Nếu có có một người, trong đời thường, không chọn cho mình đời sống của một người làm văn nghệ toàn phần, nhưng sau khi qua đời, lại được nhiều anh chị em trong giới văn nghệ nhắc nhở, viết bài ca ngợi, như một người làm văn nghệ tích cực, đúng nghĩa, thì, đó là trường hợp của Nhà báo Lê Đình Điểu, qua đời năm 1999.
Đúng vậy, sau gần hai năm thu thập, tuyển chọn và sắp xếp, cuối cùng, “Tuyển Tập Lê Đình Điểu” đã được ấn hành những ngày qua, tại miền Nam California. Với những bài viết của các tác giả như Lê Tất Điều, Đỗ Quý Toàn, Nhã Ca, Bùi Bích Hà, Trần Mộng Tú, Thụy Khuê, Phạm Phú Minh... Với những bài thơ soạn thành ca khúc bởi các nhạc sĩ như Vũ Thành An, Phạm Anh Dũng, Thụy Lữ,... và rất nhiều tác giả khác, mỗi người, trong cái nhìn riêng của mình, đã cho Lê Đình Điểu một danh xưng, một tên gọi...
Từ một Lê Đình Điểu, nhà thơ, với bút hiệu Y Dịch, thuở học trò, qua tới một Lê Đình Điểu, nhà giáo, công chức, nhà báo, dịch giả, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, chuyên viên tổ chức, phát thanh... Danh xưng nào, cũng đúng, và đồng thời, cũng không đầy đủ với Lê Đình Điểu.
Vậy, nếu phải phác họa một bức chân dung họ Lê, thì, đâu là chân dung gần nhất, phản ánh được nhiều chiều kích nhất của con người đa diện và, đa dạng này?
Người ta có thể tìm thấy câu trả lời kia, qua một bài viết của nhà văn Bùi Bích Hà, trong một bài viết có tính cách tưởng niệm của bà.
Bằng vào tương quan cá nhân, ở bài viết của mình, tác giả Bùi Bích Hà đã tập chú hai khía cạnh trong một con người -- con người Lê Đình Điểu-- Đó là hình ảnh “người anh” và “người thầy.” Bùi Bích Hà viết:
“Trong nỗi bứt rứt khôn cùng, chúng tôi điện thoại hỏi thăm Phạm Phú Minh về tang lễ của anh Điểu trong buổi sáng hôm đó mà cả hai chúng tôi, vì một lý do bất khả kháng, đã không thể có mặt để tiễn đưa anh. Anh Minh cho biết, anh chưa từng thấy một đám tang nào đông người tham dự như vậy ở quận
“Chắc chắn có nhiều bài diễn văn diễm lệ đã được đọc để tuyên dương anh cùng với những đóa hoa được gửi đến anh lần cuối. Tuy nhiên, ngay khi tôi về lại quận Cam, một người bạn văn nói với tôi qua điện thoại rằng bạn ấy tin còn có rất nhiều bài điếu văn khác, ngắn gọn hơn, ít hào nhoáng hơn, không đọc lên trước đám đông nhưng sẽ còn được đọc mãi trong thinh lặng và suy nghiệm riêng của nhiều người quý anh, không để xưng tụng mà để tưởng nhớ, cả hành trang anh để lại cho bạn bè trước khi ra đi. Tôi hoàn toàn chia sẻ cảm nhận này.
“Chỉ ít lâu sau lúc nhận diện rõ bệnh trạng của mình, anh viết một lá thư gửi cho bằng hữu, lời lẽ dung dị, ý tứ linh hoạt. Anh có cái an nhiên tự tại của một người thâm cứu và thông hiểu lẽ huyền vi của trời đất và thân phận người, đi qua cuộc đời này bằng những bước chân nhẹ nhàng và một tâm thức tỉnh táo. Sống một ngày trọn một ngày, một năm trọn một năm, thời gian của anh luôn đầy ắp những dự tính phải thực hiện, những công trình phải hoàn tất, những khai phá phải bắt đầu, nhắm tới một tương lai tốt đẹp hơn không chỉ cho riêng anh, gia đình anh mà chính là cho xã hội trong đó anh tự giao cho mình trách nhiệm phải xây dựng, cho cả cái cuộc sống anh không ngừng yêu thương và tôn quý.
“Tôi học được từ anh nhiều bài học tốt lành, như thái độ trân trọng, sự tận tụy với bạn, tính lạc quan nhìn về tương lai, không quy trách người hay ngoại cảnh, ngay cả khi bị đối xử bất công. Anh là người dễ dàng vượt qua những kinh nghiệm xấu, không để mất thời giờ và năng lực với gai góc trên đường đi. Để đạt tới cái đích thực của mình, anh luôn luôn có thừa nghị lực, sự nhạy bén, khả năng sáng tạo để tìm ra những phương tiện mới, những vận hội và kết hợp mới.
“Tôi thường nghĩ anh Lê Đình Điểu là mẫu người mà bất cứ ai có cơ hội giao tiếp với anh đều ít nhiều nhận ra những dấu vết ảnh hưởng do anh để lại, như cái ánh mắt hồn hậu đi kèm với nụ cười đằm thắm, tiếng trả lời reo vui bên kia đầu giây điện thoại “Điểu đây,” hơn nữa, cụ thể nhất, có thể nói tới sinh hoạt hàng ngày tại hội VAALA, đài phát thanh VNCR tràn ngập tinh thần và hơi thở Lê Đình Điểu ngay cả thời gian anh nằm bệnh viện hay đã ra đi. Với các anh Ngô Mạnh Thu, Phạm Phú Minh, với Đinh Quang Anh Thái, Mỹ Sương, Hồng Nga, Hoàng Trọng Thụy... mất anh Điểu không chỉ là mất một người bạn tốt, một người anh độ lượng, một người lãnh đạo có biệt tài, ý nghĩa to lớn nhất của cái mất này là nguồn hứng khởi (inspiration) vốn là động cơ thúc đẩy nhiều công trình tốt đẹp trên đời.”
“Tôi đến viếng anh ở nhà quàn Peek Family, anh muốn tiện đường cho bạn bè. Mặc dầu anh dặn đừng ai mua hoa cho anh, để dành những khoản tiền ấy cho Vaala hoạt động nhưng căn phòng anh ghé lần cuối cùng tràn ngập những vòng hoa vinh danh và thương tiếc. Tôi biết chung cuộc của mọi người đều đến một nơi tương tự như thế này, nhưng anh bất ngờ về đây sớm quá, quả là một thiệt thòi cho văn học, truyền thông, báo chí, tuổi trẻ và công cuộc đấu tranh cho Tự Do và Nhân Quyền của khối người Việt hải ngoại.” (......)
“Riêng tôi, những kỷ niệm làm việc chung với anh, kỷ niệm của chuyến thăm Van Couver ngắn ngày do Trần Mộng Tú mời năm 1996, của một buổi sáng năm ngoái cùng bạn bè đến thăm khi mới biết tin anh đau, tất cả thoáng hiện trong trí nhớ tôi như những thước phim còn ướt. Chúng khiến tôi cảm nhận rõ nỗi mong manh của kiếp người, nỗi ngậm ngùi về “những cuộc chiến chưa tàn” trên sân khấu lợi danh của thế gian. Sách vở nói nhiều về sự chết sống, để làm được cả hai điều hoặc to lớn, hoặc đê tiện, con người nghĩ sẽ sống nhiều hơn trăm năm.”
Trước khi chấm dứt bài viết, như một chân dung Lê Đình Điểu với những chi tiết nổi bật nhất, đậm nét nhất, Nhà văn Bùi Bích Hà, mượn một câu nói của một Thượng Tọa, nói với những đứa con của người quá cố, trong một tang lễ mà bà đã tham dự, rằng:
“Giữa muôn vàn hoài niệm về người đã khuất, tôi chợt nhớ lại lời của Thày Thích Minh Mẫn nói trong một lễ tang mà tôi được dự “Đừng nhìn thân phụ các con trong cái chân tướng già nua này nữa. Ông ấy như một bông hoa đã nở về kiếp khác.”
Cách gì, với một đời sống, như Y Dịch-Lê Đình Điểu đã sống, sự ra đi của ông, cũng đã như một bông hoa nở về kiếp khác.