Khi mới học trung học đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ), tôi đã có may mắn được tiếp cận với các tạp chí văn học như Bách Khoa, Sáng Tạo và đặc biệt là Văn Nghệ do ông anh họ (không nhớ vì lý do gì) đã quẳng lại nhà tôi cùng rất nhiều sách báo thời ấy, kể cả một tập thơ chép tay của anh. Qua đó, tôi biết đến tên nhà văn Dương Nghiễm Mậu, đồng sáng lập tạp chí Văn Nghệ với nhà văn Lý Hoàng Phong (anh ruột nhà thơ Quách Thoại). Cũng qua tạp chí này, tôi biết thêm một nhà văn khác rất cá biệt, nhưng viết không nhiều là Nguyễn Nghiệp Nhượng, mà đến tận sau này, tôi mới có dịp gặp nhân đến viếng đám tang anh Dương Nghiễm Mậu.
Tôi thích văn Dương Nghiễm Mậu từ hồi ấy.
Không chỉ với lớp người cùng thời với tôi, nhiều thế hệ những người yêu văn chương khác có lẽ cũng nên biết ơn ông Nguyễn Đình Vượng của tạp chí Văn và những nhà sáng lập của các tạp chí tôi đã nêu trên. Họ đã tạo được một nền tảng cho cả một nền văn học nghệ thuật đáng để hậu thế trân trọng.
Đặc biệt với ông Nguyễn Đình Vượng, ngoài tạp chí Văn, ông còn chủ trương tủ sách Tân Văn chuyên in tác phẩm của những nhà văn đương thời với giá rẻ. Tôi đã được đọc những tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh, Nguyễn Thị Hoàng… vừa với túi tiền học sinh của mình.
Thế hệ chúng tôi đã sống trong một bầu khí chiến tranh ngột ngạt và hỗn loạn chính trị bởi các cuộc xuống đường liên miên, nhưng đồng thời cũng thấm đẫm cái lãng mạn phiêu linh từ đất lên trời của văn chương văn nghệ, thời ấy. Đi học hay đi café, lúc nào cũng kè kè theo một quyển sách hay tạp chí. Kể cả mấy ông sĩ quan trẻ cũng vậy.
Idol của tôi tất nhiên là Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền (cả thơ và văn). Ngoài ra, tôi cũng rất ngưỡng mộ cái phong cách lừng lững từng bước chắc nịch của ông Vũ Khắc Khoan nện trên sân trường Văn Khoa, “tuy không cao, nhưng ai cũng phải ngước nhìn”.
Mãi đến khoảng sau 2005, tôi mới có dịp gặp nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Anh đến uống café với ông Trịnh Cung và tôi ở Highland chỗ tòa nhà Metropolitan. Anh hớt tóc cao, trẻ trung khỏe mạnh. Chả có gì là nghệ sĩ. Lúc đó anh kiếm sống bằng nghề làm tranh sơn mài mỹ nghệ. Khép kín. Anh từng bị bắt vì bị coi là “biệt kích văn nghệ” cùng với hầu hết các nhà văn thành danh trước 1975. Tôi cũng từng đi tù và vẽ tranh hàng chợ kiếm cơm, ở một thời thế mà số phận con người không còn tùy thuộc vào ý chí của mình, tôi thấu hiểu sự khép kín kia của một nỗi hẩm hiu cơm áo gạo tiền đã bi phẫn dường nào.
Tôi dễ dàng trở nên gần gũi với anh Mậu. Thỉnh thoảng tôi đến nhà anh chơi bên khu cư xá Kiến Thiết cũ, Phú Nhuận. Cũng uống bia với anh ở đầu ngõ như cách anh vẫn tiếp bạn bè.
Có lần anh Mậu kể tôi nghe chuyện anh ra Bắc và tìm đến tận nơi được tin là chỗ nhà văn Khái Hưng bị dìm xuống sông. Tôi cảm nhận được sự “tò mò” ấy không chỉ là “nhân văn” như cách người ta hay nói bây giờ, mà anh Mậu muốn được sống cái cảm giác bị hủy diệt ấy.
Cũng có lần anh nhờ tôi chở đến thăm nhà văn Bùi Ngọc Tấn khi biết tôi có quen ông nhà văn quê ở tuốt Hải Phòng này. Tôi biết được một điều, anh Mậu yêu quí anh Bùi Ngọc Tấn không chỉ vì tài năng mà còn là nhân cách. Nói về nhân cách, tôi cũng quí anh Dương Nghiễm Mậu như thế, ngoài tài năng.
Nhà văn Dương Nghiễm Mậu từng làm cho đài phát thanh Mẹ Việt Nam khét tiếng chống Cộng và từng làm phóng viên chiến trường trước 1975, cũng như từng đi tù dưới chế độ Cộng sản và khiêm tốn kiếm cơm bằng nghề thợ vẽ.
Dương Nghiễm Mậu với con chủy thủ đã không vào đất Tần bất trắc như Kinh Kha, anh không làm chính trị cũng không làm dũng sĩ, nhưng con chủy thủ văn chương ấy của anh đã làm đổ máu con người để con người biết máu của mình cần phải đổ về đâu. May thay, cái mạnh mẽ của ý thức công dân trong văn chương Dương Nghiễm Mậu đã không hủy hoại cái quyến rũ của chữ nghĩa và cái đẹp của một tài hoa văn chương. Có thể coi Dương Nghiễm Mậu là một tượng đài của văn chương miền Nam một thuở.
Năm 2007 có 4 tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu được in lại trong nước, nhưng với đường lối tuyên giáo của đảng cầm quyền, những tác phẩm ấy chẳng những không thể được hoan nghênh mà thậm chí còn bị dập vùi bởi quan điểm “địch – ta” vẫn còn rất phổ biến trong chính quyền cũng như các quan chức văn nghệ.
Và rồi anh đột ngột ra đi (2016). Cái chết đã khép lại một số phận bi tráng cả trong chiến tranh và hòa bình.
8/2023
Gửi ý kiến của bạn