Tính hai mặt của đồng tiền định mệnh, trong cõi giới âm nhạc Lam Phương
Trong ghi nhận của tôi, những năm đầu thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới từ ngoại quốc trở về, nắm chính quyền miền Nam, dựng nên nền Đệ Nhất Cộng Hòa thì, sự phong phú, giầu có đậm nét nhất là lãnh vực tân nhạc.
Lãnh vực như một sân chơi nghệ thuật lớn. Nó không chỉ mở rộng cửa chào đón những nhạc sĩ di cư từ miền Bắc, vốn đã thành danh từ trước điểm mốc 1954, như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Hùng Lân, Vũ Thành, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Hoàng Trọng, Đan Thọ, Ngọc Bích, Khánh Băng, Lâm Tuyền, Nhật Bằng, Đức Quỳnh… Mà, nó còn dành những khoảng sân chơi tốt đẹp nhất cho sự xuất hiện rực rỡ của những tài năng mới, không phân biệt di cư, miền bắc hay bản địa, miền Nam.
Chỉ trong một thời gian ngắn, số người mới bước vào sân chơi tân nhạc, với tài năng, tuổi trẻ, độ cường tráng trong sáng tác, có phần lấn lướt lớp đàn anh đi trước. Hiểu theo nghĩa lớp nhạc sĩ này đã mau chóng tạo được số lượng thính giả yêu mến ca khúc của họ vượt xa những tên tuổi cũ.
Điển hình cho hiện tượng vừa kể, là trường hợp của nhạc sĩ Lam Phương.
Điều đầu tiên, tôi nghĩ, chúng ta cần nhớ: Nhạc sĩ Lam Phương không thuộc thành phần miền Bắc di cư.
Theo trang mạng Wikipedia, thì Lam Phương, tên thật Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937, tại Rạch Giá. Năm lên 10, tức năm 1947, ông theo cha lên Saigon, sống tại vùng Tân Định. Và, ông ở Saigon cho đến khi biến cố 30 tháng 4-1975 xẩy ra.
Nói cách khác, Lam Phương không có một chút liên hệ gần, xa nào với miền Bắc. Ông cũng không từng có dịp viếng thăm Hà Nội, Hải Phòng hay, lưu giữ nhiều kỷ niệm với bất cứ một địa danh, nhân vật nào ở bên kia bờ Bến Hải.
Vậy mà sáng tác đầu tay của ông, ca khúc “Chuyến Đò Vỹ Tuyến,” viết năm 1954, khi Lam Phương mới 17 tuổi, lại cho thấy tâm cảnh của một người, chí ít cũng phải có trên dưới nửa đời gắn bó và, yêu mến đất Bắc tới quặn thắt ruột, gan khi phải rời bỏ phần đất này (1).
Khả năng “nhập vai” hay khả năng tự đặt mình vào tâm cảnh của người khác (đám đông) nơi Lam Phương, tôi nghĩ, là khả năng thiên phú hoặc, tính nhậy cảm của trái tim, tâm hồn một nghệ sĩ trước những bi kịch lớn của thời đại:
“Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
“Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu
“Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
“Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng
“Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
“Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến
“Phương Nam ta sống trong thanh bình
“Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng.
“Ơ... ai... hò...
“Giòng sông mơ màng và đẹp lắm
“Anh ơi ai nỡ chia đôi bờ để tình ta ngày tháng phải mong chờ
“Hò... hớ.... hò.... hơ...
“Em và anh cùng xây một nhịp cầu
“Để mai đây quân Nam về Thăng Long
“Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng.
“Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi
“Tim em lạnh lẽo như chiều đông ngoài biên thùy
“Ai gieo chi khúc hát lâm ly
“Như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng
“Bùi ngùi nhìn cách xa ngàn trùng
“Giờ đây anh điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm
“Bao đêm thổn thức dưới trăng ngà
“Hồn đắm say chờ đón ngày anh về sưởi lòng nhau
“Ôi... ai... hò... Hò... ai... Ơi... hò...
“Ơi... ơi... hò.... Hò... ơi... Ơi... hò...
(Trọn bài).
Thực vậy, nhiều năm sau khi “Chuyến Đò Vỹ Tuyến” ra đời, được đám đông đón nhận, tựa một cơn sốt yêu mến lớn. Hầu như không ai biết tác giả, trước nhất chỉ là một thanh niên mới lớn. Thứ đến, ông lại là một người hoàn toàn gốc miền Nam. Ngay hiện tại, những người chỉ biết Lam Phương qua các sáng tác của ông, không để ý tới tiểu sử của tác giả này, cũng vẫn còn nhiều người đinh ninh ông là một nhạc sĩ gốc miền Bắc.
Khi “nhập vai” hay đặt mình vào tâm cảnh của một cô gái đứng trước mối tình bị đứt lìa bởi thời cuộc, với lời lẽ mộc mạc mà, thấm đẫm thiết tha, chân thành, được chuyển tải bởi một giai điệu đơn giản, tôi không biết rung động và cảm xúc của Lam Phương, khi viết xuống những nốt nhạc đầu tiên và, sự tuôn trào của ca từ tiếp theo đó, ở trạng thái nào. Nhưng hiển nhiên, ông vẫn lạc quan cho thấy niềm hy vọng mạnh mẽ, xây dựng trên tính chất thủy chung, bất hoại của một tình yêu tự thân, vốn có khả năng vượt thời gian, không gian.
Tuy nhiên, gần như song song với ca khúc “Chuyến Đò Vỹ Tuyến”, viết xuống như một dấu ấn tâm cảm không phải của một giai đoạn lịch sử đất nước thì, người nhạc sĩ trẻ tuổi, Lam Phương (thời đó), cũng tạo nên một cơn sốt thương cảm khác nơi thính giả. Cơn sốt khởi đi tự bản thân. Tự đời riêng. Nó như một thứ tự sự. Một loại chuyện kể về đời mình.
Đó là ca khúc “Kiếp Nghèo”:
“Đường về đêm nay vắng tanh
“Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
“Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
“mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
“Lầy lội qua muôn lối quanh
“Gập ghềnh đường đê tối tăm
“Ngập ngừng dừng bên mái tranh
“nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi
“Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
“Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
“Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường
“Đời gì chẳng tình thương không yêu thương!
“Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương
“Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
“Đêm nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng
“Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung!
“Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con
“Một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai
“Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
“Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai.”
(Trọn bài).
Sinh thời, nhà báo Trường Kỳ (2), trong một cuộc tiếp xúc với nhạc sĩ Lam Phương, ở miền nam Cali, đã ghi lại những phát biểu của tác giả “Kiếp Nghèo”, thời mới bước chân vào con đường âm nhạc như sau:
“Suốt tuổi thanh niên, Lam Phương đã sống trong cảnh cơ cực, từ đó tư tưởng bi quan đã hằn sâu trong đầu óc của ông. Khi được hỏi có đưa một triết lý hay một quan niệm sống nào của mình vào những sáng tác, Lam Phương cho biết: “Có chứ!... Tôi bi quan hơn là nhìn cuộc đời với những cái đẹp này kia. Tôi thấy bi quan, cái đó do ảnh hưởng từ lúc nhỏ của mình. Lúc nhỏ mình sống trong cái hoàn cảnh khổ cực. Khổ từ trong gia đình khổ ra. Thành ra nó ảnh hưởng cho đến khi mình lớn. Cái hình ảnh đen tối nó theo đuổi tôi hoài à. Thành ra tư tưởng cũng như lời nói có vẻ bi quan hơn.
“Tư tưởng bi quan đó đã được Lam Phương đưa vào một nhạc phẩm rất quen thuộc của mình là “Kiếp Nghèo” được sáng tác trong thời kỳ còn theo bậc trung học, khi mà cuộc sống của gia đình ông ở vào một hoàn cảnh rất bi đát như lời ông diễn tả: “Đi về giữa đêm mưa, mình về nhà trong cái cư xá lầy lội, nghèo khổ. Cái hình ảnh đó nó làm cho mình xúc động mình làm. Bài ‘Kiếp Nghèo’ đã được làm trong một hoàn cảnh thật.”
“Lam Phương tâm sự là không sao quên được niềm ước ao của người mẹ là có được một căn nhà nhỏ. Từ sự thúc đẩy đó, ông quyết tâm dùng con đường âm nhạc làm phương tiện để làm vui lòng mẹ…” (Trường Kỳ, trang mạng Wikipedia).
Với cá nhân tôi, khả năng nhập vai (để sống với đám đông) và, tính tự sự (kể lại chuyện mình), là hai ngọn hải đăng soi đường, hướng dẫn những con tầu (ca khúc) mang tên Lam Phương về bến. Dù cho, về sau, thể tài cũng như những chuyển biến tình cảm của ông có đa dạng, phong phú và, phức tạp hơn.
Tuy nổi tiếng ngay với hai ca khúc đầu tay “Chuyến đò vỹ tuyến” và “Kiếp nghèo,” nhưng theo tôi, đó chỉ là hai đòn bảy để cõi nhạc Lam Phương vươn tới những chân trời rực rỡ khác.
Một trong những chân trời mà cõi-giới âm nhạc Lam Phương vươn tới, thành tựu, như một dấu ấn riêng, nghĩa là những người cùng thời với ông, không có được. Đó là sự thể hiện trung thực những nét đặc thù của miền nam Việt Nam, trong những năm đầu, kể từ thời điểm lịch sử đất nước bị chia đôi hai miền Nam/ Bắc.
Nhìn lại dòng chảy của nền tân nhạc Việt Nam, giai đoạn 1954-1960, các nhà phê bình âm nhạc ghi nhận rằng, gần như hầu hết các nhạc sĩ của chúng ta, ở giai đoạn vừa kể, ít hay nhiều, đều đề cập tới cảnh thanh bình, đời sống an lành, sung túc của mảnh đất miền Nam. Cùng những đặc tính hiền hòa, đôn hậu, hiếu khách của người dân nam bộ. Nhưng tôi nghĩ, có dễ chỉ riêng một Lam Phương bằng vào nốt nhạc, ca từ của mình, đã vẽ được toàn cảnh miền nam và tâm tình người dân miền Nam, một cách trung thực, lấp lánh nắng, mưa êm đềm của giải đất phù sa, trù phú này.
Điển hình như ca khúc “Khúc ca ngày mùa” được Lam Phương viết xuống từ giữa thập niên (19)50. Đó là thời điểm hơn một triệu người miền Bắc vô Nam, đã hòa nhập đời sống, tâm tình họ vào miền đất mới. Ở ca khúc này, tính chất thanh bình, tính đồng nhất bắc/ nam trong nhịp đập thương yêu, thuần lương và, niềm tin đương nhiên vào hạnh phúc, tương lai đời sống ở miền Nam được Lam Phương khắc, họa lại (bằng nốt nhạc và ca từ), như những nét khắc và những sắc mầu cụ thể - - Khiến tôi có thể đi tới kết luận rằng: Những người dù không sống ở miền Nam trong giai đoạn vừa kể; luôn cả giới trẻ lớn lên ở quê người, vốn không có một chút ý niệm gì về cảnh thổ mà ca khúc này đề cặp tới, khi nghe, cũng có thể hình dung cảnh thổ của phần đất, nơi mà ông bà, cha mẹ họ đã một thời sinh sống:
“Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
“Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác
“chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời
Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát
“Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát
“Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời.
“Lờ lững trôi qua trôi mãi trong chiều tà
“tiếng tiêu buồn êm quá
“Hồn ngất ngây trong tiếng hát đưa nhịp nhàng
“tiếng cười thơ ngây
“Mịt mùng đêm thâu cung hằng chênh chếch bóng
“khuất sau rặng tre
“Tiếng ai hò chập chùng xa đưa
“Hò là hò lơ hó lơ hò lơ
“Nầy anh em ơi ! Giã cho thật đều, giã cho thật nhanh
“Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi
“Khoan hò khoan tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài.”
Cũng chỉ với Lam Phương, qua ca khúc “Nắng đẹp miền nam,” ông đã cho thấy sức sống, sự chan hòa tình người, không phân biệt nam, bắc, thành phần xã hội:
“Đây trời bao la ánh nắng mai hé đầu ghềnh lan dần tới “đồng xanh.
“Ta cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia cho người người
vui hòa
Đường cày hôm nay lên tràn bông lúa mới ôi duyên dáng đồng ơi!
Đên mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi mình ngắm nhau cười.
Kìa đàn chim quê chim tung bay về đâu mang tin rằng giờ đây ta sống với bình minh
...
Đây quê hương thân yêu miền nam
Nắng lên huy hoàng đẹp mùa vui sang."
Tôi không biết chính xác, khi Lam Phương sáng tác ca khúc này, lúc ông bao nhiêu tuổi?) chỉ biết một chắc một điều, khi ấy ông còn rất trẻ. Ở độ tuổi thanh niên, mới chia tay thời niên thiếu, mà ông đã viết "buột lòng mình vào nứi sông..." tôi nghĩ khó ai có thể biểu tỏ tình yêu quê hương, đất nước một mạc mà nồng nàn hơn ông được.
Trong khi tàng tân nhạc Việt Nam, ngày nay, vẫn còn lưu truyền những ca khúc đẹp, viết về thời thanh bình của miền Nam trước đây của khá nhiều nhạc sĩ tài danh. Nhưng, ca từ của ca khúc đó. hoặc quá bóng bẩy, lãng mạn, hoặc thậm xưng, cực tả với ngôn ngữ bác học...Theo tôi, vốn không phù hợp với bản chất đơn giản, chân chất của hồn tính con người và đất Nam Bộ.
Phải chăng, đây cũng là một rong những lý giải thích hợp nhất, cho sự kiện những ca khúc viết về miền Nam của nhạc sĩ Lam Phuong, tự thân, đã định vị cho nó một chỗ đứng đáng kể trong tâm hồn đám đông. Đó là chúng ta chưa kể tới khả năng đem vào các khúc ca mình, làn hơi hò-miền-nam của tài năng này.
Nhưng song hành với những ca khúc ngời ngợi ánh sáng tin yêu và sự đồng cảm của đám đông, bên cạnh những thành tựu vang dội, như những vòng nguyệt quế rực rỡ hạnh phúc thì, ở một góc khuất nào khác, trong đởi thường, Lam Phương cũng không ngần ngại gửi tới số người yêu mến ca khúc của ông, những tự sự, như những khoảng tối. Lặng. Tê. Điếng. Của riêng ông:
Em ơi nếu mộng không thành thì sao
“Non cao đất rộng biết đâu mà tìm
“Đường đời mịt mời vạn nẻo về đâu
“Mong chờ duyên kiếp đưa lối bắc cầu.
“Em ơi nhắc lại phút xưa gặp nhau
“Trên đê vắng người lúc tan chợ chiều
“Ngại ngùng mỗi lần anh đến tìm em
“Má em ửng hồng vì quá thẹn thùng.
(Lam Phương, trích “Duyên kiếp.”
Hoặc nữa:
“Đời là vạn ngày sầu biết tìm nơi chốn nào
“Ta quen nhau bao lâu nhưng tình đã có gì đâu
“Nhiều khi anh cũng muốn biết bao giờ sẽ có tình yêu
“Cho lòng không thấy quạnh hiu khi đêm rừng buông xuống tịch liêu…”
(Trích “biết đến bao giờ,” Lam Phương).
Trung thành với ca từ thành khẩn, chân chất, như một loại “ID,” thẻ nhận dạng cõi giới âm nhạc của mình, nhưng qua ca khúc “Duyên kiếp,” giới thưởng ngoạn lại nhận được từ nơi người nhạc sĩ trẻ tuổi, tài hoa phát tiết quá sớm này, một thứ “ID” khác. Nó như mặt bên kia của đồng tiền hạnh phúc. Nó như mặt khác của khán đài vinh quang.
Tôi muốn hỏi, phải chăng, đau khổ, tuyệt vọng luôn là thuộc từ, là mặt trái, mặt khuất lấp của những tấm huy chương danh vọng?
Nếu sự thực đúng là như vậy thì, cũng phải chăng, ngay tự những năm đầu trên lộ trình sáng tác ca khúc, Lam Phương đã có những dự báo, những tiên tri bất hạnh thuộc phần đời riêng của ông, sau này?
Hình ảnh người lính trong ca khúc Lam Phương
Nói tới nhạc Lam Phương, hầu hết những người yêu mến nhạc của ông, thường liên tưởng ngay tới những ca khúc viết về người lính.
Điều này cũng dễ hiểu. Bởi vì ông không chỉ là một trong số rất ít nhạc sĩ mang hình ảnh người lính vào trong cõi giới âm nhạc của mình, sớm nhất. Mà, người lính trong ca khúc của Lam Phương, còn là hình ảnh người lính rất gần với đời thường.
Ở miền Nam, khi cuộc chiến bước lần tới giai đoạn của những trận đánh khốc liệt, với nhu cầu gia tăng quân số, khiến đa số thanh niên phải thi hành nghĩa vụ quân sự thì, số lượng ca khúc viết về tâm cảnh người lính cũng gia tăng mạnh mẽ.
Vì thế, người ta thấy khá nhiều nhạc sĩ đã sơn phết người lính trong ca khúc của họ, như những thanh niên hào hoa phong nhã. Những anh hùng, thần tượng của không ít thiếu nữ mới lớn ở hậu phương. Nhiều ca từ trong số những ca khúc này, cho người nghe cảm tưởng người lính ra mặt trận, đi hành quân, như đi “picnic!” Hay đi du lịch tới một nơi chốn mà ở đó, là cảnh tượng thanh bình, của những sông, suối, trăng, sao!… Không thể thích hợp hơn cho người lính…mơ màng, làm thơ ca ngợi mây, gió vu vơ khi nhớ, nghĩ tới người yêu “bé nhỏ” ở thành phố…
Tính chất lãng mạn hóa đời thực của người lính nơi trận tuyến của những nhạc sĩ này, theo tôi, vô hình chung là một thứ ma túy, một loại cần sa, tạo ảo giác cho cả đối tượng được nói đến trong ca khúc, cũng như những người yêu mến ca khúc ấy.
Đứng ở góc độ tuyên truyền, những ca khúc đó rất đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, ở lãnh vực sáng tác thì, mọi chủ tâm triệt tiêu sự thật, đời thường, lại chỉ là một thứ dầu gió hay, cao dán ngoài da. Đôi khi phản tác dụng. Gây bất mãn cho chính người được ca ngợi.
Tôi không biết có phải bản chất Lam Phương vốn thật thà, đôn hậu hay không? Nhưng hiển nhiên, những ca khúc viết về tâm tình người lính của ông, ngay tự những năm đầu tiên, của nền Đệ nhất Cộng Hòa, đã cho thấy, ông không quay lưng, không chối bỏ sự thật.
Tính nhậy cảm, khả năng sống được, sống cùng những buồn vui của đám đông, kẻ khác, đã mang lại Lam Phương, đồng thời cho kho tàng âm nhạc miền Nam khá nhiều những ca khúc trung thực viết nói về người lính thời chinh chiến. Có dễ vì thế, dù chiến tranh chấm dứt đã lâu, mà hôm nay, một người không liên hệ, không trải qua những ngày binh đao xưa, vẫn có thể hình dung, cảm nhận những sự thật về người lính một thời, qua ca từ của Lam Phương.
Tôi xin trích dẫn một ca khúc Lam Phương sáng tác rất sớm, vào những năm cuối thập niên (19)50, với những bày tỏ hay, thú nhận (xác nhận) không thể thành thật và, cụ thể hơn, khi ông viết:
“Dù đời mình còn dài nhưng ngày vui chóng tàn
“Ta yêu nhau đi thôi cho mộng không vỡ thành đôi
“Từ khi anh là lính chiến không về thăm ghé nhà em
“Không còn nghe tiếng cười thâu đêm buồn ơi sao là buồn.
“Ôi ước mơ nhiều cũng thế thôi
“Đời chỉ làm bạn cùng sương gió
“Nghe gió đêm từng cơn ru cô đơn
“Biết cho chăng đêm nay
“Chiến tranh đem thân trai đi ngàn phương
“Đời chỉ ân ái với cánh thư hồng ấp yêu.
“Rừng lá rừng chập chùng, giá lạnh trai chiến trường
“Đêm nay xa quê hương, xa lìa tiếng nói người thương
“Ngày anh lên đường chiến đấu hoa lòng đã chớm tình yêu
“Nhưng chờ đâu thấy người anh yêu chờ đến xuân về chiều.”
(Trích “Biết đến bao giờ”).
Sự khẳng định một cách chân chất như “đời chỉ ân ái với cánh thư hồng ấp yêu,” vốn rất ít thấy trong ca từ của những nhạc sĩ khác, khi viết về người lính. Họa chăng, mãi sau này, mới có thêm một nhạc sĩ nữa. Đó là nhạc sĩ Trúc Phương. (3)
Qua ca khúc “Kẻ ở miền xa,” Trúc Phương không chỉ giữ tính “mộc” nhất (nên cũng con người nhất) cho người lính của mình, mà ông còn thẳng thắn lên án những người mị lính qua trích đoạn dưới đây:
“Đơn vị thường khi
“nằm trên đất giặc
“Thèm trong hãi hùng
“tiếng hát môi em
“Tiếng hát ngọt mềm ...
“Người nâng lính khổ
“Viết bởi câu ca
“Vì tiền hay thiết tha?
“Xin đối diện một lần bên tôi
“Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi.
“Đến với tôi,
“hãy đến với tôi
“Đừng yêu lính bằng lời!”
(Trích “Kẻ ở miền xa”, Trúc Phương).
Trở lại với Lam Phương, theo ghi nhận của cố nhà báo Trường Kỳ, trong bài đã dẫn thì:
“… Đến năm (19)57 là thời gian Lam Phương gia nhập quân đội thì ông nghiêng hẳn những sáng tác của mình về những nhạc phẩm đề cập đến đời lính chiến. Sang năm (19)59, ông giải ngũ để sau đó gia nhập ban văn nghệ Bảo An rồi qua đến đoàn Hoa Tình Thương. Cùng thời gian này ông cộng tác với các đài phát thanh Quân Đội và Sài Gòn cùng một lúc là thành phần của Biệt Đoàn Văn Nghệ cho đến ngày 30 tháng Tư năm 75, cũng là ngày ông rời khỏi Việt Nam trên chiếc tầu Trường Xuân.
“Cuộc sống vật chất của Lam Phương đã sáng sủa hơn rất nhiều sau khi ông tung ra hai nhạc phẩm về đời lính là “Chiều Hành Quân” và “Tình Anh Lính Chiến”
“Hai nhạc phẩm này đã do chính Lam Phương in và tự phát hành. Trước đó ông đã sắm được một chiếc Lambretta để ngày ngày đi giao những bản nhạc lẻ cho các sạp bán nhạc rời ở Sài Gòn nhờ lợi nhuận của những bản nhạc trước mang lại. “Chiều Hành Quân” đã đạt được con số bán kỷ lục vào thời đó. Một thời gian sau nhạc phẩm “Tình Anh Lính Chiến” ra đời và cũng đạt được một con số bán cao không kém…”
Cả hai ca khúc này, được tác giả viết trong thời miền Nam tương đối còn thanh bình. Nhưng không vì thế mà Lam Phương cho người lính một chân dung, một diện mạo khác!
Phải chăng vì vậy mà hai ca khúc vừa kể, tính đến hôm nay, vẫn còn được những người yêu nhạc trước 1975, coi là hai trong số những ca khúc “kinh điển” nhất viết về người lính?
“Xuyên lá cành trăng lên lều vải
“Lòng đất ấm thương tình đôi mươi
“Thương những người mạch sống đang khơi
“Đang tìm một cuộc đời cho lòng vơi nét phong sương
“Anh chiến trường tôi nơi hậu tuyến
“Đời lính chiến xui gặp nhau đây
“Đôi đứa mình còn mỗi đêm nay
“Nói gì cạn niềm thương để rồi mai ta lên đường
“Rồi ngày mai ra đi
“Chốn biên thùy anh sá chi gian nguy
“Có bao giờ anh nhớ chăng
“Đêm nào nằm gần nhau
“Hồn xây mộng ước mai sau
“Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối
“Đừng quên nhé những ngày bên nhau
“Đêm cuối cùng buồn quá anh ơi
“Bao giờ tình ngàn phương hòa lòng trai nơi sa trường.
(Lam Phương, trọn bài “Tình anh lính chiến.”)
Và:
“Một chiều hành quân qua thôn xưa
“lúc nắng xuân chưa nhạt màu,
“Chạnh lòng tìm người em gái cũ:
“Em tôi đã đi phương nào?
“Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh
“ngắm bóng chim đua trên cành,
“Giờ tìm đâu hình bóng cũ: Em ơi! Em đi về đâu?
“Về đâu em ơi lúc tình còn sâu
“lúc hương trần đời vẫn chờ nhau giữa đêm thâu
“Về đâu khi em vẫn là nguồn sống,
“khi ánh xuân nồng vừa nhẹ vương lên má hồng...
“Hẹn nhau qua hết một mùa phượng rơi
“nhưng hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay.
“Thế thôi vui chi sống trong tình đầu!
“Nhạc "chiều hành quân" nay biết gởi về đâu? (…)
(Trích “Chiều hành quân” Lam Phương).
Bây giờ, hình ảnh người lính miền Nam trước đây, chỉ còn được gợi nhớ qua những bộ quân phục, xuất hiện trong những lễ kỷ niệm hoặc những họp mặt lớn mỗi năm ở hải ngoại. Nhưng, người ta sẽ rất khó hình dung tâm tình của người lính miền Nam cách đây trên ba thập niên, nếu không có những ca khúc, như các ca khúc của Lam Phương.
Ở khía cạnh quân sử của một quân lực nay không còn nữa thì, đóng góp của nhạc sĩ Lam Phương, trong lãnh vực này, là một đóng góp tôi nghĩ, chúng ta không thể không ghi nhận.
Du Tử Lê.
__________
Chú thích:
(1): Sự thực, sáng tác đầu tay của Lam Phương là ca khúc “Chiều Thu Ấy,” viết năm 1952, khi ông 15 tuổi. Nhưng ca khúc này không gây được tiếng vang nào mà, phải hai năm sau (năm 1954), dư luận mới biết đến Lam Phương qua hai ca khúc (sáng tác cùng một năm) là “Chuyến Đò Vỹ Tuyến” và “Kiếp Nghèo.”
(2) Nhà báo Trường Kỳ tên thật Vũ Trường Kỳ, sinh ngày 29 tháng 3 năm 1946, tại Hà Nội. Ông mất ngày 22 tháng 3 năm 2009, tại Montreal, Canada. Ngoài tư cách nhà báo, ông còn được biết đến như một nhạc sĩ có công du nhập và, phát triển phong trào Nhạc Trẻ ở miền Nam, những năm đầu thập niên (19)70.
(3) Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật Nguyễn Thiện Lộc. Ông sinh năm 1939 tại Trà Vinh, Vĩnh Bình, mất năm 1996, tại Saigon. Trúc Phương nổi tiếng rất sớm với những tình khúc, như những khám phá hay cách nói khác về tình yêu.