Trần Thành
Tôi có theo dõi truyện ngắn của ông, tôi thấy đề tài của ông rất đa dạng. Từ thời sự, chiến tranh, phản kháng tới tình yêu đất nước và tình yêu đôi lứa.
Thưa ông: Những đề tài đó có xuất phát từ những cảm nghiệm cá nhân của ông không? Nếu có thì chừng bao nhiêu phần trăm?
Nhà Văn Song Thao trả lời:
Trong truyện tôi viết thường là sự trộn lẫn giữa cái thật ngoài đời và hư cấu. Thấy một nhân dáng, một hình tượng, một cảnh quan hay một sự việc, lòng bỗng xúc động, cái tay động đậy muốn trải những cảm xúc ra giấy, vậy là suy nghĩ, đào sâu tình huống, sắp đặt thành truyện. Không biết các vị khác viết truyện ra sao chứ tôi thì tôi nghĩ tới cái kết trước rồi dẫn dắt nhân vật hoặc các nhân vật tới cái bến mà mình đã đặt ra trước. Đôi khi các nhân vật vùng vằng theo diễn tiến truyện khiến mình bị lôi kéo theo tạo ra những tình huống mới rất đa dạng và thú vị. Nhưng cuối cùng, tác giả cũng sẽ giải giao nhân vật tới bờ bến của mình.
Bao nhiêu phần trăm là thật, bao nhiêu phần trăm là giả, thật khó đong đếm. Nhưng đong đếm làm chi nhỉ?
Hoàng
Có bao giờ ông cảm thấy “cạn” đề tài quá, và “ẩu tả” trong công việc viết không?
Nhà Văn Song Thao trả lời:
Ngay từ khi bắt đầu viết thường xuyên mục “Phiếm” cho các báo, tôi cũng đã dự trù có ngày sẽ cạn đề tài. Nhưng phúc đức quá, việc đó chưa xảy ra. Nếu nó xảy ra thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chuyện gì mà chẳng có hồi chung cuộc! Nếu cạn đề tài thì tôi sẽ ngưng viết vì có ai gí súng vào lưng bắt tôi phải viết đâu! Cần chi phải tự mình làm mình ngượng ngùng bằng những bài viết “ẩu tả”.
Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ tới câu chuyện của tôi với nhà thơ Đỗ Quý Toàn. Trong một buổi ngồi nói chuyện chơi ở Montreal, nhà thơ nói với tôi là có một độc giả hỏi ông làm thơ có khó không? Ông bập bập một hơi chiếc tẩu thuốc lá, cười mỉm, nói : “Tôi trả lời là khó thì làm làm chi cho cực!”
KínhNguyễn
Kinh nghiệm sống, sự từng trải cộng với những chiêm nghiệm, quan sát chung quanh, cọ sát xã hội dường như là những chất liệu quý báu cần thiết cho một nhà văn? Ông cũng có làm thơ, như vậy điều này có cần cho một nhà thơ không, theo ông?
Nhà Văn Song Thao trả lời:
Có lẽ bạn lộn rồi. Tôi chưa bao giờ làm thơ một cách nghiêm chỉnh. Thỉnh thoảng có vẽ vời viết ra những câu vần nhưng là do bạn bè bắt tôi phải tham gia cho vui vậy thôi. Tôi chưa bao giờ coi đó là thơ. Chữ nghĩa trong thơ là những hạt ngọc mà tôi chưa sở hữu được. Không làm thơ nên tôi không biết trong người các ông nhà thơ có những thứ gì. Bạn có cần tôi làm một cuộc thăm dò hoặc điều tra không?
Hoàng Oanh
Xin ông cho tôi hỏi một câu hỏi có tính cách cá nhân: Nếu ông không trả lời cũng không sao?
Thưa ông, công việc viết lách của ông có ảnh hưởng đến …hạnh phúc gia đình? Phu nhân của ông có đọc và góp ý với ông không trong những tác phẩm ông viết? Ông có cháu nào theo nghiệp của Bố?
Nhà Văn Song Thao trả lời:
Viết là chuyện vui chơi. Mà vui chơi thì có chi nghiêm trọng. Bà xã tôi là độc giả thứ nhất của những bài viết của tôi. Hay nói theo kiểu vui chơi thì bả là nhà kiểm duyệt không được tuyển mộ nhưng rất hăng say. Nói vậy nhưng đôi khi tôi cũng phải dựa vào bả để biết các bà nghĩ gì, thấy gì và thích gì trong những bài viết để theo đó, tôi uốn theo chút đỉnh. Các con tôi, hai cháu lớn rời Việt Nam khi mười hai và mười tuổi còn đọc được chữ Việt. Đôi khi cũng thấy các cháu cầm sách của tôi đọc nhưng đọc như thế nào thì quả thực tôi không rõ. Chẳng nên trông đợi quá nhiều. Được sao hay vậy. Bàn tay chúng ta ngắn lắm, chẳng thể nắn được cuộc sống đâu!