Lê Tài Điển Và, Những Bức Tranh Theo Buổi Chiều Trôi Vào Xa, Vắng
Tôi không biết điều gì khiến tôi vẫn nhớ, dù đã trên hai mươi năm, buổi gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và họa sĩ Lê Tài Điển: Thượng tuần tháng 11 năm 1989 tại nhà hàng Bida Saigon, quận 13, Paris.
Bạn tôi đưa tôi đến Bida Saigon để thăm Đạt, chủ quán. Trước khi dẫn tới Bida Saigon, bạn tôi cố tình cho tôi được “tham quan” hai cơ sở thương mại, anh nghĩ rằng, tôi sẽ thích. Đó là nhà sách Nam Á và Trung tâm băng nhạc Thúy Nga, cùng một tầng lầu với Bida Saigon.
Paris cách đây trên dưới 23 năm, sinh hoạt thương mại của người Việt chưa được phồn thịnh lắm. Nó vẫn còn vẻ gượng gạo của một người mới trở lại sinh hoạt bình thường, sau một trận đau dài.
Ngay nhà hàng Bida Saigon của Đạt, cũng vậy. Quán nhỏ. Bàn ít. Thưa thớt dăm bàn khách. Nhưng cảm giác ấm cúng đến với tôi lập tức, khi tôi nhận ra nơi chiếc bàn kê gần cửa ra vào, là một nhóm văn nghệ sĩ. Đôi người tôi quen từ Saigon trước 1975. Số khác, tôi chỉ biết mặt. Trong những người tôi chỉ biết mặt, có Lê Tài Điển, họa sĩ. Và, một người hoàn toàn xa lạ với tôi, ngồi cạnh họ Lê là họa sĩ Nguyễn Cầm. Sau khi được giới thiệu, Lê Tài Điển mau mắn đứng lên, tìm ghế cho chúng tôi.
Tôi nhớ, câu đầu tiên tôi nói với người họa sĩ nổi tiếng, xa quê hương; đồng thời, cũng nổi tiếng lười vẽ rằng, tôi được coi tranh và hình ông, tự những ngày còn ở Saigon. Không ngờ hôm nay được gặp ông ở đây.
Thay vì trả lời câu nói, như một lời chào của tôi thì, người họa sĩ, tác giả của mấy bức tranh đen trắng từng được in trên vài tạp chí Saigon, sớm gây ấn tượng trong tôi, lại hỏi, uống rượu nhé? Bia không? Ở Paris bao lâu? Khách sạn hay nhà bạn?
Ông nói với tất cả chân tình, không chỉ qua giọng nói mà còn luôn cả khuôn mặt. Nhất là đôi mắt. Tôi nghĩ, tôi không đủ khả năng diễn tả đôi mắt nồng ấm mà, xa vắng. Lẩn khuất những u uẩn, khôn tan của họ Lê.
Đôi mắt, tựa những con đường Paris. Ban đêm. Nhỏ. Hẹp. Kín đáo. Điệu đàng duỗi mình dưới những tàng cây. Như những chiếc dù len, ủ, úm hương thơm từ những xe chở bánh mì, thở ngạt ngào khu Place d’Italie.
Tôi cũng không biết nói gì về những bức tranh ẩn tàng, lẩn khuất đâu đó, trong đôi mắt người họa sĩ tài hoa này, những buổi chiều muộn. Những buổi chiều tôi có dịp ngồi với ông, (thường vây quanh, ít, nhiều bạn hữu.)
Chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện với nhau về văn chương. Càng không hề có chuyện nói với hội họa. Nhưng, cảm nhận tôi, cho biết, những lúc ông im lặng, nhìn xuống ly rượu hiếm khi cạn kiệt của mình, hay ngó mông những đoạn tường dài hoặc, nhà phố ken cứng gạch, ngói và, cửa sổ - - Là lúc những bức tranh đen, trắng hoặc mầu tối của ông, thành hình (?) Những đường nét, mầu sắc (dù tối), hiện ra trên những tấm canvas vô hình, thinh lặng. Như sự thinh lặng của những xa, vắng lẩn khuất u uẩn. Khôn tan! Đôi mắt ông.
Tôi ngỡ đó là lúc chiếc-cọ-hoàng-hôn đang phân bố khuôn mặt ông thanh từng mảng đậm, nhạt. (Mà, mầu chủ đạo, bao giờ cũng là mầu nhang. Tối!)
Lặng lẽ quan sát bạn, trong những thời khắc im sững ấy, nhiều lần tôi tự hỏi:
“Phải chăng hư vô cũng có lúc cao hứng đầu thai thành đường nét và, mầu sắc?”
(Đường nét, mầu sắc một con người, cúi xuống ly rượu hiếm khi cạn kiệt, hay ngó mông bên kia đường - - Là bức tường dài, những nhà phố ken cứng gạch, ngói và, cửa sổ.)
Cảm nhận này ở tôi, về người họa sĩ nổi tiếng, có quá nửa đời gắn bó với Paris, đã lớn thêm, dọc theo lộ trình lao lung nắng-gió-tháng-năm, trong những lần tôi trở lại Paris với T., sau đấy.
Tôi nhớ mùa hè 2004, khi Cổ Ngư / Mạch Nha, Đặng Mai Lan và các bạn thuộc tổ chức Thư Viện Diên Hồng ở Pháp, tổ chức cho tôi một buổi nói chuyện tại Paris. Dù thời gian eo hẹp và quá bận bịu, chúng tôi vẫn tìm mọi cách gặp lại người họa sĩ lười vẽ và, không bao giờ nói về tranh của mình. Những buổi chiều ngồi quán, đôi khi không thấy cần thiết phải nói với nhau điều gì, tôi lại bắt gặp tôi chờ đợi những chiếc-cọ-hoàng-hôn phân bố khuôn mặt ông từng mảng đậm, nhạt. (Mà, mầu chủ đạo, bao giờ cũng là mầu nhang. Tối!)
Ở lần gặp gỡ ấy, dù tôi vẫn không thể biết những bức tranh đen trắng hay, mầu tối nào đang được ông vẽ trên những canvas vô hình? Nhưng tôi rất muốn nói với ông, đại ý, tôi sẽ vui lắm, hạnh phúc lắm, ngày nào, trong một cuốn sách in ra của tôi, có được một bức tranh ký tên Lê Tài Điển, làm phụ bản.
Tôi không biết điều gì níu tôi lại. Tôi không nghĩ tương giao giữa tôi và ông chưa đủ gần, để tôi có thể nói ra mong ước của mình. Tôi trộm nghĩ, ngay cả khi còn sơ giao, thì ngỏ ý của tôi, cũng sẽ không làm phật lòng người họa sĩ tài hoa thường cúi xuống ly rượu hiếm khi cạn kiệt kia.
Bởi vì, với ông, tôi nghĩ, dường rốt ráo đời sống, hội họa, và hư vô, vốn chỉ là một (?)
Có thể, tôi sợ bày tỏ của tôi, sẽ làm cho những xa, vắng cùng những u uẩn lẩn khuất trong đôi mắt đầm ấm mà xa, vắng nọ, thêm vắng, xa? U uẩn!
Có thể, từ vô thức, tôi nghĩ, tôi phải tôn trọng mối thương tâm của ông. Mối thương tâm nghệ thuật chỉ riêng một mình Lê Tài Điển, cùng buổi chiều, bức tường dài, những căn nhà ken cứng gạch, ngói và, cửa sổ…đồng cảm. Chia xớt.
Ngày chót, trước khi tôi và T. (nhất là T.) phải trở lại Cali. vì công việc, chúng tôi có một buổi chiều ấm áp bằng hữu. Rưng rưng tình thân.
Tôi muốn nhắc tới chuyện chủ nhân nhà xuất bản An Tiêm, Thanh Tuệ cho tôi biết, ông đã mất bao nhiêu giờ, thu xếp bao công việc, đổi bao nhiêu chuyến tầu + metro, để đến kịp buổi hẹn. Đó cũng là lần Nguyễn Thị Trọng Tuyến được Trọng, người bạn đời tuyệt vời, chở bằng xe riêng, từ thành phố Rouen về Paris, với chúng tôi mà, Lê Tài Điển và Kiệt Tấn đóng vai “điều hợp chương trình.”
Dù nhận lời với các bạn, sẽ sớm trở lại, lần gặp đó, trong tôi, lại nhen nhúm ý nghĩ nên xin họ Lê, một bức tranh đen trắng, làm phụ bản cho cuốn sách sẽ in của mình.
Cuối cùng, tôi im lặng. (Như đã từng.)
Khác chăng, lần này, quan sát bạn, những lúc im sững, cúi xuống ly rượu hiếm khi cạn kiệt, lúc hoàng hôn vung chiếc cọ bạo, ngược của nó lên khuôn mặt ông từng mảng đậm, nhạt... (Mà, mầu chủ đạo, bao giờ cũng là mầu khói, tối!) tôi bỗng thấy thôi! Không cần thiết nữa!
Đúng vậy. Trước giờ chia tay, tôi thấy, không cần thiết gì nữa. Vì cuối cùng, tôi chợt nhận ra:
“Định mệnh Lê tài Điển là định mệnh của những bức tranh không được vẽ ra”. Chúng đã, đang và, sẽ còn theo những buổi chiều trôi vào vắng xa. U uẩn. Lẩn khuất đâu đấy, ở cuối đường, đôi mắt ông.
Đó cũng là lúc tôi cảm nhận khá rõ rằng, hoàng hôn không hề vung chiếc cọ bạo ngược của nó lên khuôn mặt ông từng mảng đậm, nhạt...Mà, chính ông, chính Lê Tài Điển, tự thân, đã là đường nét, là mầu sắc.
Tuy nhiên, trong tôi lại dấy lên, một câu hỏi khác. Câu hỏi:
“Với một người có khuôn mặt và, đôi mắt tự thân đã là hội họa, liệu y có cần phải vẽ nhiều nữa chăng?”
Câu trả lời của tôi là, “không!”
Tôi cũng không thấy cần thiết, hỏi xin một bức tranh (đen trắng) cho cuốn sách (chưa có) của mình.
Nếu nói ra, tôi tin, T. sẽ không phản đối tôi, quyết định đó.
(Calif. Tháng 1-2012.)
(Trích Tuyển tập “Những mảng rời- Lê Tài Điển và bạn hữu”, nhà XB Biển Khơi, Paris, 2012)