1. Nguyễn Đăng Khoa:
Kính chào nhà văn Đào Hiếu, tôi đã đọc hai cuốn sách của ông là Bù Khú Tiên Sinh và Đốt Đời. Dù không thể phủ nhận những vốn sống dày đằng đặc như rừng của ông đã là những vôi vữa chủ chốt xây dựng nên tác phẩm. Nhưng rõ ràng, tình ái cũng chứng tỏ vai trò rường cột của nó trong tác phẩm Đào Hiếu. Vậy, ông sẽ nói đôi điều về tình ái với bạn đọc chứ? Nó xuất hiện, xoa dịu, chữa lành những bi kịch khác ra sao, nó có nhất thiết tồn tại trong một tác phẩm không, và liều lượng, vai trò của nó như thế nào góp vào thành công của tác phẩm. Xin cảm ơn nhà văn"
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Tình ái đương nhiên cũng là vốn sống chứ. Tình ái lá thứ vốn sống đa dạng nhất, quan trọng nhất của bất cứ nhà văn nào. Những thứ vốn sống khác cũng quan trọng nhưng thường tập trung trong những tác phẩm mang tính triết học về thân phận con người, về lẽ tử sinh, về sự phi lý của kiếp sống. Ví dụ như L’Étranger của Camus không có tình ái. Zorba của Kazantzakis không có tình ái, Ông Già và Biển Cả của Hemingway không có tình ái, Con lừa và tôi của Jiménez cũng không có tình ái.
Nhưng tác phẩm của Shakespeare thì đầy dẫy tình ái, mà toàn là bi kịch tình ái: nào là Romeo và Juliete, Nào là Hamlet và Ophelia. Còn Nguyễn Du thì lại có một nàng Kiều với mối tình đau khổ…Bonjour Tristesse cũng tình ái, Le repos du Guerier cũng tình ái, Hồng Lâu Mộng cũng tình ái, ngay cả Tam Quốc chí, Hán Sở Tranh Hùng cũng tình ái…Nói chung không thể tách tình ái khỏi những tác phẩm văn học được.
Gần đây nhiều nhà thơ có ý “né” tình ái vì thấy nó “không lớn”. Họ thích những tâm trạng, những mảnh vỡ xã hội, những số phận… hơn. Tuy nhiên, theo tôi thì “đề tài” không quan trọng. Cái quan trọng là anh viết có “mới lạ” không? Có “hay” không?
Tôi thì viết đủ loại đề tài: chiến tranh, sự bần cùng, sự áp bức, bất công trong xã hội, sự hữu hạn của kiếp người…nhưng dù là đề tài gì thì cũng không bao giờ vắng bóng hai chủ đề lớn đó là tình ái và cái chết. Không có nhà văn nào, không có tác phẩm nào (kể cả âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, điện ảnh…) bỏ qua hai chủ đề lớn đó.
Nhưng suy cho cùng thì tác phẩm văn học và nghệ thuật trước hết là tác phẩm về cuộc đời, có nghĩa là nó bao gồm tất cả. Vì thế có lẽ chúng ta không nên đặt ra chuyện “chủ đề”. Tại sao lại phải chủ đề? Bởi vì tác phẩm là cuộc đời.. có khi nguyên vẹn, có khi chỉ một góc, có khi tròn trịa, có khi nham nhở… nhưng tất cả đều là những rung động được nhặt lấy từ gió bụi, từ cỏ hoa, từ rác rưởi hay từ xác thịt…
Tôi viết tất cả hơn 20 tác phẩm dài. Và tôi đã đọc đi đọc lại chúng. Thỉnh thoảng tôi thấy mình thất bại, nhưng cũng không phải là không có những lay chuyển sâu thẳm khi tìm lại những trang viết cũ.
Điều buồn nhất của một tác giả luôn là “người đọc”. Người đọc không đồng điệu, khác tần số. Người đọc khác thế hệ, người đọc quá đơn giản. Ối trời ơi, đọc một tác phẩm văn học để tìm thông tin thì xin đừng đọc còn hơn. Đọc một tác phẩm văn học chỉ để biết cốt truyện thì xin đừng đọc còn hơn. Tác giả chỉ cần họ cùng rung cảm với mình ở một đoạn văn, hoặc thậm chí một câu cũng là tri kỷ rồi. Thật đáng sợ. Có khi ngay cả một câu cũng không có, mặc dù độc giả ấy có thể kể vanh vách cốt truyện như một bản tin thời sự. Nhận định một tác phẩm mà a dua thì tội cho tác phẩm quá, bởi vì như thế có nghĩa là anh ta chưa đọc tác phẩm hoặc anh ta bị rớt nhịp ngay từ phần intro.