Anh Bằng

22 Tháng Giêng 20222:16 CH(Xem: 931)
Anh Bằng
Đất nước và tình khúc Anh Bằng

 

anh_bang-content-content

Ý thức thực tế về đất nước trong nhạc Anh Bằng
 

Tôi không biết trước khi sáng tác ca khúc “Nỗi lòng người đi,” tác giả đã cống hiến cho nền tân nhạc Việt bao nhiêu ca khúc? Hay đó là ca khúc đầu tay của ông: Anh Bằng?

Điều tôi nhớ được là ca khúc này xuất hiện trong mấy năm đầu, đánh dấu cuộc đi cư vĩ đại của hơn một triệu người miền Bắc, bỏ lại sau lưng mồ mả, tài sản, sự nghiệp, vào miền Nam làm lại cuộc đời…

Đó là thời gian mà vết thương do sự tự cắt bỏ một phần tâm, thể mình, còn như những hòn than đỏ hực nỗi đau chia lìa thì, “Nỗi lòng người đi” đã như con gió góp phần khua thức thêm ngọn lửa lầm than xát muối.

Căn bản, ca từ của ca khúc ấy, vốn là một đoạn phim ngắn, quay chậm. Với hình ảnh, tâm sự của một đôi tình nhân trẻ, ngắm nhìn mối tình non iểu của mình, trong toàn cảnh ly tán của dân tộc, đất nước:

“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
“Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều
“Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
“Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa
“Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
“Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy
“Bạn lòng ơi! Ngày ấy tôi mang cây đàn quen sống ca vui bên nàng
“Nay khóc tơ duyên lìa tan
“Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
“Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
“Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời

“Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
“Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ…”

Và, dù Saigon, phần đất mới huy hoàng, với những cánh cửa tương lai rộng mở, nhưng chẳng vì thế mà tình yêu kia, sớm lui vào bóng tối lãng quên:

 

“Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
“Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi
“trong bùi ngùi
“Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
“Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi.”

(Anh Bằng, “Nỗi lòng người đi.”)

Giai điệu cũng như ca từ đơn giản, chân chất. Không sang trọng, cầu kỳ. Không bóng gió, ẩn dụ sâu xa. Bài hát đi đến và, ở lại được trong tâm hồn người thưởng ngoạn, như một người bạn chân tình, thiết tha mời gọi đồng cảm.

Chính tính “mộc,” không son phấn cho ngôn ngữ mà, “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng, trong một chừng mực nào đó, theo tôi, đã trở thành nỗi lòng của nhiều người. Trong số đó, không ít người nghe, vốn không gắn bó, không kỷ niệm với Hà Nội. Có thể họ chỉ nghe, biết Hà Nội, Hồ Gươm, như sự nghe, biết mơ hồ về đế đô Thăng Long thuở trước. Nhưng không vì thế mà, nó không trở thành “nỗi lòng” của chính họ.

Điều tôi nhớ, thuở đó, khi “Nỗi lòng người đi” đã ở với tâm hồn đồng cảm của nhiều người thì, một người bạn văn nghệ miền Nam của tôi, cho biết, anh không có chút ý niệm gì về Thăng Long, về Hà Nội! Nhưng qua ca khúc này, anh bỗng thấy thương, thấy yêu cái nơi chốn chỉ có trong tâm tưởng. Từ đấy, anh cũng sinh lòng thương cảm cho những người phải lìa xa Hà Nội, như sự chấm dứt mối tình đầu, mà theo anh:


“Tình đầu, bao giờ cũng là điều khó quên nhất.”

Tôi cũng không biết bao nhiêu năm sau, dường như khoảng giữa thập niên (19)60, nghĩa là trên dưới mười năm, sau ca khúc “Nỗi lòng người đi,” một sáng tác khác của Anh Bằng, (viết chung với nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ,) lại dấy lên trong tôi một cơn địa chấn cảm xúc, ngậm ngùi tưởng như có thể vuốt ve, ôm ấp được…

Đó là khi tôi tình cờ nghe qua làn sóng điện, trong một khuya khoắt, khi đang công tác tại Pleiku. Ca khúc “Đêm nguyện cầu”:

“Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi
“Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối
“Tôi đi chinh chiến bao năm trường miệt mài
“Và hồn tôi mang vết thương vết thương trần ai…”

( Trích “Đêm Nguyện Cầu,” Lê Minh Bằng.)

Đã quá lâu, nhưng nếu tôi không lầm thì, người đầu tiên hát ca khúc này là Trung Chỉnh(?) Một tên tuổi tương đối còn xa lạ trong giới ca diễn của miền Nam, thời đó.

Tôi nói, “Đêm nguyện cầu” dấy lên trong tôi một cơn địa chấn cảm xúc, ngậm ngùi tưởng như có thể vuốt ve, ôm ấp được…Vì thời gian ấy, nếu không kể những nhạc sĩ sớm nhận biết chỗ đứng của mình, dứt khoát không chạy theo phong trào, như một thứ…”thời trang nhạc tuyển” là:

-Ngợi ca người lính miền Nam hào hoa, lãng mạn hơn cả tiểu thuyết. Hay ngược lại:

-Chống chiến tranh, cổ súy chọn lựa từ chối nghĩa vụ công dân thời chinh chiến, như một phản ứng nhuốm mầu…”trí thức!”

Số nhạc sĩ theo phong trào thời thượng vừa kể, dù đứng ở phía nào của vạch phấn tương phản, cũng đều có được cho họ những bội thu từ hai mùa gieo trồng hạt giống khác nhau. Cả hai khuynh hướng tân nhạc này, đều nhất thời đáp ứng thị hiếu đám đông. Nhất là giới thanh thiếu niên từ thành tới tỉnh.

Có người đã ví những ca khúc mô tả người lính miền Nam đi hành quân, như đi “pinic” - - Khi mà, nơi trận tuyến, ban đêm, họ gác súng…ngắm trăng, làm thơ, viết nhạc… Mơ màng tưởng nhớ người yêu bé nhỏ ở hậu phương. Ban ngày thì đi vào rừng sâu, nhặt lá, tìm hoa…Bước tới bờ suối thì vớt rong, lượm sỏi, hốt…đá gửi về xuôi làm qùa cho người tình lý tưởng…

Là những tưởng tượng, lãng mạn khó có ngay trong tiểu thuyết, nên đương nhiên xa lạ trong thực tế. Thực trạng, người lính khi hành quân, đã từng phút, từng giờ đương đầu, tính toán, “canh me” với thần chết, để duy trì mạng sống. …

Do đó, những ca khúc loại trên, là lớp đường hư ảo, bao bọc viên thuốc độc chiến tranh. Nó là mặt khác của bi kịch. Mặt lừa dối hay, tự lừa dối!

Ngược lại, khuynh hướng chống chiến tranh, lại sử dụng một thứ ma túy khác. Họ tiêm vào cơ thể tầng lớp thanh thiếu niên miền Nam, giai đoạn chiến tranh khốc liệt (19)60, (19)70 những “thông điệp” kiểu yêu nước là từ chối nghĩa vụ công dân thời có thời binh đao. Những nhạc sĩ chọn điểm đứng này, dùng âm nhạc để cổ súy người trẻ “tiên tiến” hãy cất cao tiếng nói đòi hòa bình, quên thù hận. Như thể, đó là con đường duy nhất…cứu nguy được dân tộc!

Gạt qua một bên giá trị nghệ thuật hay, tài năng của những nhạc sĩ thể hiện qua sáng tác của họ, những người ít cảm tính, chịu suy nghĩ, cho rằng cả hai xu hướng nọ, đều rơi vào tình trạng bất cặp. Cả hai đều nỗ lực đem tới cho từng lớp thanh niên miền Nam giai đoạn kể trên, những liều lượng “mọc phin,” đủ khiến họ không có điều gì khác hơn hoang tưởng, ảo giác!

Giữa tình cảnh ấy, “Đêm nguyện cầu” ra đời. Ngay tự những ngân vang thứ nhất, ca khúc đã cho thấy sự tách thoát hoàn toàn khỏi hai nguồn lực “thôi miên thần trí” người nghe. Ở ca khúc này, không hề có hình ảnh người lính “đi picnic!” Hay hình ảnh thanh niên “trốn nghĩa vụ là yêu nước!”

Cá nhân, tôi cho rằng, “Đêm nguyện cầu” đã cho nó một tiếng nói khác, bằng khẳng định:

“Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình, người ơi - Con tim chân chính không bao giờ biết nói dối…”

Để dẫn tới những sự thật trần trụi mà, chiến trường hay chiến tranh đem lại cho người lính, như một định đề, không cần thêm bất cứ một lý giải chứng minh, nào:

“Tôi đi chinh chiến bao năm trường miệt mài - Và hồn tôi mang vết thương vết thương trần ai.”

Ở những ca từ này, người nghe đã không bắt gặp dù chỉ một thoáng gần, xa hình ảnh thơ mộng, lãng mạn của hoa rừng, suối trong, thư tím… Họ cũng không thấy dội âm của những gào thét, phẫn nộ, triết lý hiện sinh, quyền không phải làm gì ngoài việc rong chơi ngày tháng!... Mà, nội dung toàn bài, là sự chấp nhận hoàn cảnh thực tế ngặt nghèo của người lính, trôi theo vận nước.

Người lính trong “Đêm nguyện cầu” là những con người bình thường, không cường điệu, không lên gân. Họ không bị nhạc sĩ bắt họ phải thủ diễn vai người hùng trên… sân khấu. Họ chấp nhận thi hành bổn phận công dân. Nhưng không vì thế mà họ không có những buồn, vui, lo lắng, thất vọng, sợ hãi:

“Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu - Rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rớm máu - Bâng khuâng nghe súng vang trong sa mù - Buồn gục đầu nghẹn ngào nghe non nước tôi trăm ngàn ưu sầu.”

Họ cũng không thể con người hơn, khi nghĩ tới Thượng Đế. Cầu xin Đấng Thiêng Liêng lắng nghe lời rên xiết của đồng bào, của quê hương, đất nước họ:

“… Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền – Vì đất nước đang còn ưu phiền – Còn tiếng khóc trong đêm dài triền miên.”

Và, khi ngắm nhìn chính mình, thay vì là hình ảnh của “có anh đi hàng đầu,” với những vòng hoa chiến thắng từ em gái hậu phương;” hoặc điếc đặc, mù lòa, đặt câu hỏi tại sao phải chém giết anh em… Thì, Anh Bằng, trong ca khúc “Đêm nguyện cầu,” (sáng tác chung, với Lê Dinh và Minh Kỳ,) đã kết thúc ca khúc của mình, với những câu hỏi, cho thấy rõ ý thức thực tế về hoàn cảnh đất nước và, mối quan tâm của ông về dân tộc, tổ quốc:

“Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu – Rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rớm máu – Quê hương non nước tôi ai gây tội tình – Nhà Việt Nam yêu dấu ơi bao giờ thanh bình?”

Với những người thượng ngoạn có thói quen kiếm tìm trong ca khúc Việt, những triết lý thâm sâu, bí hiểm, những ý niệm nhân loại không tưởng, hay hình ảnh người lính như những dũng sĩ hào hùng mà, cũng cực kỳ lãng mạn, tôi nghĩ nhiều phần, họ sẽ thất vọng không ít, với “Đêm nguyện cầu.”

Riêng tôi, tính “mộc,” chân chất, không phấn son cho chữ, nghĩa của Anh Bằng, một lần nữa, ca từ của ông lại dấy lên trong tôi cơn địa chấn cảm xúc, ngậm ngùi tưởng như có thể vuốt ve, ôm ấp được…


Anh Bằng và ca khúc “Người thợ săn và đàn chim nhỏ.”

Bên cạnh “Đêm nguyện cầu,” một ca khúc khác của Anh Bằng, cũng gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi, ngay khi tình cờ được nghe lần đầu. Nhưng đó là ấn tượng khác. Ấn tượng về trách nhiệm, thái độ của con người đối với muôn loài. Với thiên nhiên. Một ca khúc, cho thấy tính nhân bản, hay tâm lượng lớn của nhạc sĩ Anh Bằng, mở tới những chân trời khác. Ca khúc “Người thợ săn và đàn chim nhỏ.”

“Một người thợ săn âm thầm mang súng lang thang vào rừng.
“Bầu trời bình minh muôn ngàn tia nắng sớm xuyên màn sương.
“Một vài cụm mây như chùm hoa trắng bay trong trời xanh,
“Rất xinh và rất xinh.

“Kìa một bầy nai vươn sừng ngơ ngác phóng nhanh vào rừng.
“Còn một bầy chim vô tình vẫn hót líu lo đùa chơi.
“Nào ngờ thợ săn đang cầm cây súng bắn lên cành cây.
“Chim chết chim lạc bầy.

“Ngay hôm sau cũng nơi này
“Chim đang kêu vang gọi bầy.
“Nào ngờ bên gốc cây
“Người thợ săn hôm trước
“Núp thân sau lùm cây.

“Chim yên tâm sống vô tình,
“Yêu thương nhau trên đầu cành.
“Đạn vụt bay đến nhanh
“Cả bầy chưa tung cánh
“Xác rơi trên đất lành.

“Rồi người thợ săn âm thầm mang súng mang chim trở về.
“Lề đường bầy chim không thù không oán hót cho người nghe.
“Rượu nồng thịt thơm bao người nâng chén no say đùa vui
“Đâu biết chim ngậm ngùi.”

Như hầu hết những ca khúc đã được phổ biến, trong hơn nửa thế kỷ sáng tác của mình, ca khúc “Người thợ săn và đàn chim nhỏ” của nhạc sĩ Anh Bằng, là một chuyện kể thứ tự, lớp lang. Từ ca từ thứ nhất, tới ca từ cuối cùng, chấm dứt ca khúc, người ta không thấy một danh từ trừu tượng, hay một ngôn ngữ bác học nào. Thậm chí nó cũng không thấp thoáng ít, nhiều hình ảnh trừu tượng hay, những khơi gợi về một triết lý thâm sâu, bí hiểm! Nhưng không vì thế mà độ sâu, sức chấn động tự thân của ca khúc bị giảm sút cường độ ý nghĩa. Nếu không muốn nói là ngược lại.

Tôi không biết “Người thợ săn và đàn chim nhỏ” có được đám đông đón nhận, giống như họ từng đón nhận ca khúc “Đêm nguyện cầu” hay không? Riêng tôi, mỗi lần nghe lại, tôi đều không tránh khỏi nghĩ ngợi.

Lý do, phiên khúc một, được tác giả mở ra một cảnh tượng thanh bình, như một hứa hẹn chan chứa an lạc, với:

“Bầu trời bình minh muôn ngàn tia nắng sớm xuyên màn sương.”

 

Cùng:

“Một vài cụm mây như chùm hoa trắng bay trong trời xanh…”

 

Làm nền cho sự xuất hiện, như một tuyệt phẩm hài hòa của Thượng Đế, về nguồn sống của thiên nhiên, trước khi bước qua phiên khúc hai:

Kìa một bầy nai vươn sừng ngơ ngác phóng nhanh vào rừng – Còn một bầy chim vô tình vẫn hót líu lo đùa chơi…”

 

Tương phản gay gắt với hình ảnh rình rập, lạnh lùng của người thợ săn: “…Đang cầm cây súng bắn lên cành cây..”

Dẫn tới kết thúc đương nhiên: “Chim chết chim lạc bầy!”

Chỉ với hai phiên khúc khởi đầu, một kịch bản hai mặt của thiên đàng và địa ngục, đã được tác giả ghi lại, bất ngờ, thình lình, như bên này, bên kia của một cái chớp mắt!

Nhưng bi kịch không dừng ở đó. Thảm họa thường dành cho nó cái quyền lập lại. Cái quyền đi tới. Nới rộng…Như thể đó là nguyên nhân giải thích cho sự có mặt của chính nó. Vì:


“Ngay hôm sau cũng nơi này
“Chim đang kêu vang gọi bầy.
“Nào ngờ bên gốc cây
“Người thợ săn hôm trước
“Núp thân sau lùm cây.

 

Trong khi:

Chim yên tâm sống vô tình,
“Yêu thương nhau trên đầu cành.
“Đạn vụt bay đến nhanh
“Cả bầy chưa tung cánh
“Xác rơi trên đất lành…”

 

Như thực tế đời sống của một xã hội chiến tranh mà, nạn nhân không phải là những chiến sĩ đối đầu với kẻ thù nơi trận tuyến. Ở đây, nạn nhân chính là dân lành. Là phụ nữ. Là trẻ thơ…Là tất cả những người chỉ có một mơ ước, một khát khao duy nhất:

Được sống yên lành trong yêu thương, đùm bọc…

Nhưng, bi kịch đã tìm tới họ. Thảm họa đã chọn họ để minh chứng sự có mặt bất nhân của nó. Dù cho những người dân lành kia, không có trong tay một khẩu súng! Không đeo bên hông một trái lựu đạn!…

Có những em bé chưa kịp lớn, những người trẻ chưa kịp sống như “cả bầy chưa tung cánh,” đã phải chịu cảnh “xác rơi trên đất lành!”

 

Theo một số nhà nghiên cứu về ảnh hưởng chiến tranh trong dòng tân nhạc miền Nam 20 năm thì, ca khúc “Người thợ săn và đàn chim nhỏ” của Anh Bằng, là một trong những ca khúc mang nhiều tính nhân bản nhất.

Ngoài ra, ca khúc này cũng không rơi vào một trong hai đối cực:

-Gián tiếp lên án chính thể miền Nam làm tay sai cho đế quốc Mỹ, qua những ca từ phản chiến.

-Nó cũng không trực tiếp tố cáo chủ trương xâm lăng miền Nam của chính quyền cộng sản miền Bắc, gồm luôn cả những vụ pháo kích tàn sát tập thể người dân miền Nam vô tội, qua những sáng tác chống cộng.

Mà, nó hiển lộ trọn vẹn tính nhân bản. Một trong những ưu điểm và, cũng là một khác biệt lớn, giữa hai dòng tân nhạc Nam, Bắc trong thời chiến.

Vẫn theo số nhà nghiên cứu vừa kể thì, ca khúc “Người thợ săn và đàn chim nhỏ” của nhạc sĩ Anh Bằng, còn thành công ở dạng chuyện kể đơn giản. Ca từ không cầu kỳ. Không hoa mỹ. Vì thế, khi ca khúc đến với người nghe, nó có thể ở lại được một cách tự nhiên, dài lâu với những ai yêu thích nó.

Dạng chuyện kể trong sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng, không chỉ riêng với “Người thợ săn và bày chim nhỏ.” Nó còn phổ cập trong hầu hết những tình khúc nổi tiếng khác, của người nhạc sĩ đa năng, đa tài này. Nhất là thể loại tình khúc.

Tính tới hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ sáng tác không ngơi nghỉ, với hàng ngàn ca khúc đã được viết ra, thể loại tình khúc Anh Bằng đã chiếm một phân lượng quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp âm nhạc của ông.

Ở lãnh vực tình khúc, người ta có thể chia sáng tác của Anh Bằng thành hai loại.

Loại thứ nhất, những tình khúc với giai điệu cũng như ca từ đi ra từ chính ông. Chúng là những chân dung Anh Bằng toàn diện. Và, loại thứ hai, những tình khúc mang tên Anh Bằng, đi ra từ thơ của nhiều thi sĩ, thuộc nhiều thời kỳ thi ca khác nhau. Từ các thi sĩ thời tiền chiến, tới những tác giả tiêu biểu của hai mươi năm thi ca miền Nam và, luôn cả những nhà thơ hôm nay, ở hải ngoại.

Như số ít nhạc sĩ cùng thời với mình, Anh Bằng cho thấy ông không chỉ đem nhạc vào thơ như một hợp duyên mà, dường như giữa những nốt nhạc của ông và, dòng thơ của các thi sĩ, đã có một mối tương quan thịt, xương. Một tương quan hữu cơ giữa các hình ảnh, rung cảm vi tế của lời thơ và, đường truyền cao tốc là những giai điệu mang tên ông.

Một ưu điểm, theo thiển ý của tôi, không phải nhạc sĩ nào, khi tìm đến với thi ca, cũng dễ dàng có được.



 Bước vào khu rừng tình khúc Anh Bằng


Tôi nghĩ không ai có thể biết nhạc sĩ Anh Bằng có tất cả bao nhiều ca khúc được nhiều người yêu thích, dù chỉ là con số ước lượng. Tôi nghĩ, nếu có hỏi Anh Bằng, ông cũng không thể cho chúng ta con số, dù không chính xác.

Theo tôi, có hai lý do để câu hỏi, nhiều phần sẽ vẫn là câu hỏi vì:

Trước hết, với hàng ngàn ca khúc đã được sáng tác từ hơn nửa thế kỷ qua, ở đủ mọi thể loại, từ nhạc quê hương, đất nước, tới chiến tranh, xã hội và dĩ nhiên, tình ca (nhiều hơn cả) mà, ở thể loại nào, dù Anh Bằng viết một mình hay viết chung với Lê Dinh, Minh Kỳ, những ca khúc ấy, thường được quần chúng ở nhiều trình độ khác nhau, đón nhận nồng nhiệt.

Về tình khúc Anh Bằng, có người đã ví sự phong phú của ông trong thể tài này, như một cánh rừng rậm rạp với rất nhiều loại cây cỏ, hoa trái bất ngờ. Thậm chí Anh Bằng có những tình khúc được nhiều người ưa thích, nhưng số người không biết đó là sáng tác của ông, cũng là con số đáng kể.

Tôi nhớ, thời trước tháng 4-1975, một nhạc sĩ nổi tiếng và, ông cũng nổi tiếng là người có tài “bắt mạch quần chúng,” “bắt mạch thị trường” từng cho biết, nếu mỗi năm, một nhạc sĩ có khoảng 4, 5 bài khi tung ra thị trường, được liệt kê vào danh sách “Top Hits” thì kể như đã giỏi lắm rồi.

Ông giải thích:

“Bởi vì không phải bất cứ một sáng tác nào khi được tác giả, nhà xuất bản nhạc lẻ cũng như nhà thu đĩa quảng bá bằng mọi phương tiện, cũng được quần chúng đón nhận. Dù cho tác giả có khẳng định, đó là một ca khúc thuộc loại công phu, và hết sức có giá trị…Một khi bản nhạc đã bị “sượng” thị trường thì, có làm gì cũng vô ích mà thôi. Bởi thế, có những nhạc sĩ mỗi năm sáng tác cả chục bài; nhưng tổng kết lại, vẫn không được một bài nào hết…”

Người nhạc sĩ tài ba này nhấn mạnh:

“Ngày xưa, thời tiền chiến, nhiều nhạc sĩ chỉ cần có một bài ‘ăn khách’ là nổi tiếng, đủ dương danh với đời…Thí dụ như Hoàng Quý với “Cô láng giềng,” Nguyễn Văn Tý với “Dư âm,” hay Lê Hoàng Long với “Gợi giấc mơ xưa”… Nhưng thời buổi bây giờ là thời buổi của hàng ngàn chứ không phải hàng trăm hay vài chục nhạc sĩ. Sự nhộn nhịp, sầm uất ở lãnh vực tân nhạc này, đương nhiên đưa mọi người tới tình trạng cạnh tranh ráo riết!. Nếu không muốn bị lãng quên thì lâu lâu, hoặc một hai năm, tối thiểu cũng phải có một ca khúc vào ‘top hits’ mới được…”

Trong khi đó, thực tế lại cho thấy, với Anh Bằng và, Lê-Minh-Bằng (bút hiệu chung của ba người), chẳng những không phải mỗi ba tháng hay một, hai năm mà:

“Có khi ông ấy trúng ‘jack pot’ tới hai, ba lần trong vòng vài tháng, thời Saigon trước 1975 của chúng tôi…”

Một nhạc sĩ hiện ở miền nam Ca Li, khi được hỏi về trường hợp Anh Bằng, phát biểu.

Thứ đến, vẫn theo tôi thì, bình thường, khả năng sáng tạo của những người làm công việc sáng tác, dù ở bộ môn văn học, nghệ thuật nào, cũng bị chậm lại, trước khi lụi tàn hoàn toàn theo thời gian, tuổi tác…

Sức sáng tác của một nhà thơ hay một nhạc sĩ ở độ tuổi dưới năm mươi, đương nhiên sung mãn hơn cũng tác giả đó, ở tuổi sáu mươi. Ngọn lửa sáng tạo cũng của tác giả đó, ở tuổi bảy mươi, nếu vẫn còn hoạt động, nhiều phần sẽ yếu hơn, sẽ lom đom hơn nữa, từ lượng tới phẩm, trước khi đi dần đến chỗ tắt hẳn…

Nói như thế, không có nghĩa không có những tác giả…ngoại lệ. Số người làm công việc sáng tác nằm trong trường hợp được coi là ngoại lệ vừa kể, tuy rất ít, nhưng một khi đã là ngoại lệ thì, chẳng những nhịp độ sáng tác của họ không giảm sút mà, có khi còn mạnh mẽ hơn, tính chung cho cả lượng lẫn phẩm.

Tôi nghĩ, nhạc sĩ Anh Bằng, có mặt trong số ít oi đó.

Sự kiện này được thực chứng qua những năm tháng ở quê người, khi càng lớn tuổi, tác giả “Người thợ săn và con chim nhỏ” càng cho thấy mức độ sáng tác sung mãn của ông.

Hiện tại, ở khoảng tuổi 80, với tình trạng gần như mất hẳn thính lực từ nhiều năm trước, nhưng không vì vậy mà, khả năng sáng tác của Anh Bằng bị chậm lại, hoặc gặp trở ngại.

Trong vòng trên dưới một năm qua, khi được giới thiệu với giới thưởng ngoạn bởi trung tâm Aisa, một loạt những tình khúc của ông, đã liên tiếp tạo nên những cơn sốt hâm mộ ở hải ngoại cũng như trong nước.

Nếu tôi nhớ không lầm thì cơn sốt “Mai tôi đi” (thơ Nguyên Sa, nhạc Anh Bằng) vừa dấy lên, còn như một cơn địa chấn trong trái tim những người yêu nhạc, qua hai tiếng hát Diễm Liên và Nguyên Khang, thì những ca khúc kế tiếp, như “Anh còn nợ em,” “Anh còn yêu em” (cả hai đều là thơ Phan Thành Tài, do Anh Bằng soạn thành ca khúc); hay gần hơn là ca khúc “Có một ngày,” (thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhạc Anh Bằng) (1)… nối tiếp nhau làm thành những trận bão thao thiết lòng người.

Đó là chưa kể, trước đấy, những ca khúc như “Từ độ ánh trăng tan” (thơ Đặng Hiền, nhạc Anh Bằng,) “Đừng xa em,” hay “Chia tay hư ảo” (cả hai bài sau, đều là thơ của BH (2), đến hôm nay vẫn còn được nhiều ca sĩ cất lên trong những đêm nhạc thính phòng, hoặc những chương trình đại nhạc hội…

Tưởng cũng nên nhấn mạnh, đó chỉ là một phần rất nhỏ, những sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng, được phổ biến tới công chúng. Phần rất lớn còn lại của gia tài âm nhạc Anh Bằng, được gia đình ông lưu giữ trong một “Safety box bank.”

Bước sâu thêm vào khu rừng tình khúc Anh Bằng, tôi nghĩ, chúng ta không thể không đề cập tới khía cạnh thơ phổ nhạc của người nhạc sĩ đa năng, đa diện này.

Tôi muốn đề cập tới lãnh vực này, không phải vì ông là một trong số ít những nhạc sĩ tìm đến với thi ca. Trái lại, ngay từ thời nhạc tiền chiến, các nhạc sĩ mở đường cho nên tân nhạc Việt, cũng đã tìm đến với thơ, như một tình yêu ngây ngất, hay đó mới là những cuộc hôn phối không thể lý tưởng hơn, giữa thi ca và, âm nhạc.

Nhưng nếu phải chọn một nhạc sĩ ăn ở được với thi ca một cách tốt đẹp từ 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam và, gắn bó keo sơn này, càng bền chặt hơn, với trên 3 thập niên văn chương hải ngoại, thì theo tôi, người đó chính là nhạc sĩ Anh Bằng vậy.

Tôi có cảm tưởng, nhạc sĩ Anh Bằng là người được định mệnh ưu ái, mỉm cười, hào phóng mở mọi cánh cửa thi ca, cho ông bước vào…Như người tình thủy chung, hoài hoài đi tìm tình yêu thứ nhất của đời mình.

Nhìn lại hành trình thơ/ nhạc Anh Bằng, người ta thấy, ông không chỉ tìm đến với những thi sĩ hiện đại, hoặc những nhà thơ tỵ nạn nơi quê người hôm nay mà, ông đã đến với thơ của những thi sĩ tiền chiến, như Thái Can, Yên Thao, Hồ Dzếnh v.v…

Đặc biệt, có những thi sĩ của 20 năm văn học miền Nam trước đây, được rất nhiều nhạc sĩ thuộc các thế hệ khác nhau tìm đến, như trường hợp thơ Nguyên Sa. Thơ của thi sĩ này, (người từng được cố nhà văn Mai Thảo ngợi ca là một trong bảy ngôi sao bắc đẩu của nửa thế kỷ thơ Việt Nam), đã đem thành công, tên tuổi đến cho nhiều hơn một nhạc sĩ.

Không kể những bài thơ tự do có trong thi phẩm “Thơ Nguyên Sa” tập một, (xuất bản lần thứ nhất ở Saigon, năm 1958), những bài còn lại, đã được các nhạc sĩ lần lượt khai thác. Tuy nhiên, có một bài thơ ở dạng thơ tự do, nhưng rất giầu hình ảnh và âm điệu, lại không được một nhạc sĩ nào chấm, chọn. Đó là bài “Paris.” (3) Phải đợi tới lúc nhạc sĩ Anh Bằng, thực hiện một cuộc hợp hôn cách đây vài năm, “Paris” mới trở thành ca khúc, với tên mới “Mai tôi đi.” Và “Mai tôi đi” đã…ở lại! Quay về. Để bước vào “Top hits.”

Cảm thụ nhậy bén với thi ca, cũng như khả năng cho ca từ của mình, tính kể chuyện, theo tôi là hai trong số những yếu tố quan trọng, làm thành vương quốc nhạc Anh Bằng hôm qua, hôm nay và, cả ngày mai nữa.

Du Tử Lê

(Oct. 2011.)

_______

Chú thích:

(1) Có hai nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ “Có một ngày” của Nguyễn Khoa Điềm. Ở trong nước là nhạc sĩ Phú Quang. Hải ngoại là nhạc sĩ Anh Bằng. Cả hai ca khúc đều được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, nếu Phú Quang phổ gần như trọn vẹn bài thơ thì, Anh Bằng chỉ giữ 5 câu đầu, theo nguyên bản. Sau đó, phần ca từ, đôi chỗ được ông soạn lại cho phù hợp với giai điệu của bản nhạc.

(2) BH là bút hiệu (viết tắt) của một nhà thơ hiện cư ngụ tại Mỹ. Tác giả làm thơ từ trước năm 1975. BH còn được nhiều người biết đến như một trong những người làm báo tên tuổi tại Hoa Kỳ.

(3) Có thể tìm đọc “Paris” nguyên bản trong “Thơ Nguyên Sa Toàn Tập,” trang 59. Đời, California xuất bản năm 2000.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20797)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15755)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17425)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10111)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18554)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4975)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1725)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2210)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2119)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23438)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19951)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8753)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9768)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9192)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12156)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31680)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21471)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26462)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23902)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22692)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20799)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18896)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20045)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17637)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16752)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25717)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33049)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35550)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,