PHẠM HIỀN MÂY - Phạm Đình Chương - Nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hoà

08 Tháng Hai 202410:14 SA(Xem: 583)
PHẠM HIỀN MÂY - Phạm Đình Chương - Nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hoà
Sinh năm một ngàn chín trăm hai mươi chín và mất năm một ngàn chín trăm chín mươi mốt, Phạm Đình Chương là một nhạc sĩ, một ca sĩ nổi tiếng của nền tân nhạc Việt Nam.

Rất nhiều nhạc sĩ tài danh đều bắt đầu bằng tự học, không qua trường lớp đào tạo, và Phạm Đình Chương cũng không ngoại lệ. Chỉ mới mười tám tuổi, ông đã gây tiếng vang với nhạc phẩm đầu tiên, xuất sắc, Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng.

Năm một ngàn chín trăm năm mươi mốt, đại gia đình ông di cư vào Sài Gòn. Hai mươi hai tuổi, ông lập ra ban hợp ca Thăng Long, vang lừng tiếng tăm, hát rất hay các ca khúc như: Ngựa Phi Đường Xa, Sáng Rừng, Tiếng Dân Chài, Được Mùa, Ô Mê Ly.

Chị của ông là ca sĩ Thái Hằng. Anh của ông là ca sĩ Hoài Trung. Em gái của ông là ca sĩ Thái Thanh. Cả nhà, đều là nòi nghệ sĩ.

Vì là người nổi tiếng nên báo chí và các trang mạng, suốt sáu, bảy chục năm qua, khai thác không biết chán về chuyện buồn của ông. Cứ hễ nói tới Phạm Đình Chương là lại lấy cuộc hôn nhân không hạnh phúc của ông ra mổ xẻ, phân tích.

Nó là vết thương lòng, là dĩ lỡ của đời người ta. Càng nhắc, càng làm phiền muộn đến người thân của họ, những người, vốn chẳng liên quan gì đến miệng tiếng thế gian. Khen hay chê, bênh vực hay ghét bỏ, thì người trong cuộc cũng có lấy đó làm hãnh diện, vui vẻ hay hả hê gì đâu. Sự gièm pha, thị phi là rất vô ích, chẳng lợi gì cho cả mình lẫn người khác.

Với các thiên tài, tài hoa, ngoài những khả năng siêu phàm trong các lãnh vực mà họ theo đuổi, nói cho cùng, họ cũng như chúng ta thôi. Cũng đời lúc thăng lúc trầm, buồn vui lắm nỗi. Họ không phải là các đấng thần thánh mà chúng ta tôn thờ, nên đừng đòi hỏi họ phải có một cuộc sống toàn mỹ, toàn bích, như mình muốn; đừng đòi hỏi họ phải là tấm gương đạo đức sáng ngời như mình mong. Hãy để cho họ sống cuộc đời mà họ đã được thượng đế đặt để.

Như chúng ta vậy.

Nếu họ muốn trưng bày các tác phẩm, thì việc nhận chịu sự chê khen từ phía người thưởng thức là điều đương nhiên. Còn ngoài ra, việc - tôn trọng cuộc đời riêng của người khác - tôi cho rằng, đó là một hành xử hết sức văn minh và đáng quý của xã hội loài người.
*

Nhà thơ Du Tử Lê trong bài viết có tựa đề Phạm Đình Chương - Tài Năng Âm Nhạc Lớn, ông xúc động: Tôi vẫn nghĩ, đời sống mỗi cá nhân như một căn nhà, được xây bằng những viên gạch bất toàn. Bất toàn tinh thần hay bất toàn thể chất? Bất toàn ở giai đoạn đầu đời, trung niên hay cuối đời? Bất toàn với cuộc tình, những ước mơ không đạt được? Tất cả, với tôi đều là bất toàn. Oan nghiệt thay, nó được xây dựng bằng những thảm kịch trớ trêu. Định mệnh. Thứ đệnh mệnh tai quái thường dành cho các tài hoa. Như thể đó là tổng số tiền lời tính trên phần lời quá cao, mà, cá nhân đó mặc nhiên phải trả, cho phần tư hữu mang tên tài hoa hơn người, của họ.

Du Tử Lê nhấn mạnh, tôi dùng hai chữ mặc nhiên, bởi tôi cho rằng, họ Phạm không hề muốn vay, càng không có chủ tâm chiếm hữu một sản nghiệp tinh thần đồ sộ, mang tên âm nhạc.

Du Tử Lê ngậm ngùi: Tôi vẫn nghĩ, Phạm Đình Chương đến với âm nhạc, tự nhiên như sự có mặt của ông trong cuộc đời này. Nhưng, định mệnh vẫn tìm ông, để đòi. Nhưng, cay nghiệt vẫn tìm ông, để phô diễn tính đố kỵ muôn đời của nó. Bất ngờ, và không thể oan trái hơn.

Ông kết luận: Nhạc sĩ Phạm Đình Chương không chỉ lớn lao ở tài năng, mà ông còn lớn lao ở phong cách đối mặt với những không may mắn, và, lớn lao trong cả cách ăn ở với đời, với người nữa.
*

LY RƯỢU MỪNG

Ra đời vào mùa xuân năm một ngàn chín trăm năm mươi hai, ca khúc Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương, gần như ngay lập tức, được khán thính giả khắp nơi hồ hởi đón nhận, và vô cùng yêu thích. Suốt trong hơn hai mươi năm, vang lên vào mỗi mùa xuân, tại miền nam, Ly Rượu Mừng đã được giới báo chí tôn xưng là Đệ Nhất Xuân Ca. Nó xứng đáng là bài hát chào mừng mùa xuân, xứng đáng mở màn cho cuộc vui xuân của người dân nước Việt.

Với giai điệu rộn ràng, tươi vui, nội dung bài hát là lời chúc mừng năm mới tới mọi thành phần trong xã hội. Chỉ có vậy thôi, mà nó đã bị cấm phổ biến đến hơn bốn mươi năm. Mãi đến năm hai ngàn không trăm mười sáu, nó mới được cấp phép cho lưu hành trở lại.

Theo nhà thơ Du Tử Lê: Tôi muốn gọi Ly Rượu Mừng là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất kinh điển này, được hiểu theo nghĩa là, không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp xếp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình.
*

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Xuân là phải vui. Xuân là phải say. Cái say nhè nhẹ ấy mà, đủ làm bừng lên, ửng hồng khuôn mặt đẹp, xinh xắn, hồn nhiên của người trẻ, đủ làm bừng nét tươi tắn, phúc hậu, vui vẻ của người già.

Say vừa đủ để lâng lâng chúc mừng nhau, chúc mừng gia đình, ông bà nội ngoại, cha mẹ, vợ chồng, con cái, cháu chắt. Chúc mừng bạn hữu, láng giềng. Chúc mừng người quen thân lẫn những người ta vừa mới biết, ta vừa mới gặp.

Chúc anh nông phu, năm nay sẽ lúa chín đầy đồng, thóc chứa đầy lẫm. Chúc các thương gia buôn bán phát tài, bằng năm bằng mười năm ngoái. Chúc công nhân, việc nhiều, lương tăng, từ đây thoát đời khổ nghèo, túng bấn.

Con cái được đến trường, được vui chơi, được ăn no, được áo ấm!
*

Á a a à. Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Á a a à. Muôn lòng xao xuyến duyên đời
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình

Chén đầy, chén vơi, nề chi, nâng lên, ta cùng nhấp. Trong giờ phút thiêng liêng này, tâm hồn mỗi chúng ta đây bỗng trở nên xao xuyến làm sao. Những mầm sống đương chờ khai nở. Những mối duyên lành đương chờ buổi sắt cầm hảo hợp, loan phượng hòa minh.

Lần thứ hai này, ta rót cho tràn chén nhé, chén quan san, chúc người binh sĩ lên đàng, chiến đấu, vì nước quên thân, được bình an cùng nhiều may mắn. Công sớm thành, danh sớm toại. Rồi giải ngũ, rồi về nhà, sống một cuộc đời hiền lành, chơn chất, bên cha mẹ già, bên em thơ, bên vợ hiền, bên con ngoan, đang chờ, đang đợi!
*

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương
Á a a à. Hát khúc hoàn ca thắm tươi đời lính
Á a a à. Chúc mẹ hiền dứt u tình

Thương nhứt là những người mẹ, năm nay, còn phải xa những đứa con trai nơi tiền đồn heo hút, đương chịu những cơn rét căm căm, đêm ngày bảo vệ biên giới, biên cương, lãnh thổ nước nhà. Không về được xuân này, con biết mẹ buồn lắm nhưng Tổ Quốc đã phân công, phận làm trai, sao có thể thoái thác, từ nan.

Thôi thì chúng ta, những người may mắn được sum họp, đoàn tụ bên nhau trong giờ phút thiêng liêng này đây, nâng ly lên, chân thành chúc tất cả binh sĩ, sẽ sớm ngày quay trở về trong vòng tay mẹ hiền và dưới mái nhà xưa.

Cho mắt mẹ thôi nỗi sầu vương, cho nỗi u tình kia, mau chấm dứt!
*

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô lên đời mới

Và ly này, xin cạn, mừng cho các đôi uyên ương sớm về chung nhà, chung mối - chung mối tình, chung tổ ấm, chung gánh vác tương lai.

Xin cầu chúc cho hết thảy các anh chị em nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật, các tác giả, một năm mới thêm nhiều nét chấm phá, nhiều sáng tác mới.

Thắm điểm cho đời, thấm đẫm nét son tươi!
*

Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình, hòa bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Ly này, ta nâng cao, cùng đồng thanh vang lên lời chúc tự đáy lòng, chân thành và tha thiết, ước mong cho Tổ Quốc chúng ta vững bền, hòa bình khắp cõi, không cần nữa sự hy sinh của máu xương bao người.

Quê hương từ đây yên vui, thôi binh đao, chinh chiến. Các anh về lại bên mái ấm gia đình, rượu hồng, bếp lửa.

Tự nhiên tôi nhớ quá chừng luôn, và xúc động nữa, bốn câu thơ trong bài Ta Về của Tô Thùy Yên:

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này.
*

Cất cao ly lên.
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình.
Muôn người hạnh phúc chan hòa
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới…!

Cùng cất cao ly, bạn ơi, hãy chúc cho đất nước ta, non sông ta, ngày mai, sáng bầu trời tự do, hạnh phúc. Nhà nhà yên vui. Người người no ấm.

Ơi, bạn ơi, nghe gì không, đất trời đang ngào ngạt niềm yêu mơ - hương thanh bình thiết tha, dâng phơi phới!
*

Ly Rượu Mừng là lời chúc tụng đầu năm chân tình, nồng hậu đến muôn nhà, muôn nơi, là lời nguyện cầu thiêng liêng và sâu thẳm từ đáy lòng con dân nước Việt.

Nhà thơ Du Tử Lê cho rằng: Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương là phẩm vật tinh thần dâng cúng tổ tiên mỗi độ xuân về. Đó là ly rượu đất nước gấm hoa. Ly rượu Tổ Quốc độc lập. Ly rượu ước mơ quê hương muôn đời thanh bình, được chia đều cho anh nông phu, người thương gia, người công nhân, người chiến sĩ, bà mẹ già, đôi uyên ương, người nghệ sĩ. Một phân chia đồng đều cho mọi từng lớp.

Ly Rượu Mừng là ly rượu tâm thức, Du Tử Lê nói thêm, chúng ta không chỉ cùng nhau nâng cao ly rượu ấy, những dịp mừng xuân. Mà chúng ta còn có thể chia nhau, ly rượu tâm thức này, bất cứ lúc nào, khi hoan lạc mỉm cười với chúng ta.
*

ĐÓN XUÂN

Được sáng tác vào mùa xuân năm một ngàn chín trăm năm mươi ba, Đón Xuân là khúc hát ngợi ca mùa xuân, tình xuân ngọt ngào, tươi trẻ, là khúc hát ước mơ, từ đây, thôi không còn khổ đau, buồn sầu lắm nỗi.
*

Xuân đã đến rồi
Reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh
Muôn loài chim hát ca mọi nơi
Đẹp trong tiếng cười
Cho kiếp người tình thương đắm đuối
Ánh xuân đem vui với đời

Xuân đã đến rồi, tiếng kêu như bừng thức cảnh vật và con người trong thời khắc giao thừa, trong giờ phút chuyển giao, giờ phút đầu tiên mở toang tâm tình, mở toang lòng người ra đón chúa xuân.

Hồn người khi ấy là hồn hoa, là hồn của những bông hoa tươi mới và xinh đẹp, nhẹ nhàng và bình an, trong tiếng chim hót, trong tiếng cười vang, trong tình thương đắm đuối được trao nhau bởi những trái tim ngọt ngào và ấm áp.
*

Kìa trong vạt nắng
Mạch xuân tràn dâng
Khóm hoa nhẹ rung
Môi cười thẹn thùng
Cùng bao nguồn sống

Màu nắng vàng rực đương tràn dâng khắp nẻo đó, chính là mạch xuân, chính là nguồn xuân bất tận, vô cùng. Nắng lướt qua, hất nhẹ khóm hoa. Đóa hoa cười, thẹn thùng như nụ cười thiếu nữ.

Nguồn sống chính là đây. Đời vui chính là đây!
*

Bướm say duyên lành
Thắm tô trời xanh
Bầy chim tung cánh
Hát vui đón mừng mùa nắng tươi lan

Mỗi ca khúc để đời, mỗi nhạc phẩm bất hủ, dường, đều được khởi đi từ những khổ thơ, từ những bài thơ như thế này.

Các bạn hãy đọc chậm lại, những đoạn nhạc, các bạn sẽ lập tức phát hiện ra, một cách thú vị, chúng đều là những đoạn thơ, có âm vang, có giai điệu, có hình ảnh, sinh động, và rất lãng mạn.

Hoa cười, là em cười đó. Và bướm là anh, say em rồi, cho mối duyên lành chúng ta ra đời.

Trời xanh như được tô thắm thêm bởi tình yêu. Bầy chim trên cành hóng chuyện, chúng bèn rủ nhau cùng tung cánh với vũ điệu đón mừng, với giọng hót nắng tươi!
*

Ta nghe gió về
Lòng thiết tha như muôn tiếng đàn
Xuân dâng niềm vui
Cho ngày xanh không hoen lời than
Sầu thương xóa mờ
Tình yêu đời càng thêm chan chứa
Khát khao xuân tươi thái hòa

Mùa xuân không chỉ có nắng xuân, không chỉ có hoa xuân, mùa xuân còn có cả gió xuân và tiếng đàn xuân nữa. Muôn xuân ấy đương trào dâng trong em, đương trào dâng trong anh, đương trào dâng trong hết thảy chúng ta. Ngày vì thế, trở nên xanh. Và lời than, và nỗi buồn, cùng nỗi sầu, như chưa từng bao giờ hiện diện.

Giờ đây, trong vạn vật, trong đất trời, chỉ một niềm mơ ước chung, chỉ một niềm khát khao chung - xuân tươi thái hòa!
*

Cùng đón chúa xuân
Đang giáng xuống trần
Thế gian lắng nghe tình xuân nồng
Kiếp hoa hết phai đời hương phấn
Nào ai hững hờ
Xuân vẫn ngóng chờ
Tới đây nắm tay cùng ca múa
Hát lên đón xuân của tuổi thơ

Mùa xuân là mùa của khởi đầu, mùa của cây trái, lá hoa, đâm chồi nảy lộc. Mùa xuân cũng còn là mùa của sum vầy, mùa của niềm vui, mùa của hân hoan, mùa của ấm no và hạnh phúc.

Hãy tạm quên đi giây lát những khổ đau. Hãy tạm quên đi giây lát những hoạn nạn, những trớ trêu, những uẩn tình, mất mát. Chúng ta hãy mở lòng ra đón chúa xuân, mỗi năm một lần, ghé qua trần gian đôi, ba ngày ngắn ngủi.

Kiếp hoa ơi, hãy tạm quên những phai đời hương phấn. Kiếp người ơi, hãy tạm quên những khoảnh khắc cô đơn, một mình, gieo neo, vất vả.

Nắm lấy tay anh, nắm lấy tay em, chúng mình nắm lấy tay nhau, cùng hát bài ĐÓN XUÂN, trở về ít phút giây thôi, cũng đủ rồi, thuở hồn nhiên ngày thơ ấu!
*

Nhà văn Mai Thảo thì nói thế này về Phạm Đình Chương: Bao nhiêu năm vẫn chỉ một con người, vẫn chỉ một phong cách. Ở giữa Hợp Ca Thăng Long, lẫy lừng như một vì sao, hoặc cây tây ban cầm ôm trước ngực ngoài tiền trường mênh mông lỗi lạc một mình, Phạm Đình Chương với những ca khúc ở mãi cùng lòng người, và Hoài Bắc, với tiếng hát nam tôi cho là hay nhất, vẫn là Hoài Bắc - Phạm Đình Chương của một con đường, một cõi nhạc riêng.

Nhạc của Phạm Đình Chương, khi vui cũng thiệt vui mà khi buồn, cũng thiệt buồn thắm thiết. Nói theo cách nói xưa - không hàm ý phân biệt, chỉ là khen về một loại thể - thì nhạc ông thuộc loại nhạc “sang.” Các sáng tác của ông, rất nhiều bài, không chỉ là quen thuộc, mà mỗi lần ai đó được hỏi ý kiến, không khi nào, trên môi người được hỏi, lại vắng lời khen, lời ngợi ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương và các sáng tác của ông.

Dù ca khúc được phổ từ thơ, hay phần lời do chính ông viết, thì chúng cũng đều hay như nhau. Chỉ khoảng sáu mươi ca khúc trong toàn cuộc đời thôi, nhưng gần như hết thảy, các sáng tác ấy, đều là trác tuyệt.

Du Tử Lê thì nói, đó là những viên kim cương âm nhạc, bất hoại, hầu hết đã được thời gian thực chứng. Phạm Đình Chương đã có công đầu trong nỗ lực dẫn dắt nghệ thuật của nền tân nhạc Việt, từ sông lạch đơn ca, chảy ra đại dương hợp ca nhiều giọng.

Cuối cùng thì, sau hơn bốn mươi năm vắng mặt, Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại được, giờ đây, rót đầy tràn ly, trên tay mỗi người dân nước Việt, cùng nâng lên, cùng hát vang, cùng chúc vang một mùa xuân:

Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hòa
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng… phơi… phới… !

Xuân Giáp Thìn 2024
Phạm Hiền Mây
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Tư 20244:13 CH(Xem: 75)
Mong bạn ta bay đến cõi trời nào đó, tha hồ ngắm nhìn các tiên nữ và ung dung làm thơ, Lữ nhé.
02 Tháng Tư 202411:21 SA(Xem: 273)
Một hồi chuông tan với nhang tàn, thỉnh Chú một đoạn ghé bến Hư Không với Thầy, rồi về đoàn tụ cùng Nam Long, với Sài Gòn thương nhớ!
25 Tháng Ba 202411:34 SA(Xem: 304)
Thái Thanh hát bên Phật Di Đà những lời kinh trong suốt, vô ngôn.
14 Tháng Ba 20245:55 CH(Xem: 384)
Hôm nay là ngày mở cửa mả của anh (31/01 (2024) mà em vẫn chưa thực sự tin là anh đã đi xa.
29 Tháng Hai 20248:09 SA(Xem: 354)
Thơ Phan Xuân Sinh không có những mộng mơ vì đời không cho anh có thời giờ mộng mơ. Anh rất thực tế nên thơ của anh rất đời, rất hào sảng.
18 Tháng Hai 20244:13 CH(Xem: 605)
Ngược lại Mai Thảo chưa ghét bỏ ai bao giờ. Anh chửi, như một thói quen, một cách mắng yêu, chỉ trong bàn nhậu.
25 Tháng Giêng 20249:11 SA(Xem: 895)
Tôi thả những cánh hoa nghệ thuật bay theo chiều gió, chẳng biết có cánh nào rơi vào bàn tay thân ái của kẻ sĩ?
11 Tháng Giêng 20249:16 SA(Xem: 626)
Có lẽ tôi hiểu ra “ga Suối Vằn” ở đâu rồi./ Đó không chỉ là một địa danh hư cấu, mà chính xác hơn: một địa chỉ để tìm đến văn chương.
28 Tháng Mười Hai 202310:56 SA(Xem: 549)
Người ta thường gọi Dương Bích Liên là họa sĩ của Hà Nội.
21 Tháng Mười Hai 20231:37 CH(Xem: 562)
Chàng vẽ đẹp, tranh chàng mượt mà, màu sắc êm dịu, đường nét mềm mại, ánh sáng mạnh, bố cục lạ.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 8860)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 17195)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12393)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19129)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9299)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 703)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1080)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1245)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22545)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14083)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19231)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7942)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8872)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8543)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11119)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30773)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20847)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25565)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22948)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21788)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19844)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18089)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19301)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16959)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16142)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24560)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32021)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34956)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,