Bây giờ anh đã thanh thản bên kia thế giới. Tôi sẽ chẳng còn được đọc email hay nghe anh nhẹ nhàng than thở mỗi khi cơn đau dằn vặt: “Anh đau quá Phú ơi!”.
Biết anh đau, tôi chỉ an ủi, hỏi thăm anh uống thuốc gì và cầu xin Trời Phật cho anh có sức chịu đựng, cho gia đình tìm được cách chữa trị. Nhìn mái đầu bạc trắng, đôi mắt thoáng buồn, tôi thường chia sẻ với anh niềm tin vào sự an bài của Thượng Đế vì nào ai biết được ngày giờ ra đi.
Hay tin anh mất, tôi tìm đọc lại tạp bút “Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu”. Trong đó là văn chương lãng mạn của Nguyễn Xuân Hoàng qua nhiều mối tình, nhưng dành cho Vy (Trương-gia Vy) – sau này trở thành người bạn đời của anh từ 1974 đến nay – là nồng nàn nhất, hơn cả cho Vân, cho Trâm nào đó.
Cuốn sách xuất bản lần đầu, ở Sài Gòn, vào năm 1970 khi anh đã có danh trong làng văn học. Hai năm sau tôi mới biết đến tên anh, nhưng là qua sách giáo khoa, qua những bài ôn thi về tâm lý học, đạo đức học, luận lý học của môn triết lớp 12.
Thời đó tôi mê đọc Tuổi Ngọc, không biết đến Văn nên không có cơ duyên đọc Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi thích truyện của Duyên Anh, thơ Phạm Thiên Thư, Mường Mán, Từ Kế Tường.
Đọc lại bài tùy bút “Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu” và cũng là tựa của tập sách của anh, với lãng mạng của tình yêu – như có thực trong đời sống – không triết lí nhức đầu, tôi bồi hồi xúc động nhớ anh.
“Vy yêu, em có còn nhớ cái lối quảng cáo của người Nhật về những sản phẩm đặc chế của họ. Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu Cũng Chỉ Có Hai Ta. Ừ, cũng chỉ có hai ta."
“Ngày mai, tôi sẽ phải vào bệnh viện trở lại. Những dấu hiệu tái phát của căn bệnh cũ đang bắt đầu lộ diện và đang hành hạ tôi. Bạn tôi bảo: “Mày chưa chết được đâu. Đừng sợ. Sống thì khó chứ chết thì ai mà chẳng có phần.”
Đó là những dòng chữ của anh, viết năm 1968, cho chị Vy khi hai người đang yêu nhau. Đó là trầm tư về cuộc đời, về cơn bệnh, có thể chỉ là trong tưởng tượng, mà anh đang đối diện. Hay là một điều anh tiên đoán trước?
“Sống thì khó” nhưng qua nửa thế kỷ anh đã sống với nhân cách để được bạn bè quí mến.
Những lúc café với nhau tôi hay hỏi anh về buồn vui dạy học, về sự tinh nghịch của học trò và chia sẻ với anh những kỉ niệm dạy học của tôi ở châu Phi, ở Mỹ. Tôi cũng thường muốn nghe anh nói về những tác phẩm, những nhân vật hay những người thầy vang danh một thời: Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng, Vĩnh Để, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Văn, Ngô Đình Lệ Thủy, Nguyễn Văn Kỷ Cương, Tôn Thất Trung Nghĩa, Oriana Fallaci, Trùng Dương, Mai Thảo, Phạm Duy. Gợi chuyện để anh chú tâm kể, quên đi cơn đau đang râm ran trên từng đốt xương.
Lúc đó anh nói có đốt xương sống đè lên dây thần kinh làm đau, chứ chưa biết bệnh gì. Sau những thử nghiệm khoa học, các bác sĩ xác định được là chứng ung thư xương.
Hơn năm qua anh đã phải chống chọi với căn bệnh. Qua nhiều lần chữa trị bằng hoá chất, bằng quang tuyến nhưng cơ thể anh không còn chịu đựng được nữa.
Sáng thứ Bảy 13/9/2014 anh ra đi, sau 77 năm ở chốn dương trần.
Tang lễ, nghi thức tưởng nhớ và lễ hỏa táng đã được cử hành vào cuối tuần qua tại Oak Hill Memorial Park. Tro than được an vị tại chùa Liễu Quán ở San Jose.
Bây giờ anh không còn phải sửa bài cập nhật của tôi, nhiều khi liên tục vì mang tính thời sự vào những phút trước khi làm xong báo để đưa sang nhà in vào chiều thứ Năm.
Tôi sẽ không còn nhận được email của anh: “Hôm nào Phú xuống, mình đi café nhé.”
Ngày còn anh, thỉnh thoảng tôi xuống San Jose, gặp nhau, chúng tôi thường ăn phở Tàu Bay, rồi qua quán Starbucks, cả hai nơi đều gần tòa soạn Việt Tribune trên đường Oakland Rd., con đường đã trở nên thân quen với tôi từ khi tòa báo đặt ở đó tám năm qua.
Trước khi có Việt Tribune, mỗi lần từ Berkeley xuống thung lũng hoa vàng thỉnh thoảng tôi ghé trụ sở báo San Jose Mercury News, trên đường Ridder Park Drive để tìm mua những số báo cũ đặc biệt về Việt Nam. Tòa soạn Mercury News không xa Việt Tribune sau này là bao. Khi Việt Mercury ra đời năm 1998, có anh về làm tổng thư ký, tôi cũng thường ghé đây lấy báo.
Nhưng lúc đó chưa thân với anh. Những năm đầu của Việt Mercury, anh mời tôi cộng tác, nhưng tôi từ chối vì tôi và nhiều người trong giới báo chí vùng San Jose quan ngại sức mạnh tài chánh của tập đoàn Mercury News, là báo mẹ của Việt Mercury, sẽ gây hệ quả đưa đến sự đình bản của những tờ báo kiểu gia đình do người Việt làm chủ.
Năm năm sau khi Việt Mercury ra đời, các báo tiếng Việt không chết mà vẫn tiếp tục phát triển. Tôi bắt đầu cộng tác với Việt Mercury năm 2003.
Trái với lo lắng của giới truyền thông Việt ngữ vùng San Jose, tờ Việt Mercury không giết những báo tiếng Việt khác mà tự thân nó cũng không sống được lâu vì trả lương theo tiêu chuẩn cao cho gần 20 nhân viên, không thu được quảng cáo trong cộng đồng người Việt vì giá đắt gấp ba, bốn lần so với các báo khác. Không sinh lời, tờ báo đình bản vào cuối năm 2005.
Sau khi Việt Mercury đình bản, anh không về Quận Cam, tiếp tục ở lại San Jose, cùng chị Vy ra tuần báo Việt Tribune.
Tôi cộng tác với anh ngay từ đầu và đến nay đã được 438 số. Số 437 phát hành khi anh còn ở cõi dương trần. Việt Tribune số 438 là để “Tưởng mộ Nguyễn Xuân Hoàng”.
Sáng Chủ nhật viếng anh lần cuối trước giờ đóng nắp áo quan. Mọi người nhìn anh, gửi theo anh hoa hồng vàng, hoa lily trắng.
Tôi đặt bên anh đoá hoa vàng, kèm theo tờ Việt Tribune số 438 để về nơi cõi khác anh đọc những gì bạn bè, gia đình đã nhớ đến anh, viết về anh với kỉ niệm, với văn chương. Đinh Cường, Trần Trung Đạo, Từ Kế Tường, Trương Xuân Mẫn, Andrew Lưu, Đinh Từ Bích Thuý, Đức Tuấn, Phùng Nguyễn, Trần Vấn Lệ, Nguyễn Hoàng Tuấn, Trịnh Y Thư, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Hưng Quốc và nhiều người nữa, không chỉ trong giới văn chương mà từ nhiều góc của đời sống.
Mong anh, ở trên mây, luôn nhớ đến đứa con tinh thần, đứa con của công chúng được anh và chị Vy khai sinh, được nhiều thân hữu trong làng báo, chốn văn chương, trong cộng đồng và giới thương mại góp phần nuôi dưỡng.
Anh ra đi, được nhiều người thương mến đến tiễn. Bạn bè truyền thông như Đỗ Quý Toàn, Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, Phạm Phú Thiện Giao, Đoàn Thanh Liêm, Đỗ Vẫn Trọn, Thư Sinh, Đinh Quang Anh Thái, Nguyễn Văn Khanh, Vũ Bình Nghi, Thanh Thương Hoàng, Trần Đệ, Nguyễn Tường Tâm, Nguyễn Xuân Nam, Huỳnh Lương Thiện, Quỳnh Thi, Quốc Bảo, Nghê Lữ, Huy Phương, Nguyên Khôi, Lý Kiến Trúc, Mỹ Lợi, Hạnh Dương.
Là thầy giáo suốt quãng đời ở Việt Nam, trước năm 1975, nên nhiều học trò cũ từ Pétrus Ký, Ngô Quyền, Regina Pacis đến chào anh lần cuối.
Nhiều người liên quan đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũng đã viếng anh, gửi lời phân ưu. Cựu Tư lệnh Không quân Đại tá Nguyễn Xuân Vinh, các cựu bộ trưởng Nguyễn Đức Cường và Hoàng Đức Nhã, cựu thẩm phán Trần An Bài, cựu Trung tá Nguyễn Mộng Hùng.
Đến chào vĩnh biệt anh có những dân cử: Nghị viên Madison Nguyễn, Nghị viên Sam Liccardo, Giám sát viên Cindy Chavez, Thị trưởng Milpitas Jose Esteves. Có người của cộng đồng như qúi ông Hoàng Cơ Định, Hoàng Thế Dân, Chu Tấn, Đỗ Hùng, Nguyễn Tấn Thọ.
Kiều Chinh, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Phan Nhật Nam, Đỗ Vẫn Trọn, Lữ Quỳnh, Hải Phương, Chinh Nguyên, Đông Anh, Đào Hải Triều, Phạm Ngọc, Trần Quảng Nam, Tú Minh, Nguyệt Cầm, Hạnh Trần, Đồng Thảo, Trịnh Thanh Thuỷ của giới văn học nghệ thuật.
Nhã Ca và Trần Dạ Từ đặt bên anh thêm hai đóa hoa, thay mặt cho Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến.
Ý Lan hát cho anh nghe lần cuối, như thay lời mọi người ngậm ngùi tiễn anh: “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười…”
Bây giờ anh đã ở trên mây. Nơi đó, gặp lại Mai Thảo, Phạm Duy, Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Chí Thiện, Vũ Ánh, Trương Trọng Trác, Nguyễn Mộng Giác anh em lại tiếp tục bàn chuyện văn học, sinh hoạt báo chí.
Xin chia tay
Và nếu là mãi mãi
Thêm một lần
Rồi mãi mãi chia tay
Mượn ý thơ Lord Byron để vĩnh biệt anh. Luôn mãi nhớ anh.