Lê Vương Ngọc - Những Ngày Thơ Ấu Của Du Tử Lê

15 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 4156)
Lê Vương Ngọc -  Những Ngày Thơ Ấu Của Du Tử Lê

Du Tử Lê sinh năm 1942, tháng 11, ngày 10 nhằm năm Nhâm ngọ, tháng 10 ngày 3. Tôi không nhớ vào ngày sinh Du Tử Lê có mưa gió bão bùng gì không. Tuy nhiên đóng vai ̣đun nước hầu trà, cho ông thân sinh tôi và cụ X. bạn cố tri của ông, nổi tiếng về khoa Tử Vi, tôi được hiểu lõm bõm rằng mẹ tôi kỳ này sinh hơi khó và em tôi dường như có điều gì đặc biệt. Vì sau khi hai cụ đồng ý đặt tên thằng bé là Lê Cự Phách, hai cụ phá lên cười ha hả. Cụ X vuốt chòm râu muối tiêu hài lòng vì đã phác đoán một tương lai đầy hứa hẹn cho em tôi. Còn bố tôi hy vọng gia đình sẽ có một tay cự phách lẫy lừng đua tranh với thiên hạ. Cái “điều gì đặc biệt ấy” mãi khi mẹ tôi và em tôi được chở bằng chiếc đò nan che kín mít từ nhà hộ sinh (bên bờ sông Đáy) về bến Huyện (làng tôi là sở tại huyện, nhà tôi cách bến đò lối chừng một trăm thước) tôi mới rõ khi chị tôi bế thằng bé và cười bảo tôi :”Coi này, thằng Phách có bàn tay sáu ngón nom hay lắm”.

Chính do bàn tay sáu ngón này, hợp cùng một số sao trong lá số Tử vi mà các cụ kiếm ra cái tên Cự Phách. Điều khó nữa là tên chúng tôi bắt buộc ai cũng phải có bộ Ngọc bên cạnh nên chữ Phách viết theo Hán văn đã thỏa mãn yêu cầu đó.

Cũng chính do bàn tay khác thường mà chú bé Lê Cự Phách khi còn nhỏ, đi học đã bị chúng bạn chế giễu trêu chọc tới phát khóc và mang mặc cảm nặng nề cho tới khi lên trung học và được giải phẫu cắt bỏ ngón thừa. Gia đình chúng tôi theo Nho giáo, các cụ cho tới đời ông bà nội có nhiều người học vấn và học thuật uyên thâm nhưng không phát về khoa bảng. Ông nội chúng tôi là cụ đồ Kh. người cao lớn, đầu dài, nửa trán, nửa mặt, tinh thông Lục Nhâm và Thái Ất. Nghe các cụ kể lại, cụ đồ Kh. từng được ông Tôn Thất Thuyết khi hành quân chống Pháp ở ngoài Bắc vời làm quân sư bấm quẻ chọn hướng và chọn giờ xuất binh, xuất trận. Rất nhiều giai thoại về các gia đình có máu mặt hàng tổng hàng huyện bị mất trộm, mất cướp đồ quý tới xin Cụ bấm cho một quẻ, đã thường tìm thấy lại đồ đã mất.

Bà nội chúng tôi (cũng như ông nội) mất trước khi chúng tôi chào đời. Nên khi nghe mẹ tôi kể lại tôi được biết bà nội là người làng Yên Đỗ, dòng dõi cụ Tam Nguyên, xinh xắn, tình cảm, ủng hộ mẹ chúng tôi triệt để chống lại việc thái quá của một nho sinh phong nhã và đào hoa. Mẹ tôi về nhà chồng lúc mới mười sáu tuổi, quyết định lấy chồng nghèo và hiểu rõ sẽ gặp sóng gió vì người nho sinh đẹp giai phố huyện, có giọng bình văn sang và ấm khiến thiếu nữ quanh vùng mỗi khi có việc qua khu chợ Quế nhiều cô đã kiếm cách ghé thăm ngôi nhà của cụ đồ Y để ngắm nhìn và nghe thầy khóa trưởng tràng bình văn.

Như vậy, mẹ chúng tôi đã lấy chồng theo tiếng gọi của con tim. Điều này bắt đầu từ ngày khôn lớn tôi đã nhận ra mỗi khi nghe mẹ tôi kể lại những kỷ niệm từ khi bà lập gia đình với bố tôi. Mắt bà long lanh thêm, giọng bà trầm thấp xuống mỗi khi kể về bố tôi, với những khoảng yên lặng giữa các tình tiết của câu chuyện mà bà nhìn đi thật xa, miệng mỉm cười vu vơ, hoặc sịu một bên môi (mẹ tôi sịu môi rất dễ dàng, hầu như thành cố tật do thói quen ăn trầu. Dáng môi sau kéo xuống một bên còn y nguyên cho tới phút chót cuộc đời của bà cách đây vài năm). Từ một gia đình giàu có nhờ phát triển bằng thương mại và canh nông, mẹ tôi được bà tôi chọn coi như người con gái xinh đẹp đảm đương, hoàn hảo nhất làng (dáng người cao lớn, có da có thịt – sẽ mắn con – có vốn riêng sẽ đem giúp gia đình chồng và nếu cần thêm nữa, gia đình bên thông gia có dư khả năng để giải quyết). Những điều này tôi được biết sau những cuộc xô xát giữa bố mẹ tôi. Những cuộc xô xát này thường diễn tiến theo một mô thức giống nhau. Khởi sự hoặc do mẹ tôi (thường là ghen pha trộn với sự phản đối hoang phí cô đầu con hát và cờ bạc của bố tôi), hoặc do bố tôi không đồng ý về cách dạy con (nuông chìu quá mức ̣) hoặc nhẹ dạ trong việc quản trị tiền bạc (mẹ tôi rất dễ dàng trong vấn đề cho vay mượn tiền bạc, thậm chí không sẵn tiền, mẹ tôi cũng đi vay hộ do mình bảo đảm, tiếng chuyên môn gọi là “bầu chủ”). Bất kể do ai khởi sự, sau đó bao giờ cũng là một độc thoại của bố tôi, quát tháo lớn tiếng. Nếu cơn giận quá mạnh, lời nói được cổ súy bởi hành động đập phá, đầu tiên là ly tách, bình trà để trên bàn. Cho tới lúc này mẹ tôi vẫn chưa phản ứng bằng lời, chỉ thút thít khóc. Khi tiếng xoảng vỡ đầu tiên vang lên, mẹ tôi bật dậy và xông tới ôm lấy bố tôi :”Nếu anh muốn, giết chết tôi đi, đừng có đập phá điên cuồng nữa” Dường như khi chạm phải da thịt của mẹ tôi, vô hình trung cơn giận dữ của bố tôi chùng lại, dù còn tức giận vô cùng, người cũng đẩy mẹ tôi ra rồi vùng vằng đi tìm điếu hút thuốc. Bao giờ cũng như bao giờ, mẹ tôi dù bị đẩy mạnh hay nhẹ, bà cũng sụp lăn ra sàn gạch rồi bò dần về giường.

Trong khi tiếng khóc lớn dần và tới lượt cơn độc thoại của mẹ tôi không đánh nhịp bằng vũ lực mà bằng các cơn nấc rất thảm thiết. Nhờ các tiết lộ trong những dịp này mà tôi rõ phần nào tình yêu mẹ tôi dành cho bố tôi. Tình yêu đó mạnh đến độ dễ dàng tha thứ cho không chỉ những cuộc trăng hoa mà còn cho phép chồng lưu giữ những thư tình, những vật thệ ước từ các mối tình xa xưa cho tới những mối tình gần kề. Cũng do những tiết lộ này mà một hôm tôi lục trong những tráp chứa đầy sách chữ Hán của bố tôi và tìm thấy một tráp chứa đầy thư tình, gương lược đồi mồi, những túi gấm nhung và cả những tấm hình bán thân hoặc toàn thân đen trắng, đặc biệt là các nhan sắc này người nào cũng buông thõng một cái đuôi gà thật duyên dáng dù quấn khăn hay vấn tóc trần.

Bà mẹ chúng tôi cũng là một người rất đa tình. Lấy chồng năm 16 tuổi, năm sau sanh người con trai đầu lòng chết yểu khi lên bốn. Bà tiếp tục sanh cho tới lần chót : Du Tử Lê, tất cả 11 lần và đậu được 6 con nuôi tới trưởng thành. Con nào cũng được bà cưng chìu bế ẵm, và đứa nào cũng được lớn lên trong giọng ru êm đềm, tha thiết, thoáng một chút chịu đựng qua những câu ca dao phong tình và những bài hát trống quân, hát dặm, quan họ, nên thơ của miền Bắc. Vì bố tôi mất vào giữa năm 1946, mẹ tôi trong đau thương dồn hết tình thương vào DTL (bốn tuổi) và sự kiện này cũng giải thích phần nào dáng dấp và tính nết nhẹ nhàng mảnh dẻ của DTL ngoài đời cũng như trong văn chương. 

CHÚ ÚT DU TỬ LÊ VÀ NHỮNG NGƯỜI CHỊ TRONG GIA ĐÌNH 

Một ký giả Mỹ hoạt động ở Sài gòn nhiều năm cho tới 1975 đã có bài phân tích về sách của DTL đọc trên đài P.T Hoa Kỳ đưa ra nhận xét về điểm đặc thù trong hầu hết các truyện của DTL, nhân vật chính thường là phái nữ. Truyện được kể lại với nhân vật nữ ở ngôi thứ nhất số ít. Ý nói điều đó phản ảnh tâm trạng của tác giả luôn luôn cảm xúc và suy nghĩ như một nữ lang chính hiệu.

Tính cách đặc biệt này cũng có thể phần nào bắt nguồn từ thời ấu thơ và niên thiếu của DTL.

Sau khi ông thân sinh mất vào lúc DTL mới bốn tuổi, liên hệ cha con cũng như sự gần gũi không có là bao. Theo DTL kể lại ngoài đời sống cũng như trong văn chương, hình ảnh người cha phong lưu hào hoa được mô tả trong một kỷ niệm rõ ràng, có nhiều chi tiết đáng nhớ : Trong một ngày nào đó, vào buổi sáng lối 9, 10 giờ những buổi cả ba anh chị em (sát với DTL) cùng có mặt, ông thân sinh cho gọi cả ba, gồm người người anh hơn DTL 5 tuổi, và người chị kế tiếp, hơn DTL 2 tuổi, từ nhà ngang lên phòng khách. Nơi ông cụ đã cạn nhiều tuần trà và rít những hơi thuốc lào từ chiếc điếu bát cổ được ráp nối (đặc biệt là nõ điếu) do một người cháu họ có biệt tài làm điếu bát. Mỗi khi hút, trong thời gian rít lên, hơi thở hút vào chuyển động nước trong bát qua khoảng trống đi lên xe đều tạo thành một điệu nhạc ròn rã đều đặn như các hạt bắp rang nổ liên hồi, hoặc như những viên sỏi nhịp nhàng rơi xuống nước theo một tốc độ nhanh chóng đều...Cả ba cô cậu nhỏ đều sung sướng hớn hở tiến lên, dẫn đầu bởi chị sen. Sung sướng nhất là người anh của DTL, vì biết mình sẽ được lãnh đạo hai em nhỏ trong một màn biểu diễn gần như duy nhất. Bởi lẽ thường ông già yêu cầu ba con múa và hát bài Con Voi. Ít nói, một chút e thẹn sợ sệt, nhưng trong lòng DTL hơn ai hết cảm thấy được bố chú ý đặc biệt trong cuộc trình diễn qua những tràng vỗ tay khen thưởng của ông già mỗi khi cái đuôi con voi là DTL ngoe nguẩy (hay lững chững lom khom) đi.

Qua chiếc ghế ngựa nơi ông già ngồi vắt chân chữ ngũ tay tì trên một chiếc tráp sơn đen, trước mặt là khay trà và hai chiếc điếu, một chiếc điếu ống dự trữ. Vào một ngày khác có thể là buổi chiều lối 4, 5 giờ, ông thân DTL đang nhắm rượu (trước bữa ăn chiều) bộ ba trình diễn lại được vời lên và đề tài trình diễn thay đổi bằng bài “Ánh trăng trắng ngà”. Cuối cùng phần thưởng được phát cho các diễn viên. Người trưởng đoàn đi tới chiếc ghế ngựa trước. Ông già hỏi vài câu về học và chơi, chú nhỏ lúng búng trả lời không rõ, nhận vài cái bánh ngọt hay kẹo rồi rút lui sang bên. Đến lượt người chị DTL cũng vậy. Duy tới phiên DTL có phần khác hơn, chú út được hỏi nhiều hơn và cho quà nhiều hơn nhưng chú hoàn toàn im lặng, cúi đầu nhận phần thưởng, chỉ ngước nhìn bố bằng cặp mắt vừa biết ơn vừa hãnh diện, ý thức được địa vị mình trong lòng người cha trắng trẻo đẹp đẽ mà nét mặt rất ư là nghiêm trang, xa cách.

Mối liên hệ cha con thưa thớt nhưng êm đềm đó kéo dài không bao lâu thì ông già mất. Người đàn ông lớn tuổi DTL được gần gũi sau đó là ông anh cả, anh thoát được cuộc kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội năm 1946, về tới quê ở Quế Quyển, Hà Nam 1947. sau giờ đi làm về anh cả chỉ thích chơi chiếc đàn Banjo giữa hai bản nhạc “lãng mạn tiền cách mạng” của Văn Cao va Đỗ Nhuận, anh gọi DTL tới nói chuyện đùa giỡn. Ở tuổi này DTL khá bụ bẫm. Trong khi DTL “vầy vò” cây đàn thì người anh có một thú là vừa nựng em vừa bẹo má, bẹo đùi, bẹo mông chú Út tới lúc chú cảm thấy đau quá, cái giá phải trả cho nghệ thuật (nghịch ngợm nới cây Banjo) quá cao, hét lên một tiếng “Ái” thật to và vùng chạy đi tìm mẹ. Liên hệ này cũng không được dài lâu vì quân Pháp tràn qua Hà Nam năm 1948, trở lại thiết lập vùng Tề tại Quế năm 1951 khiến người anh cả phải di chuyển theo cơ quan vào khu Tư và bị Pháp oanh tạc chết gần Kim Tân ngay đầu xuân năm Tân Mão (1951). Kế người anh cả là tôi, lúc đó theo học tại Yên Mô, Ninh Bình, sau di chuyển vào trường Nguyễn Thượng Hiền tại làng Ngò, Thanh Hóa nên DTL cũng không có dịp gần nhiều. Sau này khi Pháp và Quốc gia rút khỏi Quế, gia đình dời lên Hà Nội năm 1952. Tôi theo học trường luật Hà Nội, đi dạy học thêm lo phần nào chi phí cho gia đình, lúc này thuê một căn phòng tại phố Huế. Sự bận bịu đó cộng với ở tuổi tôi có những quan tâm về tình cảm và trí thức sôi nổi, sống với bè bạn và xã hội ngoài nhiều hơn. Chú út DTL vào dịp kéo dài từ 1952 tới 1954 sống gần gụi và thân thiết ngoài mẹ ra là các chị, chị ruột hơn DTL hai tuổi, cùng hai người chị dâu : người chị dâu lớn về gia đình chúng tôi từ năm 1948 và vợ tôi sau này, cuối năm 1953. cũng nên kể tới người anh thứ ba hơn DTL năm tuổi, tính nết dữ dằn khiến DTL ít có nhiều dịp gần. DTL theo số mệnh sống và lớn lên trong ảnh hưởng sâu đậm của tình thương phái nữ. Cũng như để đền đáp lại sự thiếu thốn về liên hệ cùng phái bắt đầu từ ông thân sinh, qua tới ba người anh, sau này DTL đã phát triển và gìn giữ được một số bạn nam phái, gồm cả một số vong niên đối với nhau thật tốt và chung thủy.

Nếu theo như khẳng định của một số các nhà Tâm lý giáo dục Tây phương, đời sống trong 6 năm đầu của một đứa trẻ là quan trọng nhất, sẽ ảnh hưởng sâu xa tới tính tình tương lai của đứa trẻ khi lớn lên, thì 6 năm đầu của DTL hầu như được phong kín trong tình thương của những người đàn bà con gái trong gia đình.

Thật vậy, ngoài một bà mẹ đa tình, đa cảm góa chồng khi mới 46 tuổi đã trút hết tình thương, nỗi nhớ người quá cố lên đứa con út bốn tuổi là DTL, chú út này còn được săn sóc đặc biệt bởi một bà chị ruột hơn chú 17 tuổi. Tuy sống ở hàng phố một huyện lỵ khá đông đúc và sầm uất nhờ giao thông thuận tiện (huyện Kim Bằng với ba phương chợ Quế, Quế Lâm là tên làng nơi chôn nhau cắt rốn của DTL) nhưng so với Nam Định, Hà Nội thì vẫn là nhà quê. Nhờ có bà chị này, mua và học các sách đan, may, thêu mà chú út được mặc những quần soọc, áo sơ mi đủ màu, đủ kiểu. Mùa Đông thì mang thêm những chiếc quần yếm bằng kaki Nam Định màu xanh tàu hoặc xanh cứt ngựa, ngoài cùng là một chiếc áo len dài tay, cao cổ, thật nặng thật dày. Phụ giúp cho bà mẹ và người chị trong việc săn sóc cho chú út là một chị sen, được mướn từ một làng trong “cốc” núi. Chị sen là một người nữ sơn phương (Tàu đọc là xa phang) chất phác, thân hình nẩy nở đúng mức hoặc hơi quá mức đối với một người con gái quê lối 17 tuổi, khi cái yếm màu nâu non bị đội căng lên chừng muốn nứt ra. Vào mùa nực, chị sen cởi áo cánh ngoài làm việc cho tiện chỉ còn chiếc yếm trần lưng và chiếc quần nái xắn cao tới bụng chân, trừ mặt chị với đôi má hồng rám nắng, còn tất cả từ cổ trở xuống lưng tới gót chân là một màu trắng sữa, thơm mát. Cô gái sơn phương này có thể là người nữ đầu tiên đã gây hứng cho chú út hàng ngày vì chị có bổn phận sáng rửa mặt, thay áo quần nếu chú út làm dơ trong ngày và chiều thì tắm gội cho chú, tối thay quần áo mới. Qua những giây phút bế ẵm, tắm rửa...chú út nhiều lúc phải ôm lấy đầu lấy cổ và ngay eo ếch êm đềm và chắc nịch của chị sen để tránh lao đao té ngã từ chiếc chậu thau bự mỗi khi chị kỳ cọ khắp châu thân chú út từ đầu tóc tới bộ phận nam giới cho xuống tới chân...

Vì người chị của DTL mất vào năm 1946, ngay sau khi ông già mất được ít lâu nên DTL hây như không giữ được nhiều hình ảnh trong cõi ý thức, mặc dù tôi nghĩ người chị này đã để lại trong tiềm thức và vô thức của DTL nhiều dấu vết ảnh hưởng khó phai. DTL từ nhỏ tới lớn cơ thể tuy khoẻ mạnh nhưng không to lớn, cử động khoan thai từ tốn, nói năng nhỏ nhẹ, đã mang tính nữ, lại gặp hoàn cảnh sống chung đụng với phái nữ nhiều hơn trong những năm đầu sau khi chào đời, nên tính cách này càng được dịp phát triển. Tuy nhiên phải đợi khi DTL 4,5 tuổi luôn luôn theo sát người chị lớn hơn hai tuổi khi người chị này hoạt động với một số bạn gái cùng lứa tuổi. Nói chung người chị này cũng mang cùng tâm trạng như DTL : mất cha, mất chị khi tuổi còn thơ, nên trầm lặng, ít nói. Nhờ khuôn mặt đều đặn cộng với dáng dấp hiền lành nên bạn thích, người lớn thương mến và chú DTL vào thời điểm này nương bóng người chị mà lớn lên trong cái hồn nhiên tươi sáng và bao dung của người chị gái và nhóm bạn ồn ào ríu rít như đàn chim sẻ sớm mai. Vào 1948, DTL được thêm một người chị dâu về ở chung cùng đại gia đình. Người thiếu phụ thanh lịch gốc Hà thành này ít nhiều đã ảnh hưởng tới trí tưởng tượng của DTL về một xã hội thành thị, nơi đó từ người tới vật, tới cảnh thảy đều sạch sẽ, thơm tho, xinh đẹp và tươi vui. Thật vậy, từ khi sanh, DTL sống trong một gia đình nửa tỉnh nửa quê, tỉnh do các anh chị đi học ở thành phố mang về, còn quê là gốc, là khung cảnh thiên nhiên quanh nơi chôn nhau cắt rốn. Người chị dâu thành thị này muốn tỏ ra tuy sinh trưởng nơi thị thành theo mới nhưng vẫn giữ được nề nếp truyền thống xưa, nên đã đảm đương bếp núc, săn sóc đàn em, đặc biệt là hai chị em DTL. Đương nhiên DTL được chăm bẵm nhiều hơn nữa vì là út và cũng vì chính người anh cả của DTL cũng thương và thích đùa nghịch với DTL khi rãnh rỗi. Trong thời gian sống cạnh, người chị dâu phảng phất thường trực một mùi hương dị kỳ (lúc này bất kỳ loại hương thơm nào do các mỹ phẩm từ nội thành bán ra đều mang một tính cách hấp dẫn lạ lùng tức thì đối với người sử dụng cũng như những người chung quanh). DTL đã tạo ra một liên hệ tình cảm đa dạng có thể gồm cả thán phục ngưỡng mộ và biết ơn...cho nên người đọc DTL không xa lạ khi nghe DTL tả nỗi căm hận âm thầm người anh thứ hai vào năm 1954 đã không “cho” người chị dâu góa bụa di cư vào Nam cùng gia đình chồng(thật ra là không khuyến khích vì nhiều lý do mà cả bây giờ DTL, con người ưu tiên sống theo xúc động tình cảm, ít khi dùng lý trí để phân tích, cũng chả màng hiểu tới).

Sau 1951, chú út lúc này đã 9 tuổi được theo gia đình lên Hà Nội ở tại một căn phòng thuê ở phố Huế. Hai chị em DTL được nhập học trường tiểu học Hàng Vôi. Bà mẹ còn ở lại Quế Quyển và hoạt động về cung cấp thuốc Bắc và tạp hóa từ Hà Nội về ho các tiệm buôn lớn, nhất là hai tiệm thuốc Bắc và tạp hóa của hai gia đình Trung Hoa rất thân với gia đình DTL. Thường hai tuần một kỳ, bà lên cất hàng, ghé thăm cùng nghỉ một ngày một đêm tại căn phòng phố Huế. Những buổi này cả gia đình (thực ra chỉ có ba anh em của DTL dưới sự trông nom của người chị dâu lớn, còn tôi lúc đó đi dạy học ở Bần Yên Mỹ – Hưng Yên – chỉ về nhà vào dịp Chủ nhật cuối tuần và cũng ít có dịp ở nhà) vui tươi như ngày hội, phần ba anh em DTL được gần bà mẹ thân yêu, phần vì làm ăn khá giả, nên mỗi khi tới thăm, bà tiếp tế cho gia đình thật đầy đủ, quà bánh cho ba anh em DTL thật nhiều và trước khi lên xe kéo, ra bến xe hàng, bà không quên dúi cho mỗi cậu một ít tiền tiêu chơi...

Chú út sống như vậy êm đềm, nhẹ nhàng cho tới năm 1953 có một thay đổi lớn (!) trong gia đình, người anh thứ hai của DTL lập gia đình. Người chị dâu thứ hai của DTL là cháu ông hiệu trưởng trường tư thục trung học ở Yên Mỹ. Ông hiếu trưởng và gia đình người cháu gái này quê ở Bình Hồ, Hưng Yên, một làng nổi tiếng là trù phú nới một gia đình từ nhiều đời là quan và có nhiều ruộng đất giao cho dân làng làm rẽ. Làng này cũng có nhiều người dời lên Hà Nội mở tiệm buôn và thành công. Do các liên hệ bên thích bên thuộc, Bình Hồ những năm tháng yên bình trước 1945, vào dịp nghỉ hè là nơi tụ hội của các trai thanh gái lịch từ các thành phố về. Sau 1945 lại thành nơi thường trực ngụ cư của các thành phần trí thức, thương gia bằng hữu của những người gốc Bình Hồ tản mạn tứ phương kéo về. Thành thử, tại Bình Hồ lúc này có hai khuynh hướng sống. Một của những người không thích Cộng sản Việt Minh tìm cách gìn giữ lối sống trưởng giả lãng mạn xưa. Số còn trẻ tuổi bị lôi cuốn bởi những tư tưởng yêu nước chống Pháp do C.S. trương ra, cũng học đòi tham gia cách mạng, nhưng vẫn thích nếp sống dễ dãi của người tư sản trí thức và nhất là thích cái nếp sống dung hòa của cái gọi là “lãng mạn tiền cách mạng” và cái vô hình trung trở thành cái “ lãng mạn của đương thời cách mạng”.

Người chị dâu thứ hai này mang lại cho DTL chút lãng mạn thi vị đầu tiên mà DTL không tìm thấy ở người cuị dâu cả. Đó là nếp sống tự nhiên, phóng khoáng, “dễ dàng” và “thực”. Lấy nhau được ít lâu, chúng tôi về Hải Phòng dạy học tại các trường Trí Tri, Phụ Huynh Học Sinh và Cao Bá Quát. Chú út DTL cũng được theo xuống ở chơi qua 3 tháng hè năm 1953. người chị dâu thứ hai bản tính yêu thích con trẻ, từng nuôi cháu ruột cỡ tuổi DTL từ lọt lòng nên cũng chăm sóc DTL thật chu đáo, đầy đủ và nhất là tỏ ra thực tâm thương yêu đứa em út hiền lành và ít nói. Đặc biệt về cơm nước, DTL được thưởng thức những món ăn thật ngon và lạ. Với nét mặt phảng phất Tây phương, với cách sống hồn nhiên không kiểu cách cầu kỳ, với trang phục thật mới và sang, nhất là với một nụ cười thật tươi kèm theo đôi mắt rộng dài đuôi, DTL đã sống trong một khung cảnh mà năm giác quan nhạy cảm từ sớm của mình đã ghi nhận nhiều cảm xúc ở một kích thước khác hơn từ trước tới nay. 

THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN TRONG ĐÓ DU TỬ LÊ CHẬP CHỮNG LỚN LÊN 

Cho tới khi lên chín tuổi, DTL sống ở nơi sinh là thôn Vân Lâm ngoại, có tên gọi nữa là Quế Lâm hay phố huyến Kim Bảng, hay Quế Quyển để chỉ làng Quyển Sơn đối diện với Quế Lâm. Qua lại những ngày có phiên chợ bằng phà lớn hoặc thuyền nhỏ.

Là một giao điểm thuận tiện cho nhiều trục liên lạc như Sơn Tây, Việt Trì qua Cầu Phùng về Hà Nam phải đi qua Quế Quyển dọc theo con sông Đáy, hoặc theo đường bộ, trải đá dăm (xe hơi chạy đượ̣c) cho tới bên này sông là Quế và sang bên kia sông là Quyển có đường trải nhựa, với từng hàng cột dây thép đi xuôi Hà Nam – Nam Định, hoặc đi ngược về Tây Bắc qua Chinê (châu Lạc Thủy) tới Hòa Bình, hoặc xuyên qua núi về Kim Tân, Ninh Bình...Hàng năm cứ vào đầu mùa xuân, các đầu máy chở thiện nam tín nữ đông đảo từ Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và các tỉnh phụ cận với mấy tỉnh này nối đuôi nhau suốt ngày đêm với tiếng máy nổ nhịp nhàng ròn rã như pháo vọng về từ phương xa, cùng lúc chân vịt qwuay đều tạo thành những hàng sóng rẽ ra từ các đầu mũi tàu, liên miên bất tuyệt đẩy bèo, rong, các thân cây...dạt sang hai bên bờ, trên các tàu, tàu nào cũng treo cờ trước mũi và sau đuôi bay phần phật. Các khách du xuân áo quần sặc sỡ, người lớn đàn ông đàn bà, già trẻ, con nít từ trên boong tàu hoặc từ ô cửa sổ vẩy khăn san, khăn bỏ túi với hai bên bờ sông đầy dân làng thích thú thán phục trước cảnh “văn minh cơ giới” đem con người từ tỉnh thành về gần với thiên nhiên với một tốc độ đáng kính nể.. cũng vì tiện giao thông nên Quế đã là nơi quân Pháp tràn về hai lần trước khi chiếm hẳn từ năm 1950 tới năm 1954, sát hiệp định Geneve. Quế Lâm nằm ḍoc theo sông Đáy. Theo âm lịch cách năm ngày, cứ các ngày 2,7,12,17...có phiên chợ Quế họp từ cổng huyện xuống tới bến đò và rẽ sang các đường

Ngang...Vẫn theo âm lịch, vào các ngày 5,10,15...lại có phiên chợ huyện họp cũng từ cổng huyện qua các phố bên này Quế sang bên kia là Phương Khê và lan tới cả làng Đanh Xá. Quế, Phương Khê và Đanh Xá cũng ở bên này sông Đáy và do mối liên lạc kinh tế này (các phiên chợ Huyện) nên cũng được mệnh danh là ba phương chợ Quế.

Quang Dũng tả sông Đáy khúc trên “chậm nguồn qua Phủ Quốc”. Trong khi ở khúc dưới này, chúng tôi thấy sông Đáy không những không chậm mà mà có phần mang lại nhiều thay đổi mỗi năm tùy mùa, tùy hoàn cảnh, lạ, vui, đôi khi kinh hoàng nữa. Thật vậy ngoại trừ ba tháng mùa nước từ tháng 8 cho tới tháng 10, nước lũ từ mạn ngược tràn về như thác đổ với tốc độ thật nhanh, chở theo đủ các thứ từ cây cỏ, rong rêu, cành củi, đặc biệt là bèo tây từng bè khổng lồ dày đặc bao kín mặt sông, lồng lộn, đỏ ngầu cuồn cuộn đẩy nhau, như tranh cướp đường đi lối tới để thoát khỏi cơn điên cuồng thịnh nộ của thiên nhiên. Qua mùa con nước như vậy, đôi khi trong đám bèo có một thây người chết thường là đàn ông hoặc con nít, giạt vào bên bờ rồi kẹt lại gây thành một tin thời sự nóng bỏng, cuốn hút từng vòng từng vòng người chen lấn quây quanh mấy viên chức điều tra, vớt lên trình huyện trước khi cho qn tq́ng. Trong dịp “phá tan tấn công chủ động” của Việt Minh đối với Pháp, càng gần vào mùa con nước 1947, 1949 rất nhiều xác chiến binh Pháp trôi dạt về khúc này của sông Đáy và cảnh tượng kể trên lại diễn ra, có phần sôi nổi và đông đảo hơn vì các xác chiến binh Pháp từ hình thể tới trang phục và phụ tùng có phần đặc biệt, lạ mắt hơn...

Dọc theo bờ sông Đáy là một con đê cao ngăn lụt, trải đá dăm thành đường xe hơi chạy được. Bên này đê sát với dông là một số làng mạc trong đó có làng Quế sống phần lớn do thương mại và trồng trọt, với các mùa ngô, khoai, sắn mía...Bên kia đê đi sâu vào trong là các làng mạc nằm thấp hơn mực nước sông, các thửa ruộng thì luôn luôn đầy nước sau mỗi trận mưa và biến thành biển hồ mỗi khi tới mùa nước. Đi thuyền từ trong ra ngoài phải dùng thuyền đẩy sào.

Huyện Kim Bảng nằm sát một dọc núi thuộc dãy 99 ngọn từ Việt Bắc bò vào miền Trung. Dãy 99 ngọn này chạy từ Hòa Bình qua Chinê (châu Lạc Thủy) xuống Ninh Bình rồi vô Thanh Hóa. Từ Chinê về tới Quyển lối vài ba chục cây số. Và dãy núi này đuôi về tận Quyển Sơn, Lạt Sơn (quê hương cố văn sĩ Lý Quốc Sinh) với ba ngọn núi lạc lõng bên lề là ngọn núi Cấm ở Quyển, núi Vôi ở Thụy Sơn và núi đá ở chùa Bà Đanh.

Như vậy có thể nói không sợ phóng đại, quê hương DTL gồm cả hai yếu tố : hữu tình và hùng vĩ, đời sống gần gụi văn minh, xe hơi, xe mô tô, xe ngựa, tàu thủy, thương thuyền, đò ghe...và cũng phần nào lạc hậu từ thời trung cổ: xe bò, xe trâu, thuyền thúng bơi chèo và đẩy sào.

DTL đã sống chín năm liền ở khung cảnh trên và đã trải qua tất cả các phương tiện di chuyển đã kể, tất cả, các nơi chốn từ những cuộc di cư vào Đồng Lạc (Đồng Chiêm đi bằng xuồng, thuyền đẩy sào...) tới lóc cóc ngồi trên những chiếc xe bò vào mấy Cốc (Kim Bảng cũng có nhiều “cốc” như bên Tàu có Tuyệt Tình cốc được nổi tiếng nhờ Kim Dung...) tạm lánh bốn tuần chờ khi quân Pháp rút khỏi Quế Quyển đoàn người di cư lại giã từ các làng xóm trong khu Đồng Chiêm hoặc các núi rừng ven các “cốc” để về làng cũ nối lại đời sống tương đối êm ả bên con sông Đáy có chín tháng mỗi năm trôi xuôi nhẹ nhàng hầu như bất động.

Cũng trong thời gian này gia đình có hai đám tang. Một là ông thân sinh và hai là chị ruột của DTL, cùng qua đời năm 1946 cách nhau bốn tháng. Với bốn tuổi non nớt, DTL không còn nhớ gì nhiều ở ý thức, nhưng chắc hẳn trong tiềm thức và vô thức, DTL đã ghi sâu hình ảnh hai người thân yêu bị gói lại, bỏ vô hòm “rước” đi vùi xuống ở một bãi đất xa xôi, hoang lạnh. Những cảnh vật vã chết đi sống lại của bà mẹ, các chị, các cô, các chú...Cùng sống trong khung cảnh gia đình, mà người anh cả để lại, hai tập nhật ký trong sáng về sinh hoạt và tình yêu viết bằng Pháp văn khi anh đang học năm chót chương trình Thành Chung tại Thái Bình, đến thời kỳ tôi lớn lên cũng chia sẻ tất cả các biến cố thời DTL, chỉ khác tôi hơn Lê 12 tuổi nên tâm trí tôi dù có bị ảnh hưởng cũng không đến độ bi quan u ám như DTL. Và trong các sáng tác của tôi kể cả những nguồn gốc cảm hứng đen tối tuyệt vọng nhất vẫn dành cho thiên nhiên một vị trí lành mạnh chở che và ít nhiều năng lực hàn gắn phục hồi... 

XUẤT THÂN TỪ MỘT GIA ĐÌNH NHO GIÁO, DO HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT THỜI ẤU THƠ,

 DTL mang nặng một tiềm thức chống đối tập quán cứng rắn, giáo dục nghiêm khắc, quyền hành và vũ lực.

Từ tấm bé cho đến khi lớn lên Trung học, DTL lớn lên trong chiếc nôi đầy ắp tình thương của bà mẹ, trong những vòng tay êm ái vỗ về nâng niu của các bà chị, nên tất cả những gì trái ngược với dịu hiền, nhẹ nhàng, bao dung...đều bị DTL chống đối, phần lớn theo kiểu phái yếu : chịu đựng, âm thầm để dần dà tích lũy trong tiềm thức và sẵn sàng tuôn trào ra trong các vần thơ và các đoạn văn.

Như trên đã có dịp trình bày DTL có người anh kế cận lớn hơn năm tuổi. Người anh này tính bất thường và thích dùng sức mạnh bắt DTL theo mình. DTL đã phản ứng một cách rất ý nghĩa và tiêu cực là chọn đi chơi cùng người chị lớn hơn DTL hai tuổi và gia nhập nhóm bạn gái cùng lứa tuổi của chị. Dần dà DTL mang ảnh hưởng sâu đậm của các tính chất nữ phái đến độ tất cả những gì mang tính chất đàn ông, nghiêm khắc, quyền hành độc tài, sức mạnh đều bị DTL nhất tề chống đối mãnh liệt bằng mọi phương cách từ thụ động (nhẫn nhục) tới tích cực (bỏ nhà ra đi, tuyệt giao, ly dị...).

Nếu như thơ văn DTL được gán cho tính chất nổi loạn thì tôi nghĩ một trong những nguyên cớ là do sự kiện DTL đã thụ đắc từ thời thơ ấu bản chất nữ tính hầu như duy nhất độc tôn trong ý thức và vô thức.

DTL hy sinh cả sự gần gũi mẹ hiền và chị thảo để xa lánh quyền huynh trưởng quá nguyên tắc và nghiêm khắc bằng cách bỏ nhà ra đi tìm tự do ngay khi vừa chớm 14 tuổi. DTL đã phải cắt đứt tình nghĩa với các người tình và người vợ sau khi những người này bị hút cuốn tới DTL do bản năng mẫu tử muốn cưu mang, săn sóc, che chở cho hình ảnh một trẻ thơ cô đơn, thiếu an ninh, thiếu tình thương. Rồi cũng những người tình và người vợ này khi chuyển đổi vị trí từ người mẹ bao dung, dịu hiền sang vai trò người tình, người vợ trong cơn thịnh nộ của “ngứa ghẻ, hờn ghen” đã vũ bão phản ứng, la hét đôi khi dùng vũ lực đánh đập đâm chém DTL. Kết quả đương nhiên là tan vỡ vì họ đã va phải cái thành trì bất bại tức bản năng dịu dàng uyển chuyển “nhu thắng cương” của nữ phái nằm sâu trong tâm thức DTL.

Sau người anh kế cận mà tính nết trái hẳn với DTL. Tới tôi có lẽ là người cũng gây cho DTL nhiều xô xát về tính tình. DTL cũng phản ứng chống lại cung cách hướng dẫn gia đình (theo quan niệm quyền huynh thế phụ) của tôi. Tuy nhiên, do các hoạt động trí thức của tôi, ít nhiều tôi nghĩ DTL cũng có bị ảnh hưởng dù ở chiều này hay chiều kia của mức trung dung.

Trước 1953, gia đình chúng tôi còn do bà mẹ và bà chị dâu quán xuyến. Tới 1954, nhất là sau Geneve trách nhiệm lo toan đã chuyển sang cho vợ chồng tôi, vì hoàn cảnh di cư, bà chị dâu cả không vào Nam, bà mẹ chúng tôi cũng không thể sử dụng các khả năng kinh doanh. Cũng vào dịp này, DTL lên Trung học và đậu vào Chu Văn An. Vợ tôi nhờ ông chú Y sĩ đưa DTL vào bệnh viện Thanh Quan giải phẩu cắt bỏ một “Cự Phách” (nghĩa đen là ngón tay cái lớn). DTL gia nhập đoàn Hướng Đạo và đồng thời có một số bạn hợp tâm hợp tính. Sinh hoạt Hướng đạo tạo cho DTL một thân thể tương đối cường tráng trong một tâm hồn trong lành. Nhưng có lẽ chính nhóm bạn CVA này đã ảnh hưởng tới khuynh hướng sinh hoạt tương lai của DTL. Vì phải đảm trách đại gia đình gồm mẹ tôi va hai con nhỏ, nên vì quản trị ngân sách gia đình tôi có phần chặt chẽ. Do đó ai nấy đều không được hài lòng kể từ mẹ tôi trở xuống qua vợ con tôi đến các em. Về phương diện hướng dẫn sinh hoạt hàng ngày để nhắm tới thăng tiến trong tương lai, đường lối tôi yêu cầu các em áp dụng rất giản dị nhưng cũng khó tuân theo : phải chăm học để được xếp vào hạng trên cùng, ngoài giờ đi học về, phải ở nhà chăm chỉ trau dồi bài vở, không tụ chúng tụ bạn đi chơi trừ một buổi sáng hoặc chiều cuối tuần. Thời khắc biểu và nguyên tắc này dĩ nhiên bị chống đối. Em gái tôi duy nhất tuân theo mặc dù là miễn cưỡng. Còn hai em trai trong đó có DTL rõ ràng là không theo. Do đó có nhiều khi tôi phải dùng tới hình phạt roi vọt...điều này cũng gây nhiều giận hờn nơi các em tôi và đã từng phản ảnh trong một vài sáng tác của DTL.

Ngoài các điều gò bó hàng ngày trong sự sống của một người muốn sống đàng hoàng, tôi coi như một hoạt động giải trí (hobby) hay đó là một hoạt động tinh thần nhằm giải tỏa thực tại (evasion) trong việc đọc thơ văn, nghiên cứu đàm đạo văn nghệ với bạn hữu từ trung học tại Hậu phương thời kháng chiến cho tới Đại học Hà Nội hoặc tại các buổi sinh hoạt văn hóa thu hẹp ở các trường tư thục tôi dạy từ Hà Nội, Hải Phòng tới Sài Gòn – Gia Định.

1957, DTL bắt đầu viết văn, làm thơ, gởi đăng tại các báo Sài gòn.

1960, DTL mười tám tuổi, vướng mắc vào một cuộc tình vũ bão đầu tiên với một cô gái Tàu trong Chợ Lớn. Gia đình phải can thiệp, dàn xếp với phía người con gái. Năm sau, DTL rời gia đình đi tìm cho mình một nếp sống riêng. DTL chọn cho mình nghề viết văn và làm thơ. Sinh hoạt tinh thần đặc thù này duy nhất có triển vọng giúp DTL giải đáp được những câu hỏi lớn của chính cuộc sống, của chính sự hiện diện của con người trên mặt đất và sinh thành của tình yêu và hận thù, của thiên nhiên vô lý mà cũng hữu tình. Tất cả những điều này, những sự kiện này, những cuốn phim ảnh này, đã từng lớp chất chồng dồn nén trong tâm thức chú út “Cự Phách” của họ Lê Đình, từ khi sanh 1942 tại Quế Quyển Hà Nam tới bước di cư đầu tiên lên Hà Nội năm 1951. Sau đó chỉ còn là những dấu hỏi lớn kể trên mà cường độ do tác dụng “nhịp bước đều” đã tăng lên khủng khiếp như từng được phủ nhận trong thơ văn DTL từ thập niên 1960 tới đầu thập niên 1990

– 2/1992

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21067)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15948)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17595)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10310)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18773)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5133)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1868)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2419)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2255)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23571)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20056)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8866)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9903)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9278)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12336)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31823)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21558)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26608)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24048)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22840)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20954)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18984)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20163)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17724)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16810)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25889)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33206)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35612)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,