Tháng 10/1991, Hợp Lưu ra đời. Tôi đã có mặt ở Mỹ vài năm, còn thuộc diện dân mới nhập cư. Cảm thấy không kham nổi việc làm nặng nhọc với vóc dáng “mình hạc xương mai”, nên dù đã xa tuổi thiếu nữ, tôi vẫn cố công đèn sách tạo dựng tương lai. Xứ sở mới, ngôn ngữ không là tiếng mẹ, đầu óc tiêu thụ chậm, nên trong khi người khác chỉ cần học một giờ thì tôi phải ngốn gấp ba bốn lần nhiều hơn. Cộng thêm gia đình, con nhỏ... chẳng còn thời gian nào để nghĩ đến chuyện văn chương. Thành phố tôi ở có ít người Việt, sách báo tiếng Việt cũng không. Mà nếu như có, chắc tôi cũng đành phải giả đò ngó lơ “cầm bằng như không biết mà thôi”...
Tôi bắt đầu nghe tên anh khi đọc bài viết “Khánh Trường, Sức Mạnh Của Im Lặng” của họa sĩ Đinh Cường vào tháng 1/2012 nhân dịp anh bày 30 bức tranh Thiền. Lúc đó, tôi chỉ biết anh là một họa sĩ như anh Đinh Cường đã nhận xét, “Tôi thật sự cảm phục bạn ở Sức Mạnh Của Im Lặng và tìm chốn nương tựa cho tâm hồn mình: Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Như Nietzsche với hình ảnh Zarathustra đã gợi lên lộ trình sâu rộng của một bậc Đại Bồ Tát giữa lòng đen tối của thế gian. Khánh Trường là hình ảnh của Zarathustra “Trong tất cả những tác phẩm, ta chỉ yêu những tác phẩm nào đươc tác giả viết bằng máu của chính mình. Ngươi hãy viết bằng máu rồi ngươi sẽ biết được rằng máu chính là tinh thần.” Zarathustra đã nói như thế Khánh Trường đã vẽ như thế.” [1]
Cách đây vài năm trước thời đại dịch Covid-19, trong lần ghé phố Bolsa, tôi nhờ anh Thân Trọng Mẫn đưa đến thăm anh chị Nguyễn Đình Thuần. Bữa đó anh Mẫn nói với tôi, đại ý: “Anh sẽ đưa Nguyệt Mai đến nhà anh Nguyễn Đình Thuần. Nhưng tới Bolsa mà không đến thăm anh Khánh Trường là một thiếu sót lớn. Anh ấy đang bị bệnh nặng, không biết lần tới Nguyệt Mai đến Bolsa thì còn có dịp để gặp không?” Thế là anh Mẫn chở tôi đến nhà họa sĩ Khánh Trường trước, dù tôi chưa hề quen anh. Chỉ nghe nói họa sĩ Khánh Trường layout và làm bìa sách rất đẹp. Lúc đó anh đang bệnh nhiều, phải nằm trên giường. Đương nhiên, khi cả hai người không quen hay biết gì về nhau thì câu chuyện không thể tránh khỏi sự tẻ nhạt. Tôi chỉ hỏi thăm anh đôi câu về sức khỏe, còn lại anh Mẫn và anh nói chuyện với nhau là chính. Quả tình tôi không hề biết mình đang được hạnh ngộ người sáng lập tờ Hợp Lưu một thời đình đám.
Đến khi giúp tạp chí Ngôn Ngữ đọc bản thảo số 2 (tháng 7/2019), xem tùy bút “Tha hồ mây trắng bay” của anh Khánh Trường, tôi thật sự thương cảm cho hoàn cảnh của một cậu bé sinh ra trong gia đình khó khăn không may rơi vào số phận nghiệt ngã. “Quá khứ tôi? Chẳng những chả có gì đáng tự hào, trái lại luôn làm lòng tôi quặn thắt.” [2]. Cậu bé 13 tuổi đã phải rời nhà ra đi khi “Cha tù tội oan khiên. Mất đi nguồn lao động chính. Bữa cơm hàng ngày dù chỉ mắm rau nhưng vẫn bữa đói bữa no. Bà mẹ kế không nghề nghiệp. Tôi và hai đứa em trai còn quá nhỏ... Một ngày một đêm trên con tàu cũ kỹ đến vùng cao, Đà Lạt, đẫm ướt sương mù và lạnh cóng. Đói, khát, lo sợ. Thằng nhỏ bước xuống sân ga, tay ôm một bọc ni-lông tái chế xỉn bẩn, bên trong đựng bộ quần áo cũ, hai may-ô, hai quần lót và một gói xôi, ba củ khoai lang mua từ ga Phan Rang. Trong túi chỉ còn đúng 20 đồng nhàu nhĩ.” [2]. Đi về hướng hồ Xuân Hương, trời lạnh cóng. Nhìn thấy tiệm thuốc tây, cậu bé bước vào định tránh gió, bớt lạnh thì ông chủ tiệm hỏi mày muốn mua gì? Cảm nhận mối nghi ngờ nơi người chủ, nó sợ hãi ấp úng, đáp Optalidon “vì có lần đọc báo biết một thiếu nữ bị tình phụ, cô ta tuyệt vọng, quyên sinh bằng cách uống trọn tuýp Optalidon”[2]! Rời tiệm với ống thuốc và hai đồng tiền thối, nó tiếp tục đi vô định đến một trạm taxi, có cây xăng lớn, tìm góc tối cuối nhà rửa xe và thiếp đi một lát. Khi tỉnh dậy, thấy bọn nhỏ trạc tuổi lăng xăng xách nước, lau rửa những chiếc taxi trong bến và được tài xế cho tiền, nó nghĩ sẽ sống được bằng nghề này nên cũng bắt chước làm theo. Chẳng ngờ chưa kịp làm gì thì đã lãnh ngay một cú đá trí mạng, ngã ngửa của tên đàn anh vùng đó. Rồi cậu bé bị bán đi cho “chị Hai” của một động điếm. “Buổi tối, sau một ngày mỏi rã chân ngoài đầu hẻm, léo nhéo mời chào các đấng chiến sĩ rằn ri ngang qua, “Đại ca ơi, đi một phát lấy hên đại ca. Hàng mới ở tỉnh lên, mướt rượt, đông ngò (nhiều lông), nước nôi đầy đủ. Hết sẩy đại ca ơi…” Khuya, tôi trở vào, ăn qua quít bát cơm với vài chị đượi, rồi vào ngủ ở một trong bốn phòng, nếu vắng ‘khách’”[2]. “Một tối, đang thiu thiu nửa tỉnh nửa mê, tôi nghe có tiếng đôi co bên kia “vách”, “Ra đi cha nội... Uống chi lắm rứa? Dai như đỉa, bộ tui sức trâu à?”. Tiếng cười hềnh hệch: “Càng lâu càng sướng em ơi... Lẽ ra em phải thối tiền lại cho anh... Không cảm ơn còn bày đặt than thở...”. “Tui chịu hết nổi rồi.” Tiếp theo, tiếng động mạnh, có lẽ một thân thể bị đẩy rơi xuống mặt sàn gác. Tôi giật mình tỉnh ngủ. “Tui không đi nữa, để tui xuống nói Má Hai tìm cho anh con khác. Tiếng đàn ông lớn giọng: “Đụ mẹ mày ngon. Tao đập chết mẹ mày bây giờ!” “Thách đó, đập đi!” và tiếng xô xát. Tôi tốc tấm “vách” chạy sang. Tên lính đang nắm tóc chị T. kéo rịt xuống. Chị T. không vừa, một tay bóp chặt hạ bộ tên lính, một tay quơ quào rối rít, cố gỡ nắm tóc dài đang bị tên lính làm chủ. Cả hai đều trần truồng. Chị T. mới đến làm ở “động” non hai tháng, người nhỏ nhắn, không đẹp nhưng tính tình vui vẻ hào phóng. Chị rất thương tôi. Những hôm ế khách chị và đồng nghiệp đợi gánh hột vịt lộn ngang qua, gọi vào, chén. Tôi được hưởng ké, chị T. luôn luôn bao giàn. Khi thấy chị T. bị tên lính hành hung, tôi lập tức nhảy vào bênh. Tôi phóng người bám trên lưng tên lính, hai tay đấm thùm thụp vào đầu hắn. “A, thằng oắt con, muốn chết hử?” Tên lính thả chị T. ra, vòng tay thộp cổ tôi, đẩy mạnh vào vách ván. Tôi nhỏ con, ốm yếu, chả hơn gì con nhái bén trong bàn tay hộ pháp của tên lính. Chị T. được tự do, vội nhào xuống sàn, lật gối lấy con dao giấu bên dưới, chĩa về phía tên lính, hét: “Thả thằng nhỏ xuống. Tên lính cười hăng hắc, không quay lui, thay vì buông tôi ra, hắn lại đẩy lên cao. Tôi nghẹt thở, tay chân giãy giụa điên cuồng. Chị T. nhào tới. Và thật bất ngờ, ngoài dự đoán của tôi, của cả tên lính, chị T. vung tay, đâm ngọt lưỡi dao vào sườn tên lính. Hắn giật bắn người, buông tay, tôi rơi xuống sàn, hắn cũng loạng choạng quỵ ngã, hai tay ôm bụng. Khi Má Hai hay tin, sai người gọi cảnh sát đến thì tên lính cũng vừa thở hắt, giã biệt trần gian. Chị T. bị bắt, bị tù. Ngày tôi được vào thăm, chị vuốt tóc tôi, cười buồn: “Thế này biết đâu lại hay, ra tù, chị sẽ về quê...” Chị khuyên tôi, “Đời em còn dài, không nên chôn vùi ở đó...” và chị nhắn Má Hai trao tôi một phần số tiền chị đã dành dụm được trước đây, hiện Má Hai đang giữ hộ. Nhờ số tiền, tôi mua vé xe đò xuống Qui Nhơn, ở đó, tôi sống chung với một thằng bạn cùng tuổi trong một toa tàu bỏ hoang cuối sân ga.”[3]. Giữa lúc tuyệt vọng, đói lả, cậu bé gặp một ân nhân, là thầy giáo, nuôi cậu trong những ngày đầu và dạy nghề vẽ cho cậu. Từ đó, cậu bé sống bằng nghề ký họa chân dung cho lính viễn chinh và gái điếm ở những snack bar còn người bạn thì đi đánh giày. “Trời vừa sụp tối, tôi cùng thằng bạn cắp sách vở đến các lớp học bổ túc. Trầy trật mấy năm, thằng bạn đỗ được cái tú tài bán. Hắn đăng lính, lon chuẩn úy, đóng đồn trên Pleiku. Ở đơn vị mới chưa được bao lâu, một đêm đồn bị tấn công, hắn chết. Tôi mất một thằng bạn quý. Người đã từng chia ngọt xẻ bùi với tôi suốt thời niên thiếu, người đã từng đưa lưng hứng chịu một con dao chặt nước đá lởm chởm răng cưa để cản đường cho tôi thoát thân, khi cả hai bị một băng nhóm khác thanh toán vì đã xâm phạm địa bàn hoạt động” [3].
Nên từ đó, tôi vào các trang mạng tìm hiểu thêm những thông tin về họa sĩ Khánh Trường. Đây là lý lịch trích ngang do anh tự ghi:
“... sinh ra, lớn lên, đi học, đi giang hồ, đi làm... du đãng. 1968: đi lính, 1970: bị thương. 1972: giải ngũ. 1987: vượt biển đến Thái Lan. 1988: định cư ở Nam California, Mỹ. Nghề chính: không có. Nghề phụ: thập cẩm. Một cuộc đời trôi nổi hư hỏng và tầm thường, nhợt nhạt đến chính chủ nhân cũng phải thở dài!”
(chung cuộc, trang 170) [5]
Anh thổ lộ với Lê Quỳnh Mai, “ngày xưa đi lính, tôi bị sáu mảnh đạn ghim trong đầu, chấn thương sọ não, mắt vì thế bị lưỡng thị (nhìn một thành hai). Mấy mươi năm sau giải ngũ, thị giác dần hồi phục, nhưng vì tai biến, cơ thể suy nhược, bệnh cũ tái phát. Nay, tôi vẽ, phối màu, phần lớn dựa vào kinh nghiệm, để gia giảm sắc độ hơn là bằng mắt nhìn.” [3]
Và chia sẻ với Đỗ Lê Anh Đào, “giai đoạn sáng tác đáng nhớ nhất là ngày tôi đã tập cầm cọ lại được sau bạo bệnh. Đáng nhớ, vì chưa bao giờ trong đời tôi cực nhọc như thế nhưng vui như thế khi vẽ hoặc viết. Cô cũng biết tôi bị stroke 3 lần, đưa đến hậu quả tay chân chỉ sử dụng được khoảng 30%. Chân đi đứng nghiêng ngả, phải ngồi xe lăn; tay vụng về, cầm nắm vật dụng nếu thiếu chú tâm, sẽ rơi, đổ; tệ hơn, không viết được, chỉ có thể gõ chữ trên phím computer bằng một ngón duy nhất của bàn tay phải, chữ được chữ mất vì không làm chủ được tứ chi. Giọng nói ngọng nghịu, phát âm khó khăn. Mắt lưỡng thị, chỉ nhìn và nhận biết mọi sự vật qua một… màn sương, và chỉ đọc được chữ trên màn hình computer với điều kiện phải phóng lớn chữ thành tối thiểu size 14. Chưa hết, hơn một năm trước tôi lại bị thêm bệnh ung thư thanh quản và loét bao tử. Sức khỏe đã sa sút càng tệ hại trầm trọng, có thể “lên tàu” bất cứ lúc nào. [4]
Trần Vũ đã vẽ lại chân dung họa sĩ Khánh Trường lần đầu gặp mặt:
“Khánh Trường với Khánh (một nhân vật trong “Có Yêu Em Không” của KT) là một. Một con người và một nhân vật với tất cả liều lĩnh khinh mạn, nửa hảo hớn, vừa du đãng, chất ngất đam mê nhưng cũng bất cần đời và đôi lúc biết mất dạy... Những ngày sau tôi khám phá anh là type Django như tôi ưa thích. Tôi cũng thích có một người anh chịu chơi như vậy, đầy thói hư tật xấu nhưng biết hiên ngang bao che cho đứa em khi cần thiết.” [6]
Nhưng hơn hết thảy, phải nói đến tấm lòng của anh đối với văn chương, muốn phá bỏ quá khứ nặng nề, định kiến hẹp hòi một chiều, tạo một diễn đàn, sân chơi chung để anh em cầm bút hải ngoại và quốc nội cùng tham gia. Anh đã làm hết sức có thể như vẽ bìa, layout sách, thậm chí viết... dâm thư với mục đích duy nhất là có tiền trả chi phí giúp tờ báo sống còn, và chịu đựng tất cả những lời hằn học, bỉ thử của không ít người chống đối. Là “cha đẻ” của Hợp Lưu, với niềm tin đó là “diễn đàn đầu tiên khởi xướng giao lưu hai dòng văn học Việt Nam Bắc Nam do hoàn cảnh trớ trêu và bi thảm của một giai đoạn lịch sử, đã phân rẽ thành hai nhánh. Hai thập kỷ, 1954-1975, nếu lấy chiều dài của dòng chảy một dân tộc, quả thực chả nghĩa lý gì. Nhưng chúng ta, những người làm văn học nghệ thuật đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong giai đoạn này, không thể phủ nhận đã khắc đậm vào não trạng của chúng ta, hướng dẫn tư duy của chúng ta, để sản sinh, làm thành hai mảng văn học chảy về hai hướng khác biệt. Bằng rung cảm nhạy bén của một người yêu tiếng Việt, chúng tôi đã nhìn thấy điều đó, và mang khát vọng muốn đồng quy hai dòng chảy này. Bởi chưng, thiển nghĩ, văn học Việt Nam không thể lớn mạnh nếu không hợp lưu. Một thủy đạo lớn tất nhiên sẽ mạnh hơn hai phụ lưu nhỏ.” [7]
Anh chia sẻ: “Ngày nay đọc lại những số Hợp Lưu cũ, bạn đọc mới không thể hình dung được vô vàn khó khăn đến từ nhiều mặt, từ xin bài, đánh máy, layout, chạy tiền in, quảng bá để có độc giả dài hạn, đi đến các nhà sách trong phạm vi 6, 700 dặm để phát hành và đòi tiền bán… Một mình một ngựa. Tôi, đến bây giờ thỉnh thoảng nhớ lại, vẫn còn ngạc nhiên sức lực đâu chu toàn hàng trăm việc như thế. Nhất là phải đối đầu với nhiều chống đối dữ dội, cực đoan. Hàng đêm điện thoại gọi đến nhà chửi rủa, lăng mạ, thậm chí còn hăm dọa ném lựu đạn vào nhà “cho tan xác lũ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Báo chí bêu riếu, bỉ thử, thậm chí một bà chủ báo viết: “Ra đường chẳng may gặp tên KT buộc phải bắt tay thì hãy mang vào bàn tay 10 áo mưa để tránh bẩn” (vì đến số 3 hết tiền in, tôi phải viết… dâm thư, bán, để có tiền in báo). Ban ngày vào quán, khách quen giạt qua bàn khác vì sợ “lạc đạn”. Tình hình 40 năm trước không giống bây giờ tẻo teo. Một tác giả trong nước xuất hiện trên một tờ báo hải ngoại nếu không là Việt cộng thì đích thị là bọn nằm vùng hoặc phản bội, trở cờ cần thanh toán!!!” [7]
Quyết tâm thực hiện tờ báo, gắng sức vượt qua những trở ngại khó khăn, Hợp Lưu đã có những thành công, được nhà văn Trần Vũ ghi lại: “12 năm không biên giới đã cho phép Hợp Lưu đăng tải vô vàn những sáng tác, biên khảo, phỏng vấn của các tác giả trong nước. Không thể liệt kê hết 16.500 trang của 66 số báo, chỉ có thể nhắc lại những ấn tượng chính:
Quả Vườn Ổi (Hoàng Cầm), Dị Mộng, Qua Sông (Cung Tích Biền), Đàn Sẻ Ri Bay Ngang Rừng (Võ Thị Xuân Hà), Giấc Ngủ Nơi Trần Thế (Nguyễn Thị Ấm), Đảo Ngụ Cư (Đỗ Phước Tiến), Vũ Điệu Của Cái Bô (Nguyễn Quang Thân), Phù Thủy, Hậu Thiên Đường (Nguyễn Thị Thu Huệ), Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Một Chuyện Phải Gió (Nguyễn Quang Lập), Gió Dại, Khắc Dấu Mạn Thuyền (Bảo Ninh), Mùa Hoa Cải Bên Sông, Người Đàn Bà Xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều), Bảy Trích Đoạn Mùa Xuân Vùng Da Cam, Phòng Bốn Giường (Bùi Hoàng Vị), thơ Thanh Thảo, Nguyễn Đỗ, Hoàng Hưng, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Quyến, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Vàng Sao, Lâm Thị Mỹ Dạ, Triệu Từ Truyền, Lê Đạt. Truyện ngắn Nhật Tuấn, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Ngô Thị Kim Cúc, Phan Thị Vàng Anh, Trần Thùy Mai, Trung Trung Đỉnh, Lý Lan, Võ Thị Hảo, Trần Thị Trường, Hòa Vang, Nguyễn Bản, Lê Minh Khuê, Ma Văn Kháng, v.v... Biên khảo lý luận của Nguyễn Kiến Giang, Lại Nguyên Ân, Bùi Thiết, Đào Thái Tôn, Vương Trí Nhàn, Tiêu Dao Bảo Cự, Lê Ngọc Trà, Phong Lê, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Lê Hoài Nguyên, v.v... Ở mỗi bộ môn đều có rất nhiều bản thảo gởi ra từ trong nước như trường hợp Thằng Bắt Quỷ (Cung Tích Biền), Xuân Hồng (Nguyễn Huy Thiệp), Từ Man Nương đến AK (Phạm Thị Hoài), Không Đề (Trần Vàng Sao), Chia (Nguyễn Trọng Tạo), Người Thuận Tay Trái, Chạy Đạn, Dặm Trường (Trần Thị NgH.), Tự Bạch, Tiểu thuyết Vô Đề (Dương Thu Hương), Ngọn Núi Ảo Ảnh, Tuyệt Tình Cốc (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Tầng Trệt Thiên Đường, Nghiệp, Dị Mộng, Khu X Nội Quang (Bùi Hoàng Vị), Truyện Của Chíp, Bụi Nắng (Phan Huyền Thư), Văn Học và Xã Hội VN (Phạm Thị Hoài), Nhìn Chung Một Bức Tranh Hoàn Chỉnh Về Văn Học Dân Tộc (Phạm Xuân Nguyên), thơ Hoàng Hưng, Nguyễn Đỗ, Nguyễn Quốc Chánh, nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Bạt Tụy, tiểu luận Trần Độ, v.v...” [6]
Vì lý do sức khỏe của chính anh và sự từ nhiệm của chủ biên Trần Vũ cộng thêm những ý kiến không thể thống nhất được trong nội bộ, anh Khánh Trường đã rút hẳn tên khỏi Hợp Lưu từ tháng 7/2005.
Tháng 10/2022 tới đây là kỷ niệm 31 năm kể từ khi tạp chí Hợp Lưu ra đời. Tuy anh Khánh Trường không còn làm Hợp Lưu nữa nhưng 12 năm đầu do đích thân anh chăm sóc tờ báo đã lưu lại trong lòng độc giả những dấu ấn không phai. Như nhà báo Lê Quỳnh Mai đã trích lời Trần Đạo để ở phần chapeau bài phỏng vấn của cô: “Tạo ra một diễn đàn trong đó mọi nhà văn Giao Chỉ, bất kể hình hài ít nhiều dị hợm của nó trong thế kỷ 20, đều có tiếng nói, đâu phải chuyện chơi. Ông là người làm được điều đó. Nội chuyện đó thôi, ông sẽ lưu danh trong lịch sử văn học Việt Nam trong thế kỷ”[3]. Và nhà thơ Hoàng Hưng ghi ở chapeau khi giới thiệu bài viết của Khánh Trường “Hợp Lưu và hợp... tuyển” trên trang Văn Việt ngày 29-1-2019: “Năm năm trước, một số anh chị em chúng tôi trong nước, lập ra Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam và báo mạng vanviet.info, cũng là tiếp nối ý nguyện, ý chí Hợp Lưu của anh!”
Như thế, ước nguyện mà anh Khánh Trường ấp ủ vẫn còn và sẽ còn được duy trì.
Trần Thị Nguyệt Mai
9/9/2022
Tham khảo:
[1] Đinh Cường – Khánh Trường, sức mạnh của im lặng
https://www.diendantheky.net/2012/01/khanh-truong-suc-manh-cua-im-lang.html
[2] Khánh Trường – Tha Hồ Mây Trắng Bay – Ngôn Ngữ số 2, tháng 7/2019.
[3] Lê Quỳnh Mai – Tác Giả, Với Chúng Ta – Phỏng vấn Họa sĩ Khánh Trường
https://hopluu.net/a2961/tac-gia-voi-chung-ta-hoa-si-nha-van-khanh-truong
[4] Đỗ Lê Anh Đào – Nói chuyện với Nhà văn / Họa sĩ Khánh Trường
https://damau.org/12002/noi-chuyen-voi-nha-van-hoa-si-khanh-truong
[5] Hà Khánh Quân – Họa phẩm trong thơ Khánh Trường
https://www.luanhoan.net/theochantho/html/theochantho-khanhtruong.htm
[6] Trần Vũ - Hợp Lưu 12 năm, trang tôn kinh huyền hoặc hậu hiện đại
http://phannguyenartist.blogspot.com/2012/12/khanh-truong.html
[7] Khánh Trường – Khánh Trường, Hợp Lưu và hợp... tuyển
http://vanviet.info/van/khnh-truong-hop-luu-v-hop-tuyen/