ngay tự thuở thiên đàng chưa tiếng khóc
ai di truyền gene nhớ ấy cho ta?
thơ dtl.
Phấn hỏi tôi, có thể cho Phấn ra ngoài một chút. Phấn bảo:
“Phấn nghĩ, không mưa được nên trời ngột ngạt quá.”
Tôi nhìn qua anh Thạnh. Lúc này anh Thạnh đã yếu lắm rồi. Cơn đau do căn bệnh ung thư gan đã như những đợt sóng lớn, không ngớt va, đập cùng khắp thân thể anh. Chỉ mới vài tháng, dù thấy anh hàng ngày, tôi vẫn ghi nhận được sự biến mất mau lẹ của phần xương thịt nơi anh. Từng mảng tóc rời ra, rụng xuống, tựa từ trước đến nay chúng được gắn tạm bợ vào lớp da đầu anh bằng một thứ keo dính rẻ tiền. Trong khi bụng anh, mỗi lúc một to và cứng hơn! Căn bệnh ung thư gan đã gọt mỏng anh từng phút. Tôi không thể bỏ ra khỏi phòng khi anh Thạnh chưa tỉnh lại, dù tôi biết Phấn đang bị khích động. Những đường gân xanh hai bên thái dương Phấn giựt giựt. Mồ hôi tự đâu đó, tươm ra, bệt lấy những sợi tóc mai và, những cọng tóc nhỏ vương trên trán. Da mặt nàng ửng đỏ, tựa tất cả số lượng hồng huyết cầu còn sót trong cơ thể, bảo nhau huân tập về, tranh chấp nhau, để được hiện ra, như một có mặt đầy hoan lạc. Đôi mắt vốn long lanh đẫm, ướt hiu quạnh của Phấn, bỗng rực rỡ những ngọn lửa nhảy nhót bồn chồn, xao xác niềm vui, hay, khát khao quăng ném đời mình lên đỉnh ngọn tung tăng đam mê nào.
Có thể tôi sai trong những ghi nhận này. Có thể, nhiễm hơi rượu, lây cơn say của Scarlett (và Rhett,) trong Gone with the Wind mà tôi là người đọc cho anh Thạnh và Phấn nghe lúc nãy, làm tôi xây xẩm?
Tôi nghe trong tôi, những lượng máu vươn vai đứng lên. Những ngọn máu tạo thành những con sóng nóng, sốt, bừng, bừng thân thể, cháy ran thần trí. Có thể chính tôi bồn chồn, xao xác, muốn quăng, ném mình lên ngọn đỉnh rần rật đam mê nào đấy.
Tôi đó. Mày đó, Hữu ơi. Kẻ xa lạ rất thân quen, gần gụi vô cùng với mày. Tuồng nó hằng ẩn nấp trong tôi kể từ ngày biết Phấn. Tuồng nó hằng thăm tôi trong những giấc mơ đầu hôm, những cơn mê nửa sáng... Những giấc mơ tệ hại. Những giấc mơ, khi tỉnh rồi, tôi còn thấy mình xấu hổ, tội lỗi...
Lạy Chúa! Xin Chúa hãy tha tội cho con. Xin Chúa chứng dám cho những điều con không hiểu nổi...
Những giấc mơ tôi thấy mình ngã xuống (hân hoan ngã xuống,) kéo theo Phấn. Nàng ngã đè lên người tôi. Phấn la lớn:
“Bắt được rồi. Bắt được rồi... Được rồi!..” Tiếng la (như reo) của Phấn làm anh Thạnh trong một góc nhà phải mở mắt.
Anh mở mắt để thấy rõ cảnh Phấn đang ôm tôi. Phấn hôn tôi. Và, (nhiều phần, chắc vậy,) tôi cũng đã ôm, hôn lại nàng...
Mùa lạnh không đến bằng rét mướt mà, bằng những bàn tay đầy phép lạ. Những bàn tay xoa trên những chiếc lá mỗi đêm, biến chúng đang từ mầu xanh, trở thành vàng, rồi nhờ gió, bứt, lìa chúng rơi khỏi cành, nhẹ nhàng như người ta phủi những hạt bụi dính đâu đó, trên vai áo.
Tôi theo Phấn đi lần về cuối hành lang. Mỗi bước chân rời xa căn phòng anh Thạnh, là một gần hơn, nỗi hồi hộp hứa hẹn bất ngờ quyến rũ. Cái quyến rũ hai mặt: Hoan lạc và khổ đau. Tôi ngửi được từ tóc hay, từ thân thể Phấn, mùi nước hoa thoảng nhẹ. Điều gì khiến hôm nay, Phấn sức nước hoa?
Chiều nặng tay hơn với game mầu xám sơn trét loang lổ, không đều lên cảnh vật. Những con chim sẻ cuối cùng cũng đã bỏ đi sau khi giật mình, ném lại những tiếng kêu thất thanh. Những chiếc bã đậu to bản, rớt xuống nền xi măng, bật kêu, thành những thanh âm nhọn.
Bất ngờ Phấn nắm tay tôi. Bất ngờ Phấn khựng, đứng lại. Những ngón tay Phấn bấu vào da thịt tôi, qua lớp vải dầy, còn cho cảm giác đau nhói. Phấn níu chặt, như muốn trốn chạy điều gì.
Tôi vòng tay ôm giữ thân hình nhỏ bé đang run rẩy của Phấn.
“Phấn. Phấn thấy gì vậy?”
Dưới thấp, những băng ghế đá, những lùm hoa, những gốc cây cũng bắt đầu hắt ra những hình ảnh méo mó của nhiều khuôn mặt người kỳ dị. Gió từ bậc cấp thấp nhất, ném ngược lên hơi lạnh và, tiếng hú mơ hồ, chứa đầy bí ẩn. Giữ chặt Phấn trong tay tôi, tôi bảo:
“Đừng sợ. Đừng sợ Phấn. Có gì đâu. Có gì đâu...”
Mỗi lúc Phấn một rung hơn. Cái rung của một người vừa phải chứng kiến một cảnh tượng gì ghê khiếp lắm.
“Đó. Đó, anh Hữu...”
Đăm đắm theo dõi từng biến động của cảnh vật trong sân, tuyệt nhiên tôi vẫn không thấy một hình ảnh hay một chuyển động bất thường nào, ngoài những chiếc lá bã đậu, thỉnh thoảng rơi xuống mặt đất, nhẹ nhàng, như chúng được nâng, đỡ bởi một bàn tay vô hình. Tôi lắc đầu:
“Tội nghiệp Phấn. Tội nghiệp Phấn. Anh không thấy gì hết. Không gì cả. Ngoài mấy chiếc lá rơi... Chỉ có mấy chiếc lá rụng thôi, Phấn à.”
“Thì đó. Đó. Chính nó đó...”
Những ngón tay Phấn tiếp tục lẩy bẩy rung như những sợi dây đang căng, bị ai đó lay giật mạnh. Hay đôi mắt của người sắp chết có thể nhìn thấy, những thứ mà người bình thường như tôi, không thể nhìn thấy? Tôi nghĩ tới hình ảnh, sinh hoạt của thế giới vô hình, thế giới khác. Thế giới của những người đã chết? Tôi nghe lạnh. Cái lạnh chạy cùng khắp thân thể.
Là người Công giáo, tôi được dạy dỗ không có thế giới ma quỷ. Nhưng khoảng cách giữa lời dạy bảo và, cảm nhận mơ hồ làm thành nỗi sợ hãi nổi gai ốc, chỉ cách nhau một màng tơ mỏng.
Những trận gió mới, đâu đó, thình lình thổi tới. Chúng rung tất cả những gốc cây trong sân bệnh viện. Những chiếc lá vàng, gồm luôn cả những chiếc lá còn xanh, yếu, theo nhau ào ạt bay tung lên cao, trước khi lần lượt gieo mình xuống nền cỏ xanh, như những con cá bằng thiếc, nhiều màu, liệng, liếc mình trên mặt nước lặng.
Tôi nghe được trong gió, hơi buốt giá của nước. Tôi nghe được trong gió, những nhắn nhe đe dọa về một trận mưa lớn sắp tới. Nỗi mịt mùng, bất trắc đã tung xong mảnh lưới, vây bắt tôi.
Lúc này, Phấn đã tuột rơi quá sâu trong nỗi khích động bí ẩn của nàng. Tôi biết, tôi không thể làm được điều gì khác hơn, dìu Phấn trở lại chỗ nằm. Ai đó, đã bật cho Phấn, ngọn đèn nhỏ đầu giường. Những tấm màn cửa dầy, nặng, mầu rượu chát thẫm, đã được kéo kín. Phần ăn chiều bày sẵn trên chiếc bàn ăn nhỏ kê góc phòng. Cảm giác ấm áp, bình an trở lại trong tôi.
Đặt Phấn nằm ngay trên giường, vừa gỡ tay Phấn, tôi vừa dỗ dành:
“Phấn nằm nghỉ chút rồi ăn cơm...”
Phấn không trả lời. Nàng mở mắt, nhìn tôi, khép lại. Ánh mắt kỳ lạ, khó hiểu. Nó cũng kỳ lạ, khó hiểu như đôi tay Phấn không muốn rời khỏi cổ tôi. Tôi nghe được sức nặng gia tăng từ vòng tay nàng. Tôi nghe được sự trì, níu nơi những ngón tay nàng và, cả nơi nhịp đập bắt đầu bất thường của trái tim tôi.
Tôi thấy tôi đuối dần. Sự đầu hàng hấp lực của mùi thơm kia, chỉ là vấn đề thời gian. Nhiều phần, dường tôi muốn được dìm mình sâu hơn trong mùi thơm đó. Nhiều phần, tuồng như, tôi trở nên tham lam, hối hả thở hít mùi thơm này. Nhiều phần, trong tôi, dường mọc lên niềm sợ hãi mới.
Niềm sợ hãi bị hất ra, bị ném xa khỏi vùng mùi thơm thẩm thấu.
Trong đáy cùng ý thức, tôi thấy tôi kêu cầu tới Chúa. Tôi cầu khẩn sự trợ giúp của ngài. Nhưng (cũng dường như,) đó chỉ là tiếng gọi kêu yếu ớt. Tiếng gọi kêu thầm thì không âm vang và, cũng không hề mong Chúa nghe được...
Khi tôi tỉnh dậy, căn phòng yên tĩnh một cách khả nghi, đáng ngại. Ngọn đèn nhỏ trên mặt bàn thấp nơi đầu giường, đã tắt.
Cúi sát mặt Phấn, tôi nghe được hơi thở Phấn nhẹ, thật nhẹ, đôi khi bị đứt quãng, tựa đó không phải là hơi thở của một người sống.
Ngả lưng nằm xuống lại, tôi cảm được những lượng nước băng giá không ngớt tuôn đổ trên thân thể. Tôi cảm được mùi ân hận/ tội lỗi / giận dữ/ điên rồ.
Đôi mắt tôi trừng trừng mở lên trần nhà phẳng. Cả một khoảng trần trắng buốt, miết, miết chạy tới căn phòng anh Hạnh ở cuối dãy. Mầu trắng buốt, miết, miết chạy tới căn nhà cũ, của gia đình tôi, đường Hồng Thập Tự.
Ở ngôi nhà này, tôi gặp lại đôi mắt hiền từ/ bao dung/ che chở/ của mẹ tôi (đôi mắt lấp lánh bao niềm vui,) cùng lúc, (cũng biết bao) muộn phiền. Những muộn phiền tiêu trầm kinh ngạc, gập gềnh xót xa...
Tôi thấy tôi a vào lòng bà. Đôi tay bà mở rộng (luôn luôn đôi ta bà mở rộng,) chờ đón tôi. Tuồng chẳng bao giờ bà biết quay lưng, xua đuổi.
Tôi cảm được vòng tay thương yêu của mẹ tôi, đang bao phủ, gìn giữ, che chở tôi trong hương vị ngọt ngào của rất nhiều trái chín.
Tôi cảm được hơi ấm của những dòng nước biển tắm gội tôi, rửa sạch tôi: Những giọt lệ nóng, lăn đi từ đôi mắt mẹ tôi, trên cao. Tôi cảm được tiếng thở ra rất nhẹ. Tiếng thở dài của bị nén xuống. Lời ca cẩm bị giữ lại hay, đã nuốt đi của bà.
Tôi cảm được những ngón tay thương yêu của mẹ tôi, đặt lên trán tôi. Hơi mát từ những ngón tay ướt tươm tình mẫu tử. Tôi nghe được từ đâu đó, (tiếng vọng của quá khứ?) tiếng chân mẹ tôi xuống bếp. Có dễ bà muốn chuẩn bị cho tôi một bát cháo hoa hay, bát miến gà? (Như thói quen mấy chục năm trời, mỗi khi bà bị cảm tưởng đứa con trai thương yêu của bà bị cảm sốt.)
Tôi muốn mở miệng, muốn thú nhận tội lỗi với bà. Tôi muốn bà là người trước nhất, nghe, đầy đủ, tỉ mỉ từng chi tiết, những gì vừa xảy đến cho tôi.
Tôi muốn. Tôi muốn. Muốn. Nhưng những lọn tóc của Phấn vương ngang mặt tôi. Dường mùi da thịt/ nước hoa/ xà bông/ (thậm chí mùi thuốc, mùi nhà thương ứ đầy ngực thở.) Tôi nghe sức nặng thân thể ai đó, đang đè lên tôi. Sức nặng kia mỗi lúc một gia tăng trọng lượng. Tôi nghe đôi tay tôi quơ trong không gian, như cử chỉ biểu lộ sự kêu cứu một cách tuyệt vọng đầy hạnh phúc.
Tôi thấy đôi tay tôi khép dần. Những ngón tay tìm thấy nhau, làm thành một vòng tròn nhỏ. Nhỏ mãi... Cho tới khi tôi cảm được những rẫy rụa êm ái cùng hơi thở cuống quýt, nóng bỏng dập dồn của Phấn. Tôi nhận ra hình ảnh mẹ tôi xa dần rồi, nhòe, nhạt. Tôi nhận ra hình ảnh anh Thạnh trong dáng vóc của một thiên thần, vỗ, đập đôi cánh trắng. Những vỗ đập đều đặn, dịu, nhẹ như tiếng gió lăn những đợt sóng biển bơ vơ vào kè đá. Gió hay sóng biển (?) Đôi tay hay tiếng thở ra nhẹ hẫng của mẹ tôi đã đỡ, nâng Phấn và, tôi bay khỏi mặt đất.
Chúng tôi nắm tay nhau, bay như hai con chim có chung đôi cánh, giữa bầu trời ngọc bích. Chung quanh chúng tôi, hàng triệu cánh bướm non (những cánh bướm ngọc bích,) cao hứng rủ nhau uốn lượn trong một điệu vũ mỗi lúc mỗi nhanh hơn. (Có lẽ vì thế) bầu sữa xanh vây bọc tôi mỗi lúc một thêm đậm đặc.
Tôi thấy tôi hát ca theo bướm. Tôi thấy tiếng cười Phấn dường mỗi lúc một thêm xanh hơn, (đậm đặc hơn...) Tới một giây, thình lình, Phấn giựt tay ra. Thình lình tôi thấy mình băng, băng lao xuống, trong lúc Phấn lên cao hơn. Khoảng cách giữa chúng tôi chỉ còn được nối liền bằng tiếng kêu thất thanh của tôi, và tiếng cười vỡ vụn, nhỏ dần của nàng.
Mưa mệt nhọc thở từng giọt nặng, rời rạc lên cảnh vật. Gió ì ạch, hào hển lăn qua những bờ tường, xấu hổ nép mình dưới những cành du thấp.
Tôi phóng xe vào giữa cơn hấp hối của trận mưa chiều. Chân trời rạn những đường nứt thủy tinh lấp lánh. Vài con chim thiếu kiên nhẫn bay sảng giữa trời. Như những chấm đen lạc điệu, rớt trên nền xanh lấm tấm của bức tranh còn ướt.
Tôi hiểu, nỗi bồn chồn, nôn nóng nào đã có trong tôi từ sau giờ học. Tôi thấy, (dù mù mờ,) khuôn mặt rách nát buồn rầu hay, cái chân dung lồi lõm những bất trắc thảm, thiết. Tôi cố gắng để không nghĩ tới một bất hạnh nào.
Mưa tạnh hẳn. Đường vắng. Những cành lá du hớn hở khoe áo mới. Những giọt nước còn sót lại trên cây, theo gió, rơi nốt xuống mặt đường. Buổi chiều hăng mùi đất và, lá mục. Mùi hăng cũ. Cũ. Tăng chân ga tới mức tối đa, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy nó quá chậm. Tôi không thể phân biệt chiếc xe chạy chậm hay lòng tôi đang quá nóng nãy. Tôi cũng không phân biệt được trong tôi, dường có nỗi bồn chồn; hợăc ai đó, ngoài tôi không ngừng hối thúc, đẩy, xô tôi lao tới.
Sinh hoạt nhà thương bình thường. Tôi không thấy một khác biệt, xáo trộn nào nơi cảnh vật. Vẫn những băng ghế đá cẩm thạch kê chung quanh khu vườn hoa được chăm sóc kỹ lưỡng. Vẫn những con chim sâu, chim sẻ và, dăm ba con chim ức đỏ nhảy nhót trên những cành thấp. Thản hoặc, chúng ghếch mỏ lên trời nhìn những đám mây chiều mầu trắng, mang ánh sáng lóng lánh, trải lên những cành bã đậu đã rụng gần hết lá.
Vẫn những khuôn mặt bệnh nhân quen thuộc, thả bộ trong sân. Vẫn những chiếc xe làm vườn, xe chở thức ăn chạy rất êm, như lướt, trôi trên các ngả đường yên tĩnh. Cảnh vật cho lại tâm hồn tôi sự êm đềm, niềm hy vọng tốt lành cho mong ước.
Vài phút sau, tôi thấy tôi đứng trước giường bệnh của Phấn. Chiếc giường mới thay drap, trải chăn mền mới. Căn phòng thơm mùi hoa hồng từ những bình thuốc khử mùi hôi. Trên chiếc bàn nhỏ kê ngay đầu giường của Phấn, vẫn là cuốn sách Thánh Kinh, (của bệnh viện?) Mọi thứ vẫn nguyên vậy. Chỉ một điều, Phấn không có đó. Phấn đã rời khỏi.
Phấn đã đi nốt những bước chân cuối cùng, của nàng, trong cuộc đời này. Phấn đã thở nốt những hơi thở cuối cùng, của nàng, ở nhân gian này.
Tôi, không hề được đi chung, những bước cuối cùng kia. Tôi, không hề được thở chung, những hơi thở sau cùng nọ.
Ít ngày sau đám tang của Phấn, tôi nhận được thiệp cám ơn (của gia đình nàng?) và, một lá thư của Phấn.
“Cảm ơn anh đã cho lại em Cuốn Theo Chiều Gió, một lần nữa, dù không trọn vẹn. Dẫu sao, đó cũng là quà tặng cuối cùng em nhận được từ đời sống này. Một đời sống em rất tha thiết, muốn ở, muốn ôm nó vào lòng, nhưng chẳng ai cho, luôn cả Chúa...”
“Cảm ơn anh, buổi tối khi em run sợ. Khi em sợ những chiếc lá cuối cùng trên cành bã đậu sẽ rụng nốt trong đêm, hoặc có trễ tràng lắm, thì cũng chỉ tới sáng hôm sau là cùng. Anh đã phủ lấp lên nỗi sợ hãi của em bằng tất cả vị ngọt, nỗi đau xé banh thịt da em...”
“Tiếc khi còn sống, em không đủ can đảm cho anh biết, em sợ những chiếc lá rơi. Em thấy dường giữa em và những chiếc lá kia, có một liên hệ kỳ bí nào đó. Kể ra, em sợ anh cười em. Anh cho em dị đoan, ảnh hưởng tiểu thuyết... Em sợ, anh sẽ không buồn nhìn nhỏ tới em. Anh sẽ không chơi với em nữa.”
“Anh thân mến, anh một lần, một lần, một đời của em, dẫu gì, khi thư này tới tay anh, thì em cũng đã không còn. Nếu em có linh hồn như người ta thường bảo, thì, em sẽ ở bên anh trong lúc anh đọc thư này. Em sẽ nói bên tai anh, những lúc anh một mình; dù cho anh chẳng nghe được tiếng em, cảm, được hơi thở em. Em sẽ nói, anh yêu dấu, cách gì, cũng hãy tội nghiệp mà tha thứ cho em.”
“Tội nghiệp và tha thứ cho một con bé khi chớm hiểu biết, ghi nhận thì đã mất mẹ. Khi chớm nghe được những rung động, hiểu được những khát khao tình yêu, trai gái, thì cũng là lúc, em biết, tử thần đã đợi em dưới chân thang lầu.”
“Anh thân mến, trước khi chết, em chỉ có một mơ ước không thành. Đó là mơ ước được đi dạo cùng anh, một lần, nơi đoạn đường, theo mô tả của anh: ‘Đường hầm làm thành bởi những cành me già giao nhau, trên cao. Vào những ngày nắng, đó là khúc đường ngọc. Khúc đường xanh, trong suốt như thủy tinh. Với những chiếc lá nhỏ xíu reo, trên cao, mỗi khi gió tới, trên đầu ta, là hàng triệu cánh bướm non, bỗng không, cao hứng, rủ nhau đập cánh nhịp nhàng trong một vũ điệu nhanh. Những tiếng rì rào, trên cao, thả xuống, như lời tỏ tình (với những ai còn cô đơn,) lời mời mọc thiết tha, rủ rê thành khẩn (với những người đang có tình yêu,) hãy nhón gót, hãy kiễng chân, lấy đà, bay lên để cùng hát, ca với chúng...’ ”
“Đấy, anh Hữu, anh sợ chưa, trí nhớ của em, trí nhớ người sắp chết. Em nghĩ, cô Scarlette ngày xưa, có nhớ những gì liên quan tới anh chàng Breth và mối tình của cô ấy, thì, cũng đến như em là cùng, chẳng thể hơn được...”
“Mơ ước không đạt được kia, chẳng lâu nữa đâu, em sẽ đạt được bằng một thể, dạng khác. Em sẽ đạt được, chắc chắn mà anh Hữu. Bộ anh không tin sao? Em sẽ đạt được, không lâu nữa, khi mà bệnh hoạn cũng như thân xác này, không còn một chút quyền hạn gì để tiếp tục trói buộc, kìm giữ em. Em sẽ thực hiện mơ ước em, trong một thể, dạng khác.”
“Anh Hữu, mà anh đừng vội nghĩ, em sẽ đi một mình. Không có đâu. Em sẽ đi cùng anh, mỗi khi anh ngang qua khúc đường đó. Chỉ sợ tới lúc đó, khi anh nghe được những lời mời mọc thiết tha, những rủ rê chân thành của những cánh bướm vỗ đập dịu dàng, trên cao, anh sẽ không nhớ tới em, không nghĩ rằng em đang đi bên cạnh anh mà, anh sẽ nghĩ, tưởng tới một người nào khác!
“Trường hợp này, ở bên kia thế giới, dù có buồn, có hờn, ghen, em nghĩ, cũng chẳng cách gì, em biểu lộ cho anh biết được.”
“Thôi thì, em sẽ tự nhắc nhở mình, cố nhớ lời anh, đừng nghĩ ngợi gì cả. Em sẽ cố nhớ lời anh, để khi thấy anh, đi với một người con gái nào khác, em sẽ reo theo gió, sẽ hát theo lá, sẽ chỉ là một trong hành triệu cánh bướm non, vẫy, hò sau bước chân anh...
“Ơ này, anh, anh Hữu... Liệu anh có nhớ là anh đã nói gì với em không? Chắc em phải nhắc lại mất thôi. Có sao đâu. Để em nhắc lại, như một nhắc nhở chính em rằng: đừng quên một lần, anh Hữu bảo: ‘Hạnh phúc hay khổ đau, cũng chỉ như mặt khác một đồng tiền, mặt khác một tấm sương gương soi’...”
“Chỉ một điều em muốn biết (dù rất muộn màng) là, giờ đây, khi đọc những dòng chữ này, anh còn nghĩ vậy?