SONG THAO - Phan Xuân Sinh, người của mọi người

29 Tháng Hai 20248:09 SA(Xem: 355)
SONG THAO - Phan Xuân Sinh, người của mọi người
Năm đầu thiên niên kỷ 2000, làng văn hải ngoại có một cuộc quần hùng tụ họp rất đông đảo. Nay thiên niên kỷ đã già 24 tuổi mà cuộc tụ hội này vẫn chưa bị phá kỷ lục. Tôi nghĩ với sự thưa thớt mỗi ngày của giới viết lách, sẽ chẳng bao giờ có một cuộc gặp gỡ kỳ thú như vậy. Ngày đó, từ bốn phương tám hướng chúng tôi kẻ lái xe hơi, kẻ cưỡi máy bay nhằm đích đến: Boston. Một số anh chị em chẳng cần cưỡi chi, họ ở ngay tại chỗ. Trần Doãn Nho, Lâm Chương, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Trung Đạo, Dư Mỹ, Lương Thư Trung. Từ mọi miền đất nước Hoa Kỳ túa tới có Hoàng Lộc, Phạm Nhã Dự, Ngô Minh Hằng, Lê Mai Lĩnh, Trần Hoài Thư, Quan Dương, Hoàng Thị Bích Ti, Nguyễn Xuân Hoàng, Đức Phổ,... Từ Montreal, Canada, chúng tôi gồm Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Vy Khanh, Hồ Đình Nghiêm, Lê Quỳnh Mai, Khải Minh và Song Thao tới bằng nhiều xe, mạnh ai nấy đi, chẳng hàng lối chi. Tôi đã cố điểm lại tất cả những khuôn mặt bên nhau ngày đó nhưng biết chắc cái trí nhớ đã lộn xộn của tôi không cách chi nhớ hết nổi.

Chuyện chi mà náo động thế giới vậy? Anh Phan Xuân Sinh ra mắt tập thơ “Đứng Dưới Trời Đổ Nát.” Tập thơ thứ hai nhưng coi như tập thơ đầu. Trước đó, vào năm 1996, anh đã cùng đứng chung với Dư Mỹ trong tập “Chén Rượu Mời Người.” Anh Phan Xuân Sinh chăm sóc cho tập thơ đầu trong cung cách mà chúng tôi không ai theo nổi. Anh cặm cụi ngồi khâu, làm bìa cứng cho từng cuốn. Nhìn những chồng sách chỉnh chu cao nghệu nằm trên bàn, chúng tôi lắc đầu lè lưỡi. Ngày đó cái tên Phan Xuân Sinh còn có phần xa lạ trong văn giới nhưng nhờ đâu anh lại tổ chức được một cuộc ra mắt sách dữ dội như vậy? Tôi nghĩ là nhờ cái tình của anh với sách vở và với anh em viết lách. Có lẽ đây là dịp nhiều người gặp anh Phan Xuân Sinh lần đầu. Tôi cũng vậy. Chạm trán anh, tôi cảm thấy ngay cái thân tình trong dáng vẻ xuề xòa của anh. Khi đó anh là người đang rất thành công trên thương trường. Tôi chỉ loáng thoáng nghe anh có tiệm này tiệm kia, tiệm nào cũng đông khách, nhất là tiệm rượu. Rượu bữa đó tràn đầy như tấm lòng của anh với anh em. Chuyện anh mới tới định cự tại Boston được vừa đúng chục năm theo diện HO mà thành công như vậy, chẳng ai nói ra. Bữa đó, chỉ có chuyện chữ nghĩa. Và nghĩa tình. Từng đó con người mà không ai phải ở khách sạn. Ngôi nhà rộng rãi của anh chị Phan Xuân Sinh – Thiên Nga và nhà của các văn hữu trong vùng đã là nhà của mọi người.

Cái tình của anh chị Phan Xuân Sinh với anh em văn giới thiệt hiếm có. Nhà thơ Quan Dương kể lại: “Lúc tôi mới qua Mỹ ở nhà thuê . Bà xã tôi thấy tiền thuê nhà mỗi tháng ngang với tiền mua nhà nhưng có sự khác biệt đó là trả tiền mua nhà sau khi trả hết thì là nhà của mình. Còn trả tiền thuê nhà thì trả hoài trả hủy thì vẫn là nhà của người ta. Thế là có ý định mua nhà. Muốn mua nhà thì phải có tiền đặt cọc ít nhất là 5% trị giá căn nhà trước khi vay ngân hàng. Hai vợ chồng tôi mới qua đi làm công cho hãng xưởng làm gì có tiền đặt cọc. Thế là tôi đem chuyện này lên quán Cây Me để hỏi. Hỏi là hỏi vậy thôi chứ không hy vọng gì. Vậy mà chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, ông bưu điện đem khẩn cấp đến nhà tôi tấm check của anh Phan Xuân Sinh ký cho mượn khi nào có tiền thì trả, bao lâu cũng được. Tấm check anh gửi overnight. Nhờ sự giúp đỡ sốt sắng này mà vợ chồng tôi mới có tiền đặt cọc mua căn nhà này để ở tới bây giờ. Điều đáng quí trọng đó là chỉ quen biết nhau qua chiếc cầu thơ văn thôi chưa gặp mặt vậy mà anh chị quyết định cho mượn tiền không sợ quịt nợ chỉ vì tôi là dân tị nạn chính trị mới qua Mỹ theo diện HO.”

Phan Xuân Sinh tốt nghiệp trường sĩ quan Thủ Đức, đã bỏ lại một bàn chân trên chiến trường. Trong cuốn tạp bút “Bơi Trên Dòng Nước Ngược,” cuốn sách chỉ có 206 trang nhưng được anh Lương Thư Trung cho là “tình người” nhất khi viết trong bài tựa: “Mười bốn đoản văn trong tập sach này là mười bốn bức tranh trong một dòng sống mà tác giả đã từng bơi qua hơn một lần thật vô cùng sống động. Chúng tôi không nghĩ là nó sẽ hay hơn các bài thơ của ông mà chúng tôi tin là nó sẽ làm cho chúng ta hiểu tấm lòng tác giả hơn và không khỏi bồi hồi xúc động về một thân phận đầy bất hạnh giữa dòng sông đời mênh mông vô định, về một tâm hồn nghệ sĩ. Trong tập sách nhỏ này nó không có chỗ cho sự khen chê mà là một chuyên chở những chất liệu quý báu vô cùng của một khoảng đời hơn nửa thế kỷ qua mà tác giả đã từng trải.”

Anh Phan Xuân Sinh sanh ngày 2/1/1948 tại Nại Hiên Tây, Đà Nẵng, mồ côi mẹ khi mới 11 tháng tuổi. Sống với người cha dạy học gà trống nuôi con, anh chịu thiệt thòi ngay từ tấm bé. Anh có chí lập thân ngay từ lúc thiếu thời. Anh đã sống trọn với đất nước trong cuộc chiến, đã mất mát nhiều kể cả bàn chân phải nhưng vẫn sống với lòng nhân hậu, với cái tâm của một người hiền. Anh viết trong “Lời Mở Đầu” cuốn “Bơi Trên Dòng Nước Ngược” về cuộc chiến mang lại nhiều mất mát của anh: “Những chuyện đúng sai, công tội, để lịch sử phán xét, và tùy ở quan niệm cá nhân. Trong tư cách của chứng nhân, tôi viết trong trạng thái bình thường, không hằn học, hận thù. Dù trước đây tôi là một người lính của miền Nam, mất một phần thân thể trong cuộc chiến đó. Cái nhìn của tôi có thể sai lệch vì định kiến, nhưng chung quy, tôi viết về cuộc chiến mà tôi trực tiếp tham dự bằng trung thực của trái tim mình. Tôi tránh viết về chiến tranh vì mỗi lần đụng tới nó, vết thương cũ của tôi lại đau nhức nhưng rồi cũng không tránh được.”

Từ Boston, anh rời nhà qua Houston khi nào, tôi không rõ. Tôi thường lui tới thành phố này và mỗi lần tới thế nào cũng gặp anh và anh Lương Thư Trung. Hai anh như hình với bóng. Vẫn với cái dáng lè phè, quần áo xộc xệch và giọng nói thân tình như ngày ở Boston. Không biết có phải anh như một cục nam châm thu hút anh em không mà các anh Lương Thư Trung, Trần Doãn Nho, Nguyễn Trọng Khôi cũng đều từ miền Đông qua miền Tây với anh. Trong những cuộc trò chuyện, anh cho biết anh dời chỗ ở vì công việc làm ăn. Đây là cú chót anh thách đố với số phận. Anh bán tất cả các cơ sở thương mại tại Boston, ôm bạc triệu qua Houston mua nguyên một khu thương mại gồm nhiều cửa hàng. Phần lớn anh cho thuê, chỉ giữ lại một căn làm tiệm rượu và một cây xăng. Nếu thắng, anh sẽ rũ tay khi kiếm được một mớ tiền đủ để gia đình sống suốt đời để sống trọn vẹn với chữ nghĩa. Vận may không mỉm cười với anh. Chưa khai thác cơ sở mới được bao lâu, Walmart mở cửa hàng ngay trước mặt, khu thương mại của anh mau chóng sập tiệm.

Những lần tôi tới Houston sau đó, anh cho biết đang từ từ làm lại gần như từ đầu. Cái mất mát không nhỏ này hình như không làm khó được tính kiên nhẫn của anh. Có có không không, anh có vẻ coi như pha. Anh đã nhiều lần ngã và nhiều lần đứng dậy. Cú ngã nặng nhất là khi đất nước tan tành, tên lính thua trận ngu ngơ sống trong chế độ mới.

Anh bị đẩy ra bán chợ trời. Chỉ được ít tháng, phần vì hết vốn, phần vì bị công an đuổi, anh giã từ vỉa hè. Anh sống lây lất những ngày khi đói khi no tới khi ông bố từ Đà Nẵng vào cho 3 lượng vàng để làm ăn. Đây là số tiền ông dành dụm được sau suốt một đời dạy học. Anh góp ba cây vàng quý hóa này với 3 người bạn để sản xuất bột giặt. Anh chỉ biết sơ qua cách chế biến bột giặt nhưng tới đường cùng nên bốc phét biết làm cho bạn yên tâm. Sau nhiều ngày thí nghiệm, từ thất bại này tới thất bại khác, nhờ trời anh thành công. Khi đó hàng tiêu dùng khan hiếm, bột giặt được giá, giá thành một bán ra lời mười nên anh phất lên nhanh chóng. Chỉ sau 4 tháng hoạt động, nguồn vốn từ vài cây vàng phồng lên thành 400 cây. Khoái chí mấy chàng độc thân bốc như rượu. Trong khi cả nước đi xe đạp, mỗi chàng mua một chiếc xe hơi vi vu với đời. Vui chơi nhưng vẫn không quên bạn bè. Các bạn văn trong đó có nhà thơ Tường Linh và nhà văn Vũ Hạnh được anh lòn cửa sau mỗi ngày tuồn cho mỗi người 50 kí mang đi bán chợ đen. Sáng lấy hàng đi bán, chiều về trả tiền. Ngày nào bị công an hốt sạch thì xí xóa, lấy hàng khác đi bỏ mối. Khi nhà nước đổi tiền, cơ sở làm ăn mất hết vốn vì mỗi người chỉ được đổi có 200 đồng. Sau đó là đợt đánh tư sản mại bản, cơ sở sản xuất bột giặt bị kiểm kê. Trong hồi ký, anh viết về cú sập tiệm này: “Tất cả cái gì có trong cơ sở đều bị vơ vét, tụi tôi bước ra mình không với vài bộ áo quần cũ và chuẩn bị đi vùng kinh tế mới. Từ những người có nhà lầu, xe hơi, tiền bạc vào ra như nước, sau một đêm trở thành những kẻ bần cùng, thân tàn ma dại. Những người thân, bạn bè cũ một phần sợ liên lụy, một phần sợ nhờ vả, không ai dám gặp tụi tôi. Đứng ngoài đường nhìn đoàn xe chở đồ đạc của mình đi nơi khác, anh em ôm nhau rơi nước mắt.” Anh cùng bạn bè quay ra làm bột trẻ em Đông Phương. Tổ hợp làm ăn khá khẩm. Không những cho trẻ em ăn, bột còn được các bà vợ mua mỗi lần đi thăm nuôi các ông cải tạo. Sau đó là các cơ sở làm lương khô cho bộ đội, kem đánh răng Mimosa. Những lần gục ngã, những lần đứng dậy, anh Sinh chẳng bao giờ chịu thua hoàn cảnh. Cho tới khi gia đình anh được qua Mỹ theo diện HO.

Phan Xuân Sinh biết làm ăn nhưng cũng biết làm thơ. Anh đi vào văn học bằng thơ trước khi viết văn. Học giả Nguyễn Hiến Lê có lần viết: “Chúng ta có thói quen đọc sách chỉ để hiểu một truyện hay một hệ thống tư tưởng, ít khi tìm hiểu tấm lòng của tác giả.” Đọc văn Phan Xuân Sinh, độc giả dễ dàng nhận ra tấm lòng của anh. Nó bộc lộ rõ ràng trong mỗi bài viết, dù là một bài văn xuôi hay một bài thơ. Thơ “cụt chân” mà không thấy oán than, trách móc. Trái lại chỉ cầu mong hòa bình cho đất nước khỏi tanh bành.

ở chiến trường như đứa ngu ngơ
nên đạn tìm ta một lần đốn ngã
máu không về tim nên xối xả
xui xẻo một lần thành đứa cụt chân
khi tỉnh giấc hồn dạ bần thần
ta vĩnh viễn làm tên vô dụng
ngó xuống bàn chân xưa đã mất
ta điếng người, tàn cả một đời trai
vẫn còn nghe tiếng đạn réo bên tai
cứ mỗi đêm lên cơn kinh động
người đuổi giết người như say máu
tỉnh giấc ngó quanh vã mồ hôi
chiến trường sao cứ mãi sục sôi
cứ mãi xé tanh bành đất nước
hòa bình, hòa bình sao chưa thức?
nối lại giùm ta, dịu bớt cơn đau

Lỗ một phần thân thể vì đạn của phía bên kia nhưng khi ngồi nhậu với nhau, hai “anh hùng” của hai phía vẫn muốn “để không phải còn nhìn nhau hận thù ngun ngút.”

Hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi
Ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí
Chuyện ngày mai có chi đáng kể
Dẹp nó đi cho khỏi bận tâm.
Thằng lính nào không rét lúc ra quân
Khi xung trận mà không té đái
Ta cũng có người yêu nhỏ dại
Mỏi mắt trông chờ song cửa quê nhà
...
Người yêu của bạn ở ngoài phương Bắc
Giờ này đang hối hả tránh bom
Hay thẫn thờ dõi mắt vào Nam
Để chờ người yêu mình trở thành liệt sĩ
....
Uống với bạn hôm nay ta phải thật say
Để không phải còn nhìn nhau hận thù ngun ngút.

Thơ Phan Xuân Sinh không có những mộng mơ vì đời không cho anh có thời giờ mộng mơ. Anh rất thực tế nên thơ của anh rất đời, rất hào sảng. Thật thiếu sót nếu không phớt qua thơ tình của anh.

tình yêu bắt đầu như thế nào?
trước khi em muốn biết
và trước khi tôi mở đầu
chúng ta nên hôn nhau
em phải nuốt thật sâu vào lưỡi của tôi
và tôi phải cắn chặt vào môi em
khi đó tay em phải làm gì?
chẳng lẽ buông thõng
đâu được, như vậy rất phí phạm
em cứ cào cấu, cứ ngắt nhéo vào người tôi
không sao cả
chỗ nào em thích, cứ mạnh tay.
còn tôi xin được
một tay ôm lấy em vuốt ve
còn tay kia được sờ vào chỗ nhạy cảm nhất của em
bằng một cử chỉ đôi lúc nhẹ nhàng
đôi lúc thô bạo
nhưng chắc chắn
thấm đậm phần điêu luyện

Con người không bao giờ mỏi mệt với cuộc sống, không bao giờ cà khịa với cuộc đời, lúc nào cũng đầy đặn với mọi người đã bị một cơn trụy tim hất ra khỏi cuộc đời vào ngày 28/2/2024. Tôi nghĩ anh rất ngơ ngác vì cú hất này. Chia tay với anh trong ngỡ ngàng, tôi mượn câu thơ nho nhỏ của anh bạn Hoàng Xuân Sơn trong bài “Sinh Khấp.”

Bơi đi
Bơi đi
Bơi đi
Nước ngược rồi cũng tới thì
Xuôi tay

28/2/2024
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Tư 20244:13 CH(Xem: 80)
Mong bạn ta bay đến cõi trời nào đó, tha hồ ngắm nhìn các tiên nữ và ung dung làm thơ, Lữ nhé.
02 Tháng Tư 202411:21 SA(Xem: 274)
Một hồi chuông tan với nhang tàn, thỉnh Chú một đoạn ghé bến Hư Không với Thầy, rồi về đoàn tụ cùng Nam Long, với Sài Gòn thương nhớ!
25 Tháng Ba 202411:34 SA(Xem: 304)
Thái Thanh hát bên Phật Di Đà những lời kinh trong suốt, vô ngôn.
14 Tháng Ba 20245:55 CH(Xem: 387)
Hôm nay là ngày mở cửa mả của anh (31/01 (2024) mà em vẫn chưa thực sự tin là anh đã đi xa.
18 Tháng Hai 20244:13 CH(Xem: 608)
Ngược lại Mai Thảo chưa ghét bỏ ai bao giờ. Anh chửi, như một thói quen, một cách mắng yêu, chỉ trong bàn nhậu.
08 Tháng Hai 202410:14 SA(Xem: 586)
Rất nhiều nhạc sĩ tài danh đều bắt đầu bằng tự học, không qua trường lớp đào tạo, và Phạm Đình Chương cũng không ngoại lệ.
25 Tháng Giêng 20249:11 SA(Xem: 896)
Tôi thả những cánh hoa nghệ thuật bay theo chiều gió, chẳng biết có cánh nào rơi vào bàn tay thân ái của kẻ sĩ?
11 Tháng Giêng 20249:16 SA(Xem: 630)
Có lẽ tôi hiểu ra “ga Suối Vằn” ở đâu rồi./ Đó không chỉ là một địa danh hư cấu, mà chính xác hơn: một địa chỉ để tìm đến văn chương.
28 Tháng Mười Hai 202310:56 SA(Xem: 550)
Người ta thường gọi Dương Bích Liên là họa sĩ của Hà Nội.
21 Tháng Mười Hai 20231:37 CH(Xem: 564)
Chàng vẽ đẹp, tranh chàng mượt mà, màu sắc êm dịu, đường nét mềm mại, ánh sáng mạnh, bố cục lạ.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 8863)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 17196)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12395)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19130)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9300)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 707)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1082)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1250)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22547)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14084)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19233)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7943)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8874)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8545)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11119)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30775)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20850)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25567)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22950)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21789)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19844)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18090)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19302)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16961)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16142)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24562)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32022)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34957)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,