-Kèn đó, tắt đèn, ngủ đi!
-Khoan, tao chưa muốn ngủ, còn sớm.
Tôi trả lời, nhìn Túy. Hắn cũng đang nằm dài trên chiếc ghế bố bên cạnh, mắt đăm nhìn lên trần nhà.
Bao giờ cũng thế, cứ mỗi đêm, khi kèn ngủ vang lên, là y như hắn giục tôi tắt đèn đi ngủ. Mặc dù hắn không bao giờ nhắm mắt trước 11 giờ khuya.
Hôm mới về đây, tôi thù ghét Túy vô cùng. Tôi nhớ mãi ánh mắt ra điều kẻ cả, đàn anh của hắn, nhất là giọng nói kênh kiệu.
-Chuẩn úy muốn kiếm ai?
-Dạ, tôi... Tôi... muốn gặp ông Đại đội trưởng.
-A... Có phải Chuẩn úy là Chuẩn úy Phú mới được thuyên chuyển về đây phải không?
-Dạ, dạ...
Hắn gật gù rồi đưa mắt nhìn từ đầu tới chân tôi. Tôi mất hết bình tĩnh, mặt nóng ran, máu chảy mạnh như muốn sôi lên. Tôi nghĩ bụng: “Hắn là Thiếu úy chứ là gì mà hách vậy. Đúng là trò ma cũ bắt nạt ma mới.”
-Mời Chuẩn úy ngồi xuống kia.
Vừa nói hắn vừa đưa tay chỉ chiếc ghế ở sát vách nhà. Tôi lúng túng quay lưng, bước tới.
Không khí nặng nề, khó thở.
Bằng dáng điệu hết sức chậm rãi, hắn rút thuốc vỗ vỗ xuống mặt bàn, bật lửa hút. Hơi khói đầu tiên hắn thở ra mù mịt, che mờ khuôn mặt đen xạm, xương xẩu. Hắn ngả người vào thành ghế, đưa chân tì vào bàn, đẩy chiếc ghế ngả ra:
-Tôi là Đại đội phó của Đại đội này. Ông Đại đội trưởng đi vắng. Tôi không thể quyết định giao phó nhiệm vụ cho Chuẩn úy được. Nhưng tôi có thể nói sơ cho Chuẩn úy rõ: Đại đội này có xin tăng cường 2 sĩ quan, thay thế cho ông Thượng sĩ Trung đội trưởng không đủ uy tín chỉ huy. Mà như anh đã biết, đây là một đơn vị biệt lập, nhiệm vụ của nó rất nặng nề. Ngoài việc phối hợp hành quân với Chi khu, nó phải đảm trách luôn việc canh giữ các yếu điểm. Hiện Đại đội có đưa 2 Trung đội đi giữ an ninh vòng ngoài. Một bảo vệ chiếc cầu dẫn vào Quận, một nằm ở ngã ba bìa rừng. Lát nữa, Trung úy về tôi nhắc ông ấy sẽ giao cho Chuẩn úy coi Trung đội giữ cầu.
Tôi thẩn thờ trả lời:
-Vâng, thế còn một Trung đội nữa ở tại đây hả Thiếu úy?
-Phải, Trung đội đó đã có một sĩ quan coi rồi.
Ngồi một lát, Đại đội trưởng vẫn chưa về. Có lẽ nó ngứa mắt khi nhìn thấy tôi ngồi chờ một đống, bất động, nên hắn gọi anh binh nhì vào.
-Cậu đưa Chuẩn úy về dẫy nhà ngủ. Phòng của tôi đó. Mà nhớ kiếm cho ông ấy một cái ghế bố nghe.
Hắn quay sang tôi, tiếp:
-Chuẩn úy về, tôi sẽ cho người gọi.
Tôi đứng dậy, thẳng người chào đúng quân kỷ. Túy hờ hững chào lại, đưa tay cho tôi bắt. Lúc nắm bàn tay lạnh lẽo, nhơm nhớp mồ hôi của hắn, tôi có cảm tưởng giữa tôi và hắn không có một liên hệ gì cả.
Anh lính đưa tôi đến một dẫy nhà tôn được ngăn ra làm nhiều căn nhỏ. Căn cuối cùng của Túy.
-Đây, buồng của ổng. Chuẩn úy vào, em đi kiếm ghế bố cho.
Căn phòng nhỏ, dài như một túi thuốc lá. Cửa ra vào được thay thế bằng một tấm màn gió màu xanh sọc nâu đã ngả màu xám. Bên vách phải, có cửa sổ nhìn ra phía rừng. Bên vách trái là chiếc ghế bố, ở một đầu ghế bố, chăn màn được xếp cẩn thận, và trên hết là một cuốn báo C.S.C.H. nhàu nát. Cuối phòng, một cái bàn gỗ được kê cao lên bằng hai ba viên gạch vỡ. Chiếc ghế bành duy nhất, bằng mây, chân cao, đã rách tung, xờm xỡ. Tôi uể oải bỏ đại chiếc ba lô xuống sàn đất.
Bước lại cửa sổ, tôi nhìn về phía rừng, cố đoán xem Saigon ở về hướng nào, nhưng chịu, không thể định hướng được. Tôi chỉ thấy một khối đen khổng lồ, cùng những đám mây trắng bồng bềnh tiếp cận.
.
Những ngày đầu tiên hoang mang lo sợ qua đi khá mau. Tôi được ông Đại đội trưởng giữ lại cho coi Trung đội trừ bị đóng tại BCH. Ấy cũng do Túy, hắn nói với ông Đại đội trưởng rằng tôi mới ra trường, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, nên cho tôi ở lại. Còn vị sĩ quan cũ, được đưa đi coi Trung đội giữ cầu.
Kể ra thì nhiệm vụ của tôi cũng nhàn. Ngoài việc lo cắt đặt phòng thủ doanh trại, lâu lâu tôi mới phải đi hành quân khi có lệnh chi khu. Nhưng lần nào cũng có Túy đi theo.
Một lần, Tiểu khu ra lệnh phối hợp tảo thanh khu tam giác nằm giữa 3 quận Ninh Hòa, Hòn Khói và Vạn Giả.
Trung đội tôi, trừ những người có nhiệm vụ canh gác, đều có mặt trong cuộc hành quân này, kể cả Túy.
Cánh quân chúng tôi được lệnh án ngữ bất động, bên Quốc lộ 1, đoạn nói liền Vạn Giả, Ninh Hòa.
Sau bữa cơm chiều bằng bánh mì, Túy ném cho tôi một quả cam:
-Ăn đi Phú!
Tôi ngạc nhiên, đưa mắt nhìn hắn. Hằn cười đi lại phía tôi, ngồi xuống bên cạnh.
-Của vợ tao gửi đó.
Tao làm bộ vô cùng sửng sốt:
-Ủa! Thì ra anh có gia đình rồi à?
-Ừ! Nhưng đừng xưng hô như thế nữa, tao muốn tụi mình gọi nhau bằng mày tao thân hơn.
Ngừng một lát, nó tiếp:
-Tao có một đứa con trai ở Nha Trang.
-Sao không thấy vào đây thăm… cậu?
-Tao không thích. Thỉnh thoảng tao về thăm đủ rồi. Mày nghĩ bọn mình đi đánh nhau chứ có phải đi “nghỉ mát” đâu. Tao cũng không muốn cảnh vợ tao sống như vậy. Cái gì mình có thể chịu đựng được thì ráng đi, đừng bắt người khác phải chịu chung, ích gì. Hơn nữa, cho nó vào thăm, lỡ bất thần nó gặp cảnh như hôm nọ: Mấy người đàn bà vào nhận xác chồng trước cửa Đại đội, mày nghĩ sao? Nào ai có tội gì...
Túy ngừng lại. Hắn hít một hơi thuốc, tay mân mê báng súng carbine, mắt nhìn về phía rừng xa. Nó nhăn mặt phà mạnh khói thuốc, kèm theo một tiếng thở dài. Hắn cúi xuống, dụi dụi điếu thuốc vào thân cây mắc cỡ muốn ẩn dấu nỗi niềm riêng, hay Túy muốn khép kín niềm riêng, hay đất nước này đang héo dần thương tích?
Chợt Túy ngước nhìn tôi. Hắn cười:
-Cây cũng biết mắc cỡ mày ạ. Sao người ta không biết xấu hổ, không biết tủi nhục cho số phận quê hương mình, mầy nhỉ?
Tôi đưa tay bứt một cành lá xấu hổ, nói vớ vẩn.
-Mày thật... đâu có phải ai cũng giống ai và ai cũng là ai.
Túy im lặng không trả lời. Tôi biết hắn buồn. Hắn đang buồn. Nhưng nghĩ cho cùng thì chắc đã có mấy ai vui. Vấn đề đặt ra trong lúc nầy không phải là buồn hay không buồn. Điều quan trọng là nhìn thẳng vào thực tế, bước tới, tích cực tái tạo đời sống. Có thể sự tái tạo đó không thành ở thế hệ này, nhưng lớp kế tiếp sẽ được hưởng thụ.
Có tiếng chim kêu trên lưng trời chiều.
Tôi hất chân Túy:
-Tối nay, mầy khỏi phải nhắc tao: Kèn đó, tắt đèn, ngủ đi. Ở đây chỉ có giun dế và rất có thể có tiếng súng của V.C. mà thôi.
Túy nhìn tôi ngớ ngẩn:
-Ờ nhỉ, tối nay không có kèn...
.
-Ngủ chưa Túy?
-Chưa, mấy giờ rồi?
Tôi coi đồng hồ:
-11 giờ 15.
-Sao đêm nay tao thấy bồn chồn khó ngủ quá, Tự dưng tao nhớ vợ con lạ! Mà mọi khi tao đâu có vậy!
Tôi đùa nó:
-Thôi cha, lâu không được về phép thì nhớ chứ gì. Mầy mới có hai tuần, trong khi tao cả tháng chưa đi thăm xóm mới thì sao?