Thế là Như Phong Lê Văn Tiến đã đi. Ông không còn nữa.
Nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa viết cho tôi: "Ông Như Phong đã ra đi lúc 21h30 tại Virginia, tức là cách đây đúng một giờ. Tôi không gọi cho ông, vì bây giờ là 4 giờ sáng của ông."
Vào lúc những ngón tay Nguyễn Xuân Nghĩa mổ cò trên bàn phím để báo tin buồn thì tôi đang ngủ say trong nhịp lắc khe khẽ của con tàu tốc hành Paris-Berlin. Sau e-mail của Nguyễn Xuân Nghĩa là một loạt e-mail khác, của các anh chị Trần Huy Bích, Trần Thanh Hiệp, Trọng Kim, Phạm Trần, Tưởng Năng Tiến…
Trên cửa kính toa tàu tuyết tan nhoè nhoẹt như những dòng nước mắt đục. Tôi tì trán lên kính cửa lạnh buốt nhìn ra những mảng tuyết bẩn lỗ chỗ trên nền cỏ xơ xác đang vùn vụt trôi mà ngán ngẩm cho kiếp phù du của con người.
Tôi biết Như Phong ngã bệnh từ nửa năm nay. Anh không còn làm việc được với cường độ trước kia, một cường độ làm cho các bạn cầm bút phát ghen.
Bệnh của anh là nan y - ung thư phổi. Các bác sĩ chạy chữa cho anh trong lần nhập viện đầu tiên tiên đoán một kết cục bi đát. Tôi gọi điện hỏi thăm thì Như Phong nói rằng y học hiện đại đã chữa khỏi khoảng 50% trường hợp ung thư như thế. Tức là, như người ta thường nói: năm ăn năm thua. Tôi chờ đợi một phép mầu - Như Phong có sức khoẻ dẻo dai trong một thân hình mảnh khảnh.
Mới tuần trước, tôi đưa tiễn anh Đặng Văn Long tới nơi yên nghỉ cuối cùng. Anh nằm gọn trong quan tài, gương mặt gầy và chòm râu bạc, tay đặt lên vành mũ phớt trên bụng, dáng thanh thản, nhàn nhã trong giấc ngủ của chuyến viễn du cuối cùng. Ra đi từ một làng quê ở Hải Dương, anh lính thợ ONS Đặng Văn Long chưa một lần trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Anh sống cả cuộc đời trên đất người, tham gia cuộc kháng chiến chống phát-xít Đức của nhân dân Pháp, hết chiến tranh thì tự học vẽ, tự học viết, để tặng lại cho đời vài cuốn sách, vài chục bức tranh lúc chia tay. Xa nước lâu như thế, nhưng Đặng Văn Long vẫn là một người Việt từ bề ngoài cho chí bề trong.
Khác Đặng Văn Long, Như Phong xa nước chưa lâu. Bụi đường Sài Gòn còn vương trên áo anh. Nếu tình yêu cố quốc của Đặng Văn Long là nỗi nhớ khôn nguôi, thì trong Như Phong nó là nỗi khắc khoải của con người hành động. Anh yêu mảnh đất quê hương bằng một tình yêu mãnh liệt. Đối với anh quê hương không phải một khái niệm. Anh nghĩ về nó như về một con người.
Tôi không biết Như Phong mặc bộ gì khi ra đi, và có ai nhớ bỏ vào quan tài cho anh cái bút bi và tập giấy trắng không?
Mới tuần trước Như Phong còn gọi sang Paris hỏi tôi về nhân cách những người mới trong ban lãnh đạo đảng cộng sản. Mặc dầu anh chẳng tin tưởng người nào, nhưng anh không ngơi hi vọng sẽ có ai đó trong bọn họ bất ngờ tỉnh ngộ để đưa đất nước rẽ sang ngả khác.
Vậy mà nay anh đã đi rồi.
Như Phong, như người ta giới thiệu về anh, là một người chống cộng. Nhưng anh chỉ chống cái lý thuyết không tưởng gây ra nhiều bi kịch, chứ anh không chống, anh không có khả năng chống những người cộng sản cụ thể. Trong anh có cái đầu sáng suốt, nhưng không có trái tim thù hận. Bằng chứng là anh không ngớt hi vọng ở điều kỳ diệu: sẽ có lúc có những người đang nắm chính quyền nhận ra rằng đánh đồng quyền lợi của một đảng với quyền lợi của Tổ quốc là mù quáng. Tôi cãi lại anh: chỉ có sự thay đổi của tình thế (trong tổng thể nhiều thành tố của nó) mới tạo ra được cơ hội thay đổi thể chế. Chúng tôi tranh luận nhiều và bất đồng cũng nhiều không kém về chuyện này. Trong thâm tâm, tôi thèm có được khả năng biết hi vọng như anh.
Những người có tuổi không hay khóc, thiên hạ quen nghĩ như vậy. Không mấy ai biết rằng những người có tuổi, nếu ta tránh chữ già, khóc theo cách riêng của họ - nước mắt chảy vào trong.
Ở Paris tôi luôn bị những người nhầm múi giờ đánh thức bằng những hồi chuông điện thoại khi thì nửa đêm, khi thì gần sáng. Như Phong là một người hay gọi bất ưng như thế. Trong cơn ngái ngủ, tôi lại ngỡ đó là một anh Như Phong ở Hà Nội. Tôi không quen anh Như Phong Hà Nội đến đỗi anh bỏ tiền túi ra gọi điện cho tôi, cho nên tôi ngạc nhiên lắm. Mấy phút sau tôi mới biết tôi nhầm. Đó là một Như Phong khác. Trong thời gian dài đất nước bị chia làm hai mảnh, tôi hầu như chẳng biết gì về những người trong làng văn làng báo miền Nam. Vào cái thời xa lắc xa lơ ấy những cây đa cây đề trong hai làng này ở miền Bắc cũng chỉ nhắc tới một Vũ Hoàng Chương, một Đinh Hùng, một Nhất Linh, một Vũ Bằng… trong những bữa rượu nghèo giữa những người tin nhau, và có chợt nói tới họ thì cũng phải ghé vào tai nhau mà nói.
Như Phong không lấy cái sự tôi không biết đến tên tuổi anh làm buồn. Anh vui vẻ tự giới thiệu anh là nhà báo, một nhà báo vô danh, nếu như tôi chưa từng nghe tên anh, anh bảo thế. Anh hỏi tôi về cuốn sách của tôi sắp ra, anh Võ Thắng Tiết giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ ở California vừa chuyển bản thảo cho anh đọc. Chúng tôi nhanh chóng bỏ qua những lời khách sáo để nói về công việc. Khi tôi đặt ống nghe xuống thì bình minh đã rạng - một tiếng rưỡi đồng hồ đã trôi qua trong cuộc trò chuyện giữa hai người trước đó không hề quen biết. Như Phong làm tôi ngạc nhiên vì sự hiểu biết sâu rộng và vững chắc tình hình nội bộ đảng cộng sản, chí ít thì cũng hơn bất kỳ ai tôi gặp ở Paris kể từ khi tôi đặt chân lên đất Pháp. Anh không chỉ hiểu biết kỹ về lịch sử đảng cộng sản Việt Nam, mà cả của phong trào cộng sản quốc tế, với tất cả những ngoắt nghéo khó hiểu trong những ngõ ngách tăm tối của nó. Trong hơn một giờ ấy anh đặt ra một số vấn đề về tình hình đất nước, hỏi tôi một số điều mà anh cho rằng anh chưa được rõ lắm. Ở những khoảng trống ngắn ngủi của cuộc đối thoại, tôi nghe tiếng anh ậm ừ, tiếng giấy sột soạt, và tôi hiểu anh vừa nghe vừa ghi chép. Nửa tháng sau tôi nhận được của Như Phong một máy ghi âm để gắn vào điện thoại. Cần phải ghi những lần nói chuyện dài, không ghi thì dễ quên lắm, dễ bỏ qua những tình tiết quan trọng lắm, anh bảo thế. Tôi nghe theo lời anh khuyên, nhưng không được lâu. Tôi không phải nhà báo. Tôi tin ở trí nhớ. Cái gì còn lại sau khi nó quên đi tất cả mới là cái đáng quý.
Như Phong là thế. Anh không chỉ quan tâm tới bè bạn, anh em. Anh còn lo lắng cho họ có phương tiện làm việc, và bằng cách đó anh thúc giục họ làm việc cho đất nước.
Rồi cuối cùng chúng tôi cũng gặp được nhau.
Mùa thu năm 1999 anh đến Aix-en-Provence để nghiên cứu những tài liệu có liên quan tới đảng cộng sản Việt Nam trong thư khố nổi tiếng ở đó. Anh có thói quen tìm hiểu đến nơi đến chốn cái mà anh quan tâm. Không mấy người trong những nhà báo mà tôi biết có được phong cách thực sự cầu thị đó. Anh rủ tôi bỏ Paris để đi Aix-en-Provencegặp anh. Anh sẽ đặt phòng khách sạn cho tôi, còn bữa ăn cho cả hai thì anh làm đầu bếp, tại một căn hộ mà một người bạn dành cho anh. Tôi ngần ngại. Khách sạn ở Pháp vừa tồi vừa đắt. Anh bảo rằng anh Vũ Văn Lê ở Houston sẽ thanh toán mọi chi phí cho cuộc gặp gỡ này. Tôi chưa gặp Vũ Văn Lê bao giờ, tôi không biết rằng Vũ Văn Lê là một Mạnh Thường Quân cho những công việc mà Như Phong đang làm. Như Phong khoe với tôi, để cho tôi yên tâm, cái các visa vàng mà anh Lê cho anh: “Ông cứ tiêu thoải mái cho công việc. Tôi đến nước Mỹ trên người chỉ có cái quần đùi thôi mà.”
Trong mấy ngày ngắn ngủi, Như Phong khéo léo đan xen những buổi làm việc với những giờ du ngoạn. Chúng tôi đi dạo trong những công viên tĩnh mịch rất nhiều vườn hoa của thành phố khoa học và chữ nghĩa, lang thang với những cuộc thảo luận về tương lai quê hương. Trong tay anh có rất nhiều tài liệu quý mà bất cứ sử gia Việt Nam nào chuyên về thời cận đại cũng phải thèm. Để có được hiểu biết đầy đủ về đường đời nhân vật lịch sử mà anh quan tâm, trong sổ ghi của Như Phong có các khoản tiền lương thuỷ thủ, lương đầu bếp trên tàu viễn dương, lương người làm nghề "tút" (retouche) ảnh là bao nhiêu, tiền trợ cấp không thường kỳ mà tình báo Liên Xô đài thọ cho ông ta là bao nhiêu… Nghĩa là rất thực tế, rất tỉ mẩn, do đó rất khoa học. Với những cái cụ thể đó các giả thuyết đều có xương có thịt.
Trong chuyến đi Aix-en-Provence này, tôi bất ngờ gặp một Như Phong khác - một Như Phong lãng mạn, mộng mơ. Chúng tôi rủ nhau đáp tàu đi Marseille, chụp ảnh mình bên những công trình kiến trúc cổ, đẹp một cách kỳ lạ vì chẳng ăn nhập gì với cái cảng tấp nập và ồn ào. Chúng tôi la cà các quán, uống vang trắng Provence với mồi là những con "moules" Bouchot béo mẫm, ngon tuyệt. Những cột buồm dĩ vãng lắc lư bên cạnh bàn ăn của chúng tôi. Trong quán ăn với lưới chài giăng trên đầu thực khách, anh ăn chậm chạp, lơ đãng ngắm những cánh hải âu chao lượn. Đi dạo trên bờ biển, chúng tôi vứt mọi đề tài chính trị qua một bên, dành thời gian nói chuyện văn chương.
Trước chuyến đi Pháp không lâu anh có gửi cho tôi mấy truyện ngắn của anh. Tôi không biết ở Sài Gòn anh có viết truyện hay không? Hay chỉ làm chính trị, hoặc đứng ngoài văn chương để bình luận các sự kiện chính trị. Chẳng ai nói với tôi về một Như Phong nhà văn cả. Tôi đọc mấy truyện ngắn đó và ngạc nhiên vì bút pháp độc đáo và duyên dáng của anh. Chả trách trong cách nhìn nhận thời cuộc của anh, ở đôi chỗ tôi bắt gặp những chỗ không mấy tỉnh táo, thậm chí ngây thơ (đừng giận tôi nhé, Như Phong.)
Thì ra trong đáy sâu của tâm hồn, anh không cứng rắn bao nhiêu, và thường để cho ước mơ lấn lướt thực tế.
Có hồi anh đặc biệt quan tâm tới một anh chàng uỷ viên trung ương đảng cộng sản, thái tử của một cựu hoàng hiện đại đã qua đời. Có ai đó nói với anh rằng anh chàng này có quan điểm cấp tiến. Thế là trong cuộc đi tìm một Gorbachev cho Việt Nam, anh đặt ngay vào anh ta một kỳ vọng. Anh hỏi tôi về quá trình công tác của anh ta, xin số điện thoại. Tôi biết anh chàng này. Tôi cung cấp cho anh mọi dữ kiện về anh ta, không giấu được nụ cười của người tỉnh nhìn người say. Anh hiểu thái độ của tôi. Anh giận. Chỉ tới khi anh chàng nọ đã bị văng khỏi Trung ương đảng cộng sản rồi mà vẫn còn cố lập công với đảng bằng những bài viết chửi bới những người đấu tranh cho dân chủ hóa đất nước như tướng Trần Độ, thì anh mới tỉnh. Thế mà rồi ngay đó anh lại đặt kỳ vọng khác vào một nhân vật khác, để rồi lại thất vọng lần nữa.
Tôi quan sát Như Phong ở khoảng cách xa và khoảng cách gần, để có một kết luận không vội vàng rằng chúng tôi, những người bạn anh, không may: chúng tôi có một bình luận gia chính trị, nhưng chúng tôi mất một nhà văn. Tôi thì tôi thích có một Như Phong nhà văn hơn. Nó đúng cách với anh hơn, và có thể, nó làm cho anh bớt bất hạnh. Chính sự dính líu với chính trị đã làm cho anh đi tù hơi nhiều lần, và ở tù hơi nhiều năm.
Nhưng thôi, nói lại những chuyện đó làm gì.
Con người thường như vậy. Chúng ta ít nhiều đều mơ mộng, thậm chí cảm thấy được ve vuốt trong sự tự huyễn hoặc. Nếu chúng ta tỉnh táo hơn, thực tế hơn, chắc sự đời đã khác. Soi trong tấm gương Như Phong tôi thấy bóng mình.
Như Phong Lê Văn Tiến minh mẫn cho tới phút lên đường. Mà anh biết anh sẽ ra đi. Buổi sáng anh còn gọi điện cho anh Nguyễn Ngọc Bích dặn dò một số công việc. Anh còn nói đùa với chị Trương Anh Thụy vào thăm rằng anh sắp đi, không chừng mai hay kia. Anh nói với cô con gái nuôi mà anh rất yêu quý rằng anh không thích thấy trong đám tang mình những điếu văn, diễn thuyết, diễn văn… Anh không muốn những cáo phó, phân ưu và thông báo trên báo chí, không có cả nghi lễ tôn giáo.
Tôi không coi những dòng này là lời đưa tiễn Như Phong. Tôi chán ngấy vai MC nhà đòn.
Tôi viết mấy dòng này trong nỗi nhớ một người mà mình quý mến đã chợt đi, mà khi sực nhớ đến nhau tôi không còn có thể bốc ống điện thoại để đùa cợt:
- Thế nào, cụ vẫn còn sống nhăn đấy chứ?
- Còn sống – anh trả lời – nhưng không nhăn, ông bạn ạ.
________
Lính thợ người Việt, khoảng 20.000 người, phần nhiều từ Bắc Kỳ và Trung Kỳ được mộ sang Pháp để làm việc trong các xưởng công binh vào đầu thế chiến II.