Nguyễn Thị Thuỵ Vũ

22 Tháng Giêng 202212:30 CH(Xem: 1675)
Nguyễn Thị Thuỵ Vũ
Sự khác biệt về tính dục trong truyện Nguyễn Thị Thụy Vũ và các nhà văn nữ khác.

thuyvu_caolinh-content-content


Đề cập tới trường hợp Nguyễn Thị Thụy Vũ, một cây bút nữ từng đưa tới nhiều nhận định khác nhau, thậm chí mâu thuẫn trong cách nhìn của một số người cầm bút ở miền Nam Việt Nam, trước cũng như sau biến cố 30 tháng 4 -1975.

Tôi nghĩ, để dễ theo dõi hành trình văn chương của cây bút nữ họ Nguyễn này, chúng ta có thể tạm chia hành trình đó làm ba giai đoạn.


Giai đoạn thứ nhất: Xuất hiện.

Những người từng dõi theo sinh hoạt văn chương của Nguyễn Thị Thụy Vũ kể rằng, năm 1963, trên tạp chí Bách Khoa, Saigòn, người đọc thấy xuất hiện một số truyện ngắn của một cây bút nữ lạ huơ lạ hoắc. Sự huơ, hoắc này không chỉ mang ý nghĩa một tên tuổi mới, mà, nó còn huơ hoắc ở cả phương diện nội dung nữa. Đó là những truyện ngắn ký tên Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Nếu không kể những nhà văn nữ có tác phẩm và tên tuổi ít nhiều bập bùng bước trên lộ trình văn chương tiền chiến, (điển hình, ảnh hưởng dòng văn chương Tự Lực Văn Đoàn, như Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo…) thì đó là:

- Thời điểm của một Nhã Ca đã sớm có chỗ đứng riêng, vững vàng cả về thơ lẫn truyện.

- Thời điểm của một Túy Hồng đã định hình lấy cho mình bằng một văn phong chanh ớt, rất địa phương. Rất Huế.

- Thời điểm của một Trùng Dương muốn trở thành phát ngôn viên của triết lý Hiện sinh ở miền Nam, thể hiện qua văn chương, nối tiếp bước đi của Francoise Sagan ở Pháp. (1)

- Và, đó cũng là thời điểm của một Nguyễn Thị Hoàng vừa chính ngọ, với tác phẩm "Vòng Tay Học Trò"…

Tuy xuất hiện có phần trễ hơn một chút so với những cây bút nữ vừa kể, nhưng tác giả “Mèo đêm” Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng đã cho thấy móng vuốt của mình. Những móng vuốt sắc, nhọn và, một võ công có thể gây hiểm nghèo cho địch thủ khi lâm trận…

Giai đoạn thứ hai của hành trình văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ, đánh dấu bằng tập truyện đầu tay, “Mèo đêm” của bà.

Tập truyện “Mèo Đêm” của Nguyễn Thị Thụy Vũ, gồm 4 truyện ngắn được coi là tiêu biểu cho thời kỳ thăm dò, khai khẩn cánh rừng văn chương, chữ nghĩa của bà. Cả bốn truyện đều có nội dung như những lưỡi dáo lao thẳng vào các mục tiêu tình dục.

Tình dục qua tác phẩm này, có hai nguồn mạch chính:

-Ẩn ức sinh lý của các nhân vật là những người nữ quá thì (Các truyện “Một buổi chiều” và “Đợi chuyến đi xa”).

- Hai truyện còn lại “Mèo đêm,” “Nắng chiều vàng” đề cập tới những hoạt động mưu sinh trên thân xác mình, của những cô gái bán bar và, bán thân cho quân đội Mỹ.

Không phải đợi tới lúc Nguyễn Thị Thụy Vũ xuất hiện, tình dục mới chiếm với trò chính diện, hay trở thành con bài chủ của thế giới văn chương nữ giới miền Nam Việt Nam.

Trước bà, người ta đã được đọc một Nguyễn Thị Hoàng với những trang văn xuôi cháy khét những hòn than tình dục táo tợn.

Trước bà, người ta cũng đã được đọc một Túy Hồng với những dòng chữ như những khối thuốc nổ cận giờ bộc phá.

Và, sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta không nhắc tới một Trùng Dương qua văn chương, đã cho thấy tham vọng chiếm lĩnh ngọn cờ đầu mang tên hiện sinh, với những trang văn xuôi mở vào những cuộc phiêu lưu tình dục không duyên cớ. Ý niệm quá khứ, tương lai gần như vắng mặt, nhường sân khấu cho tình dục, khi xác thịt lên tiếng.

Tới đây, theo tôi, đã đến lúc chúng ta nên nêu câu hỏi:

- Lý do gì hay tại sao những truyện ngắn của Nguyễn Thị Thụy Vũ ngay tự những xuất hiện thứ nhất, vẫn có khả năng khuất động biển nước tình dục, trong lúc nó vốn không thiếu những con sóng cấp bảy, cấp tám, hung hãn đánh vào những thành trì bảo thủ cố cựu theo truyền thống khép kín, ngậm thinh của đa số phụ nữ Việt Nam thời đó?

Một câu hỏi khác, theo tôi đáng kể không kém, cũng nên nêu lên là:

- Cùng khai thác đề tài tình dục từ chỗ đứng, từ cảm nghĩ của người nữ như những ngọn hải đăng soi đường, vậy liệu có khác biệt nào chăng giữa những cây bút nữ vừa kể với cõi giới văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ?

- Đồng thời: Sự khuấy động trong lãnh vực tính dục của những cây bút nữ kia, có mang một ý nghĩa nào khác hơn chính sự… khuấy động?


Về câu hỏi thứ nhất, theo tôi, tuy cũng là chủ tâm mở toang cánh cửa cấm cản, phá xập hàng rào giam hãm mọi phát biểu về sinh hoạt tâm - sinh lý người nữ bởi phong tục, tập quán lâu đời của phương đông, nhất là của người phụ nữ Việt Nam… Nhưng, nếu những nhà văn nữ đi trước Nguyễn Thị Thụy Vũ như Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương hay Túy Hồng xây dựng bối cảnh tác phẩm của họ ở những thành phố lớn; với những nhân vật nữ hầu hết thuộc giai cấp trí thức, thành thị thì, bối cảnh của Nguyễn Thị Thụy Vũ lại là những nhân vật nữ tỉnh lẻ. Hầu hết không thuộc thành phần trí thức. Họ là những phụ nữ thuộc giới “chân quê.”

Vì thuộc giới nông dân, lam lũ, ít học, cho nên những nhân vật của Nguyễn Thị Thụy Vũ không mấy bận tâm tới những vấn đề trừu tượng, như con người được sinh ra để làm gì? Định mệnh nào đã trói thúc tay chân con người và, sẽ đẩy đưa thân phận họ tới những vùi dập, lãng quên nào?

Nhân vật của Nguyễn Thị Thụy Vũ đơn giản hơn. Chân thật, mộc mạc hơn. Mặc dù cũng buông thả theo nhu cầu của bản năng, nhưng nhân vật của tác giả “Mèo đêm” không được tác giả đắp, choàng lớp áo suy tư; sơn phết những lớp sơn triết lý lên thịt da trần trụi của nhân vật mình…

Tuy cùng khai thác đề tài tình dục từ chỗ đứng, từ cảm nghĩ của người nữ như những ngọn hải đăng soi đường, nhưng nhân vật của Nguyễn Thị Thụy Vũ vốn gốc tỉnh lẻ, chân quê, nên bà đã không cho họ bước ra tiền trường văn xuôi với nhung lụa văn chương rực rỡ, hoặc bóng bẩy, láng lẫy chữ nghĩa như Nguyễn Thị Hoàng.

Nhân vật của cõi-giới văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng không đặt vấn đề thượng đế đã chết hay vẫn còn sống? Họ không hề thao thức, trằn trọc trước lằn ranh ăn thua đủ với Thượng đế, như trong truyện của Trùng Dương. Họ chỉ sống. Thản nhiên, sống. Như không hề cật vấn, tại sao được sinh ra?!!

Cũng vì tính tỉnh lẻ, lam lũ kia mà, ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trong truyện Nguyễn Thị Thụy Vũ, cũng là những đối thoại “trực chỉ.” Không lập lòa trí thức. Không ẩn dụ kỳ khu cao siêu.

Đáng kể hơn nữa, theo tôi là thứ ngôn ngữ mang đầy tính miền Nam. Thứ ngôn ngữ nói thẳng đuột. Khỏe mạnh. Gân guốc. Sáng rỡ.

Thí dụ đoạn đối thoại trong truyện dài “Khung rêu,”(2) một truyện lạc khỏi dòng chảy quen thuộc của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Một truyện được tác giả đặt trên vòng quay ngược thời gian, trở lại với những chủ đề ông chủ và đầy tớ, quan lớn và lê dân, tôi đòi thời phong kiến - - Khiến người đọc nhớ tới những tác phẩm từng nổi tiếng một thời của chương xã hội, tả chân, thời tiền chiến. Điển hình như tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố; (3) “Giông Tố” của Vũ Trọng Phụng (4)…

Đó là mẩu đối thoại đầy tính chất nam bộ, trong buổi sáng mồng một Tết, giữa bà Phủ và cô đầy tớ (đã mang theo với ông Phủ) như sau:

Giọng bà Phủ làm ả chợt tỉnh:

“ ‘Sao? Chúc ông bà năm mới cái gì đây? Nói hết câu cho bà nghe coi.’

“Ngà nắm hai bàn tay vào nhau, ngập ngừng:

“ ‘Năm mới con chúc ông bà…trường thọ.’

“Bà Phủ cười cởi mở:

“ ‘Dữ ác hôn?’ ”

Ở lãnh vực tả cảnh, cũng vậy. Nguyễn Thị Thụy Vũ không chủ tâm làm văn chương. Bà cũng không cho những cảnh tượng ghi nhận một so sánh hay liên tưởng tân kỳ nào, ngoài thứ ngôn ngữ mạnh mẽ, như những cú đấm thẳng tay. Chắc nịch.

Thí dụ, khi tả bóng đêm đã về trên đường phố, nếu là Nguyễn Thị Hoàng người đọc sẽ được thưởng thức chí ít cũng một đoạn dài, nếu không muốn nói là có thể dài tới nửa trang viết.

Nhưng ở thế giới văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ, nó đã được thu gọn trong một câu rất ngắn mà, rất gợi hình (kể cả gợi dục):

Bóng tối đã ôm choàng thành phố ngoài khung cửa…”

(“Đợi chuyến đi xa,” trong “Mèo đêm.”)

Trong truyện “Lao Vào Lửa” (xuất bản năm 1967,) khi tả sự ganh ghét, tỵ hiềm của những “đồng nghiệp” thâm niên trong nghề bán thân, trước sự may mắn hãn hữu của một “lính mới,” được một chàng GI bất ngờ thương yêu thành thật, mua tặng cô những món quà quý giá…qua bút pháp của mình, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã ghi lại “phát biểu” của một “đàn chị” cùng nghề:

Gái trinh mới có giá như vậy chớ. Còn tụi tui tan hoang như ống cống thì chỉ có cách kiếm tiền mua hột xoàn giả!”

Với những nét đặc thù kể trên, tôi không tìm thấy một đồng dạng thấp thoáng nào giữa cõi-giới văn xuôi của những nhà văn nữ ở miền Nam và chữ nghĩa của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Nếu không muốn nói chúng là những mặt khác thô nhám, nhầy nhụa nhất của tình dục, nhìn từ đáy bùn. Cặn bã.


Cá tính mạnh mẽ của Nguyễn Thị Thuỵ Vũ từ văn chương tới đời thường


Ngoài họ Nguyễn, cũng có những nhà văn khác dùng ngòi bút của mình để xăm soi hiện tượng xã hội xuống cấp: Sự xuất hiện của một thành phần xã hội mới. Thành phần mà thời đó, người ta thường gọi là “Me Mỹ.”

Nhưng trước nhất, hầu hết những cây bút này thuộc nam giới, hiểu theo nghĩa họ không thể tiếp cận một cách triệt để đối tượng của họ.

Thứ đến, nhân vật cũng như bối cảnh của họ là những cô gái bán bar tại đô thị hay những thành phố lớn. Do đấy, tính xác thực qua những tâm sự về những cảnh đời của những cô gái kia có một tỷ lệ rất mỏng; nếu không muốn nói là nhiều phần được dàn dựng bài bản lâm ly, éo le, bi thảm… Đó là chưa nói sự tính chất xa lạ, mới mẻ không đáp ứng được nhu cầu tò mò của độc giả. Trường hợp Nguyễn Thị Thụy Vũ, ngược hẳn.

Chẳng những có lợi thế cùng giới tính, bà còn là người dạy tiếng Anh cho những cô gái nhà quê (nhiều người không biết chữ.)

Tiếng Anh với thành phần mới, thành phần “Me Mỹ” của xã hội miền Nam tỉnh lỵ, trước 1975 là “chìa khóa vàng,” nụ cười ma quỷ hay nhan sắc rực rỡ của định mệnh giúp họ mở được những cánh cửa bước vào những ngôi nhà kín bưng, của những chàng GI nắm trong tay cả đống tiền đô xanh, đô đỏ…

Đã thế, hầu hết truyện ngắn cũng như truyện dài của Nguyễn Thị Thụy Vũ, luôn có cốt truyện rõ ràng. Lớp lang đâu đấy… Nên căn bản, thân thể tài của bà vốn là một từ trường có sức hút mạnh mẽ. Đồng thời, chúng còn đáp ứng được bản chất tò mò của người đọc nữa.

Tuy nhiên, sự thành công vang dội, nhậm lẹ của Nguyễn Thị Thụy Vũ, giúp bà sánh vai cùng những nhà văn nữ cùng khuynh hướng khác, như Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Trùng Dương… không có nghĩa bà hoặc những người đồng thời với bà nhằm mục tiêu tranh đấu cho nữ quyền.

Bình tâm nhìn lại, chúng ta sẽ thấy, dòng văn xuôi 20 năm miền Nam phong phú, đa dạng được, do nơi nhà văn có những biên độ tự do đủ để chọn lựa, thể hiện xu hướng văn chương của mình. Từ chọn lựa viết về người lính miền Nam, chống cộng, phản chiến tới lãng mạn, viễn mơ, xã hội, lịch sử, phong tục, tập quán, vân vân…

Tóm lại, sự khuấy động mặt nước ao tù tính dục của Nguyễn Thị Thụy Vũ (cũng như một số nhà văn nữ thời đó,) là những chọn lựa ứng hợp với cảm quan văn chương của họ Nguyễn.

Hành trình văn chương của Nguyễn Thị Thụy Vũ theo tôi, sẽ chỉ có hai giai đoạn rõ rệt là giai đoạn khởi đầu, với những truyện ngắn trên báo. Mau chóng định hình với tác phẩm đầu tay “Mèo đêm” và những tác phẩm kế tiếp.

Với tổng số 10 tác phẩm được ấn hành, tính đến tháng 4-1975, càng về sau, Nguyễn Thị Thụy Vũ càng có những truyện mà, tính dục như ngọn triều lùi xa bờ cát. Vai trò chính diện, con bài chủ trong một số truyện của họ Nguyễn đã sang tay... Tính dục vẫn có đó. Nhưng nó chỉ như cái cớ để dẫn đến những mặt khác của bản chất con người. Thí dụ, truyện “Trôi sông” với hai nhân vật chính: Một ông già và một đào hát bội hết thời.

Theo mô tả của tác giả thì cả hai có cùng một mẫu số chung là mơ ước có được những ngày cuối đời sung túc, thơ mộng như một giải mã cho ẩn ức gay gắt tới nứt nẻ suốt thời thanh xuân. Những khát vọng cháy bỏng không tưởng của họ, xét cho cùng, cũng là một phản ứng tự nhiên. Rất con người. Mặc dù, cuối truyện, hai nhân vật “trôi sông” kia vẫn không được định mệnh “hồi tâm,” ngoảnh lại, dành cho họ một nụ cười an ủi. Mà, khi hai chiếc đò nát gặp nhau, họ đã xáp lại như hai con thú cùng đường, động kinh. Để rồi trong một ảo giác sau chót, ông già chết trên bụng bà đào hát hết thời. Như tiếng nấc hay lời nguyền rủa ai oán cuối cùng của những phần số bất hạnh.

Cũng vậy, trong truyện ngắn “Đêm tối bao la,” (còn có tên là “Bà điếc”), Nguyễn Thị Thụy Vũ tả một thiếu nữ (cực khác của tuổi già?), mơ ước làm lại cuộc đời sau khi bị phụ tình. Cô phải phá thai. Nhưng không vì thế cô lạnh, nguội khát khao một lần được làm mẹ (bản năng bẩm sinh của người nữ)!

Trước phần số bùn đen của hai nhân vật trong truyện kể trên, định mệnh đỏng đảnh vẫn không mở khóa cánh cửa tương lai cho tuổi trẻ còn đò, của người con gái này!

Ở những truyện loại vừa kể, người đọc vẫn đối diện với một Nguyễn Thị Thụy Vũ móng sắc. Một Nguyễn Thị Thụy Vũ lúc hòa huỡn. Khi sôi nổi. Ngậm ngùi… Cũng vẫn còn đâu đó bản năng. Nhưng chúng là mặt khác của những mô tả dục tình thô nhám, trần trụi. Tôi muốn nói, bà đã xẻ dọc cánh rừng văn xuôi của bà, để mở lấy cho mình, một lối đi khác.

Trên con lộ mới xuyên qua thân phận làm người này, những mơ ước chín đỏ cuối kiếp, hay xanh ương đầu đời, đã được bà đề cập (đào xới), như một bản năng song hành với bản năng tính dục. Tuy nhiên, phải đợi tới khi truyện ngắn “Lòng Trần” ra đời thì, giai đoạn thứ ba trong lộ trình văn chương của Nguyễn Thị Thụy Vũ mới rõ ràng hiển lộ.

Lòng trần” là một truyện ngắn tách thoát quyết liệt, toàn phần với thế giới văn xuôi bao nhiêu năm của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Nó như một đứa con văn chương tư sinh của bà. Trong phần nói về truyện ngắn “Lòng trần” của mình, theo yêu cầu của nhà xuất bản Sóng, bà cho biết, truyện ngắn “Lòng Trần” của bà có tới tám mươi phần trăm sự thật. (5)

Nhân vật cô Năm Thàng, một nghệ sĩ hát bội, là bà con xa với bà nội Nguyễn Thị Thụy Vũ. Trong truyện, cô Năm được một ông phú hộ bỏ ra phân nửa số ruộng đất của ông để chuộc cô ra khỏi gánh hát, đem về làm vợ. Chồng chết, cô Năm Thàng ở vậy, thủ tiết nuôi con. Mỗi khi đến ngày giỗ chồng, cô Năm lại nhập vai đào hát ngày xưa, với đầy đủ mũ mão, cân đai của sân khấu hát bội…

Cô Năm cũng giắt lông trĩ trên đầu. Cầm gươm trước bàn thờ chồng, cô biểu diễn những vai đào võ mà, trước kia ông phú hộ từng say mê qua tài diễn xuất của cô. Nhân vật thứ hai, ni cô Diệu Tâm, vẫn theo tác giả, cũng là chỗ bà con xa với bà nội của bà. Và, “Ni cô chay lạt nâu sòng từ hồi còn nhỏ, nhưng đến khi chết, lại đòi uống một muỗng nước mắn...”

Trong truyện, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã nhập hai nhân vật vừa kể, làm một. Tác giả “Khung rêu” viết:

“… Cô Năm Thàng là mẫu người quá khứ của ni cô Diệu Tâm, để cho người đọc thấy rõ là ni cô Diệu Tâm luôn mến tiếc thời vàng son của mình. Khi truyện nầy được đăng trên tạp san Văn thì các văn hữu gởi lời khuyến khích. Thật ra, ngay khi sáng tác, tôi không nghĩ rằng mình viết một truyện hàm chứa một vài tư tưởng Phật giáo trong quyển kinh Lăng Nghiêm, mà tôi chỉ thấy rằng cốt truyện có nhiều chi tiết ngộ nghĩnh, thế thôi.” (Trích “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương ta,” trang 399.) (5)

Sau mấy chục năm, đọc lại phát biểu của tác giả “Mèo đêm,” về truyện ngắn “Lòng trần,” tôi thấy rõ hơn bản chất chân chất của bà. Tôi không dùng hai chữ “ngay thẳng” - - Vì đôi khi sự “ngay thẳng,” cũng ẩn tàng cái chủ tâm muốn chứng tỏ của người sử dụng chúng.

Nhưng “chân chất” thì không! Vì “chân chất” theo theo phân biệt của tôi, là ngay thẳng hồn nhiên. Nó có sẵn tự bản chất. Nó làm nên nhân cách đời thường Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Sự “chân chất” của họ Nguyễn nằm nơi hai tiết lộ đáng kể trong trích đoạn trên. Đó là, bà được các văn hữu khuyến khích vì nó hàm chứa một vài tư tưởng Phật giáo…

Từ cảm nghiệm vừa kể tôi bỗng hiểu ra, tại sao tác giả “Lòng trần” có thể bình thản, mạnh mẽ sống lo cho các con. Trong số đó có một bé gái tên Thụy, sinh năm 1973. Cháu bị liệt từ năm lên 2 vì tai nạn té ngã trong nhà; do sự vô trách nhiệm của của chị người làm trông nom cháu thời đó.

Vào những năm tháng đầu sau biến cố tháng 4-1975, nhà văn Quang cho biết, có một thời gian tác giả “Chiều xuống êm đềm” đã phải làm lơ xe đò, chạy đường Saigòn-Thủ Đức. Suốt ngày bà chỉ đứng một chân… cho tới khi kiệt sức, không kham nổi, bà mang con cái về nhà mẹ ở Lộc Ninh. Chốn ở mới của bà là một nơi “… không có điện, không có nước, (bà và các con) sống như người rừng!”

Về “đời sống thực vật” của cháu Thụy, nhà Văn Quang ghi lại như sau:

Suốt ngày hôm đó, cái hình ảnh cháu Khôi Thụy ám ảnh tôi không rời. Buổi trưa tôi ngồi với Ngân ngay trên sàn gạch nhà ngoài. Tôi nghe phòng bên văng vẳng tiếng cười rúc rích của Thụy Vũ, tiếng chị nựng nịu, tiếng nước chảy ào ào rửa nhà và tiếng hát ru của chị vẳng lên giữa núi rừng. Tôi có cảm tưởng như chị sống rất hồn nhiên, vui vẻ bên đứa con thơ hai ba tuổi. Càng nghe chị cười, chị thủ thỉ với con, tôi càng thấy nghẹn ngào. Đôi mắt Ngân chớp mau, cô nói như để che lấp nỗi lòng mình:

“– Anh thấy không, đó là nét đặc biệt nhất của Thụy Vũ. Chị luôn coi đứa con chị như khi còn hai tuổi và chị cứ hình dung cháu không hề bị bệnh, chị vẫn nựng nịu cháu, cười đùa hồn nhiên với cháu. Có miếng gì ngon chị cũng để phần cho cháu, dù chị biết rõ hơn ai hết rằng nó không hề phân biệt được cái gì là thức ăn chứ đừng nói đến ngon dở. Nhưng đó là tấm lòng bao la của người mẹ…

“– Phải nói rằng một người mẹ tuyệt vời và một tấm lòng can đảm vô bờ bến.” (6)

Chỉ với một đoạn văn trên của nhà văn Văn Quang, đã cho thấy nhân cách Nguyễn Thị Thụy Vũ có phần chói lòa hơn cả văn nghiệp của bà.

Do đó, tôi không thấy cần thiết phải viết thêm dù chỉ một dòng, về cây bút nữ đầy cá tính của 20 năm văn học miền Nam này!


Du Tử Lê

(Nov. 3-2010.)

_______
Chú thích:

(1) Francoise Sagan nữ văn sĩ Pháp, tên thật là Francoise Quoirez. Bà sinh năm 1935, mất năm 2004. Bà nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay “Bonjour Tristesse” viết năm 1954, khi ới 18 tuổi. Độc giả VN khá quen thuộc với tác phẩm này, qua bản dịch “Buồn ơi chào mi.” (theo Wikipedia).

(2) Tác phẩm được trao giải thưởng văn chương bộ môn Văn, năm 1970.

(3) Ngô Tất Tố sinh năm 1893 tại phủ Từ Sơn, Bắc Ninh, nay là huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông mất năm 1954 ở Yên Thế, Bắc Giang. Tiểu thuyết “Tắt đèn” của ông bị chính quyền Pháp cấm lưu hành năm 1939. (Theo Wikipedia).

(4) Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912 tại Hưng Yên. Lớn lên và mất tại Hà Nội năm 1939. Phóng sự xã hội “Giông Tố” được đăng tải từng kỳ trên tờ Hà Nội Báo, với tựa đề “Thị Mịch.” Trước khi xuất bản thành sách, tác giả đổi tựa thành “Giông tố.” “Giông tố” do nhà Văn Thanh xuất bản bản lần đầu tiên tại Hà Nội, năm 1937. (Theo Wikipedia.)

(5) Nhà xuất bản Sóng do nhà văn Nguyễn Đông Ngạc chủ trương. Năm 1974, ông xuất bản một tuyển tập nhan đề “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương ta,” gồm 45 truyện ngắn của 45 nhà văn miền Nam (tính từ 1954 tới 1973.)

(6) Trích “Người con gái 27 năm với đời sống thực vật,” Văn Quang, Saigòn, tháng 4- 2000.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21411)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16134)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17791)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10492)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19031)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5304)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1989)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2603)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2379)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23704)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20147)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8983)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10077)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9353)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12533)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31987)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21635)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26794)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24192)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23002)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21142)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20286)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17796)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16853)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26105)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33387)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35678)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,