Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm - chuẩn bị và bất chợt về...du tử lê

12 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 4187)
Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm - chuẩn bị và bất chợt về...du tử lê

- Tại sao Du Tử Lê là Nhà thơ mà không là Nhà văn?

Mai Thảo đã có lần sắp hạng Du Tử Lê là một trong 7 vì sao bắc đẩu thi ca của văn chương Việt Nam hậu bán thế kỷ thứ 20, bên cạnh Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền....

Vào năm 1952, Lê Cự Phách 10 tuổi đã viết văn đăng báo, khỏi đầu nghiệp dĩ văn chương của mình. Di cư vào Nam năm 1954, di tản khỏi nước năm 1975. Sau hơn bốn thập niên viết văn và làm thơ, với tập thơ mới nhất Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà / Your Scented Garden, My Nostalgia (Nhân Chứng 1996,) Du Tử Lê đã cống hiến cho đời 32 tác phẩm. Tác phẩm văn là số lớn, gồm 20 truyện dài, truyện ngắn, truyện tuổi thơ và đặc biệt là tùy bút. Chỉ có 12 tập thơ mà thôi. Thế nhưng, người đời biết Du-Tử-Lê-người-làm-thơ-thứ-thiệt chứ không là Du-Tử-Lê-nhà-văn. Cũng dễ hiểu. Cho đến thời điểm này, Du Tử Lê thành công ở thơ hơn. Nói thời điểm này vì không chắc còn đúng ở vào một lúc khác sau này. Bởi vì, trong nỗ lực sáng tạo, không ngừng đi tìm một đổi mới cho văn chương, đổi mới về cấu trúc hành văn, về ý tưởng và liên tưởng, về xử dụng ngôn và từ...văn thơ Du Tử Lê luôn thay đổi hình dạng, trăn trở lột xác để có một-cái-gì-đó cho đời: để không ăn gian điếu thuốc hút mỗi ngày, không ăn gian ly cà phê uống mỗi ngày, không ăn gian nơi trọ mỗi ngày,..., như lời Du Tử Lê thường nói với bạn bè.

Du Tử Lê đang là một ngạc nhiên thích thú và chưa thích thú được, hứa hẹn nhiều ngạc nhiên khác.

Trở lại, Du Tử Lê thành công về thơ vì chính-thức-được-thừa-nhận, tác phẩm Thơ Du Tử Lê 1967-1972 đã được Giải Thưởng Văn Học Toàn Quốc, 1973, về bộ môn thơ. Nhưng quan trọng hơn, chính là những vần thơ trong thời gian này, viết về tình yêu, về chiến tranh, về con người... rất xúc động cho người đọc thơ. Đây mới là sự xác quyết đáng tin cậy về giá trị và danh xưng Nhà-thơ-Du-Tử-Lê.

Đọc lại một hai đoạn thơ trong bài Khúc Thụy Du, bài thơ đầu trong tập thơ vừa dẫn: 

 như con chim bói cá
 tôi thường ngừng cánh bay
 ngước nhìn lên huyệt lộ
 bầy quạ rỉa xác người
 (của tươi đời nhượng lại)
 bữa ăn nào ngon hơn
 làm sao tôi nói được 

Hoặc: 

 mịn màng như nỗi chết
 hoang đường như tuổi thơ
 chưa một lần hé mở
 trên ngọn cờ không bay

 ...... 

Vào lúc đó, lúc mà thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền còn là một khám phá mới (như Du Tử Lê bây giờ,) thì ý thơ và lời thơ đó rất lạ.

Khi ra khỏi nước, Du Tử Lê làm thơ hay hơn, làm thơ nhiều hơn. Nhớ nước, nhớ nhà, nhớ vợ con. Những thao thức khắc khoải, nỗi đau dằn vặt là những chất liệu nuôi dưỡng cho những bài thơ hay, cảm động, có hồn của Du Tử Lê. Có thể nói thơ Du Tử Lê hay nhất về thân phận lưu vong. Trong đó có bài Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển. Bài thơ rất xúc động và buồn. Bài thơ được nhiều người biết đến, cả trong lẫn ngoài nước. Ngoài nước thì rõ rồi. Ở trong nước, người Cộng Sản dùng bài thơ này để vẽ nên một hình ảnh thảm thương của người Việt di tản, nhằm chặn bớt những bước chân hốt hoảng ồ ạt bỏ nước ra đi. Một anh thuộc diện H.O. trong khi tâm sự với Du Tử Lê và tôi, cho biết, vì đọc bài thơ đó, anh đã có ý định bỏ đi Mỹ. (Mừng cho anh!) 

 khi tôi chết hãy đem tôi ra biển 
 đời lưu vong không cả một ngôi mồ
 vùi đất lạ thịt xương e khó rã
 hồn không đi sao trở lại quê nhà 

 khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
 nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
 bên kia biển là quê hương tôi đó
 rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì 

 (nhảy 4 đoạn) 

 khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
 đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn. 

Phải ở trong hoàn cảnh nếu không tan nát thì cũng mất mát gần hết, khánh tận cả đến những hoài vọng cỏn con, nhẫn nhục sống trên đất nước quê người, mới thấm trọn bài thơ.

Cho nên tôi không đồng ý với Đỗ Quý Toàn khi cho rằng...đó là một bài thơ bình thường. Ai cũng có thể làm được. Cái đó không khó... (Đêm Du Tử Lê Montreal 1994.) Nếu nói bài thơ đó không lạ thì hoàn toàn đồng ý. Tôi cũng có ý này khi đọc bài Cõi Tôi... Nhưng nếu cho rằng ‘khi tôi chết...’ là bài thơ ai cũng có thể làm được, không khó thì quá đáng. Một bài thơ đọc nhiều lần vẫn cảm động, rõ ràng là một bài thơ hay.

Nói gọn lại. Du Tử Lê là nhà thơ. Từ đầu đến cuối, Du Tử Lê cũng chỉ muốn mình như thế: Khởi đầu cũng như cuối chót, tôi muốn được là một người làm thơ. Ở con người này, tôi thấy nó mang nhiều cái tôi chân thật hơn cả. (Trả lời Nguyễn Mạnh Trinh, trích Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra, DTL.) 

Đam mê, dằn vặt, vất vưởng, lận đận, bệnh đau dày vò, để chung thủy với thơ. Du Tử Lê là một trong những trường hợp hiếm thấy. 

- Về, một bài thơ của Du Tử Lê được phổ nhạc: Khúc Thụy Du.

Thơ phổ nhạc có lẽ là một thể loại sáng tác đặc biệt của Việt Nam. Có thể vì bản chất thơ Việt Nam là vần điệu. Trong thơ đã có nhạc. Các nhạc sĩ đã làm cho các bài thơ được đại chúng hóa. Sự phối hợp giữa thơ và nhạc nhiều khi đã năng giá trị bài thơ lên cao hơn về mức độ thưởng ngoạn. Ngậm Ngùi của Huy Cận, Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư... được Phạm Duy phổ nhạc; Chiều, thơ Hồ Dzếnh, nhạc Dương Thiệu Tước..., là những thành tựu tuyệt vời. Thơ, không bị đổi hay thêm lời cho đúng theo nhịp điệu và âm độ, đã nhờ nhạc mà hay hơn. Nhạc có thơ mà ngôn từ hóa, chuyên chở cảm xúc trực tiếp, cụ thể đến người nghe.

Thế nhưng, không hiếm khi chính các bài nhạc phổ đã giết chết bài thơ tức tưởi. Bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan do Dzũng Chinh và sau này Phạm Duy phổ nhạc là một trường hợp.

Khoảng đầu thập niên 50, học sinh thành phố chuyền tay say mê đọc và học thuộc lòng bài thơ. Bài thơ bi hùng và lãng mạn đó được Dzũng Chinh phổ theo điệu bolero rất bình dân và phổ biến vào lúc đó. Nhạc sĩ trẻ quân đội này (hình như là một thiếu úy đã hy sinh tại Phan Thiết (?) - Lâu quá rồi không nhớ rõ!) thay đổi, thêm lời cho đúng nốt nhạc và điệu nhạc. Bài nhạc được hát nơi nơi. Nhưng, kể từ đó nó đã kết liễu luôn một trong những bài thơ hay nhứt thời kháng Pháp. Nhạc sĩ Phạm Duy, bạn đồng lứa với Hữu Loan, có lẽ muốn cứu sống lại bài thơ, đã phổ nhạc với tựa đề Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, lấy từ câu áp cuối của bài thơ. Bản nhạc hay hơn, tiết tấu thay đổi lôi cuốn hơn. Nhưng với tài năng của mình, Phạm Duy không cứu nổi bài thơ. Nếu không muốn nói, bài thơ đã bị giết chết lần thứ hai!

Trường hợp này gặp lại với Khúc Thụy Du, của Du Tử Lê, do Anh Bằng phổ nhạc, tuy có khác hơn một chút. Duy Cường hòa âm, số một! Lại thêm giọng ca nam hàng đầu Vũ Khanh, đây là một bản nhạc tình thật hay. (CD Quê Hương Là Người Đó. Mười nhạc phẩm phổ từ thơ của Du Tử Lê. Diễm Xưa thực hiện và phát hành.) Thế nhưng, với những ai đã được và thích bài thơ này của Du Tử Lê từ lâu, không biết có như tôi không, rất khó chịu.

Như đã nói ở trên, Khúc Thụy Du vốn là một bài thơ dài 68 câu, không kể mấy chục câu bị sở kiểm duyệt đục bỏ, (như hầu hết thơ của Du Tử Lê vào giai đoạn đó.) Trong đó Du Tử Lê nói đến cái đau đớn dằn vặt, nỗi cô đơn, bất lực, cái phi lý của chiến tranh, về cái hạn hẹp của thân phận người và về cả tình yêu. Trên quan điểm chiến tranh chính trị hồi đó, đây là một bài thơ phản chiến. Bộ Thông Tin đã đục bỏ mấy chục câu. Trên quan điểm văn học nghệ thuật, Du Tử Lê là một nhân chứng. Bài thơ phản ảnh trung thực một mảnh đời nào đó, dưới góc độ xúc cảm của người làm thơ. Cũng như Ca Khúc Da Vàng là xúc cảm của người viết nhạc Trịnh Công Sơn về chiến tranh và bom đạn.

Ngoài những câu đã trích dẫn ở trên, thêm mấy câu: 

 trên xác người chưa rữa
 trên thịt người chưa tan
 trên cánh tay chó gậm
 trên chiếc đầu lợn tha
 tôi sống như người mù
 tôi sống như người điên 

Bài thơ này dứt khoát không phải đơn thuần về tình yêu ray rứt trai gái. Nhưng khi trích phần cuối để phổ nhạc: 

 đừng bao giờ em hỏi
 vì sao ta yêu nhau
 vì sao môi anh nóng
 vì sao tay anh lạnh...

 ...... 

thì bài thơ hay của Du Tử Lê đã trở thành một bản nhạc tình không hay hơn các bản nhạc tình có sẵn. Chìu theo âm độ, con chim bói cá sửa thành loài chim bói cá; trong vụng nước cuộc đời đổi thành trong vũng nước cuộc đời...Các tác dụng tượng hình, tượng thanh của chữ và nghĩa gợi lên sự cô đơn cùng cực của con người trong cái hạn hẹp chật chội của kiếp người bị đánh mất trọn vẹn. Nhạc sĩ chỉ lấy được phần tình yêu, phần nền, không phải là chính diện của bài thơ! Như tôi đã nói đùa với Du Tử Lê: Việc này tương tợ như cắt một khúc nào đó (!) trên thân thể Du Tử Lê rồi bảo, đây chính là Du Tử Lê, thì tội nghiệp cho Du Tử Lê và cũng tra tấn người lỡ yêu bài thơ quá!!! 

Dạy học ở đây, tôi thường can dự và hòa giải việc thầy cô giáo và nhà trường kiện các cha mẹ tội bạo hành đánh con, Child Abuse. Cũng nên đưa Du Tử Lê ra tòa vì tội đã đồng tình cho người ta hành hạ con mình. Nếu như bài thơ là con đẻ với mệnh hệ riêng, như chính Du Tử Lê đã viết: mỗi bài thơ một mệnh hệ riêng (Tình Yêu / Trang Ruột và / Bìa sách Quê Hương.) 

- Văn thơ Du Tử Lê, cái lạ chưa hề thấy.

Du Tử Lê bây giờ được biết đến nhiều như người làm thơ hay, người làm thơ thứ thiệt. Nhưng cái nổi ở Du Tử Lê là nỗ lực sáng tạo đổi mới thơ văn. Còn quá sớm để có thể có một kết luận về công lao của Du Tử Lê. Có nhiều người thích và cũng có nhiều người không thích hay chưa thích được. Có người cảm được và cũng rất nhiều người chưa cảm được. Một điều chắc chắn, trên suốt hành trình hơn 40 năm làm thơ và viết văn, từ trong nước và những năm đầu ngoài nước..., Du Tử Lê bây giờ không phải là Du Tử Lê năm xưa nữa!!!

Thơ Du Tử Lê bây giờ rất ngắn. Nếu lật tập Thơ Du Tử Lê 1967-1972, hay những tập thơ đầu xuất bản ở hải ngoại, hầu như những bài thơ thường dài sáu, bảy mươi câu. Du Tử Lê trong giai đoạn này như ham hố muốn nói thật nhiều điều trong một bài thơ. Hay đúng hơn, cần dùng nhiều câu mới trang trải hết một ý thơ của mình. Người đọc thơ nhờ vậy cũng không khó để hiểu, để cảm Du Tử Lê. Những bài thơ này rất dễ ngâm. Giờ đây, Du Tử Lê sâu sắc, lặng đọng, tự tin nên thơ thường rất ngắn, rất đọng, rất sâu. Mỗi bài thơ không còn dễ đọc. Nó đòi hỏi một trình độ suy tư và trực giác bén nhậy để có thể giao thoa với hồn thơ của tác giả.

Lại nữa, thơ Du Tử Lê bây giờ rất nhiều dấu. Dấu loạn xạ! Trước đây thơ Du Tử Lê thường không dấu. Chẳng chấm, chẳng phẩy, không viết hoa gì ráo trọi. Thơ đi một mạch từ đầu đến cuối. Giờ thử lật tác phẩm mới nhất: Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà. Bài thơ nào cũng tùm lum dấu. Dấu chấm, dấu phẩy, dấu than, dấu hỏi, dấu chấm than, dấu gạch ngang, nhiều dấu giữa hai ngoặc đơn..., và đặc biệt chưa hề thấy, dấu chéo / slash, một sáng tạo đề nghị của Du Tử Lê. Đọc bài Chỗ Ngồi Đâu Lưng, sẽ thấy đủ: 

 tôi yêu tôi: trong tôi / người
 chuyến xe song mã; chỗ ngồi: đâu lưng (.?!,)
 tôi yêu tôi: trong tôi / nguồn/
 vai nghiêng mái biển / chân/ lần, khân,/ chia/
 tôi yêu tôi: trong tôi /về/
 tới ngang khúc quẹo tâm lìa, biệt, đi (,.)
 tôi yêu tôi: trong tôi /quỳ/
 dưới chân Đức Phật em vừa /quy y./ 

Rất đồng ý với Bùi Bảo Trúc, thơ Du Tử Lê bây giờ để nhìn và đọc. Những ngâm sĩ trứ danh một thời như Hoàng Thư, Hồ Điệp, Quách Đàm... chắc cũng lắc đầu. Giữ vần thì không hết ý. Hết ý thì lạc vần. Trúc trắc, trục trặc. Thơ như thế thì làm sao mà ngâm được!!!

Nói thêm về dấu chéo / slash. Đặc-sản-du-tử-lê. Đọc lại bài thơ trên rồi nghe Du Tử Lê giải thích về tác dụng của dấu chéo “(dấu chéo) như một ký hiệu, báo thị cho người đọc biết rằng những chữ đằng trước hay ở giữa hai dấu gạch chéo / slash, người đọc có thể hoán đổi vị trí của chúng và, nó cũng mang tính xô đẩy hai chiều thuận nghịch nữa.”

Bằng cấu trúc hành văn mới mẻ này, Du Tử Lê mong tạo cơ hội để độc giả trở thành một tác giả thứ hai, bằng cách hoán đổi để có một câu thơ khác theo ý mình. Du Tử Lê đã trưng dẫn ví dụ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài TNHK., với câu thơ: 

 rừng / tôi / sâu/ thở nốt chân trời/ 

Aùp dụng phương pháp hoán vị, sẽ có 3 câu thơ khác: 

 1- tôi rừng sâu thở nốt chân trời 
 2- sâu rừng tôi thở nốt chân trời 
 3- thở nốt chân trời rừng tôi sâu 

Không biết có ai đã nghe theo lời dụ dỗ của Du Tử Lê để làm tác giả thứ hai không (?) Riêng tôi, chỉ đọc không thôi cũng đủ... “oải” rồi (chữ dùng của Nguyễn Hà.)

Ngoài những bài thơ (không còn sử dụng được từ vần thơ khi nói về thơ Du Tử Lê,) tùy bút là nơi mà Du Tử Lê sử dụng tối đa các dấu chéo / slash. Đọc một đoạn trong tập tùy bút Chỗ Một Đời Em Vẫn Để, Dành (Nhân Chứng, 1995): 

 “Họ mang thân xác/ nước mắt/ lý tưởng/ trí thức/ tâm lý/ đảm đang/ trong trắng (?)/ ngây thơ (?)/ mồ hôi/ sức lao động/ tinh thần hy sinh/ ước mơ thờ chồng, nuôi con/ ...làm bả thơm (?) dụ những con mồi ngây thơ (thực sự ngây thơ?) sập bẫy.” (Tr. 171.) 

Thú thật, các tấm lá chắn / đối với tôi vẫn chỉ có tác dụng như những dấu phẩy với cái lấn cấn của hình thức. Mong sao đến một lúc nào đó, sẽ nắm bắt được, cảm được cái hồn thơ và ý văn của tác giả. 

Sinh ra ở Huế và lớn lên ở Saigòn, tôi không còn một ký ức nào về cái lần đầu tiên mạ tôi cho tôi ăn ớt. Chắc cay lắm. Đã khóc, đã chảy nước mắt, thè lưỡi thở phù phù... Nhưng giờ đây, một tô bún bò không cay xè, thì tôi thấy nhạt nhẽo vô duyên vô cùng. Biết đâu thời gian sẽ giúp cho tôi, cho người đọc Du Tử Lê hôm nay (cũng như Thanh Tâm Tuyền trước đây với: một cửa sổ, hai cửa sổ... trong tập thơ choáng váng mặt mày Tôi Không Còn Cô Độc -Sáng Tạo, Saigòn) sẽ ghiền các dấu chấm tùm lum, gạch chéo / slash lạ đời khó chịu... như tôi và người xứ Huế ghiền ớt cay ở tô bún bò. 

- Về hình bìa của tập Love poems / Thơ Tình Du Tử Lê. 

Trước 75, có một nhà thơ lính chẳng nhiều người biết, những anh là một nhà thơ kaki rất phiêu bồng sảng khoái. Tôi muốn nhắc đến Nguyễn Bắc Sơn. Thơ của anh như thế này: “Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình / ăn muối đá và hăng say chiến đấu / Ta vẫn hiền khô, ta là lính cậu / Đi hành quân, rượu đế vẫn mang theo.” Tôi thích câu này: “Trong Nguyễn Bắc Sơn có kẻ làm thơ / Kẻ làm thơ đôi khi cũng biến thành du đãng / hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa.”

Ý thơ này bất chợt đến với tôi khi cầm và ngắm bìa trước, bìa sau tập thơ Love Poems / Thơ Tình Du Tử Lê. Bìa trước, hình Du Tử Lê ở trần trùng trục, mặt cô hồn. Bìa sau, Du Tử Lê áo hở ngực, mặt bơ phờ sau khói thuốc. Hai hình ảnh Du Tử Lê trước sau cuộc tình.

Mới hôm qua chuyện trò với một bà giáo Việt quen thân. Khi nhắc đến buổi nói chuyện về Du Tử Lê, bà ngắt ngang, phán một câu: nghe mấy người quen nói ông này mới viết một tập thơ gì bậy bạ lắm phải không anh? Tôi chưng hửng, nhưng hiểu ra ngay. Qua hình bìa, một số các đấng đã gắn luôn một nội dung không hề mang cho tập Thơ Tình của Du Tử Lê.

Thôi thì đề nghị Du Tử Lê cho Nguyễn Thụy Long mượn hình bìa này cho lần tái bản truyện du đãng Loan Mắt Nhung. Hoặc muốn giữ lại cho mình thì thêm vào tập thơ bài Làm Tình, Du Tử Lê mới làm đề tặng BBT., PL., và một số bạn bè. Lấy tên bài thơ này làm tựa đề cho tập thơ là tiện. 

- Ai người đọc thơ văn Du Tử Lê mai hậu.

Nếu cụ Nguyễn Du lo xa ba trăm năm sau có ai còn nhớ mà khóc cho mình, thì tôi lại lẩn thẩn hỏi: bất tri tam thập dư niên hậu / thiên hạ hà nhân độc Tử Lê? (Ba mươi năm nữa liệu còn ai hiểu để đọc Du Tử Lê?) 

Những người đọc đương đại, với trí thức và bản lĩnh về ngôn ngữ Việt và trình độ cảm quan nghệ thuật của mình còn oải khi đọc thơ văn hiện nay của Du Tử Lê, thử hỏi thế hệ con cháu chúng ta lớn lên hay sinh ra ở cõi người chắc chắn sẽ không còn đủ trình độ Việt ngữ để hiểu để cảm Du Tử Lê. Mới tháng trước đây, trong một lớp Việt ngữ Hè, khi chép câu ca dao: công cha nghĩa mẹ khôn đền, thì hầu hết các học sinh đã nhanh nhẹn và tự động sửa lại là công cha nghĩa mẹ không đền. Các em tưởng là giảng viên viết thiếu chữ “g”. Các em không hiểu được chữ khôn trong tiếng Việt.

Nửa thế kỷ với hai lần vượt trốn cộng sản vĩ đại, từ Bắc vào Nam, từ Nam ra hải ngoại, người Việt tự do đã đem theo mình một dòng văn học tự do, mang tính người với tất cả cái hay cái dở cái đúng cái sai, cái được trân trọng giữ gìn và cái tự thân đào thải. Đối nghịch là dòng văn học chuyên chế, ham hố trịch thượng, giả nhân, luôn luôn tốt, luôn luôn đúng. Chắc chắn sẽ có một ngày, xa gần chưa biết, chế độ “lệnh xé xác” CS sẽ nổ vụn tan tành, tới lúc đó khối lượng trẻ già trong nước sẽ đón nhận các tinh hoa văn chương hải ngoại, trong đó có Du Tử Lê. Được như vậy, công khó của Du Tử Lê hôm nay sẽ không là... xa xí phẩm! 

Để dứt. Nếu tập Thơ Ở Đâu Xa (Văn 90) của Thanh Tâm Tuyền chứa đựng những bài thơ hay nhất cho đến nay về người và ngày cải tạo; bài thơ dài 122 câu “Ta Về” của Tô Thùy Yên, man mác bùi ngùi, bài thơ tuyệt vời viết ngày về từ địa ngục, hậu cải tạo; thì, thơ Du Tử Lê hay nhất về mảnh đời và mảnh hồn tỵ nạn. Thanh Tâm Tuyền là người làm cuộc cách mạng thơ bằng những bài thơ tự do. Du Tử Lê cũng đang làm mới thi ca bằng chữ và dấu.

Du Tử Lê trả lời đài TNHK “tôi tự biến mình thành vật thí nghiệm. Có thể tôi thất bại. Nhưng hy vọng người khác sẽ có những nỗ lực cách tân hoàn chỉnh hơn.” Với thái độ này không thôi, cũng đủ cho tôi nói riêng với Du Tử Lê: Ta chịu Người-Cự Phách.

 

NINH HẠ-NGUYỄN ĐỨC TÂM

(Chicago, Sept., 1996.) 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21068)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15948)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17595)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10310)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18773)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5133)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1868)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2419)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2255)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23571)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20056)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8866)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9903)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9278)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12336)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31823)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21558)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26608)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24048)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22840)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20955)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18984)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20163)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17725)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16810)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25889)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33206)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35612)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,