Trịnh Cung, người sẵn sàng “gây hấn” trong lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật.
Nhìn vào lãnh vực phê bình văn học Việt Nam, nếu không kể thời tiền chiến, với hai tác phẩm phê bình giá trị là cuốn “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân và; cuốn “Nhà Văn Hiện Đại” của Vũ Ngọc Phan thì, 20 năm Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam là một vùng “lặng gió.” Dù trong sinh hoạt với những va chạm vì quan điểm văn chương, nghệ thuật đối chọi nhau, đã đưa tới một số cuộc bút chiến khá nặng nề. Nhưng cách gì, cuối cùng, chúng cũng chỉ như những trận bão trong… tách trà. Tôi muốn nói, chúng vẫn giới hạn trên mặt báo và, không được sự quan tâm rộng rãi của đa số quần chúng.
Cũng không nhận được sự quan tâm rộng rãi của độc giả, là những tác phẩm nhận định về thi ca của các tác giả như Cao Thế Dung, Bùi Giáng, hay Đặng Tiến… xuất bản trước tháng/1975.
Nói như vậy, không có nghĩa tôi quên 20 năm Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam, với nhóm Sáng Tạo, qua tạp chí cùng tên, đã tổ chức những cuộc hội thảo bàn tròn về thi ca, văn xuôi, cũng như hội họa - - Một hình thức sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật tương đối mới mẻ ở miền Nam, thời đó. Nhưng tiếng vang của chúng, vẫn không vượt quá sự quan tâm của những người liên quan hoặc, hiện diện trong những lãnh vực đó.
Về hội họa, giới chuyên môn cũng ghi nhận được những quan điểm, phát biểu mới mẻ của các tác giả như Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng… hầu hết xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo, với số lượng phát hành khiêm tốn… Cuối cùng, chúng cũng chỉ như những viên sỏi, ném xuống mặt nước ao tù phẳng. Lạnh.
Cùng với sự an cư, phát triển mạnh mẽ về phương diện kinh tế, thương mại và công ăn việc làm, bắt đầu từ thập niên 1990, số lượng sách, báo của người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, cũng được mùa, nở rộ…
Với rất nhiều những cây bút mới, ồn ào lấp đầy những khoảng trống do những cây bút thành danh từ trước tháng 4-1975, ở miền Nam tạo ra. Vì nhiều lý do khác nhau, những tác giả này, chọn rời xa bàn viết! Hoặc có viết thì, họ cũng ít muốn phổ biến tác phẩm để tránh bị rơi vào tình trạng không có người đọc, hay vàng thau lẫn lộn!…
Sự phồn thịnh, phong phú về số lượng sách xuất bản của những người cầm bút sau tháng 4-1975, tại Hoa Kỳ, cho thấy đó là một sân chơi Văn Học Nghệ Thuật, rộn ràng. Cảnh tượng của một “siêu-thị-chữ-nghĩa” tấp nập, ồn ào người ra/ vô…
Một trong những lý do có thể giải thích được hiện tượng này là khi muốn in một cuốn sách, chính quyền không hề đòi hỏi tác giả phải nộp bản thảo, để kiểm duyệt trước khi được cấp giấy phép, giống như ở Việt Nam trước cũng như sau tháng 4-1975. Chưa kể ấn phí cho một cuốn sách dày khoảng trên dưới 100 trang, (không cầu kỳ, đòi hỏi nhiều chi tiết đặc biệt), tác giả chỉ phải chuẩn bị một khoản tiền tương đối nhẹ nhàng 1,000 đồng.
Vì thế, một ông hay bà dù đang hưởng trợ cấp xã hội, hàng năm họ vẫn có thể cho ra đời dăm ba tập sách là chuyện bình thường…
Nhưng tiếc thay, không vì sự phồn thịnh của sinh hoạt sách vở, báo chí mà chúng ta có những nhà phê bình, tương ứng với số lượng tác giả và tác phẩm. Thực tế hoàn toàn trái ngược. Ngoài nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, ở Úc châu với những tác phẩm phê bình thi ca và văn xuôi, có sức nặng của nỗ lực làm việc nghiêm túc, cộng tài năng bẩm sinh. Ở Hoa Kỳ, người ta ghi nhận được tác phẩm “Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại” công phu, giá trị của Huỳnh Hữu Ủy. Ngoài ra, chúng ta không có một tác phẩm phê bình nào đáng kể, nhất là ở lãnh vực tạo hình...
Mới đây, khi nhà xuất bản “C” phối hợp với công ty ấn hành sách Amazon xuất bản tác phẩm “Nhận Định Và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật” của họa sĩ Trịnh Cung thì tác phẩm này, đã như một luồng gió mới thổi vào sa mạc phê bình, nhận định ở lãnh vực vốn được coi là “vắng, lạnh” từ nhiều chục năm qua. (1)
.
Trước khi bước sâu vào nội dung tác phẩm tôi trộm nghĩ có lẽ cũng nên giới thiệu sơ qua, đặc tính hay cá tính của cha đẻ tác phẩm “Nhận Định Và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật.”
Là một họa sĩ có tài, nổi tiếng sớm khi chỉ mới mười chín, hai mươi tuổi, qua những huy chương cao quý có tính quốc gia, nhận được từ thời khởi đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam - - Trịnh Cung cũng nổi tiếng là người luôn có nhiều sáng khiến mới mẻ trong lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật.
Ngay hiện tại, dù đã tương đối lớn tuổi, nhưng Trịnh Cung/ Nguyễn Văn Liễu, vẫn cho thấy tính năng động, tham vọng vực dậy hay, mở ra những cung đường Văn Học Nghệ Thuật mà theo ông, từ trên 40 năm qua, ở quê người không có ai đề xướng hoặc, chú ý tới. Họ Nguyễn cũng không ngừng đem đến cho giới trẻ những ý kiến nhằm tạo sinh khí cho sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật nói chung, hội họa nói riêng. Tuy Trịnh Cung không quan tâm lắm tới sự kiện những người trẻ đón nhận rồi khai thác những đề nghị tâm huyết của ông, nhưng lại bẵng quên hay, cố tình không nhắc tới ông, người khai thông những bế tắc, ao tù, nước đọng của sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật chung của người Việt hải ngoại… Tuy nhiên, ông lại rất dễ phẫn nộ, dễ “gây hấn” với những sai trái, giả mạo của những kẻ “xài bạc giả” ở phạm trù Văn Học Nghệ Thuật. Một khi họ Nguyễn lên tiếng thì dường như những kẻ “xài bạc giả” khó có thể phản bác, khi ông nêu ra từng điểm thiển cận hay viết theo cảm tính hoặc được “gà bài” bởi ông thầy Google. (2) Bởi, Trịnh Cung, với vốn kiến thức sâu rộng, không chỉ được thụ đắc từ trường lớp, từ kinh điển, sách vở, từ kinh nghiệm bản thân trải qua những giao tiếp trực tiếp với những tài năng lớn của hội họa Việt Nam, và trải nhiều giai đoạn thăng, trầm có tính lịch sử của bộ môn nghệ thuật này, cộng với một trí nhớ siêu việt, tôi cho hơn ai hết, Trịnh Cung là người đủ thẩm quyền để bàn đến hay để… “nhận định và những câu hỏi về mỹ thuật.” Ông lại không phải là ngoại cuộc… cưỡi ngựa xem hoa… mà, ông còn chính là một trong những nhân tố hình thành bông hoa với trọn vẹn quy trình phức tạp của nó.
Tôi muốn nói, dù là người lúc nào cũng sẵn sàng bày tỏ sự phẫn nộ, sẵn sàng “gây hấn” với những con người, những sự kiện mang tính “bạc giả” trong lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật - - Nhưng rõ ràng, tới hôm nay, Trịnh Cung vẫn là người duy nhất cho người đọc những gì sâu sắc, giá trị hơn những gì “ông thầy” Google, đã cho chúng ta ở lãnh vực cực kỳ chuyên môn và, vi tế này.
Trịnh Cung, người thường “thả bom”, cũng là người…
Tác phẩm “Nhận định và những câu hỏi về Mỹ Thuật” (NĐVNCHVMY) của Trịnh Cung, được bắt đầu với trang “Thay lời tựa”, có đoạn:
“Cũng cầu mong quý vị đọc nhớ dùm đến thời điểm mà vấn đề được tôi đề cập đến. Cái đúng của ngày hôm qua sẽ chẳng thể đúng mãi với những ngày sau, nhưng xin chắc một điều, đó là những gì được bày tỏ rất chân thành.
“Ở tuổi 80, hôm nay, tôi không còn mấy bạn thân, nhiều người trong số này đã ra đi vĩnh viễn. Họ đều tài năng và một số là thiên tài. Tôi chỉ là một con ong thợ trong lãnh vực nghệ thuật, cần cù góp nhặt những phấn hoa từ những bông hoa của cuộc đời để làm ra từng giọt mật. Tôi không tự sinh ra chúng như những thiên tài. Vẽ cũng như viết ra, tôi đều như thế…”
Ngay sau phần “tự bạch” thẳng thắn, có phần khiêm tốn này, bài đầu tiên của phần “Nhận Định,” họa sĩ Trịnh Cung trình bày sự tương tác hay, tương quan hữu cơ giữa hai lãnh vực “Văn học và Nghệ thuật.
Tôi không nghĩ tác giả sắp xếp thế này là một tình cờ hay hứng khởi tình cảm. Tôi nghĩ nó được hướng dẫn, chi phối bởi những điều sâu xa hơn, trầm trọng hơn. Thí dụ: Sự tuột dốc, thoái trào của cái mà tôi xin tạm gọi là “đạo đức” hay “văn hóa căn bản” của giới làm văn học nghệ thuật.
Sự lên ngôi và ngự trị đỉnh cao của những gíá trị vật chất, đã đẩy lùi và, gần như xóa bỏ hẳn nền “đạo lý” của giới nghệ sĩ trong sinh hoạt sáng tạo từ văn chương tới đường nét và màu sắc.
Tình cảnh này, qua những trang sách, như những tiếng kêu trầm thống của họa sĩ Trịnh Cung, cho thấy mặt khác, mặt tâm linh sâu thẳm của những thao thiết, đau đáu ở lãnh vực ông không chỉ góp mặt, như một thành phần đáng kể mà, ông còn chính là một thành tố tươi tốt của lãnh vực đó nữa.
Tôi nghĩ, tôi hiểu và, cảm được quan niệm, tấm lòng kính trọng những thế hệ nghệ sĩ đi trước ông. Tôi nghĩ, tôi hiểu và, cảm được sự trân trọng một cách biết ơn, ông dành cho thế hệ tiên phong...
Trong bài viết đầu sách, tựa đề “Sự phát triển văn học và nghệ thuật khi thiếu tương hợp sẽ ra sao?” Trịnh Cung đặt ra nhiều câu hỏi! Nhưng thực tế tất cả mọi câu hỏi đã được tác giả giải đáp. Xác nhận và khẳng định. Dù càng về sau này, người ta càng phủ nhận gíá trị, sự mở đường, của những người đi trước. Bài vừa kể, Trịnh Cung viết từ tháng 7-2013:
“… Và đối với Việt Nam, giai đoạn vừa thoát khỏi văn hóa Hán Nôm, liệu nếu không có sự ra đời của Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn vào năm 1935 bởi những nhà văn như Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Khái Hưng… thì liệu có sự tỏa sáng của bộ mặt hội họa hiện đại Việt Nam non trẻ lúc bấy giờ hay không, trong khi mấy ai biết đến và thưởng thức được tranh của những Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ… giữa một công chúng Việt Nam còn khốn khó và lạc hậu, con chữ còn mù mờ huống gì là tác phẩm nghệ thuật?
“Đến giai đoạn Việt Nam bị chia đôi đất nước 1954, Miền Nam với nền Cộng Hòa non trẻ gặp rất nhiều khó khăn cả về quốc phòng lẫn kinh tế, cả về chính trị lẫn văn hóa, nếu không có sự xuất hiện sớm của nhóm Sáng Tạo và tạp chí Sáng Tạo năm 1956 của những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng… đã phổ biến nhiều tác phẩm văn xuôi, thơ, hội họa, kịch, phê bình theo phong cách hiện đại và nhất là dấy lên những cuộc tranh luận bàn tròn để thanh toán cái cũ và hiện đại hóa văn học và mỹ thuật Việt Nam, thổi một luồng gió mới làm thay đổi bầu trời văn nghệ miền Nam vốn rất “êm đềm” đã lâu. Nếu không có cuộc “nổi loạn” mang tên nhóm Sáng Tạo ấy để gây nên một hiệu ứng tích cực cho giới họa sĩ trẻ từ bỏ mỹ thuật trường quy, phiêu lưu vào thế giới sáng tạo hiện đại hơn bao giờ thì liệu miền Nam có được một loạt tài năng như Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Hồ Thành Đức… những người đã đóng góp phần rất lớn tạo nên bộ mặt hội họa hiện đại phát triển mà kể cả sau ngày nước Việt Nam Cộng Hòa bị xóa sổ 30 tháng 4-1975, dấu ấn của nó vẫn còn in đậm trong ký ức của người Việt yêu mỹ thuật đến tận hôm nay, sau 38 năm…” (NĐVNCHVMT, trang 10 & 11)
Cũng trong bài viết kể trên, tác giả là người đầu tiên đề cập tới hiện tượng mà ông mệnh danh là “Tình trạng Mỹ thuật bị tư bản thực dụng lũng đoạn,” chi phối thị trường mỹ thuật tây phương; dẫn tới những phản ứng dữ dội của nhiều phong trào, điển hình như phong trào Stuckism. Đây là một minh chứng thêm, cho thấy kiến thức sâu rộng, được cập nhật thường xuyên của người họa sĩ và, cũng là một nhà phê bình hội họa hiếm hoi của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Về hiện tượng lũng đoạn ở lãnh vực nghệ thuật, Trịnh Cung cho biết:
“… Tình trạng mỹ thuật bị Tư Bản Thực Dụng lũng đoạn đã dẫn tới những phản ứng chống đối như phong trào Stuckism (Chủ nghĩa Mắc kẹt) được ra đời năm 1999 tại London bởi 2 nghệ sĩ đương đại Billy Childish và Charles Thomson. Ngoài việc chống lại nghệ thuật ý niệm và kêu gọi phục hưng Nghệ Thuật Hiện Đại, nhóm Stuckism còn chống kịch liệt sự thị trường hóa Nghệ thuật Đương đại của ngành quảng cáo. Điển hình là họ đã phản đối phòng tranh Nghệ Thuật Anh Quốc có tên là Tate Gallery và giải thưởng Turner hàng năm do sự giựt dây đằng sau của những trùm đầu cơ nghệ thuật như Charles Saatchi, Lisson Gallery, Whit Cube Gallery. Với quyền năng khôn lường của ngành quảng cáo, Nghệ Thuật Ý Niệm đã không còn giữ được tính giải phóng tư tưởng và chống lại mọi định chế Cái Đẹp của Nghệ Thuật Hiện Đại và các nền nghệ thuật có trước như lúc nó được khởi xướng bởi những Marcel Duchamp, Paul Klee… Các nghệ sĩ Nghệ Thuật Ý Niệm ngày nay cũng bị thị trường xỏ mũi. Tác phẩm của họ dần dần rời xa chất “đường phố,” dùng chất liệu càng đắt tiền càng tốt, tác phẩm của họ là thời trang sang trọng của giới siêu trưởng giả Phương Tây, có giá hằng triệu đến cả trăm triệu USD. Saatchi hiện nay cũng đang làm ăn lớn ở Việt Nam và hình như cũng đang đứng sau lưng một số sự kiện nghệ thuật đương đại ở Hà Nội và Saigòn (…)
“… Riêng ngày nay, hay đúng hơn là từ cuối thế kỷ 20, khi Chủ Nghĩa Tư Bản Thực Dụng bành trương ở Phương Tây và chủ nghĩa Cộng sản thống trị một số nước ở Phương Đông thì có một số điểm khá giống nhau về lý do làm nên tình trạng hủy diệt sự tự do sáng tạo và tự do liên kết trí thức và nghệ sĩ. Tuy cách thức tiến hành rất khác nhau nhưng tư tưởng của Karl Marx, tác giả của Tư Bản Luận đã xác định: “Mọi thứ đều là hàng hóa” đã được các nhà doanh nghiệp ngày nay áp dụng một cách nhuần nhuyễn. Cái hồn nhiên nếu không muốn nói là sai lầm của những nhà khởi xướng cuộc lật đổ chủ nghĩa hiện đại và đòi giải phóng tuyệt đối cho sự độc lập của nghệ sĩ đã làm chia cách các cá thể sáng tạo thành những chủ thể cô độc và yếu ớt, phá tan các salon văn nghệ, nơi sản sinh ra các trường phái văn học và nghệ thuật một thời rất sinh động ở Phương Tây…” (NĐVNCHVMT, trang 24, 25 & 26)
Trước hiện tượng phá sản, tuột dốc của nghệ thuật tạo hình ở “Quê hương Hội Họa” một thời ở Phương Tây, Trịnh Cung qua những bài viết về những danh họa “đầu nguồn” của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, từ những năm giữa thập niên 1930, vẫn cho thấy tấm lòng trân trọng, biết ơn của ông đối với lớp người mở đường, đi trước ông.
Sự kiện này, khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng trong con người Trịnh Cung, có rất nhiều con người, tuồng mâu thuẫn nhau?
Bởi vì, trong đời thường ở nhiều giai đoạn khác nhau, không hiếm những lần họa sĩ Trịnh Cung thả những trái “bom tấn” vào dư luận, đưa tới những phản biện gay gắt… Nhưng ông cũng lại là người chung thủy với ngọn cờ “biết ơn người đi trước” và, lai tỉnh những văn nghệ sĩ – những người làm văn hóa, trước hơn ai hết, phải chứng tỏ mình có văn hóa!!!
Rõ hơn, Trịnh Cung quan niệm, phàm là văn nghệ sĩ, những người làm văn học, nghệ thuật, phải có một căn bản văn-hóa-ứng-xử-biết-ơn-tử-tế với những danh họa của chúng ta như Mai Trung Thứ, Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ, Phạm Tăng… Và thế hệ sau di cư 1954, với những tên tuổi như Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng… Ông cũng không quên nhắc tới/ viết về những người bạn đồng hành, từng đặt những viên gạch đầu tiên, làm thành Hội Họa Sĩ Trẻ ở miền Nam, trước tháng 4-1975 mà ảnh hưởng của họ, còn âm vang tới hôm nay.
Trịnh Cung: Nỗ lực “đả thông kinh mạch” Hội họa.
Tôi cho rằng, nếu không có Trịnh Cung với tác phẩm “Nhận Định Và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật” (NĐ&NCHVMT) thì không biết tới bao giờ, mảng hội họa “Tranh Hang Động” mới được soi sáng, trả lại đúng vị trí, vai trò lịch sử của nó, trong tương quan với nghệ thuật tạo hình hôm nay.
Tôi nghĩ, riêng tại Việt Nam, chưa có một nhà nghiên cứu, phê bình Hội họa nào, đề cập tới sự hiện diện rất sớm của loạt “tranh hang động” thời nhân loại có chữ viết. Đấy là một lãnh vực rất mù mờ, nhiều ngộ nhận trong kiến thức của người thưởng ngoạn, cũng như với chính những người tham gia sinh hoạt tạo hình Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về “tranh hang động,” phần thứ nhất, họa sĩ Trịnh Cung viết:
“… Trước những họa sĩ (thời) Phục Hưng, hội họa đã xuất hiện bởi những họa sĩ vô danh lâu rồi nhưng bị coi là sơ khai, đó là nghệ thuật thời Tiền Sử. Người ta coi tranh hang động là nghệ thuật của loài người chưa văn minh, thiếu học hành, nguệch ngoạc trong lúc nhàn rỗi của những người đi săn, đi mưu sinh. Đây là một đánh giá nhầm lẫn của những nhà nghiên cứu quá thiên về chủ nghĩa hàn lâm. Không ai dám phủ nhận sự tuyệt vời của nghệ thuật hàn lâm nhưng vì sao ngày nay nó mất ngôi thống trị nền nghệ thuật thế giới? Và oái oăm thay, cái mà nó bị gạt ra bên lề của nghệ thuật suốt mười thế kỷ đầu của lịch sử nhân loại là bài học mở đường cho Nghệ Thuật Hiện Đại. Thậm chí Picasso đã có lần ca tụng tranh hang động đã làm lu mờ hội họa hiện đại...” (NĐ&NCHVMT), tr. 178).
Cũng vẫn là vai trò hay, vị trí lịch sử của “tranh hang động”, trả lời hai câu hỏi, nằm trong phần “Những câu hỏi về Hội Họa”, phần thứ tư, tác giả, họa sĩ Trịnh Cung đã nói thêm, rõ hơn:
“Như ở phần kỳ 1, của ‘Những câu hỏi về Mỹ Thuật’, tác giả có đề cập đến tranh hang động của người tiền sử và những giá trị nghệ thuật của nó, vậy những giá trị nghệ thuật của nó nằm ở chỗ nào khi mà những người tiền sử, tác giả của chúng là những con người thuộc thời đại cách ngày nay hơn 40,000 năm trước Công Nguyên, đời sống còn rất hoang dã và mọi việc của họ làm đều phụ thuộc hoàn toàn vào bản năng?” (NĐ&NCHVMT), tr. 202)
“Một câu hỏi nữa: ‘Mặt khác, trong khi nghiên cứu về Hội Họa Hiện Đại có phải người ta đã nhận ra trong nhiều tác phẩm của một số danh họa hiện đại có nhiều dấu vết liên quan với tranh hang động nói riêng và các di sản nghệ thuật khác của người tiền sử như điêu khắc đá hay tượng totem cũng như mặt nạ?’
“Trịnh Cung: Tranh của người cổ xưa đã xuất hiện trong các hang động ở nhiều nơi trên thế giới, từ châu Âu đến châu Á từ hơn 40,000 năm trước Công Nguyên không chỉ được các nhà sử học, khảo cổ, triết gia… coi đó như những văn bản đầu tiên chứa đựng những thông tin, những câu chuyện có liên quan giữa con người và thiên nhiên trước khi con người chưa có chữ viết. Những hình vẽ ấy không chỉ là tiền thân của chữ viết, ngôn ngữ đặc trưng của con người mà nó còn là những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên, khai mở cho lịch sử hội họa của nhân loại.
“Thật vậy, không như những đánh giá trước đây còn hạn chế của những nhà khảo cổ, những triết gia thời Phục Hưng, chỉ coi tranh hang động là những mô phỏng thiên nhiên một cách đơn sơ, ngây ngô, chỉ có giá trị về mặt thông tin, chỉ là những chứng cứ về một phần cuộc sống con người thời tiền sử. Có lẽ vì bị choáng ngợp bởi những nền nghệ thuật hàn lâm cực kỳ tinh xảo và toàn bích của các thiên tài Hy Lạp và Phục Hưng Ý mà người ta đã có những nhận định nghệ thuật không đầy đủ giá trị cho tranh hang động cho mãi đến khi các nhà nghệ sĩ tiền phong của nền hội họa hiện đại thế kỷ 20 như Picasso chẳng hạn, đã nhận ra một cách đầy đủ những giá trị nghệ thuật hảo hạng bộc lộ trên toàn bề mặt của chúng rất đáng tôn vinh và học hỏi.
“Ở đây, xét về mặt nghệ thuật tạo hình, chúng có đầy đủ những yếu tố thẩm mỹ cơ bản của một bức họa như bố cục vững vàng, vẻ đẹp hiện thực của hình thể, sự uyển chuyển nhịp điệu của đường nét cùng với sự hài hòa của màu sắc và sau cùng, toàn bức tranh đã khơi dậy cảm xúc đầy thú vị. Ngoài ra, có một yếu tố mà tranh hang động làm chúng ta phải tự hỏi, phải ngạc nhiên, sao những nhà nghệ sĩ cổ xưa ấy, vốn chưa có trí thức, chưa có khoa học, lại tạo ra những tác phẩm hội họa có thể tồn tại như vĩnh viễn trước muôn trùng thời gian, không gian và thời tiết? Hội đủ cả hai mặt kỹ thuật và nội dung như đã đề cập ở trên, đó không chỉ là nghệ thuật đích thực mà còn hơn thế nữa…” (NĐ&NCHVMT), tr. 202, 203, 204,205)
Trong tinh thần “tôn vinh và học hỏi”, tác giả NĐ&NCHVMT, khi đề cập tới những họa sĩ Việt Nam có công cách tân, mở đường ở lãnh vực tạo hình, như họa sĩ Mai Trung Thứ, một tên tuổi có thể không được phổ biến lắm, trong giới thưởng ngoạn hội họa hôm nay, Trịnh Cung viết:
“Là một trong 3 danh họa Việt Nam về tranh lụa, 2 họa sĩ kia là Nguyễn Phan Chánh và Lê Văn Đệ, họa sĩ Mai Trung Thứ sinh ra ở Hải Phòng, năm 1906, tốt nghiệp khóa đầu trường Mỹ Thuật Đông Dương – Hà Nội, sang Pháp và định cư tại đây năm 1938. Sau nhiều năm nổi tiếng với thể loại tranh lụa vẽ về đề tài phụ nữ và trẻ em Việt Nam được người Pháp yêu quý, ông mất vào năm 1980.
“Tranh lụa Mai Trung Thứ không chỉ được người Pháp yêu quý mà còn được cơ quan Unesco của tổ chức Liên Hiệp Quốc chọn như một biểu tượng nghệ thuật của tình yêu dành cho trẻ em trên toàn thế giới.
“Khác với cách vẽ tranh lụa của hai nhà danh họa Nguyễn Phan Chánh và Lê Văn Đệ, họa sĩ Mai Trung Thứ không áp dụng cách vẽ lụa ướt (lụa rửa) từng được hai bạn đồng môn đồng khóa tài hoa như đã nêu trên và được lưu truyền cho rất nhiều họa sĩ Việt Nam từ trước đến ngày nay, ông tìm ra một cách vẽ lụa khác, phi truyền thống, đó là vẽ trực tiếp xuống nền lụa được bồi sẵn như vẽ bột màu trên giấy canson, như vẽ sơn dầu trên vải bố, tạm gọi là vẽ lụa khô. Đây là cách vẽ được ông cách tân dựa trên kỹ thuật vẽ của hội họa hiện đại phương Tây. Với cách vẽ trực tiếp xuống nền lụa như thế sẽ giúp nhà nghệ sĩ tránh được việc phải trải qua các công đoạn chuẩn bị cầu kỳ như căng lụa, làm phác thảo rồi dùng giấy ‘can’ đặt lên phác thảo để đồ lại những nét vẽ (đường viền) của các hình thể trong bức phác thảo, sau đó, đặt giấy ‘can’ này có lót giấy than (một loại giấy dùng cho máy đánh chữ) lên mặt lụa và đồ lại cho những nét vẽ ấy được in trên mặt lụa, sau đó làm ướt lụa trước khi tô màu,… sau cùng là bồi lụa trên giấy bản để kết thúc một tiến trình vẽ tranh lụa theo truyền thống (…)
“Mặt khác, cách vẽ lụa của Mai Trung Thứ cho người xem sự trực cảm với màu sắc và đường nét trong tranh. Màu và nét vẽ của Mai Trung Thứ được họa sĩ chọn lọc dựa trên luật tương phản vừa có sức thu hút mạnh mẽ thị giác người xem đồng thời cũng không kém phần tinh tế của thứ thẩm mỹ kinh điển. Hiển nhiên, đây là kết quả tuyệt vời của sự kết hợp hòan hảo giữa hai bản sắc nghệ thuật Đông và Tây, một bên đầy lý tính và phía kia là thế giới của trầm mặc”. (NĐ&NCHVMT), tr. 57, 58, 59)
.
Chỉ với hai thí dụ nêu trên, trích từ tác phẩm “Nhận Định Và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật” của Trịnh Cung, đã cho thấy nỗ lực “đả thông kinh mạch” của tác giả với nền hội họa Việt Nam và, thế giới nữa.
Theo tôi, tác phẩm NĐ&NCHVMT của họa sĩ Trịnh Cung, chí ít cũng giúp người đọc tăng bổ phần kiến thức về bộ môn nghệ thuật tạo hình này.
(Garden Grove, Oct. 2017)
_______
Chú thích:
(1) “Nhận Định Và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật” dày gần 250 khổ lớn. Rất nhiều tranh màu giá trị của những họa sĩ làm thành lịch sử nền hội họa, điêu khắc Việt Nam, cũng như tranh của các danh họa thế giới… “C” xuất bản tại Hoa Kỳ, tháng 7- 2017.
(2) Google qua trang mạng Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia Mở, trả lời gần như tất cả mọi câu hỏi, một cách vắn tắt, sơ lược những thắc mắc nhỏ nhặt, vụn vặt nhất, tới những vấn đề to lớn, có tính hiện đại, toàn cầu của độc giả. Tuy nhiên, cũng không thiếu những chi tiết hoàn toàn sai lầm, nhất là về các văn nghệ sĩ đương thời.
Lý do Google không có người kiểm tra tài liệu. Ai cung cấp tin tức, dù bịa đặt, họ cũng cho phổ biến như thể đó là tin chính xác, đáng tin cậy!!! Nhiều cá nhân bị bôi bẩn, nhưng họ đã không yêu cầu đính chính vì cho rằng, sự đính chính, nếu có, chỉ tạo thêm cơ hội cho thành phần thiển cận dựa vào đó, để tung thêm những xuyên tạc, bịa đặt khác nữa, hầu thỏa mãn bản chất ganh ghét, đố kỵ mà thôi. Họ quan niệm: Sự thật, cuối cùng cũng vẫn là sự thật…