Câu hỏi của Nguyệt Mai
Kính thưa anh,
Em đã được đọc những chia sẻ về Phật học của anh như "Nghĩ từ trái tim" và "Gươm báu trao tay". Em muốn được nói lên lời cám ơn anh đã giúp em và độc giả có cơ hội hiểu về Bát Nhã Tâm Kinh và Kinh Kim Cang. Em rất thích thú với những ví dụ anh đưa ra, rất gần với "đời", làm người đọc thấy đạo mà như đời, đời mà như đạo của anh, từ văn chương, lịch sử, cuộc đời.... Như những trích dẫn về thơ Bùi Giáng hay nhạc Trịnh Công Sơn, tiểu thuyết Kim Dung, vua Trần Nhân Tông...Nhưng cũng thật là khó vì như anh đã chia sẻ: "Học Kim Cang tôi cứ giật mình đánh thót. Đang hào hứng thì bị “dội” ngay một gáo nước lạnh, đang mơ màng thì bị giựt tóc mai, đang ngon trớn thì bỗng khựng lại, vừa định chê bai thì vổ đùi, thì ra thế, vừa định gật gù thì cốc đầu, không phải vậy! Nghiền ngẫm, học hỏi rồi mới thấy Kim Cang thực ra có hai phần rõ rệt, mà trộn lẫn vào nhau, đan chéo lấy nhau. Hai mà một, một mà hai. Chẳng phải một mà cũng chẳng phải khác! Phần đầu dạy “ly tướng”, đừng trụ vào đâu cả để mà sanh tâm, Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm; phần sau dạy “ly niệm” (vô niệm), cứ sanh tâm đi miễn là đừng trụ vào đâu cả! Ưng sanh kỳ tâm nhi… vô sở trụ, hay nói cách khác là “Ưng sanh vô sở trụ tâm”. Một đằng, dạy không để bị cuốn hút vào những màu sắc,những âm thanh, mùi vị … Bồ tát mà còn cứ chăm bẳm “dĩ sắc, dĩ thanh âm” thì… đang “hành tà đạo”. "
Xin anh chia sẻ thêm về kinh nghiệm học Phật của anh.
Cám ơn anh rất nhiều.
Nguyệt Mai
Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
Cảm ơn Nguyệt Mai đã đặt một câu hỏi không dễ chút nào! Thưc sự tôi chỉ lõm bõm học Phật thôi chớ không được học một cách chính quy, bài bản gì cả, nên cứ lang bang không phân biệt đạo đời là thế! Nhưng cũng nhớ Trần Nhân Tông viết: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mích/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền… nên thấy “ Ở đời mà vui đạo” cũng hay chứ! Sau cơn bệnh có thể nói là “thập tử nhất sanh” cách đây 16 năm (tai biến mạch máu não), tôi thấy cái y học của tôi chỉ có thể giúp chữa được phần nào nỗi đau mà không chữa được nỗi khổ, chữa được phần nào cái bệnh mà không chữa được cái hoạn, tôi phải tìm đến bậc “y vương” là Phật để may ra có một giải pháp căn cơ. Cho nên mặc dù ở trong ngành Y, bạn bè thương mến cho rất nhiều thuốc, tôi chỉ chọn giữ lại một thứ duy nhất cần thiết, bởi biết thuốc nào cũng có hai mặt, side-effect của nó, chữa bệnh này thì sinh bệnh kia, mà cái chính bệnh mình lại là do hành vi lối sống, phải chữa cách khác. Thời gian nằm dưỡng bệnh, tôi tập thở bụng theo phương pháp Nguyễn Khắc Viện ( www.dohongngoc.com: thở để chữa bệnh), từ đó lần mò đến thiền Anapanasati rồi nghiền ngẫm Tâm Kinh Bát Nhã, kinh Kim Cang… Càng đọc càng hứng thú, càng thấy hữu ích khi áp dụng vào thực tế cuộc sống. Tâm được an, thân được lạc (an lạc thân tâm) và ăn ngon, ngủ yên, không phải lệ thuộc vào thầy vào thuốc! Sau nghĩ rằng có lẽ nên mạnh dạn chia sẻ những “trải nghiệm” của mình với bè bạn trang lứa, những người đồng bệnh tương lân. Do đó mà viết ra Nghĩ từ trái tim, Gươm báu trao tay…Tôi cứ vừa học vừa hành như thế, tự mình “nương tựa chính mình” thôi, rồi phát hiện nhiều điều từ kinh sách cổ xưa, đem cái y học, khoa học thực nghiệm rọi soi vào thì thấy cũng lắm điều hay. Sau này có viết thêm “Thấp thoáng Lời Kinh”. Lạ thay, sách bán… rất chạy! Chứng tỏ nhiều người cũng đang cần “món thuốc” này của mình. Thời sinh viên, tôi cũng đọc Suzuki, đọc Krishnamurti… nhưng đọc để mà đọc, để có kiến thức thôi. Sau này, tự chiêm nghiệm, thực hành Anapanasati – trong Tứ niệm xứ (mà Phật đã dạy từ 2555 năm trước) kết hợp với sinh lý học hô hấp, tôi hiểu rõ tác dụng của nó về mặt sinh học đáng tin cậy như thế nào, không hề có chuyện mơ hồ, dị đoan mê tín. Gần đây, các nghiên cứu sâu về Thiền với các kỹ thuật hiện đại EEG, fMRI… của các Trung tâm nghiên cứu y khoa lớn ở Âu Mỹ trên những vị thiền sư Tây Tạng cũng chứng minh được tính khoa học của kinh nghiệm phương Đông, đưa vào chữa trị nhiều vấn nạn hiện đại như bệnh tâm thần, stress, nghiện, mất ngủ…và từ đó ngành y khoa tâm thể (Psycho-somatic Medicine) dần được đề cao. Ta biết ngày nay khoa học y học tiến như vũ bão (ghép tạng, sinh sản vô tính, nhân giống đơn dòng, tế bào nhân tạo…) nhiều khi có mặt trái là làm biến mất… con người. Cho nên Y học cần nhân văn biết bao! Chương trình học y ở các đại học y khoa tiên tiến giờ đây đều bắt buộc sinh viên năm thứ nhất phải học ít nhất 5-7 cuốn tiểu thuyết về thân phận con người!
Không phải vô cớ mà Phật được gọi là Y vương, vua thầy thuốc. Trong kinh Phật ta thấy có những vị thuốc gọi là Dược vương, Dược thượng (dưới hình tượng Bồ tát!), có những thí dụ về Dược thảo, về cách hành xử của vị lương y v.v… vô cùng thú vị.
“Văn Tư Tu” là bước đường học Phật. Văn là nghe, là đọc; Tư là suy nghĩ, là tìm tòi và Tu là thực hành. Tu phải hành nên mới gọi “Tu hành” là vậy.
Thân mến,