Đinh Phụng Tiến

21 Tháng Giêng 20225:41 CH(Xem: 698)
Đinh Phụng Tiến
Đọc lại Đinh Phụng Tiến, Truyện ngắn

Độc giả tạp chí Trình Bày của nhà văn Thế Nguyên (1) trước tháng 4-1975, hẳn chưa quên, tạp chí này đã chọn con đường dùng thơ, văn để lên án chiến tranh, phản đối sự có mặt của người Mỹ ở miền Nam. Những cây bút nòng cốt của nhóm, cũng không quên tấn công mạnh mẽ những nhà văn không cùng lập trường. Họ xếp những nhà văn đứng ở phía đối nghịch vào hàng ngũ của những người mà, họ gọi là cổ suý cho dòng “văn chương viễn mơ”. Nhà văn bị coi đứng đầu khuynh hướng “văn chương viễn mơ”, bị nêu đích danh là nhà văn Mai Thảo. (2) Nhóm này cũng gần như công khai tố giác những gì mà, họ cho là sai trái của chế độ miền Nam.

 

Dĩ nhiên, mọi nỗ lực làm sáng lên hay, nêu bật chủ trương của mình, dù ở lãnh vực nào, cũng đều dễ vượt qua biên giới của thực trạng, hay bước quá xa nhu cầu phản ảnh trung thực thời thế.

Đa số những cây bút chính của nhóm Trình Bày đều có chung nỗ lực cường điệu hóa mọi thảm kịch miền Nam và, gần như họ không bao giờ tự đặt câu hỏi:

- Chiến tranh, những mảng tối chất đầy lở loét của những bất hạnh đất nước tại sao? Và bởi đâu?

Giữa bầu khí nghiêng, lệch nghiêm trọng một phía của tạp chí Trình Bày thì, chí ít cũng có một cây bút thoát khỏi bóng cờ phản chiến, lên án chế độ của nhóm chủ trương. Đó là nhà văn Đinh Phụng Tiến.

Là người có liên hệ thân tộc với cố nhà văn Thế Nguyên, nhưng họ Đinh cho thấy, ông độc lập với đường lối của Trình Bày. Cũng có thể nói, ông là mặt khác, phía bên kia của dàn nhạc đại hòa tấu mang tên Trình Bày.

Là người cẩn trọng với ngòi bút của mình, Đinh Phụng Tiến sáng tác không nhiều. Lại nữa, gần như truyện của ông chỉ xuất hiện trên tạp chí Trình bày mà, không thấy ở các diễn đàn văn chương khác.

Tác phẩm đầu tay “Hòn Bi” của Đinh Phụng Tiến do nhà Trình Bày ấn hành năm 1967. Hai năm sau, ông có thêm “Cơn Lốc” cũng mang nhãn hiệu nhà xuất bản này.

Cả hai truyện nói trên, đều có số trang khiêm tốn. “Hòn Bi” chưa tới 100 trang. “Cơn Lốc” dầy hơn, khoảng 150 trang. Vì chúng không quá ngắn, để gọi là truyện ngắn mà, cũng chưa đủ dài, để có thể xếp vào loại truyện dài. Do đấy, nếu cần phải xếp loại cho hai 2 tác phẩm văn xuôi kia của Đinh Phụng Tiến, theo tôi, có lẽ chỉ danh “truyện vừa” là tương thích hơn cả.

“Hòn bi” và “Cơn lốc” xuất hiện, tuy không tạo được tiếng vang lớn, ở giai đoạn đó; nhưng, đọc lại, độc giả sẽ thấy: Đó là hai tác phẩm đem lại sự “quân bình” phần nào, cho sự xu hướng quá độ của nhóm Trình bày - - Nhờ tính khách quan, độ sâu, chín tự thân của nội dung tác phẩm.

Nhân vật chính trong cả hai truyện vừa, có thể coi là đại diện cho đa phần thanh niên miền Nam thời giặc giã. Họ tiêu biểu cho thế hệ thanh niên miền Nam thời bấy giờ. Họ bị động viên. Vào quân trường. Ra mặt trận. Cả hai nhân vật chính đều mang cấp bậc Trung úy. (Trong hàng ngũ sĩ quan thì đó là một cấp bậc thấp. Cho thấy họ mới ra trường, ở với lửa đạn, chưa quá 6 năm).

Tôi nghĩ, chẳng cần phải chú ý nhiều, độc giả cũng sẽ dễ dàng nhận ra: Họ Đinh không nhắm dùng văn chương để “tố cáo chế độ miền Nam”. Ông cũng không cho thấy một cố tình ngợi ca người lính quá lố…

Nói cách khác, người lính, trong truyện Đinh Phụng Tiến là một người bình thường. Một thanh niên với đầy đủ những ưu, khuyết của một con người.

Người đọc không tìm thấy những than oán việc ông bị động viên vào quân đội. Nhưng, tuyệt nhiên, người đọc cũng tìm thấy trong truyện của ông những dòng chữ mang ý nghĩa của những tự phong, tự trao cho mình, những vòng nguyệt quế vinh quang từ vai trò người lính đánh giặc.

Bằng văn phong điềm tĩnh, khá lạnh, truyện của Đinh Phụng Tiến không có những dồn dập cao trào của các nút thắt, mở. Tựa như ông không chọn cho truyện của ông, những biến chuyển dồn dập, để đẩy không khí truyện tới những đỉnh điểm gay cấn, lôi cuốn, hấp dẫn độc giả. Mặc dù không gian, những tình huống truyện, luôn được ông mô tả một cách chi tiết, như thể đó là những nơi chốn ông đã đi qua. Đã sống với. (Hay tác giả cố tình xóa mờ vai trò của hư cấu, tưởng tượng, trong văn chương của mình?)

Với tôi, 2 tác phẩm của họ Đinh, giống như một loại bút ký hay hồi ký. Tôi nói giống như, bởi bút ký hay hồi ký, vốn không đòi hỏi phải có tính văn chương, như trong “Hòn bi” và “Cơn lốc” của Đinh Phụng Tiến:

“…Quận Kiên Đực nằm trên ngã ba của những trục giao thông cao nguyên. Quốc lộ 13 đi lên, Quốc lộ 14 ở chỗ này. Rẽ phải, đường liên tỉnh dẫn về thị xã bằng một quãng đường gần mười ba cây số. Buổi sáng, chuyến xe đò độc nhất già nua đưa một vài khách hàng quen thuộc về thị xã. Chuyến xe ấy sẽ trở ra vào buổi chiều cùng với vài thùng rượu đế và những mớ rau ế của ban mai.

“…Quận đường và văn phòng Chi khu dựng trên đỉnh đồi cao. Dưới chân đồi là dãy phố nghèo nàn, tiệm ăn của người Tầu, quán cà phê thường mở cho đến khuya. Tiệm hớt tóc do ông Chủ tịch xã kiêm Trưởng chi Bưu điện làm chủ. Những chiếc xe ủi đất sau khi hoàn tất công việc trong ngày trở về nằm lười biếng trên lưng dốc vào mỗi buổi chiều. Có những người dân miền núi xếp hàng dọc rất dài đi giữa phố với gùi trên lưng và xà gạc vác trên vai. Đôi khi, những thớt voi to trở về trong khuya khoắt gây ồn ào trong mùi bùn, mùi đất khô lẫn với mùi khói ẩm…”

(“Hòn Bi”, trang 23)

Hoặc:

… Suốt ngày hôm nay tôi đã đi trên một đoạn đường mệt nhọc. Những ngày phía trước không biết ra sao. Những tháng ngày sau lưng, để lại trong tôi những vết hằn sâu đau nhức. Đó là những tháng ngày buồn tẻ của một người lính không có những kỷ niệm hào hùng. Những công tác mở đường nhàm chán. Những lần bị đánh lén không kịp trở tay và những xác người ngã xuống, trong đó có cả bạn lẫn thù. Tôi và con Tư đều không nhìn rõ mặt nhau và cũng chưa hề trao đổi với nhau một lời. Điều ấy thật khó cho tôi, dù là khi nằm với một đứa gái điếm, để có thể làm tình tự nhiên

“Tôi nằm quay mặt ra phía ngoài, đầu óc hoang mang hỗn độn. Tôi cảm thấy khó chịu và tự nhiên giận với cả chính mình. Khi không rơi vào một hoàn cảnh oái oăm. Tôi thèm một giấc ngủ để quên. Quên luôn cả việc ngày mai sẽ trình diện đơn vị mới và không biết tôi sẽ phải làm gì. Tôi muốn quay trở lại Saigon ngay tức khắc…”

(“Cơn lốc”, trang 37)

Đó là một vài thí dụ về tính hiện thực và, thấp thoảng bản năng con người trong truyện của Đinh Phụng Tiến vậy.



Người Lính Trong Truyện Đinh Phụng Tiến

Viết về chiến tranh, hầu như tác giả nào cũng ghi lại ít, nhiều cận ảnh hiện trường những trận đánh…hào hùng. Ngay cả khi tác giả đó không hề có mặt. Đinh Phụng Tiến khác hơn. Bối cảnh cả hai truyện-vừa “Hòn bi” và “Cơn Lốc” của ông, đều là đời sống của một người lính bình thường. Hiểu theo nghĩa rất người. Lại nữa, thay vì mô tả hiện trường những trận đánh, ông lùi lại phía sau. Có khi rất xa. Để bằng đôi mắt người chứng và, sự điềm tĩnh của một nhà văn, ông dẫn độc giả bước vào những góc khuất. Những nơi chốn không hề có cảnh súng nổ, máu đổ, thịt rơi hoặc, mịt mù thuốc súng. Nhưng ở đó lại có những những cuộc đời vẫn phải sống tiếp! Sống cùng những viên đạn, những miểng bom vô hình, đã găm sâu trong tâm hồn họ!


Tôi muốn nói tới “hậu-hiện-trường” một trận chiến. Tôi thấy, dường không một trận đánh nào ngưng bặt tiếng súng! Nếu hiểu âm vang của đạn bom có khả năng tàn phá khốc liệt hơn cả khi trận chiến đang diễn ra, trên những mảnh đời liên hệ, còn lại…

Trong truyện “Hòn bi”, nói về một thiếu nữ, sớm trở thành gái bán dâm, họ Đinh viết:

“… Vào khoảng năm 1954, cha Lệ tập kết ra Bắc. Và đúng ba năm sau, mẹ Lệ tự coi như thời gian để tang chồng đã xong và bà kết hôn với một người tá điền ở xã Hoài Thanh.

Sau Lệ còn có hai đứa em nữa. Nhà nghèo và chật chội nên Lệ ngủ vói người cha ghẻ. Người đàn ông rất thương lệ. Tuổi thơ của Lệ được xoa dịu phần nào những thiếu hụt vật chất và tinh thần.

Năm mười sáu tuổi, một cơn lốc dữ dội đem vào đời nó nỗi đau rùng rợn: Người cha ghẻ làm tình với nó vào một đêm tiếng súng nổ ào ạt trong làng (…)

Cuộc đời Lệ rẽ qua một khúc quanh tàn khốc từ đêm ấy.

Sáng hôm sau nó cuốn gói ra đi để khỏi nhìn người cha ghẻ, khỏi phải nhìn mẹ và em. Khỏi nhìn nỗi ân hận, dằn vặt khôn nguôi.

Nó đến Bồng Sơn và lấy một người lính mang lon Hạ sĩ làm chồng (…)

Một buổi chiều, người ta mang từ mặt trận trở về những xác chết, trong đó có chồng Lệ. Nước mắt chưa kịp khô. Đời sống của Lệ hết sức khó khăn với số tiền trợ cấp ít ỏi không đủ làm vốn liếng sau đám tang chồng. Tám tháng sau, Lệ lấy một người lính vốn dưới quyền chỉ huy của chồng (…) Nhưng lần này Lệ để tang thực sự là vĩnh viễn. Chồng Lệ dẫm phải mìn và chết co quắp bên kia đường tầu, lối đi Tam Quan, lối về Hoài Thanh (…)

- Và bây giờ em làm gái điếm đó anh.

Con Lệ nói với tôi trong vùng nước mắt nghẹn ngào…” (3)

Nếu sân khấu diễn biến bi kịch đời “con Lệ” là một khu gia binh thì, trong “Cơn lốc” bi kịch lại diễn ra ở một nơi rất xa tầm vói của bom đạn. Một thôn quê lặng lờ những phận đời mờ nhạt… Nhưng không vì thế mà định mệnh không tìm đến, hăm hở vung khăn tang lên nhiều mái đầu:

“… Nhà anh Hà nằm đó, bên một con mương, cửa liếp tre trống trải.

Tôi và ông Liên gia trưởng đẩy cửa bước vào. Bên trong là một khung cảnh đầm ấm: Bữa cơm tối muộn màng, manh chiếu trải trên nền đất. Tôi thấy một cụ già đầu tóc bạc, người đàn bà trẻ và ba đứa nhỏ.

Khi tôi và ông Liên gia trưởng bước vào thì cả cái gia đình ấy đều tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên. Cụ già và người đàn bà trẻ tuổi đứng dậy chào chúng tôi. Mâm cơm họ đang ăn dở và tôi nhìn thấy có đĩa rau luộc, hai tô nước và vài con cá nướng. Ông Liên gia trưởng lên tiếng trước:

- Chị Ba nè, có ông ở Long Khánh về đưa tin cho chị đó.

Chị Ba, người đàn bà trẻ bước tới mà tôi đoán ngay đó là vợ anh Hà. Tôi không biết phải nói thế nào khi tôi nhìn thấy bụng chị khá to. Tôi độ chừng chị có thai khoảng bốn, năm tháng. Không khí trong nhà lặng đi trong chốc lát. Ông Liên gia trưởng lên tiếng:

- Chị bình tĩnh chưa?

Rồi ông quay lại phía tôi:

- Ông Hai nói đi. Nói đi.

Tôi ngập ngừng mất ít giây rồi lên tiếng:

- Thưa chị, tôi là…bạn anh Hà.

Người thiếu phụ ấy đáp ngay bằng một giọng khô khan:

- Dạ, tôi…vừa nhận thư và ‘măng đa’ tiền lương của ảnh gửi về hồi chiều nay.

Nói đoạn, chị lật đật móc trong túi áo ra đưa cho tôi coi tấm ngân phiếu hai ngàn năm trăm đồng. Tôi nói nhanh:

- Tôi là bạn cùng đơn vị với anh Hà, ở…

- Dạ…Gia Ray…

Tôi nói nhanh:

- Tôi báo tin buồn chị hay…anh Hà mất hồi sáng hôm qua. Ngày mai, xác sẽ về tới nghĩa trang quân đội ở Dĩ An. Vậy gia đình lên đó mà nhận xác, kẻo lộn.

Không khí trong nhà chợt khô.

Phút chốc, và cùng một lúc, nhiều tiếng khóc la òa vỡ. Chị Hà nắm lấy tay tôi, lắc đi lắc lại nhiều lần cùng với tiếng gào thét của chị:

-Sao? Sao? Thầy có cùng đánh trận với chồng tôi không?

Tôi gật đầu, trong khi chị Hà òa lên với tiếng gào và tiếng khóc lẫn lộn, Sao thầy không chết mà chồng tôi lại chết? Anh Hà ơi, chiều nay mới nhận được thư anh báo sắp lên Trung sĩ nhất, mà giờ anh ở đâu? Anh ở đâu?

Chị Hà chợt nấc lên vừa khi tôi nhìn thấy tấm ngân phiếu hai ngàn năm trăm đồng vuột ra khỏi tay chị…” (4)

Thản hoặc, trong truyện của họ Đinh cũng có đôi chỗ mô tả hậu-hiện-trường, hay “cánh gà” của sân khấu một trận đánh vừa chấm dứt. Tuy nhiên, như đã nói, không một trận đánh nào ngưng bặt tiếng súng! Nếu hiểu âm vang của đạn bom có khả năng tàn phá khốc liệt hơn, khi chiến trường được thu dọn, kết toán:

“… Tôi kêu hiệu thính viên báo cáo về tiểu khu và gọi thêm vài tiểu đội nữa ở ngoài vào trong đồn để thu dọn các xác chết. Những xác này cần phải thu lại để chờ sáng sẽ tính. Những xác chết ấy được để nơi sân cờ. Nhưng một tiếng nổ lớn chợt phát ra từ phía cuối sân. Có nhiều tiếng la thét ở phía ấy. Tôi chạy tới thật nhanh. Hai binh sĩ nằm trên vũng máu, bên cạnh một xác chết. Tôi hỏi, cái gì thế? Một người nào đó nói, tụi nó gài lựu đạn dưới lưng xác chết (…) Cái bẫy này xưa như trái đất nhưng chúng tôi vẫn bị. Mỗi lần khiêng một xác, binh sĩ phải cột giây vào tử thi rồi giật tới giật lui thăm dò xem có chất nổ hay không (…)

“… Nắng đã lên làm tan sương mù của buổi mai. Một chiếc phi cơ quan sát loại L.19 nghiêng cánh từ xa. Chúng tôi liên lạc được với họ rất tốt. Chiếc máy bay ấy bay trên đầu chúng tôi với một vòng tròn nhỏ trên bầu trời quang đãng. Chúng tôi liệng một trái khói để đánh dấu vị trí của mình. Người phi công xà thấp xuống, bay vụt qua sân đồn và qua chiếc cửa số bé tí, người quan sát viên thò tay ra vẫy vẫy (…) Anh bảo sẽ có một ‘thằng’ đến thế chỗ cho chúng tôi trong vòng vài giờ đồng hồ nữa. Trực thăng tản thương sắp tới để ‘bốc’ hai người lính bị thương hồi đêm. Thật may mắn cho chúng tôi, những người lính bị thương sẽ qua khỏi. Ít khi tôi có được một niềm vui như thế. Những người lính của tôi sẽ được cứu mạng đúng lúc…” (5)

“Ít khi tôi có được một niềm vui như thế”, đó là một cụm từ trong trích đoạn trên của Đinh Phụng Tiến. Một cụm từ bình thường thôi! Không chút văn hoa, bóng bẩy, mới lạ nào! Nhưng tôi lại thấy nó phản ảnh một cách chân thật nhất, cái ý nghĩa thâm sâu của tình đồng đội và, rộng hơn: Nghĩa đồng bào!


Đinh Phụng Tiến và, Ám Ảnh Chiến Tranh Trong Tác phẩm,

Tôi vẫn nghĩ, nếu ví chiến tranh như con bạch tuộc nghìn chân, có dễ cũng không phải là điều quá đáng! Bởi vì, chiến tranh dù ở đâu, thời gian nào, cũng vẫn là một ám ảnh khủng khiếp, với tất cả mọi sinh linh. Ngay với thú vật, chứ không chỉ riêng với con người! Nó tựa như lời nguyền không một ai có thể bước qua. Với tôi, tất cả mọi sinh linh từ người già đến trẻ thơ chưa rời khỏi vú mẹ… hết thảy đều là con tin của chiến tranh. Hết thẩy đều bị giam cầm trong trùng vây bi thảm đa tầng, nhiều mặt. Nhiều trạng huống bất trắc. Đau thương. Hết thẩy đều có thể bị chiến tranh hay định-mệnh-địa-ngục chọn để đã nư những cơn khát thèm xương, máu tựa bản chất tiên thiên của nó. Bản chất phóng hỏa, thiêu đốt cả những nụ hoa chưa kịp nở! Những đời trẻ chưa kịp lớn!

Trong trùng vây chiến tranh bi thảm nhiều mặt kia thì, ám ảnh tình yêu là một trong vài nét khắc sâu, lắng nhất của văn xuôi Đinh Phụng Tiến. Ở truyện-vừa “Hòn Bi” họ Đinh viết:

“… Hòn bi chạy nhanh, hòn bi chạy nhanh. Mắt tôi chợt hoa lên và chỉ còn thấy một vùng thuần mầu đỏ. Không phải một hòn bi đang chạy, mà tôi còn thấy có trăm ngàn hòn bi khác đang lăn nhanh. Chúng lăn nhanh trên những đường cơ như những con tầu chạy trên đường rầy. Những con tầu ấy sẽ đến những ga nào? Những con tầu ấy sẽ ngừng ở đâu? Ở đâu? Thủy ơi, Thủy ơi…” (Sđd. Tr. 20 &21)

Và, vẫn “Hòn Bi” ở một đoạn khác:

“… Mỗi lần đi Thủy đều khóc. Và tôi, từ một thành phố rất ồn ào trở lại vùng cao nguyên trong nỗi nhớ nhung cùng với gió núi, cùng với sương mù. Đã hơn hai năm trời yêu Thủy mà trong thâm tâm, chưa một lần nào tôi nghĩ đến chuyện sẽ sống với Thủy. Thủy sẽ theo anh đến cứ nơi nào. Tại sao anh không nói. Tại sao mỗi lần Tủy ngỏ ý muốn đi theo anh là anh lại lưỡng lự. Anh làm như Thủy là một vướng bận cho anh. Em không ân hận là đã lỡ yêu anh, nhưng giả dụ ngày xưa đừng có tình cơ nào xui khiến mình quen nhau thì hôm nay em đâu có khổ thế này. Anh thì đi luôn, mãi thật lâu mới về một lần. Khoảnh khắc rồi lại đi ngay. Những giây phút ở gần bên anh, em cũng chẳng hề yên ổn. Lo sợ ngày mai anh lại đi. Lo sợ những ngày anh đi mù mịt không tin tức. Và lo sợ đến cả những ngày anh về. Vì anh về là thế nào cũng lại chia tay nữa. Mà anh, sao anh chẳng bao giờ cho em chia sẻ những buồn vui mà anh đang gánh chịu. Sao anh ác thế? Thủy khóc. Nước mắt người con gái rơi vào hồn tôi một nỗi xót xa đến những điều cay đắng nhất. Tôi muốn hôn Thủy và muốn xa Thủy ngay. Tôi sẽ ra đi vĩnh viễn để Thủy đi lấy chồng. Và mỗi lần trở về, tôi sẽ ngó hạnh phúc ấy dửng dưng như một người xa lạ. Rồi tôi lại lăn đi, lăn đi rất xa…” (Sđd. Tr. 30 & 31)

Những người yêu nhau ở thế hệ sau chiến tranh hôm nay, không thể hình dung, tưởng tượng cảnh tình tuyệt vọng của thế hệ trước họ, trong chiến tranh. Nhưng tôi tin, bằng cảm nhận của trái tim trong yêu thương, họ vẫn có thể trải lòng, để chia sẻ với một trong những bất hạnh của thế-hệ-con-tin-chiến tranh. Một thế hệ không chỉ mất mát từng phần hay toàn bộ thân thể mà, họ còn mất cả thanh xuân - - Cái quãng đời đẹp nhất chỉ duy nhất, một lần có được cho mỗi cuộc đời.

Cũng vẫn cái cảm thức “con tin” trong trùng vây chiến tranh bi thảm đa tầng, nhiều mặt, ở “Cơn Lốc” Đinh Phụng Tiến gặp lại mình. Ông gặp lại chính ông trên đỉnh nhọn tình yêu chênh vênh, bất lực:

“… Tôi muốn quay trở lại Saigon ngay tức khắc. Tôi muốn trở về để gặp Thịnh ngay và nói với Thịnh rằng Thịnh có thể lập gia đình với Thái. Tôi sẵn sàng ném Thịnh ra khỏi đời sống tình cảm của mình, như đứa trẻ hờn dỗi liệng vứt một món đồ yêu thích nhất…” (Sđd. Tr. 37)

Và, đây là một hình thái “con tin” khác của những người yêu nhau trong chiến tranh trong văn xuôi Đinh Phụng Tiến. Tôi muốn gọi đó là một thứ “con tin” trong ngục tù có hai lớp song sắt của thế hệ lớn lên giữa khi cuộc chiến miền Nam, 20 năm ở giai đoạn cực điểm xương, máu:

“… Đèn chuyển sang mầu tối huyền hoặc. Điệu Slow bắt đầu cất lên. Tiếng hát của người ca sĩ huồn mênh mang. Tôi rất thích bản nhạc này. Thịnh vẫn thường hát một mình. Thịnh hát không hay nhưng tiếng hát của Thịnh thường đưa tôi về với những buổi chiều trên bến sông của những ngày đầu chúng tôi mới quen nhau. Những hình ảnh ấy chẳng bao giờ phai. Tôi đã lạc loài trong tiếng hát của người ca sĩ như tự bao giờ. Tôi chìm đắm trong không gian quạnh quẽ của những buổi chiều trên bến sông ngày nọ. Tôi chìm đắm trong mối tình đã vỡ tan cùng với nước mắt, và niềm xót thương cho thân mình (…)

“… Dưới ánh đèn mờ, khuôn mặt con bé vô cùng lộng lẫy.

Cùng với tiếng trống, tiềng kèn của nhạc công, tôi đang bước trên những thân sóng lênh đênh của biển rộng. Lưng con Hiển mềm, bước đi của nó vững vàng và thanh thoát. Nó ngửa mặt nhìn tôi, ánh mắt ấy khiến tôi rùng mình. Đó là cảm giác của đứa con trai mới lớn. Đó là cảm giác của người đàn ông si tình vụng dại. Thịnh ơi, anh nhớ em vô cùng. Duyên ơi, anh là con mèo hoang lang thang ngoài phố chợ…và tôi buột miệng nói:

-Tối nay Hiển đẹp quá.

(…)

Tôi và con Hiển đi giữa trời khuya, trăng mờ lạnh. Nhiều tiếng côn trùng bốc lên từ lùm cây, bụi cỏ và nhiều hạt sương đêm lất phất như bụi bay tạt trên vai lạnh buốt. Trong vòng tay qua lưng Hiển, bấy giờ bên tôi là những hư vô. Tôi không thể phân tích được tình cảm của mình lúc ấy ra sao. Tôi vừa giận vừa thương mình hết sức. Khi đi qua con suối trên đường về, thình lình con bé bảo tôi:

- Cháu muốn nhẩy xuống đây để được chết với cậu quá.

Lời con bé nói, tợ hồ như một dòng nước lạnh chảy khắp quanh tôi. Tôi cất tiếng như một cơn mê:

- Nếu được chết với Hiển ở đây, vẫn hơn là… tử trận…” (Sđd. Tr. 106, 107, 108 109 và 110).
  

Định-mệnh-địa-ngục sẽ bất lực trước chọn lựa tự chấm dứt đời mình của những người yêu nhau trong chiến tranh. Nhưng thực tế, không mấy ai làm được. Đó cũng là một phần hiện thực trong văn xuôi của Đinh Phụng Tiến. Một hiện thực cay đắng, xác nhận tính bất lực nơi những “con tin” trong chiến tranh của tất cả mọi sinh linh thuộc miền Nam, 20 năm máu, xương vậy.

Du Tử Lê

(Calif. Oct. 2013)

____________

Chú thích:

(1) Nhà văn Thế Nguyên tên thật Trần Gia Thoại, tác giả truyện dài nổi tiếng “Hồi chuông tắt lửa”. Ông sinh năm 1941, mất năm 1989, tại Saigon.
(2) Nhà văn Mai Thảo, tên thật Nguyễn Đăng Quý. Ông sinh năm 1927, mất năm 1998, ở miền nam California. Ông là người chủ trương tạp chí Sáng Tạo, năm 1956 Saigon.
(3) “Hòn bi”, Nđd. Trang tr. 71, 72 và 73.
(4) “Cơn lốc”, Nđd. Trang 9, 10 và 11.
(5) Nđd. Trang 121, 122 và 123.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20797)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15755)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17425)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10111)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18554)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4975)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1725)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2210)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2119)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23438)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19951)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8753)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9768)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9192)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12156)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31680)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21471)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26462)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23902)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22692)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20799)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18896)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20045)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17637)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16752)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25717)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33049)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35550)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,