Mục "Phê bình, biên khảo, phỏng vấn" do Lê Hoàng Tuấn Kiệt phụ trách.
Tôi chỉ gặp Khái Hưng vài lần. Một buổi sáng cùng đi với Từ Bộ Hứa, nhà Thi sĩ ho lao, tác giả tập thơ bằng Pháp văn "Poésies Grises" mà báo Phong Hóa ngạo là "Thơ xám xịt".
Tôi muốn đến thăm Khái Hưng để nói chuyện chơi và cám ơn anh đã gởi cho mấy quyển tiểu thuyết "Lá mạ" của anh vừa xuất bản. Trong nhóm văn sĩ của Phong Hóa, thành thật tôi chỉ có cảm tình với Khái Hưng mà thôi, mặc dù trước đó chưa gặp anh lần nào.
Tòa báo Phong Hóa ở góc đường Quan Thánh và đường hàng Bún, một biệt thự thì đúng hơn, và có vẻ sang trọng.
Qua một sân trồng các thứ hoa, chúng tôi vào phòng khách. Nơi đây cách bài trí cũng có vẻ trưởng giả. Giữa salon, có đặt một cái kệ thấp, trên để một chiếc mâm đồng lớn, chạm trổ theo lối mỹ thuật Bắc. Chúng tôi đưa danh thiếp cho một người Tùy phái, thì vài phút sau, một người đã lớn tuổi ra niềm nở bắt tay chúng tôi. Đó là Khái Hưng.
Người gầy ốm, đôi má hơi cóp và nước da hơi tái, nhưng nụ cười rất tươi. Nụ cười ngụ nét hóm hỉnh, nhưng hiền lành khả ái, chứ không hời hợt đãi buôi như Thế Lữ và không trào lộng như Nguyễn Tường Tam.
Khái Hưng cũng không tự kiêu tự đắc, tính điềm và tao nhã, câu chuyện có vẻ thành thật và lịch sự. Tôi không đồng ý về một vài quan niệm của anh đối với tiểu thuyết, nhưng cuộc thảo luận vẫn thân thiện, vui vẻ. Có điều tôi phục anh, là anh thẳng thắn nhìn nhận rằng anh viết tiểu thuyết tùy theo nhu cầu và điều kiện văn nghệ của một thời đại mà thôi. Anh bảo:
- Những Romans à thèse của tôi (câu này, anh dùng tiếng Pháp) chỉ có mục đích cải cách một vài tập tục trong xã hội Việt Nam hiện nay, những tập tục mà ta thấy rõ ảnh hưởng không tốt cho xã hội. Một ngày sau những tập tục đó sẽ không còn trong một xã hội tiến bộ hơn, thì tiểu thuyết của tôi sẽ mất giá trị của nó.
Tôi bảo:
- Có lẽ vì anh chủ trương cải tạo xã hội nhất thời nên tôi có cảm tưởng hình như anh không đi sâu vào tâm lí các nhân vật trong truyện. Tôi nghĩ rằng tâm lí không bao giờ thay đổi.
- Tôi không có ý định viết một quyển Le Disciple như P. Bourget. Trái lại, tôi thấy trong quyển Đứa Con Hoang của anh, anh muốn phân tách tâm lí của người trong truyện, cho nên anh gạt bỏ ra nhiều thực tế quá.
- Quyển Đứa Con Hoang của tôi chỉ là một thí nghiệm sơ khai. Dù sao, tôi rất thích quyển Hồn bướm mơ tiên của anh hơn cả các quyển khác.
Khái Hưng lấy hai quyển Hồn bướm mơ tiên tặng Từ Bộ Hứa và tôi, để làm kỉ niệm buổi gặp gỡ lần đầu. Anh viết lòi tặng bằng Pháp văn.
Au Poète N.V.
Hommage Cordial de l'auteur.
Tên kí của anh giản dị rõ ràng, gần như tên viết thường.
Tôi có hỏi tại sao anh lấy bút hiệu Khái Hung, anh bảo:
- Tên thật của tôi là Trần Khánh Giư, hai chữ Khánh Giư, sắp xếp theo lối anagramme thành ra Khái Hưng, chứ không có gì lạ. Còn bút hiệu của anh là Lệ Chi, có nghĩa gì?
Anh hỏi lại tôi. Tôi cười không đáp, Khái Hưng nói tiếp:
- Lê Tràng Kiều bảo Lệ Chi là Chị Lê, nhưng không nói rõ chị Lê là ai.
- Kiều nói đùa đấy. Không đúng... À, có người bảo anh có đi dạy học, phải không anh?
- Vâng, trước tôi có làm instituteur. Hồn bướm mơ tiên, chính tôi đã viết bản thảo từ hồi còn dạy học. Sau tay tôi mới sửa chữa lại để đăng báo Phong Hóa.
- Văn anh gọn lắm, dễ thương lắm.
Có lẽ ảnh hưởng lối văn Thầy giáo cho học trò. Vì tôi dạy về luận văn, thường bảo học trò viết câu văn xuôi cho gọn gàng giản dị. Tôi viết lối văn bay bướm và mơ mộng như các anh không được. Tôi thích loại văn của Alphonse Daudet, hoặc Guy đe Maupassant.
- Tôi lại thấy văn anh sung túc như tác phẩm của Emile Zola.
Tuy ở chung một tòa soạn, nhưng Khái Hưng không thích chơi với Thế Lữ. Trái lại, Khái Hưng thân với Nguyễn Tường Tam và Tú Mỡ. Anh ít nói, tính điềm đạm, nhưng thỉnh thoảng khôi hài đôi chút, và không làm mích lỏng ai. Trong nhóm Phong Hóa anh là người được đa số anh em nhà văn mến nhất.
Thi sĩ Từ Bộ Hứa, tác giả tập thơ Pháp văn "Poésies Grises", ho lao nặng, hài hước một câu:
- Tôi thú thật không đọc tiểu thuyết của anh, cũng như của những nhà văn khác. Tôi chỉ thích thơ, anh lại ít làm thơ. Nhưng tôi quí mến anh vì anh cũng là một kẻ ho lao khốn nạn như tôi!
Khái Hưng cười:
- Anh lầm rồi đấy. Ho lao không phải là một tội lỗi. Có lẽ hơn nữa, đó là một triệu chứng tài hoa đặc biệt của Thượng đế ban cho, tôi muốn nói: la marque d'un génie. Tôi rất tiếc không được hân hạnh là người ho lao.
Sự thật, Khái Hưng không bị ho lao. Anh gầy có lẽ tại anh hút thuốc phiện nhiều và thức đêm nhiều. Theo lời anh cho chúng tôi biết, hầu hết các truyện dài của anh phải viết bên bàn đèn thuốc phiện. Mặc dù anh tốn rất nhiều tiền để tẩm bổ, nhưng bẩm chất của anh không được mạnh, lại làm việc quá sức. Anh thú thật hồi anh đi dạy học, sức khỏe của anh dồi dào hơn nhiều.
Năm 1940, Khái Hưng và Nguyễn Tường Tam lập ra một đảng chính trị, tên là "Dân Chính Đảng" mà Khái Hưng là đảng trưởng. Một đảng có khuynh hướng thân Nhật Bổn, nhưng hoạt động bí mật. 1942, anh bị Mật thám Pháp bắt, đưa đi an trí ở Vụ Bản, bị bắt trước tôi mấy ngày.
Năm 1955, tôi được gặp nhiều anh em nhà văn Hà Nội di cư vào Sài Gòn, trong số có Vũ Bằng, Tam Lang, Thượng Sỹ, Vi Huyền Đắc v.v...
Hỏi về tin tức Khái Hưng, có mấy anh cho tôi biết Khái Hưng bị Việt Minh "quản thúc" ở ngay làng anh. Nhân một buổi hội họp tại trụ sở ủy ban Xã, Khái Hưng có làm một bài thơ tán dương Hồ Chí Minh, nhưng ngụ ý châm biếm. Sau đó, anh bị một cán bộ Xã thủ tiêu trên một đường làng gần nhà anh, vào khoảng nửa đêm.
Tin đó đúng hay không, tôi chưa được biết đích xác. Tôi có hỏi Nguyễn Tường Tam khi tôi gặp lại anh lần đầu tiên tại Sài Cụm, năm 1952, ở nhà ông Nguyễn Tường Phượng, anh của ông, là Công chức Sở Bưu điện Sài Gòn. Rất tiếc, anh Nhất Linh cũng không hiểu rõ về nhũng giờ phút cuối cùng của Khái Hưng. Theo lời anh, cũng chỉ nghe người ta nói lại rằng Khái Hưng bị thủ tiêu, thế thôi. Tôi hơi ngạc nhiên, vì đáng lẽ Nhất Linh phải điều tra đích xác về cái chết của người bạn thân nhất của anh trong làng văn Việt Nam. Dù sao Khái Hưng cũng đã lìa đời một cách đau đớn và đột ngột, vào khoảng năm 1946, hay 1947...
Tôi buồn bã nhớ lại khuôn mặt xanh xao và khả ái của tác giả Hồn bướm mơ tiên.