Cuối năm 1970, một buổi sáng khi tôi đang ngồi ở chiếc bàn quen thuộc, kê gần một cây cột của café La Pagode, ở ngã tư đường Tự Do và Lê Thánh Tôn, Saigòn cũ, với Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quốc Trụ, Huỳnh Phan Anh…thì, một học sinh khẳng khiu, lênh khênh đẩy cửa bước thẳng vào. Cậu tiến thẳng tới bàn chúng tôi. Không chào hỏi ai, cậu hỏi tôi có phải là Du Tử Lê. Tôi gật đầu, thoáng nghĩ, có chuyện bất thường?
Thời gian đó, thỉnh thoảng một vài học sinh, sinh viên đi tìm tôi, ở La Pagode, không phải là chuyện hiếm. Nhưng cậu học trò này, với dáng vẻ ngơ ngáo, hiển nhiên không phải là học sinh hay, sinh viên ở Saigòn.
Với chiếc quần tây mầu xanh dài, cao trên mắt cá đã ngả màu, trên ngực áo chemise trắng khâu huy hiệu “Ngô Quyền,” chân đi dép Nhật, tay cầm tờ báo Văn và một cuốn sách nhỏ, cậu là khuôn mặt lạ, xuất hiện lần thứ nhất.
Mấy người bạn ngồi cùng bàn, im lặng. Tôi đứng dậy, chỉ cậu qua chiếc bàn trống kê sát khung kính lớn, trông vào đường Tự Do.
Sau khi cậu cho biết cậu tên “Hải,” tôi hỏi cậu uống gì, trong lúc tiếp tục kín đáo quan sát… Lúc người phục vụ lấy xong “order” đi khuất, tôi hỏi, ai chỉ Hải tới đây?
Cậu học trò tỉnh lẻ ngập ngừng:
“Em tìm anh đã lâu, viết thư cho báo Văn hỏi xin địa chỉ của anh, nhưng họ từ chối. Hỏi nơi anh làm việc, họ nói không biết… Sáng nay em phải tới thẳng tòa soạn Văn. Em nói, em từ Biên Hòa lên, cho em gặp anh. Họ bảo, ‘ông Lê không có ở đây.’ ”
“Ai trả lời câu đó?”
“Cái ông mập, đen, ngồi bàn trong. Không phải ông ngồi bàn ngoài ốm, cao. Hình như đó là ông Trần Phong Giao.”
Tôi nói, đúng rồi. Đó là ông Trần Phong Giao. Người ngồi bàn ngoài, ốm, hơi cao là ông Gia Tuấn.
“Nói xong, ông ấy lại cúi xuống làm việc. Coi như không có em. Nhưng em cứ đứng nguyên. Chập sau, ông ngước lên, lại nhìn em. Ý hỏi em có còn cần gì nữa không? Em nói, em muốn mua một tờ Văn số mới và, có cách nào chỉ cho em địa chỉ hoặc, chỗ làm của anh, để em đi tìm anh vì em ở rất xa, Biên Hòa, chứ không phải ở đây…”
Vừa nói, Hải vừa rất tự nhiên rút một điếu thuốc của tôi, trên bàn, châm lửa hút, tựa hơi thuốc giúp cho nhịp tim của cậu đập lại bình thường hơn, sau quãng đường dài. Hải tiếp, giọng có phần phàn nàn:
“Ông ấy vẫn cứ nhìn em, không nói. Cũng không nhúc nhích. Tới lúc đó, em mới chợt nghĩ ra, có thể ông ấy ngại em gây phiền hà anh hay, sao đó. Em bèn đưa cuốn thơ em có cầm theo đây, cho ổng thấy rằng, em chỉ muốn gặp anh để tặng anh tập thơ mà thôi.”
Hải đẩy cuốn thơ mỏng, khổ giấy viết thư gấp đôi, bìa đóng kim về phía tôi. Nhan đề của cuốn thơ in dạng copy đó là “Thiên Tai.” Chữ lớn, đậm. Tên tác giả “Hoài Thi Yên Thy” chữ nhỏ, mảnh. Hải tiếp:
“Ông ấy không cầm xem, chỉ ngước lên liếc nhìn. Cuối cùng, ông xoay người vói tay qua dẫy kệ phía sau, lấy cho em tờ Văn. Ông bảo, không lấy tiền, ‘cầm về Biên Hòa mà đọc.’ Rồi chỉ đường cho em ra đây. Ông dặn thêm rằng: ‘Ông DTL mặc đồ lính… Thường ngồi nơi chiếc bàn kê sát cột, nếu cậu đi vào tiệm café, từ phía đường Lê Thánh Tôn. Nhớ là cửa ở đường Lê Thánh Tôn chứ không phải Tự Do…’ ”
Những tưởng mục đích của Hải chỉ là muốn trao tận tay tôi, tập thơ. Khi tôi nhắc Hải nên trở lại Biên Hòa sớm, để đi học thì, Hải cho biết thêm: Cậu được nghỉ học nguyên ngày. Và, ngập ngừng ngỏ ý nhờ tôi đưa tập thơ cũng như mấy bài thơ của cậu cho báo Văn.
“Em gửi bài cho Văn bao giờ chưa?” Tôi hỏi.
Hải đáp, có. Nhiều lần. Nhưng Văn không đăng một bài nào.
Cầm lên tập thơ mỏng của Hải, lật vài trang, tôi nghĩ, ngay cái bút hiệu “Hoài Thi Yên Thy” của cậu, đã tố cáo tính cách văn nghệ học sinh, thành viên thi văn đoàn tỉnh lẻ rồi! Ngay cái tên, tự nó cũng đủ khiến những người phụ trách việc chọn thơ cho Văn, không tin tưởng!
Tôi nói ra ý nghĩ của mình với Hải. Tôi bảo, tốt nhất Hải nên chọn tên thật. Vì cái tên “Hoài Thi Yên Thy” nghe cải lương, học trò. Không ổn.
Thời gian đó, tại Saigòn cũng như ở các tỉnh, phong trào thành lập thi văn đoàn được mùa, nhiều như cỏ sau mưa. Tôi biết, có những thi văn đoàn chỉ một hai người. Thậm chí, một người cũng có thể nghĩ ra tới hai, ba tên thi văn đoàn khác nhau.
Tôi chờ đợi Hải sẽ tỏ dấu khó chịu trước lời nói thẳng của mình. Nhưng không. Hải mím môi. Im Lặng. Bất ngờ Hải nói:
“Vậy anh nghĩ cho em một cái tên đi!”
Tôi cho Hải biết, cách tốt nhất là nên lấy tên thật của mình. Hay, dở gì, nó vẫn là cái tên bố mẹ đặt. Còn đã chọn bút hiệu thì, việc đầu tiên, bút hiệu đó phải lạ; dù vô nghĩa. Bút hiệu lạ sẽ dễ gây nhiều chú ý cho người đọc, tôi giải thích.
Nêu bút hiệu và, nghệ danh vài nhà văn, ca sĩ làm thí dụ, tôi nói:
“Đó là những cái tên vô nghĩa. Nhưng trước khi trở thành quen thuộc thì, nó là những cái tên lạ…” Tôi thêm:
“Có khi nó lạ ở chính sự… vô nghĩa của nó!”
Hải bật cười lớn. Tiếng cười của hải khá đặc biệt. Nó có thể khiến người chung quanh giật mình. Hải nói ngay:
“Vậy anh nghĩ cho em một cái tên… lạ đi. Không có nghĩa cũng được…”
“Em để vài bữa nữa được không?
Hải năn nỉ:
“Không anh. Em ở tuốt Biên Hòa, lại không có xe, đâu thể chạy lên, chạy xuống thường xuyên được. Em nói rồi, một cái tên không có nghĩa gì cũng được…”
Tôi nhìn đồng hồ. Đã hơn 10 giờ. Tôi biết tôi phải có mặt ở chỗ làm việc, trước 11 giờ, là chậm nhất. Nhưng, Hải không cho tôi cảm tưởng Hải sẽ buông tha tôi sớm. Như thể, việc tôi phải nghĩ cho cậu một cái tên là chuyện đương nhiên. Chẳng biết có phải hai chữ “đương nhiên” thoáng hiện ra, đã dẫn tôi tới hai chữ …“tất nhiên”?
Tôi hỏi Hải:
“Em họ gì?
“Em họ Nguyễn.”
Tôi mượn Hải cây bút, viết ba chữ xuống bìa sau tập “Thiên tai”:
“Nguyễn-Tất-Nhiên.”
Hải cười rộ. (Vẫn tiếng cười có thể làm giật mình, chung quanh.) Tôi hỏi có hiểu hai chữ “tất nhiên,” Hải gật đầu. Tôi tiếp:
“Tất nhiên là…như thế….Mặc dù “tất nhiên như thế” nào thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Có khi, cuối cùng, câu trả lời mà em sẽ nhận được, là …tất nhiên một …thiên tai!”
Tới bây giờ, tôi cũng không hiểu bắt nguồn từ động lực nào mà, chẳng những tôi không dị ứng với cung cách ứng xử tự nhiên, không phép tắc của người Nam như Nguyễn Tất Nhiên mà, tôi còn chìu ý Nhiên, trước nhiều bất ngờ, phiền toái Nhiên mang đến cho tôi.
Bất ngờ đầu tiên là, ngay ngày hôm sau (chứ không phải nhiều ngày như Nhiên nói,) Nhiên tìm tôi ở phòng Báo Chí, cục Tâm Lý Chiến, giữa lúc tôi đang làm việc. Lần này, Nhiên đưa tôi một xấp thơ viết tay, với bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên. Nhiên muốn tôi mang ngay ra báo Văn, cho Trần Phong Giao. Tôi hứa tôi sẽ làm. Nhưng:
“Em về đi. Anh đang phải làm việc. Thêm nữa, không thể có kết quả ngay. Và, cũng đừng hy vọng, nhiều ở lần gửi này.”
Nhiên đồng ý:
“Nhưng em vẫn chờ anh. Đằng nào anh cũng đi ăn trưa phải không?”
“Em chờ ở đâu?
“Bên kia đường.”
Không biết từ lúc nào mà Nhiên biết bên kia cục Tâm Lý Chiến, ở cuối đường Hồng Thập Tự, có một quán nhỏ, do một người lính trong cục mở, cho vợ đứng bán.
Hôm đó, mãi quá trưa tôi mới tạm xong công việc của mình. Những tưởng khi đi ra, Nhiên sẽ không còn đó. Nhưng tôi nhầm!
Bất ngờ kế tiếp, là sau này, gần như ngày nào Nhiên cũng tìm tôi. Chờ đợi. Khi ở tiệm café. Khi ngay trong căn phòng nhỏ mà chúng tôi thuê gần chỗ làm. Với thời gian, Nhiên trở thành một “thành viên” trong gia đình nhỏ của chúng tôi từ lúc nào, tôi cũng không nhớ nữa.
Khổ nỗi, khi số ngày, đêm Nhiên ở trong căn phòng nhỏ của chúng tôi gia tăng bao nhiêu, thì số lần mẹ tôi đến thăm chúng tôi, lại giảm đi bấy nhiêu.
Số là mẹ tôi, vốn là người Bắc thuộc loại cổ xưa. Rất cực đoan! Bà không chịu nổi Nhiên. Nhất là những lần bà ghé thăm chúng tôi, nếu Nhiên đang có mặt thì, bao giờ Nhiên cũng giương mắt nhìn mẹ tôi như muốn hỏi:
“Bà tìm ai?”
Tôi nhắc Nhiên nhiều lần, nên chào mẹ tôi một tiếng. Tôi cũng từng nói với mẹ tôi rằng, Nhiên là người
Tuy nhiên, nói cách nào thì, mẹ tôi cũng không chịu nổi Nhiên. Bà không thể hình dung mỗi lần đi thăm con cháu của bà, là một lần bà phải gặp một thằng nhỏ giương mắt hỏi bà “muốn tìm ai?!”
Ngoài thói quen nhìn mẹ tôi như “tra khảo,” Nhiên còn là người cực kỳ bừa bãi. Những khi bận làm… thơ, Nhiên dùng hết tất cả 5 chiếc phin pha café có sẵn trong nhà, xong vứt chúng vào bồn rửa mặt. Tàn thuốc lá và “bản thảo,” những tờ giấy viết nháp của Nhiên thì… khỏi nói. Nhiên không chỉ vung vãi khắp bàn viết của tôi mà, còn phủ…đầy sàn gạch…
Nhiều lần mẹ tôi nói, bà rất ngứa mắt! bà đi thăm con cháu chứ không phải để “hầu” cái ông “đầu gối cao quá mang tai” kia.
Chẳng là, khi làm thơ, Nhiên thường ngồi co một chân trên ghế. Thỉnh thoảng Nhiên cũng co cả hai chân, như kiểu ngồi nước lụt. Mà, chân của Nhiên thì dài thật!
Cũng lại là một bất ngờ nữa, với tôi (dù chưa phải là bất ngờ sau cùng!) - - Khi một hôm Nhiên ngỏ ý nhờ tôi chuyển thơ của Nhiên cho nhạc sĩ Phạm Duy, phổ nhạc. (Trước đó, Nhiên cũng đã có một bài thơ do Nguyễn Đức Quang soạn thành ca khúc. Đó là bài “Vì tôi là linh mục.” Nhưng không ai biết. Có thể nó không hay, ít được hát?)
Thời gian kể từ đầu năm 1970 tới giữa năm 1974, với sự đồng ý của Thành “Hiện Đại,” tôi là người xuất bản gần như tất cả những tập nhạc của họ Phạm. Ngay tập “Ngày đó chúng mình” của ông, tôi cũng là người tái bản, khi ông ngỏ ý muốn được in lại. Thuở đó, hai họa sĩ tôi nhờ trình bày bìa các tập nhạc nhiều nhất là Hồ Thành Đức và Nguyên Khai. (Cả hai người này, hiện cư ngụ tại quận hạt
Vì công việc đòi hỏi, tôi thường phải liên lạc với nhạc sĩ Phạm Duy. Sự gặp gỡ của chúng tôi, không chỉ là chuyện bản quyền mà, còn là nhu cầu thỏa thuận với nhau, trong việc chọn lựa các bản nhạc cho từng chủ đề hoặc, chia đều những bản nhạc “ăn khách” cho nhiều tuyển tập khác nhau.
Một buổi tối, tôi đến gặp họ Phạm ở cư xá
“Mày đừng đưa thơ thằng này cho tao nữa. Thơ của nó không thích hợp với báo Văn…”
Nhạc sĩ Phạm Duy nhận lời. Tôi biết, ngoài những bài thơ chọn để phổ nhạc, ông còn có tài phổ nhạc bất cứ một bài thơ nào, nếu tác giả tìm đến, nhờ cậy. Vấn đề còn lại, như phổ biến, in ấn… thuộc về nhà thơ đó. Ông hoàn toàn “vô can.”
Ba ngày sau, trong một lần gặp lại nhau vì công việc, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, ông đã phổ gần xong, bài “Thà như giọt mưa.” Ông nhờ tôi nhắn Nhiên lên gặp ông. Trước khi tôi về, ông nói, nán lại chút, để ông hát thử cho nghe. Những chỗ chưa có ca từ thì ông “ư…ư…” Hát xong, ông cười, bảo, kinh nghiệm của ông, cho biết nó sẽ là một bản nhạc “ăn khách.”
“Tôi nghĩ, tụi trẻ sẽ thích lắm, với cái ‘triết lý nôm na’… “Có còn hơn…không. Có còn hơn…không” này.
Ngay hôm sau, Nhiên từ Biên Hòa về, “bay” thẳng đến nhà họ Phạm.
Bản nhạc ra đời với những chi tiết không hề có trong bài thơ. Cụ thể như câu “Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên,” cùng nhiều câu khác.
Đó là phần lời thêm vào do nhạc sĩ viết, căn cứ vào những gì Nhiên kể.
Đúng như nhạc sĩ Phạm Duy tiên đoán, chỉ trong một thời gian rất ngắn, bản nhạc đã trở thành “top hit.”
Về khả năng “bắt mạch thị trường,” các nhạc sĩ thời đó, đã “bầu” nhạc sĩ Phạm Duy là “Vua của các vua.” Nên không ai ngạc nhiên, khi thấy họ Phạm liên tiếp phổ thêm một số thơ của Nguyễn Tất Nhiên, như “Hai năm tình lận đận,” “Em hiền như ma sơ”…
Qua những ca khúc vừa kể, một sớm một chiều, Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng khắp nơi - - Như một hiện tượng, chưa từng xẩy ra. Ngược hẳn với sự “yên ắng” của các diễn đàn văn học: Không một bài thơ nào của Nhiên, xuất hiện.
Sự nổi tiếng mau chóng và ồn ào này, đưa Nhiên tới việc được Đinh Tiến Luyện, Phạm Chu Sa ở tuần báo “Tuổi Ngọc” (của Duyên Anh) xin thơ.
Sự “bộc phát” giao thiệp của Nhiên, từ cái “gốc” là tòa soạn Tuổi Ngọc, đã dẫn tới những bất ngờ khác cho tôi. Đó là sự kiện, Nhiên đem về nhà, giới thiệu với tôi, rất nhiều người bạn mới của Nhiên! Khi thì Vũ Hữu Định, Phạm Chu Sa. Khi thì Ngụy Ngữ, Nguyễn Đăng Hà. Lúc thì Hoàng Yên Trang, Hạc Thành Hoa (về từ Sa Đéc.) Khi thì Bùi Thuận, Vũ Hà Du, về từ Vũng Tầu…
Căn phòng nhỏ xíu của chúng tôi, nhiều ngày không đủ chỗ ngồi cho Nhiên và các bạn của Nhiên.
Năm 1972, khi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thay thế nhà văn Trần Phong Giao trong vai trò Thư ký tòa soạn Văn, Nguyễn Tất Nhiên lại nhờ tôi đưa bài cho Văn. Tôi cũng kể thật với Hoàng về ước mơ của Nhiên, ít nhất một lần, thấy thơ mình được đăng trên Văn. Ông nhận lời giúp.
Sau khi Nguyễn Tất Nhiên mất ngày 3 tháng 8 năm 1992 tại miền nam California (*), nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (hiện cư ngụ tại thành phố San Jose,) đã kể lại chuyện này, trong một bài viết có tính cách tưởng niệm Nguyễn Tất Nhiên.
Nhưng, khi nhà văn Mai Thảo, thay thế Nguyễn Xuân Hoàng, trông nom bài vở tạp chí Văn thì, Mai Thảo lại có cùng quan điểm với Trần Phong Giao...
Để chấm dứt bài viết này, tôi muốn bước nhanh tới cái mà, tôi tạm gọi là “bất ngờ cuối cùng,” xẩy ra một buổi trưa ở phòng Báo Chí, cục Tâm Lý Chiến, Saigòn đầu năm 1974.
Đó là khi tôi được mời qua phòng làm việc của Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh, (hiện cư ngụ tại
Ông kể, nhạc sĩ Phạm Duy mới gặp ông, cho biết, Nguyễn Tất Nhiên đòi Phạm Duy phải đưa cho Nhiên 1 triệu đồng. Nhiên cần tiền mua một chiếc xe Honda, đi học. Nếu không, Nhiên sẽ nhờ luật sư đưa họ Phạm ra tòa.
Sau đó, Trung tá Thịnh thuật lại lời của nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng, tôi là người “gây họa” cho ông. Bởi vì, nếu tôi không năn nỉ ông phổ nhạc thơ của Nhiên, thì đã không có vụ đòi tiền này. Chưa kể, ngoài phần nhạc, chiếm 50% một ca khúc, của Phạm Duy; ông còn là người viết thêm nhiều câu không có trong nguyên bản bài thơ. Điều đó có nghĩa, ngay ở phần ca từ, ông cũng đã chiếm tới 25%. Tóm tắt, mỗi ca khúc phổ từ thơ Nguyễn Tất Nhiên, phần của Phạm Duy là 75%. Phần Nguyễn Tất Nhiên chỉ có 25%. Chưa kể:
“Nếu không có Phạm Duy thì ai biết Nguyễn Tất Nhiên là ai?!”
Đấy là câu hỏi nhạc sĩ Phạm Duy nhờ trung tá Thịnh chuyển cho tôi, để tôi chuyển cho Nhiên.
Người xếp trực tiếp của tôi kết luận:
“…Đã không phải trả tiền cho nhạc sĩ thì thôi, nay lại đòi tiền bản quyền thì… đó điều có phần quá đáng…”
Kết thúc câu chuyện, trung tá Nguyễn Đạt Thịnh muốn tôi thuyết phục Nhiên, hủy bỏ vụ đe dọa kiện cáo. Nhạc sĩ Phạm Duy đồng ý sẽ đưa Nhiên một khoản tiền, ít hơn con số đòi hỏi. Như một quà tặng chứ không phải là chia tiền tác quyền…
Trước khi trả lời, tôi hỏi trung tá Nguyễn Đạt Thịnh rằng:
“Thưa Trung tá, tôi nghĩ không biết có đúng không rằng, chuyện này nằm ngoài công việc của phòng Báo Chí?”
Ông gật đầu:
“Đúng. Chuyện này nằm ngoài công việc của phòng. Nhưng tôi thấy anh Nguyễn Tất Nhiên đó, đối xử với ông Phạm Duy như thế, có phần không đúng. Và, tôi cũng nghĩ như ông Phạm Duy, anh là người duy nhất có thể can thiệp. Vì thế mà ông ấy tìm đến đây.…”
Tôi cũng gật đầu:
“Vâng. Thưa trung tá, nhưng đó là việc riêng giữa cá nhân tôi với ông Phạm Duy và Nguyễn Tất Nhiên…”
“Nhưng ý anh ra làm sao?” Trung tá Thịnh sốt ruột, hỏi.
Tôi đáp:
“Xin trung tá nói hộ với nhạc sĩ Phạm Duy rằng, ông ấy nên đưa Nguyễn Tất Nhiên số tiền mà Nhiên nó đòi. Nếu không, tôi cũng sẽ đứng về phía nó!”
Hôm nay, khi viết những dòng chữ này, nhớ lại, phản ứng của mình, tôi thấy, ít nhiều bắt nguồn từ tự ái! Phản ứng tâm lý tức thời của tôi lúc đó là, tại sao nhạc sĩ Phạm Duy không nói chuyện thẳng với tôi mà lại nói qua ông xếp của tôi, như một “áp lực” hay “dọa nạt!” Tới thời điểm đó, giao tình giữa tôi và họ Phạm vẫn tốt đẹp.
Tuy nhiên, cuối cùng, dường như nhạc sĩ Phạm Duy đã trả cho Nhiên một khoản tiền… Tôi không biết, cũng không hề hỏi con số. Nhưng tôi nghĩ, nhiều phần, là con số không nhỏ.
Tôi dùng hai chữ “dường như’ vì kể từ khi chúng tôi dọn nhà về Làng Báo Chí, phía bên kia cầu Xa Lộ (trước khi vụ Nhiên đòi chia bản quyền trở thành ồn ào,) Nhiên rất ít tìm tôi.
Trước 30 tháng 4 - 1975, tôi có gặp lại Nhiên một lần, ngay trước phòng Báo Chí, cục Tâm Lý Chiến. Nhiên đến tìm tôi, với chiếc xe Honda, còn rất mới.
Du Tử Lê,
(
Chú thích:
(*) Nguyễn Tất Nhiên tên thật Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952, tại quận Đức Tu, tỉnh Biên Hoà.