Trong ghi nhận của tôi, ở bất cứ lãnh vực sinh hoạt nào của một tập thể, cũng có những cá nhân tận hiến khả năng, tấm lòng mình cho cộng đồng - - Để rồi, cuối cùng, thời gian sẽ lặng lẽ trải tấm màn lãng quên lên những cống hiến tận tình ấy. Tôi không biết có phải đó là trò chơi ú tim / đuổi bắt của định mệnh? Hay đó cũng chỉ là một cây bài, trong bộ bài cay nghiệt đương nhiên của phần số?
Ngụy Vũ
Điển hình cho trường hợp cống hiến và lãng quên vừa kể, ở lãnh vực VHNT, là Ngụy Vũ.
Là thị dân của miền nam Cali trên dưới mười năm qua, tôi nghĩ, nhiều người còn nhớ hay, tối thiểu cũng đôi lần nghe tới hai chữ Ngụy Vũ. Một cái tên, tự thân đã mang lại cho chính nó, những dư luận thuận, nghịch gay gắt! Không ít người chỉ nghe danh (không biết gì về người nghệ sĩ này), đã vội có ngay cho mình một thiên kiến!
Tôi muốn nói, không hiếm khi dư luận bước ra đường phố với đôi mắt nhắm nghiền hoặc cận thị… Do đấy, tôi nghĩ, đã tới lúc chúng ta nên bình tâm, nhìn lại những đóng góp của Ngụy Vũ cho tập thể người Việt hải ngoại - - Chí ít, cũng ở lãnh vực thuyền nhân tỵ nạn. Nhất là đã một năm trôi qua, kể từ khi người nghệ sĩ này, rời bỏ miền nam Cali, về vùng Đông Bắc Mỹ, giúp bằng hữu phát triển một đài phát thanh 24/24 bằng hệ thống HD Radio…Một kỹ nghệ HD Radio mới nhất tại Hoa Kỳ với vai trò “Generald Program Manager”.
Một năm, đơn vị thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng giữa thời đại quá tải biến động như hôm nay thì, thời gian kia cũng đủ dài, cho một nhìn lại tĩnh lặng, không nhập nhòe cảm tính…
Để mọi nhìn lại có được tính khách quan cần thiết, đối với một cá nhân như Ngụy Vũ, người có một thời gian dài hiện ra ở nhiều quảng trường sinh hoạt tập thể. Từ bàn phóng truyền thông, ông đã ném mình vào nhiều lãnh vực khác nhau, như chính trị, xã hội, văn nghệ, thể thao…Chính tự những hăng hái, xông xáo nọ mà, một vài cơ sở truyền thông, báo chí (khởi tự nhu cầu riêng) đã dành cho ông nhiều “danh hiệu”, nhiều “tước phong” tựa những trang sức phù phiếm! Đáng tiếc! (Tôi nói đáng tiếc bởi đó cũng là một đầu mối đưa tới những nhăn mặt của dư luận).
Tuy nhiên, trong đám đông thầm lặng, có thể nhiều người đã quên rằng, những năm cuối thập niên (19)80, khi con số đài phát thanh ở miền nam Cali, đếm chưa hết mười ngón tay thì, tiếng nói Ngụy Vũ ở băng tần 106.3, mỗi khuya khoắt, đã là một tin cậy, an ủi lớn với nhiều thính giả. Nhất là với thính giả nữ giới.
Cũng thời gian này (1999), tự băng tần vừa kể, có thể nhiều người cũng đã quên, Ngụy Vũ là người duy nhất, cống hiến mọi tin tức, biến chuyển của biến cố chính trị lớn nhất thời đó. Biến cố mang tên Trần Trường.
Năm mươi ba ngày, đêm bám sát biến cố chính trị Trần Trường, trong vai trò một ký giả phát thanh yêu nghề, Ngụy Vũ, đã cung cấp cho tập thể người Việt, không chỉ ở Cali mà, khắp nơi trên thế giới, những gì mọi người cần biết…
Rất nhiều đài phát thanh quốc tế, đã phải dùng tới, dựa vào phần tin tức Ngụy Vũ có được, để hoàn tất những bản tin của họ.
Ở mặt khác, mặt lắng tâm, sống với tình yêu, quá khứ, hoài niệm, vào những năm đầu thập niên 2000, có thể nhiều người cũng không muốn nhớ rằng, họ từng thả trôi tâm hồn họ theo tiếng hát của Ngụy Vũ ở Hội quán Thùy Dương của Hoàng Trọng Thụy. Đó là những đêm cuối tuần, khi toàn diện hội trường Thùy Dương chìm trong bóng tối; và trên sân khấu chỉ còn chút ánh sáng yếu, với cây guitar thùng, Ngụy Vũ hát: “Có khi mưa ngoài trời / là giọt nước mắt em / Đã nương theo vào đời / làm từng nỗi ưu phiền / Ngoài phố mùa Đông / đôi môi em là đốm lửa hồng / Ru đời đi nhé / cho ta nương nhờ lúc thở than / Chân đi nằng nặng / hoang mang ta nghe tịch lặng / rơi nhanh dưới khe im lìm…” (Trích “Ru đời đi nhé”- TCS)
Có thể nhiều người cũng đã quên, đầu thập niên 2000, chính xác là năm 2002, Ngụy Vũ, con người tựa như sinh ra để tận hiến khả năng và tấm lòng mình cho đám đông, khởi động cuộc thi viết “Hành Trình Biển Đông”. Cũng kể từ thời điểm này, liên tiếp năm năm sau (2002-2006), tại Hội trường Nhật báo Người Việt đường Moran, thành phố Westminster, Ngụy Vũ đã tổ chức mỗi năm, “Ngày Thuyền Nhân”.
Có nhiều năm, ông phải thuê người dựng rạp phía ngoài hội trường, để đáp ứng nhu cầu của đồng bào, khi lượng người tham dự vượt trên con số ngàn…
Năm 2003, tuyển tập “Hành Trình Thuyền Nhân” tức “Hành Trình Biển Đông”, tập 1, ra mắt. Khơi lại dòng lệ đau thương, bi đát của thân phận Thuyền nhân Việt Nam, trên biển khổ… Một năm sau, ông cho ra mắt tuyển tập “Hành Trình Thuyền Nhân” tức “Hành Trình Biển Đông” 2 và, cũng trong năm 2004 này, bản dịch tiếng Đức, được giới thiệu với độc giả Germany. Không đầy hai năm sau, bản dịch Anh ngữ hoàn tất - - Gửi biếu tất cả các vị dân cử ở Thượng cũng như Hạ Viện Hoa Kỳ. Như môt nhắc nhở xin đừng quên những oan hồn thuyền nhân Việt nơi mồ sâu đáy đại dương và, xin hãy nhớ tại sao? Vì đâu?…
Được biết, hai tập sách “hành trình thuyền nhân”, từng được ghi nhận là “best seller”, và cũng là tác phẩm được giới thiệu, tìm đọc khắp nơi trên thế giới, đang được Ngụy Vũ tái bản, phát hành trong năm nay.
Ở đây, tôi thấy không cần thiết phải nhắc tới những việc làm ý nghĩa khác của Ngụy Vũ. Như: Năm 2003, ông tham gia phái đoàn Truyền thông Báo chí tới Philippine để tranh đấu cho hơn 2,000 thuyền nhân không bị trục xuất về VN. Giúp số thuyền nhân tuyệt vọng này, được ở lại Phi Luật Tân, chờ chính phủ Mỹ cho phép định cư.
Ở đây, tôi cũng thấy không cần thiết phải nhắc tới đóng góp cụ thể của Ngụy Vũ cho phong trào Túc Cầu của người Việt ở Bắc Mỹ; khi ông là sáng lập viên, kiêm nhà tổ chức giải “Thanksgiving Cup” liên tiếp nhiều năm từ 2005 tới 2012 ở miền nam Cali; cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác nữa…
Tôi nghĩ, chỉ nội việc Ngụy Vũ tận hiến công sức, tiền bạc, tâm huyết của mình, cho hai bộ bộ sách kể trên, ông cũng đã xứng đáng được mãi nhớ; như một người lựa chọn sống để theo đuổi lý tưởng… Dù cho thời gian có lặng lẽ kiên trì trải tấm màn lãng quên lên những cống hiến tận tình ấy.
Những người như Ngụy Vũ, nếu quan tâm tới “cây bài, trong bộ bài cay nghiệt đương nhiên của phần số”, tôi tin họ đã và sẽ không thực hiện được những điều mà, không phải ai cũng có thể làm được!
Là một trong những người tự biết, không làm được những gì Ngụy Vũ đã làm, tôi viết bài này, như một lời cám ơn ông.
Cám ơn một Ngụy Vũ không ngưng nghỉ tận hiến khả năng, tấm lòng mình cho cộng đồng và, xa rộng hơn, cho ngày mai, tập thể.
Du Tử Lê,
(Calif. 26. 9. 2013)