng Thuỵ An, với chủ trương nghiêng về loại sách tương đối kén người đọc, tôi nghĩ, cũng nên nhắc tới nhà xuất bản Khai Hoá(?) của Vũ Dzũng (người bạn đời đầu tiên của nữ nghệ sĩ Quỳnh Như, hiện có mặt tại miền nam Cali.)

Trái ngược với Kinh Thi, nhà xuất bản của Vũ Dzũng chủ trương giới thiệu những tác giả ngoại quốc dễ đọc, thích hợp với quảng đại quần chúng. Chính Khai Hoá của Vũ Dzũng là một trong vài nhà xuất bản “tự phát” đầu tiên ở miền Nam, giới thiệu hàng loạt tiểu thuyết Quỳnh Giao vào thị trường sách dịch. Vũ Dzũng biến tác giả này thành một “cơn sốt lớn,” kéo dài tới tháng 4-1975. Dịch giả truyện Quỳnh Giao được “tin cậy” nhất thời đó, là Liêu Quốc Nhĩ.

Tiểu thuyết Quỳnh Giao được độc giả bình dân ưa chuộng tới độ, một nhà văn ở Saigòn, hãnh diện khoe rằng, ông đã tìm ra “bí quyết” dựng truyện của bà. Sau đó, ông ứng dụng ngay những “bí quyết Quỳnh Giao” trong tiểu thuyết viết hàng ngày, cho các nhật báo, của ông.

Lại có nhà xuất bản “tự phát,” hoàn toàn không nhắm tới một chút lợi nhuận nào; như nhà Con Đuông ở Cần Thơ; do hoạ sĩ Ngy Cao Uyên (hiện cư ngụ tại Virginia) và, Bùi Đức Long, chủ trương. Cho tới ngày ngưng hoạt động, Con Đuông này chỉ xuất bản một số thi phẩm mà, hai tập đầu là “Lục bát Cung Trầm Tưởng,’ và “Lục bát Du Tử Lê.” Điều đáng ghi nhận: Mỗi thi phẩm chỉ in 50 tập. Bìa sách là 50 bức tranh mầu khác nhau của hoạ sỹ Ngy Cao Uyên, dán vào…

Một nét đặc thù khác, trong sinh hoạt xuất bản sách ở miền Nam, 20 năm, theo tôi, là sự đóng góp hay, chi phối một cách “lặng lẽ” của một vài “đại gia” trong lãnh vực này.

Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến là một nhân vật được nhiều người biết. Đó là “Ông Khai Trí.” (2) Ông không chỉ là chủ nhân nhà sách lớn nhất và, cũng là nhà xuất bản bề thế Khai Trí trên đường Lê Lợi, Saigòn mà, ông còn là ân nhân của rất nhiều anh em văn nghệ Saigòn.

Tôi nhớ, nhiều anh anh em văn nghệ kẹt tiền, đã tìm đến ông. ngay cả khi không có bản thảo trong tay, chỉ cần nói tên tác phẩm, ông cũng sẽ tuỳ hoàn cảnh, nội dung câu chuyện mà giúp… Cũng không ít anh em sau đó, đã “một đi không trở lại.”

Người thứ hai, gần như không ai biết; trừ những người ở trong lãnh vực xuất bản mình ên hay, “tự phát”. Đó là anh Nguyễn Văn Thành mà, vài người trong giới chúng tôi, gọi là Thành “Hiện Đại.”

Cũng như ông…“Khai Trí,” hai chữ “Hiện Đại” vốn là tên của nhà phát hành và, sau này là nhà xuất bản, do anh Nguyễn Văn Thành chủ trương.

Mặc dù Thành “Hiện Đại” cũng là một thứ “đại gia” trong nghề làm sách và, chi phối một số nhà xuất bản (điển hình như nhà Trình Bày;) một số dịch giả (như dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu;) nhưng tôi nhấn mạnh, ít người biết tới vì anh không hề có một tiệm sách hay “mặt bằng” nào, làm nơi giao dịch.

Thời gian trước 1975, Thành “Hiện Đại” rất trẻ, chỉ khoảng trên dưới ba mươi. Tứ thời dép Nhật. Áo bỏ ngoài “thùng.” Không xe cộ. Phương tiện di chuyển duy nhất là đôi chân của chính anh. Điểm hẹn hò, nơi giao dịch giữa chúng tôi với Thành “Hiện Đại” là Kios sách nằm ngay ngã tư Công Lý và Lê Lợi, cùng phía với rạp cinéma Lê Lợi và nhà hàng Thanh Bạch. Đây cũng là nơi tôi gặp học giả Vũ Tài Lục, lần đầu tiên.

Tôi không biết họ Vũ đi tìm Thành “Hiện Đại” để thu tiền những cuốn sách nào của ông? Tôi chỉ biết, hồi đó, ông là tác giả của khá nhiều tựa sách bán chạy. Thí dụ các cuốn “Thủ đoạn chính trị;” “Người đàn bà trong tướng mệnh học;” “Khuôn mặt tài phiệt;” “Thân phận trí thức;” hay, “Nói chuyện Tam Quốc;” “Những quy luật chính trị trong sử Việt,” vân vân…

Nhắc tới những tựa sách bán chạy, tôi muốn nói tới khả năng hay biệt tài “đánh hơi” thị trường sách của Thành “Hiện Đại.”

Nhiều năm giao thiệp với anh, chưa một lần tôi thấy anh cầm, đọc một cuốn sách… Vậy mà, chính anh lại là người chọn sách, giao cho các dịch giả. Dịch tới đâu, anh trả tiền tới đó. Khi bản dịch hoàn tất, việc in ấn, phát hành là chuyện của anh. Nói cách khác, bản quyền thuộc về anh, chứ không phải những dịch giả đó.

Anh tiết lộ, dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu (hiện cư ngụ tại Virginia,) là người được anh “chấm” để dịch cuốn “Bác sĩ Zhivago” và, những cuốn khác, sau đó. Anh cũng là người chọn tác phẩm “Chuông gọi hồn ai” của Ernest Hemingway, giao cho Huỳnh Phan Anh (đang cư ngụ tại thành phố San Jose) dịch sang tiếng Việt…

Vẫn qua anh, tôi mới biết chính anh là người tài trợ cho Thế Nguyên xuất bản các tạp chí Trình Bày, Đất Nước, Nghiên Cứu Văn Học; và, trên 100 tựa sách mang nhãn hiệu nhà XB Trình Bày, tính đến tháng 4 - 1975.

Tuồng ít người biết rằng, Thành “Hiện Đại” còn là “chủ nhân” của bộ sách “English for Today,” được dùng chính thức trong chương trình học thuở đó.

Cũng vậy, tôi nghĩ, nhiều phần, những người sưu tầm nhạc tập, trước 1975, có dễ không biết rằng, khoảng 90% tập nhạc họ có trong tay, là “tài sản độc quyền” của Thành “Hiện Đại;” dù cho chúng mang tên nhiều nhà xuất bản khác nhau. (Ngay những tuyển tập nhạc của Trịnh Công Sơn, không qua kiểm duyệt, do người em là Trịnh Xuân Tịnh xuất bản, cũng được giao cho Thành “Hiện Đại”.)

Với những tác phẩm không do anh ứng tiền hoặc đặt cọc, nếu là những cuốn “ăn khách” thì, bằng mọi cách, Thành “Hiện Đại” sẽ sớm trở thành người độc quyền phân phối. Từ chỗ độc quyền này, anh trở thành người có ảnh hưởng lớn tới những cuốn sẽ được in ra.

Như đã nói, “đại gia” này có biệt tài “đánh hơi” các loại sách từ thượng vàng tới hạ cám. Nên giới xuất bản “tự phát” thường hoan hỉ nghe theo, không một lời phàn nàn. Thậm chí, một số nhà xuất bản “tự phát” trước khi quyết định dịch hay, mua bản quyền sáng tác của một tác giả nào đó, để chắc ăn, thường hỏi ý kiến Thành “Hiện Đại.” Nếu “ông trùm” “say no” mà, nhà xuất bản cứ in theo ý mình, thì, Thành “Hiện Đại” chỉ nhận vài chục cuốn tượng trưng. Phần còn lại, chủ nhân của chúng, “chịu khó” mang về, cất đâu đó, trong nhà mình mà thôi.

Là “chủ nhân” những tựa sách ăn khách, lại độc quyền phát hành nhiều tựa sách bán chạy nên, chỉ trong vài năm, căn nhà nằm đáy một con hẻm ở cuối đường Công Lý của Thành “Hiện Đại,” đã trở thành cái kho, lưu trữ hàng ngàn tựa sách, đủ loại. Mỗi tối, với sự trợ giúp đắc lực của người em gái là Cathy Huệ. Hàng trăm “order” của hàng trăm nhà sách ở khắp miền Nam, được đóng, gói, để hôm sau gửi đi, hay giao tại chỗ cho khách đặt.

Hơn thế, dù chỉ như một chiếc bóng mờ nhạt, chìm lẫn trong dòng người, dòng xe như thác cuồn cuộn suốt ngày ở giao lộ Công Lý và Lê Lợi, nhưng Thành “Hiện Đại” cũng đã mặc nhiên trở thành “đối tác” mà “đại gia” Khai Trí phải nể mặt. Một lần, khi đứng nhìn ông đi qua, bà đi lại, tại quầy sách (cũng là điểm hẹn) ở ngã tư Công Lý và Lê Lợi, anh hãnh diện tiết lộ:

“… Ông Khai Trí “ăn” tôi về tự điển. Nhưng ông ấy thua tôi các loại khác. Do đó, ông ấy phải chấp nhận trao đổi sách với tôi, trên căn bản tính theo giá bán in nơi bìa sách…”

Cuối thập niên 1980, một lần cố thi sĩ Nguyên Sa hỏi tôi, có biết Thành “Hiện Đại’ đã qua Mỹ? Anh có một thùng giấy, bày bán những băng nhạc Pháp, thu lại, bên ngoài một siêu thị ở đường Bolsa.

Ít năm sau, tác giả “Áo lụa Hà Đông” lại báo cho tôi biết, Thành “Hiện Đại” chính là chủ nhân tiệm bán băng nhạc “tầm cỡ” Bích Thu Vân, trong khu Phước Lộc Thọ. Người trông nom thường trực là Cathy Huệ.

Tìm thăm anh đôi lần, tôi muốn được sống lại thời Thành “Hiện Đại” và, nhà xuất bản/ phát hành Hiện Đại ở cuối đường Công Lý, Saigòn, cũ. Nhưng, anh cho tôi cảm nhận, anh muốn quên… dĩ vãng! Tôi thấy không tiện hỏi anh lý do.

Cũng chỉ ít năm sau, Thành “Hiện Đại” tức Thành “Bích Thu Vân” lặng lẽ biến mất.

Anh đi đâu? Làm gì? Tôi e, ngay Cathy Huệ, em gái anh, cũng không có câu trả lời. Câu hỏi về một nhân vật từng chi phối phần khá lớn, ngành xuất bản sách của miền Nam, 20 năm, còn ở với tôi, tới ngày hôm nay.

(Oct. 20 - 09.)

________
Chú thích:

(1) Nhà văn Erich Maria Remarque người Đức. Ông sinh ngày 22 tháng 6 năm 1898, mất ngày 25 tháng 9 năm 1970. Ngoài cuốn “Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh,” độc giả Việt Nam còn rất quen thuộc với ông, qua những cuốn tiểu thuyết như “Một thời để yêu một thời để chết,” “Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống”…Tất cả đều do Hoàng Như An của Kinh Thi, chuyển ngữ.

(2) Ông tên Nguyễn Hùng Trương, sinh ở Gia Định, năm 1926; mất ngày 11 tháng 3 năm 2005, tại Saigòn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Tám 202412:00 SA(Xem: 20797)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
22 Tháng Tám 202412:00 SA(Xem: 15755)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
29 Tháng Năm 202412:00 SA(Xem: 17425)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
24 Tháng Tư 202412:00 SA(Xem: 10111)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
29 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 18554)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
14 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 13539)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
12 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 20231)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
06 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 10336)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
02 Tháng Tám 202312:00 SA(Xem: 9735)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
21 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 34765)
Bài thơ đầu tiên (?) của Tô Thùy Yên được giới thiệu trên Sáng Tạo, gây tiếng vang lớn và, dư âm của nó, kéo dài nhiều năm sau, là “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” viết tháng 4 năm 1956.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20797)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15755)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17425)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10111)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18554)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4975)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1725)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2210)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2119)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23438)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19951)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8753)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9768)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9192)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12156)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31680)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21471)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26462)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23902)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22692)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20799)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18896)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20045)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17637)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16752)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25717)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33049)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35550)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,