2-Kinh Nguyen:
Ông Du Tử Lê nói, ông là người rất giầu có về vốn sống. Từ đó tôi có 4 câu hỏi nhỏ mong ông trả lời đó là:
a- Tôi muốn hỏi đó là những loại vốn sống
nào? Xã hội hay tình ái?
b- Đó là những kinh nghiệm bản thân của ông
qua nhiều biến động của thời cuộc, đất nước tích lũy trong ông?
c- Vốn sống nào ông có, được coi là nhiều
nhất?
d- Và vốn sống loại nào được ông dùng tới
nhiều nhất khi viết tiểu thuyết?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
a- Tôi muốn hỏi đó là những loại vốn sống nào? Xã hội hay tình ái?
Từ năm 1976 đến năm 1982 (7 năm) tôi làm phóng viên báo Tuổi Trẻ. Thời đó đi công tác chỉ có cây bút và cuốn tập học trò, vậy mà lặn lội vào các đồng bưng, rừng núi theo thanh niên xung phong, theo bộ đội sang “giải phóng Campuchia”. Khi thì đi xe máy cày, khi thì xe bộ đôi, lúc cưỡi voi, lúc cuốc bộ băng rừng, lội sình, lội suối nước lên tận cổ… Công tác phí thì không có, ăn nhờ ở đậu bất cứ nơi nào mình đến, kể cả những buôn làng người dân tộc. Nói chung là rất khổ, nhưng cũng rất vui và cái lợi lớn nhất là tích lũy vốn sống. Còn loại vốn sống thuộc “phạm trù tình ái” thì tôi cũng gởi nhà băng được một ít nhưng số dư (balance) trong tài khoản chắc không bằng anh Du Tử Lê.
b- Đó là những kinh nghiệm bản thân của ông qua nhiều biến động của thời cuộc, đất nước tích lũy trong ông?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Vâng, thưa anh, những vốn sống ấy phần lớn là kinh nghiệm bản thân. Đôi khi trên đường “tác nghiệp” tôi cũng được nghe kể lại. Nhưng nếu chỉ nghe kể lại mà không từng sống trong những hoàn cảnh của lời kể thì cũng không thể cảm thụ sâu sắc được. Ví dụ tôi từng kể chuyện trong tù cho con tôi nghe, nhìn nét mặt chúng tôi thấy chúng cũng không cảm nhận được bao nhiêu.
c- Vốn sống nào ông có, được coi là nhiều nhất?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Tôi sống ở trong nước gần 70 năm rồi, cuộc đời cũng bầm dập, chơi với đủ hạng người từ quan chức cao cấp, các nhà tu hành cho đến trộm cướp, xi ke ma túy, có khi làm việt cộng, có khi làm “lính ngụy” cho nên cũng tạm gọi là “hiểu đời”. Chỉ có một số mảng đời tôi mù tịt đó là “làm quan”, làm “nhà giàu” và làm “tham nhũng” (rất tiếc vì mình không có cơ hội!).
d- Và vốn sống loại nào được ông dùng tới nhiều nhất khi viết tiểu thuyết?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Vốn sống tôi dùng trong các tác phẩm văn học nhiều nhất thường là vốn vay của nữ giới, tuy lãi suất có hơi cao nhưng thường là trả được hết, (cả vốn lẫn lãi) cho nên chị em cũng không ai than phiền.
Kế đến là vốn vay từ dân nghèo (vì sự thật gia đình cha mẹ tôi, bà con tôi đều là dân nghèo, nhất là thời Việt Minh ở miền Trung) và hiện nay thì vay vốn từ những cảnh đời trên đường phố. Tôi chơi với những người dưới đáy xã hội, tôi thương họ nên họ cũng thương tôi. Có khi họ là phái nữ. Tôi tôn trọng họ nên tôi có nhiều bạn bè trong giai tầng đó.
Và hiện nay ở tuổi bảy mươi, vốn sống của tôi là nỗi buồn, là sự ám ảnh của tử sinh. Nhờ thế mà rộng lượng hơn, yêu người hơn, yêu các vật nuôi trong nhà, yêu chim chóc. Có lần tôi đi chợ mua mấy con cá nhỏ về cho mèo ăn, nhưng khi đem luộc thì thấy chúng còn sống, chúng giãy chết trong nước sôi, tôi muốn khóc. Tôi nghĩ: mình thương con mèo nhưng lại làm hại những con cá, sao có thể như thế được? Từ đó tôi đi chợ chỉ mua cá đã chết.
ĐÀO HIẾU
8/7/2015